Ai Cập bầu cử Tổng thống vòng 2 khi Quốc hội bị giải tán

Chủ Nhật, 17/06/2012, 15:50
Ngày 16/6, người dân Ai Cập tiếp tục xếp hàng dài trước các địa điểm bỏ phiếu để tham gia bầu cử Tổng thống vòng 2. Trong khi đó, chính trường lại dậy sóng trước việc Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang cầm quyền tại Ai Cập (SCAF)đã ra lệnh đóng cửa Quốc hội, theo phán quyết của tòa án Hiến pháp tối cao về việc cơ quan lập pháp này được bầu một cách vi hiến.

Trong vòng 2 của cuộc bầu cử, 50 triệu cử tri Ai Cập đủ điều kiện tham gia bầu cử sẽ được quyền lựa chọn giữa hai ứng viên là cựu Thủ tướng Ahmed Shafik (70 tuổi) và người đứng đầu tổ chức Anh em Hồi giáo Mohammed Morsy (60 tuổi).

Cuộc bầu cử sẽ diễn ra trong 2 ngày 16 và 17/6. Kết quả bầu cử sẽ được công bố chính thức vào ngày 21/6 và trước ngày 30/6, tân Tổng thống sẽ nhậm chức. Theo ghi nhận của phóng viên hãng Reuters, tâm lý chung của người dân Ai Cập lúc này là hoang mang và nghe ngóng chứ chưa dám đưa ra quyết định ngay về việc lựa chọn ứng viên nào. Nguyên do là bởi cả hai ứng viên đều có những mặt mạnh và điểm yếu. Những ai sợ tâm lý quay về chế độ của cựu Tổng thống Hosni Mubarak thì không dám bỏ phiếu cho ông Ahmed Shafik. Còn cử tri nào lo ngại về sự lớn mạnh một cách bất thường của tổ chức Anh em Hồi giáo thì lại chọn cách loại bỏ ông Mohammed Morsy.

Cử tri ôn hòa hy vọng, với sự hậu thuẫn của quân đội, Ahmed Shafik - nhân vật từng là Tướng không quân Ai Cập sẽ hạn chế được sự thao túng quyền lực của phe Hồi giáo cũng như tái lập được an ninh, trật tự, nhất là khi có thông tin tổ chức Anh em Hồi giáo đang tìm cách thâu tóm quyền lực, thậm chí nắm vai trò độc quyền trong chính phủ dân sự đầu tiên của Ai Cập và sẽ xây dựng đất nước thành một quốc gia Hồi giáo cứng rắn.

Mặt khác, họ lại lo ngại những hệ lụy nếu như thể hiện sự chống đối tổ chức Anh em Hồi giáo cũng như việc không triệt tiêu những gì thuộc về chế độ cũ. Đó là chưa kể đến việc Quốc hội bị giải tán theo lệnh của tòa án Hiến pháp tối cao – một sự kiện chính trị tác động mạnh đến toàn xã hội Ai Cập.

Tin từ hãng AFP cho hay, ngày 15/6, SCAF đã ra lệnh đóng cửa Quốc hội, theo phán quyết của tòa án Hiến pháp tối cao về việc 1/3 thành viên trong Quốc hội được bầu một cách vi hiến. Trước đó, ban thư ký quốc hội Ai Cập đã nhận được thông báo chính thức từ SCAF về việc giải tán ngay lập tức cơ quan này và trừ công nhân và phóng viên, không ai được phép vào trong tòa nhà Quốc hội. Các lực lượng an ninh đã được bố trí bảo vệ xung quanh tòa nhà.

Hiện tại, SCAF sẽ nắm quyền lập pháp và kiểm soát ngân sách nhà nước cho tới khi một Quốc hội mới được bầu ra. Trong trường hợp này, ngay cả khi kết quả bầu cử Tổng thống được công bố thì SCAF vẫn nắm giữ quyền bổ nhiệm Thủ tướng và các thành viên nội các cũng như đưa ra các quyết sách khác của nhà nước Ai Cập.

Một điểm bỏ phiếu bầu cử Tổng thống vòng 2 ở Ai Cập ngày 16/6.

Các nhà phân tích nhận định, với những diễn biến này, tương lai của người dân Ai Cập vẫn còn khá mù mịt. Nguy cơ tái khủng hoảng chính trị cũng có thể xảy ra bởi sự tranh giành quyền lực giữa các phe phái. Cho đến nay, không một đảng phái nào chấp nhận quyết định của tòa án Hiến pháp tối cao cũng như động thái từ SCAF.

Tổ chức Anh em Hồi giáo vừa giành được nhiều ghế trong Quốc hội còn bày tỏ sự tức giận khi những gì họ đạt được đã bị gạt bỏ. Vì thế, 2 ngày trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống vòng 2, tổ chức Anh em Hồi giáo càng gấp rút thực hiện các kế sách vận động bầu cử và tìm kiếm đồng minh mới. Nhiều người đang lo ngại nguy cơ cuộc bầu cử Tổng thống sẽ đẩy giai đoạn chuyển tiếp quyền lực của Ai Cập lâm vào thế bế tắc, thay vì chấm dứt thời kỳ khủng hoảng chính trị và mở ra một kỷ nguyên mới như nó đã từng được kỳ vọng.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí hôm 15/6, Mohamed ElBaradei, cựu Tổng Giám đốc IAEA cảnh báo rằng, Ai Cập có thể sẽ lại đối mặt với một nguy cơ tạo ra đế chế mới giống như những gì đã xảy ra dưới thời Tổng thống Hosni Mubarak. Quan điểm của ông Mohamed ElBaradei là một Tổng thống được bầu ra trong khi Quốc hội không có chả khác nào tạo lập một “bạo chúa” mới.

Tuy nhiên, không có bầu cử thì tình hình ở Ai Cập sẽ còn tệ hơn. Và việc bầu cử Tổng thống mới là khả năng duy nhất giúp Ai Cập dần ổn định và lấy lại vị thế của mình trong khu vực và quốc tế

Gia Nam
.
.
.