Ai Cập: 3 điều kiện hòa đàm của phe đối lập

Thứ Tư, 10/04/2013, 08:51
Sau hai ngày chìm trong bạo loạn kinh hoàng làm 7 người thiệt mạng, đường phố Ai Cập lại trở nên tĩnh lặng bất ngờ. Đại diện lực lượng đối lập, cựu Tổng Giám đốc cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Mohamed ElBaradei trong một động thái bất ngờ đã tuyên bố sẵn sàng hòa đàm có điều kiện.
>> Nguy cơ khủng hoảng chính trị tại Ai Cập

Những yêu sách của ông Mohamed ElBaradei bao gồm: thành lập một chính phủ trung lập, đáng tin và có khả năng điều hành đất nước; một tổng chưởng lý độc lập và một ủy ban riêng biệt trong việc xây dựng dự thảo luật bầu cử mới. Phát biểu tại một hội nghị kinh tế do đảng cánh tả Popular Current tổ chức, ông Mohamed ElBaradei vẫn khẳng định rằng, lực lượng đối lập không trốn tránh mà ngược lại rất háo hức khi tham gia đàm phán, làm việc cùng Tổng thống Mohamed Mursi vì lợi ích chung của người dân Ai Cập.

Ông Mohamed ElBaradei nói: “Chúng tôi mong rằng Tổng thống Mursi sẽ hiểu đây không phải thời khắc của riêng ai mà là của cả dân tộc. Chúng tôi chỉ bắt đầu đàm phán nếu 3 điều kiện này được đáp ứng”. Ông Mohamed ElBaradei là thành viên cấp cao của Mặt trận cứu quốc Ai Cập (NSF) – liên minh của các đảng Tự do đối lập mới được thành lập hồi tháng 11 năm ngoái. Mặt trận cứu quốc có những đòn bẩy rất quan trọng khi ngày càng nhiều nhóm tham gia và nỗi sợ hãi ngày càng lớn hơn của người Ai Cập về sự tiếp quản của tổ chức Anh em Hồi giáo.

Những người Ai Cập theo Cơ đốc giáo đang dự một lễ tang tại nhà thờ Saint Mark Coptic ở Cairo. Các cuộc bạo loạn ở Qalubiya hôm 6/4 đã cướp đi sinh mạng của 5 người Cơ đốc giáo và một người Hồi giáo.  Ảnh: AP.

Cho đến nay, NSF vẫn đe dọa tẩy chay cuộc bầu cử Quốc hội dự kiến diễn ra vào ngày 24/4. Và nếu trong trường hợp cuộc bầu cử được hoãn đến tháng 8 hoặc tháng 10 thì NSF cũng sẽ không nhân nhượng chừng nào yêu cầu của họ được đáp ứng.

Theo nhận định của giới quan sát, động thái mang tính chất thiện chí hơn từ lãnh đạo phe đối lập ở Ai Cập đang hé mở những cơ hội đàm phán mới giữa các bên bởi trước đó, NSF chưa bao giờ đồng ý ngồi vào bàn đàm phán và bỏ ngoài tai mọi yêu cầu khẩn nài từ phía Tổng thống Mursi. Chính thái độ bất hợp tác từ phía NSF mà thời gian vừa qua, Ai Cập đã phải chứng kiến nhiều cuộc bạo loạn đẫm máu dẫn đến bất ổn về chính trị và xã hội.

Cao ủy đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton trong cuộc gặp riêng với Tổng thống Mursi và quan chức cấp cao của NSF cũng đã kêu gọi hai bên tìm kiếm nền tảng chung và cùng đối diện với nhau để thảo luận về những gì họ quan tâm nhằm tìm kiếm giải pháp thích hợp nhất để xây dựng đất nước, phục hồi kinh tế và ổn định xã hội.

Các cuộc đụng độ giữa những người biểu tình quá khích và lực lượng an ninh Ai Cập đã diễn ra trên đường phố Cairo hôm 6/4.

Hồi tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng đã kêu gọi ông Mursi nên sớm chấp nhận một số đề nghị từ phía lực lượng xã hội để hàn gắn sự đoàn kết dân tộc. Hiện kinh tế của Ai Cập đang cho thấy nhiều dấu hiệu bất ổn và suy thoái. Yasser el-Shinny, một nhà phân tích từ International Crisis Group cho rằng, cuộc sống của người dân Ai Cập đang bị ảnh hưởng lớn do khó khăn trong việc nhập khẩu năng lượng cũng như lương thực (chủ yếu là lúa mì).

Từ nhiều năm nay, chính quyền Cairo vẫn duy trì chính sách trợ giá đối với năng lượng (diesel) và coi đó là động lực chính giúp hệ thống sản xuất tạo ra các hàng hóa giá rẻ. Tuy vậy, tình trạng tài chính yếu kém, thiếu ngoại tệ thời gian gần đây khiến hoạt động này trở nên hết sức khó khăn. Để tháo gỡ tình hình, chính quyền Tổng thống Mursi dự định sẽ trưng cầu dân ý tại kỳ bầu cử Quốc hội sắp tới.

Song, quyết định của tòa án tối cao, hoãn cuộc bỏ phiếu đến cuối mùa thu đã khiến nhiều người tin rằng Ai Cập không thể chờ đợi cho đến thời điểm đó, khi mà lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp đang tăng cao. Và như vậy, Ai Cập sẽ khó có thể đạt được thỏa thuận với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để đổi lấy khoản vay 4,8 tỷ USD để giải quyết khủng hoảng tài chính

Ngọc Khuê
.
.
.