Khủng bố vẫn là nỗi lo

Chủ Nhật, 24/01/2010, 11:30
Tính đến thời điểm đoàn nhà báo Việt Nam tháp tùng Chủ tịch nước tham dự khóa họp lần thứ 64 Đại hội đồng Liên hợp quốc, nước Mỹ đã trải qua 9 năm kể từ khi xảy ra vụ khủng bố vào tòa tháp đôi ở thành phố New York và trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ ở Washington D.C làm chết và bị thương hơn 3.000 người và san phẳng tòa tháp đôi một thời được coi là niềm kiêu hãnh của nước Mỹ.

Vụ khủng bố này được coi là một vết nhơ của nước Mỹ. Do vậy ngay sau khi xảy ra vụ khủng bố, chính quyền Mỹ đã phát động cuộc chiến truy lùng bọn khủng bố trên quy mô toàn cầu kéo nước Mỹ vào 2 cuộc chiến tranh trên quy mô lớn ở 2 quốc gia là Afghanistan và Iraq. Cả 2 cuộc chiến hao người, tốn của này cho đến nay vẫn chưa kết thúc.

Để chống khủng bố và đảm bảo an ninh cho nước Mỹ, một bộ mới nằm trong chính phủ Mỹ được hình thành, đó là Bộ An ninh nội địa. Chi phí cho hoạt động của Bộ này, mỗi năm tốn khoảng 40 tỷ USD. Các phương án phòng ngừa từ xa ngoài biên giới nước Mỹ cũng như các mục tiêu nhạy cảm như sân bay, bến cảng và các công trình quan trọng ở trong lòng nước Mỹ đều đã được tăng cường.

Tất cả các giải pháp ấy đều nhằm mục tiếu: Đảm bảo an toàn cho nước Mỹ. Vậy mà có ai ngờ, đúng vào ngày Giáng sinh năm 2009 cả nước Mỹ lại bàng hoàng về một âm mưu khủng bố mới nhằm vào chuyến bay của Hãng Hàng không Delta Airlines. Rất may do trục trặc kỹ thuật nên vụ khủng bố bất thành.

Trong một bản phúc trình gửi Quốc hội, Ủy ban An ninh và Tình báo Bộ Quốc phòng Mỹ đã khẳng định: "9 năm sau ngày xảy ra vụ khủng bố 11/9 ở New York và Washington D.C, Hoa Kỳ và đồng minh đã tiêu diệt hàng ngàn ổ khủng bố. Theo đó, hàng ngàn tên khủng đã bị tiêu diệt hoặc bị bắt sống. Rất nhiều địa điểm an toàn của chúng đã bị phá vỡ, các trung tâm huấn luyện do chúng dựng lên ở dọc theo biên giới Pakistan - Afghanistan cũng không còn. Tuy nhiên, ngay trong bản phúc trình này cũng phải thừa nhận: "Hiểm họa do Al Qaeda vẫn còn, cho dù không đủ khả năng để hoạt động như ngày xưa.

Hiện trường vụ khủng bố ngày 11/9.

Trả lời phỏng vấn tờ Nhật báo "Nước Mỹ ngày nay" vào dịp nước Mỹ làm lễ tưởng niệm các nạn nhân đã chết trong vụ khủng bố ngày 11/9/2001, Giám đốc FBI Robert Muller khẳng định: Bảo vệ an ninh quốc gia luôn là mục tiêu hàng đầu của những cơ quan đặc trách tình báo và an ninh Mỹ. Mặc dù không trả lời thẳng vào câu hỏi của nhà báo rằng: "Liệu Al Qaeda có thể mở một cuộc tấn công khác nhằm vào nước Mỹ hay không?", ông Muller nhấn mạnh: "Nguy cơ do khủng bố gây nên vẫn còn cao".

Ở một khía cạnh khác, trong một phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ, Đại tướng Jamen, cố vấn An ninh Tòa Bạch ốc, lại khẳng định: Quân khủng bố vẫn có đủ khả năng để mở những cuộc tấn công nhằm vào các quốc gia đồng minh của Hoa Kỳ, gây ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh của nước Mỹ.

Nạn nhân của chúng bây giờ, thậm chí là cả phụ nữ, trẻ em, các nhân viên đang làm việc cho các chương trình từ thiện, những người mà trước đây hầu như chúng không để ý tới. Còn Tom Fuentes, cựu phụ tá Giám đốc FBI dưới thời Tổng thống Bush thì cho rằng: Quân Al Qaeda đang nằm yên nhưng không có nghĩa là chúng chờ chết, nên chúng ta phải luôn đề phòng, coi chúng như một quả núi lửa có thể tái hoạt động bất kỳ lúc nào.

Cùng quan điểm trên, J.Green, một chuyên gia về an ninh của Hoa Kỳ nói rõ hơn: Quân khủng bố bây giờ đã thay đổi chiến lược hành động. Chúng cũng thay đổi địa điểm hoạt động, chẳng hạn như đường dây khủng bố ở Tây Ban Nha đã dời sang các nước Trung Mỹ, El Salvador hay Nicaragua. Al Qaeda thì chuyển địa điểm hoạt động sang châu Phi.

Chiến thuật của chúng luôn thay đổi. Chia sẻ với nhận định này, nhà báo Thomas đặc trách về lĩnh vực quốc phòng - an ninh của Hãng Truyền thông A.P cho rằng: Mục tiêu của bọn khủng bố bây giờ là phá hoại và chúng sẽ chẳng ngừng tìm địa điểm để ra tay hành động, bất kể nạn nhân ấy là ai khiến nhiều người phải lo sợ. Từ khi các trụ sở chính phủ và các trại lính được canh phòng kỹ hơn thì các khách sạn, và những nơi tập trung đông người được chúng đặt trong tầm ngắm. Điều này xem ra cũng dễ hiểu, bởi đặt bom khủng bố tại các khách sạn hay những cơ sở tư nhân bao giờ cũng dễ hơn các cơ sở của chính phủ.

Điều đáng nói là phần lớn các khách sạn mà chúng nhắm tới đều là những nơi có đông du khách phương Tây. Tại đây chỉ cần một vài quả bom thôi cũng đủ để chúng giết hại hàng trăm người.

Thời báo New York vừa đưa ra nhận định rằng: Cuộc chiến ở 2 quốc gia AfghanistanIraq đã làm nảy sinh một thế hệ chiến binh Hồi giáo cực đoan mới khiến cho mối đe dọa khủng bố gia tăng. Vào dịp này, một câu hỏi thường được đặt ra là "Người dân Mỹ có cảm thấy an toàn hơn sau khi Mỹ đã đổ hàng ngàn tỷ USD vào cuộc chiến chống khủng bố trên quy mô toàn cầu? Các cuộc thăm dò dư luận do Đài Truyền hình CBS và Thời báo New York phối hợp tổ chức đã cho thấy 10% số người được hỏi ý kiến trả lời: Cảm thấy an toàn hơn, trong khi đó 40% cảm thấy ít an toàn.

Anh Trần Quốc Khoa, một Việt kiều đang sinh sống và làm ăn tại thành phố New York từ hơn 30 năm nay, một nhân chứng chứng kiến vụ 2 chiếc máy bay do bọn khủng bố điều khiển tấn công vào 2 tòa tháp đôi, khi dẫn chúng tôi đến thăm công trường xây mới các tòa tháp trong khuôn viên của Trung tâm Thương mại thế giới đã cho biết:- Vụ tấn công vào tòa tháp đôi xảy ra vào ngày 11/9/2001 đến nay đã trải qua 9 năm, song vẫn là nỗi ám ảnh nặng nề với nhiều người dân ở thành phố này. Nhiều địa danh ở New York, ngày trước đông vui, sôi động là thế, vậy mà giờ đây vắng lặng. Nhiều người dân New York dường như đã từ bỏ thói quen tụ tập ở các khu vực công cộng, đặc biệt là ở các địa danh nhạy cảm.

Còn chị Tâm, vợ anh Khoa thì lại đưa ra một cách lý giải khác. Chị bảo: Trong dịp bầu cử Tổng thống Mỹ năm trước, bản thân chị rất muốn bỏ phiếu ủng hộ bà Hillary Clinton, song khi đưa ra trao đổi với những người đồng nghiệp Mỹ, họ khuyên chị nên bỏ phiếu cho ông Obama. Lý do mà các đồng nghiệp Mỹ đưa ra là Obama là người da màu dễ thu hút sự cảm tình của những người theo đạo Hồi hơn và như vậy hy vọng làm cho nước Mỹ an toàn hơn. Nhận thấy lời giải thích của các bạn Mỹ có lý, chị quyết định bỏ phiếu cho ông Obama tại cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ.

Tiếp tục những nỗ lực

Điều mà anh Khoa và chị Tâm lý giải xem ra phù hợp với những nỗ lực chống khủng bố của chính quyền ông Obama. 9 năm sau khi vụ khủng bố xảy ra, Nhà Trắng đã đổi chủ, nhưng mục tiêu đảm bảo cho nước Mỹ an ninh và an toàn vẫn là mục tiêu bất di, bất dịch. Ngay sau ngày nhậm chức, Tổng thống Barack Obama đã khẳng định với người dân Mỹ rằng: "Không để yên cho quân khủng bố có cơ hội hành động và sẽ đánh bại quân Al Qaeda".

Bước đi tiếp theo của ông Obama là đọc bài diễn văn quan trọng vào mùa hè năm nay về mối quan hệ mới với cộng đồng Hồi giáo, kêu gọi họ không nên cộng tác với các phần tử khủng bố. Nhưng rất tiếc, ngay sau lời phát biểu của ông Obama, các tổ chức khủng bố và các phần tử cực đoan trong thế giới Hồi giáo đã phản kích lại bằng những lời lẽ phản bác lời kêu gọi của người đứng đầu Nhà Trắng.

Bà Catherine Herridge, một chuyên gia về Trung Đông cho biết: "Liên tục cả tháng trời sau ngày Tổng thống Obama đọc bài diễn văn lịch sử ở thủ đô Cairo (Ai Cập), tất cả các mạng lưới điện toán của các phần tử quá khích và tổ chức Al Qaeda đều lớn tiếng kêu gọi cộng đồng Hồi giáo trên thế giới đừng nghe những gì mà ông Obama nói, đừng vội tin vào những lời hứa hẹn sẽ thay đổi mà ông Obama đã cam kết.

Còn các chuyên gia tình báo, an ninh Hoa Kỳ thì cho rằng: Các tin tức mà họ thu thập được cho thấy lời kêu gọi của Tổng thống Obama không đưa lại kết quả như mong muốn. Sau rất nhiều nỗ lực tấn công vào các tổ chức khủng bố, chặn đứng hầu hết các đường dây tiếp tế tiền bạc cho quân khủng bố, kể cả phá vỡ những đường dây buôn lậu ma túy… các tổ chức khủng bố của Al Qaeda giờ đây đang ở trong thế chống đỡ, trốn tránh các cuộc hành quân, truy lùng gắt gao của quân đội Mỹ và đồng minh, chúng cũng không dám xuất đầu lộ diện như chúng đã từng làm.

Tuy nhiên, quân khủng bố của Taliban ở Afghanistan vẫn nhận được tiếp tế từ một số nước Hồi giáo ở vịnh Ba Tư. Số tiền mà các nước này trợ giúp Taliban vượt qua con số 80 triệu USD mà chúng thu được hàng năm qua buôn bán ma túy. Các nhân viên an ninh Hoa Kỳ cũng thường xuyên nhắc nhở mọi người rằng: Al Qaeda có thể phải ngừng hoạt động, nhiều lãnh đạo cao cấp của chúng đã bị bắt hoặc bị tiêu diệt, nhưng không phải vì thế mà hiểm họa khủng bố đã hết hoặc giảm bớt.

Một quan chức Nhà Trắng yêu cầu giấu tên gọi bọn khủng bố là "kẻ thù ngoan cố, chẳng bao giờ chúng từ bỏ hành động giết người". Do vậy để tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố, theo các chuyên gia quân sự Hoa Kỳ thì chính quyền Mỹ phải tiếp tục đưa thêm quân đến Afghanistan. Vì đây là mặt trận chính của cuộc chiến khủng bố.

Tuy nhiên, yêu cầu này lại không nhận được sự ủng hộ của người dân Mỹ. Giáo sư Bruce Hoffman, một nhà nghiên cứu về hoạt động khủng bố ở Đại học Georgetown tại thủ đô nước Mỹ cho rằng: Cuộc chiến chống khủng bố đã kéo dài 9 năm khiến cho người dân mệt mỏi, đồng thời số tiền mà chính phủ đã chi cho cuộc chiến này cùng với hàng ngàn binh sĩ Mỹ tử trận tại các chiến trường Afghanistan và Iraq khiến cho người dân Mỹ hết kiên nhẫn.

Nhiều người dân có cảm giác rằng, chính phủ đang cố tình làm lớn hiểm họa khủng bố để tiếp tục theo đuổi cuộc chiến. Giáo sư Hoffman còn phân tích: Nếu Hoa Kỳ rút khỏi Afghanistan ngay lúc này, bọn khủng bố quốc tế sẽ không bỏ lỡ cơ hội để tìm đường mở cuộc tấn công quy mô lớn nhằm thẳng vào nước Mỹ.

So sánh sự khác biệt giữa cuộc chiến ở Việt Nam trước đây và cuộc chiến của Hoa Kỳ tại Afghanistan, ông bảo: "Khi Hoa Kỳ phải rút khỏi các nước ở Đông Dương, Việt cộng không đuổi theo sang tận nước Mỹ để đánh chúng ta; trong khi đó cuộc chiến ở Afghanistan thì khác. Quân khủng bố ở đây sẽ đuổi theo chúng ta đến cùng".

Theo Giáo sư Hoffman thì rõ ràng vụ bọn khủng bố tấn công vào tòa tháp đôi ở New York và tòa nhà của Bộ Quốc phòng Mỹ ở thủ đô Washington ngày 11/9/2001 đã làm thay đổi nếp sống cũng như sự suy nghĩ của người dân Mỹ. Điều mà Giáo sư Hoffman vừa nêu khiến người ta nhớ lại những lời phát biểu của cựu Tổng thống George W.Bush trong buổi họp báo cuối cùng trước khi rời Nhà Trắng rằng: "Sáng nào tôi cũng được thông báo về tình hình an ninh quốc gia và có những lần tôi dựng tóc gáy khi nhận được báo cáo về những ý đồ của quân khủng bố định làm".

Thế là rõ, ám ảnh về khủng bố không chỉ là nỗi lo của dân chúng Mỹ mà còn là nỗi lo thường trực trong giới chính quyền chóp bu ở nước Mỹ. Vào lúc người Mỹ tưởng niệm 9 năm ngày xảy ra vụ khủng bố 11/9 bi thảm, ngay cả người Mỹ vẫn chưa có gì chắc chắn trước câu hỏi: Cuộc chiến tranh ở Afghanistan sẽ còn kéo dài bao lâu nữa? Có điều chắc chắn rằng: Cuộc chiến tranh của ông Bush đã trở thành cuộc chiến tranh của ông Obama

L.V.
.
.
.