Kỷ niệm lần làm phim “Cái chết mang tên một loài cây”

Thứ Tư, 06/11/2019, 15:47
Từ phóng sự "Cái chết mang tên một loài cây", Công an huyện Điện Biên Đông đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng một đề án về phòng ngừa, ngăn chặn nạn tự tử bằng lá ngón trên địa bàn huyện, đối tượng chính của đề án là thanh, thiếu niên người địa phương.


Mỗi kỳ liên hoan phim truyền hình CAND thực sự là ngày hội của những người làm báo hình, để có những “đứa con tinh thần” hoàn mỹ nhất phải mất nhiều công sức, trí tuệ của cả một tập thể ròng rã cả 2 năm trời, trong đó có cả những giọt nước mắt... 

Kỳ Liên hoan Truyền hình, Phát thanh CAND lần thứ XIII do Cục Truyền thông CAND tổ chức, diễn ra vào tháng 9-2019 thành công rực rỡ với nhiều tác phẩm chất lượng, ghi dấu ấn đặc biệt đã khiến tôi nhớ về một kỷ niệm khó quên.

Sự trùng hợp thú vị

Có lẽ sự kiện làm cánh tuyên truyền công an các địa phương “xốn xang” nhất là các kỳ liên hoan phim (LHP) truyền hình CAND. Ngoài công tác chuẩn bị thì đi dự LHP là một dịp gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, giao lưu với nhà báo giỏi và cánh làm truyền hình của công an các địa phương. 

Năm 2019 LHP Truyền hình CAND có thâm niên 12 lần tổ chức và thành công tốt đẹp. Ban giám khảo đã chọn trong tổng số 520 tác phẩm của 77 đoàn để trao 48 huy chương vàng, 107 huy chương bạc và 186 bằng khen; 7 phát thanh viên, người dẫn chương trình truyền hình đạt giải A, 14 giải B và 21 giải C...

Trước khi về Báo CAND, tôi có 13 năm “ôm máy” ở Phòng Công tác chính trị Công an tỉnh Điện Biên, được tham gia 4 kỳ LHP truyền hình tại Đà Lạt, Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh và kỳ LHP nào cũng thế, đều để lại cho chúng tôi những kỷ niệm đẹp, cả những bài học kinh nghiệm xương máu về nghề, tiếp tục thắp sáng ngọn lửa đam mê nghề báo, gian nan nhưng cũng rất đỗi tự hào.
Nhóm Phóng viên trực tiếp thực hiện phóng sự tại bản Phủ Lồng B, xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông.

Kinh nghiệm cho thấy, để giành giải vàng phải có nhiều tiêu chí nhưng điều đầu tiên vẫn phải kiếm được đề tài “độc”. LHP Truyền hình CAND 2 năm tổ chức một lần nên sau khi kết thúc một kỳ liên hoan, phóng viên của phòng công tác chính trị công an các địa phương bắt đầu "ủ mưu" cho kì LHP 2 năm tiếp theo và tất nhiên phải bí mật đề tài cho đến tận khi nộp băng cho ban giám khảo.

Hồi đang công tác ở Công an tỉnh Điện Biên có một trùng hợp khá thú vị mặc dù không chia sẻ, bí mật tuyệt đối nhưng phim của Công an Điện Biên và Công an Lào Cai rất hay gặp nhau về đề tài. Có năm Công an tỉnh Điện Biên làm phim "Chết vì thủy điện nhỏ" thì Công an Lào Cai có "Thủy điện nhỏ, nguy hiểm lớn". 2 năm sau Điện Biên có phóng sự "Nỗi lo súng tự chế", Lào Cai đáp lại "Hiểm họa súng kíp". Kỳ LHP tiếp theo, Điện Biên làm phim về nạn tự tử bằng lá ngón với cái tên mĩ miều "Cái chết mang tên một loài cây" thì Lào Cai lại cũng có "Hiểm họa lá ngón"...

Những góc quay rơi lệ

Chúng tôi còn nhớ năm 2004, nhóm phóng viên Phòng Công tác chính trị đi công tác huyện Điện Biên Đông (Điện Biên). Trong khi làm việc, Thượng tá Hà Thế Quân, Trưởng Công an huyện ta thán trên đó nổi lên nạn tự tử bằng lá ngón. 

6 tháng đầu năm có hơn 40 vụ tự tử bằng lá ngón, tháng cao điểm có đến 10 vụ. Nạn nhân hầu hết là thanh niên, cá biệt có cả thiếu niên và chủ yếu là người dân tộc Mông. Những cái chết chẳng đâu vào đâu, vừa đáng thương vừa đáng trách, chị thấy em lấy chồng trước cũng ăn lá ngón chết, bị bố mẹ mắng cũng vào rừng nhai lá, vợ bị chồng nói nặng lời cũng quyên sinh. Nhiều vụ chị em trong một gia đình rủ nhau cùng lên núi ăn lá ngón chết rất đau lòng.

Cây lá ngón xuất hiện ở khắp các cánh rừng, thậm chí là trong vườn hay ở sau nhà. Ngộ độc lá ngón rất khó cứu chữa bởi có một thực tế là người tự tử thường vào rừng tìm lá để ăn, nếu may mắn được phát hiện thì do đường sá xa xôi, đò giang cách trở người ta không kịp đến bệnh viện để cứu một mạng người sau nhiều giờ. 

Theo tổng kết của Công an huyện Điện Biên Đông, vấn nạn này có nhiều nguyên nhân nhưng tựu trung do trình độ dân trí còn hạn chế cộng với những hủ tục lạc hậu, mâu thuẫn nội bộ gia đình, họ hàng, dòng tộc. Người Mông là dân tộc có lòng tự trọng rất cao, chỉ vì những mâu thuẫn rất nhỏ song do nhận thức và quan niệm người ta có thể tự tìm đến cái chết, một cách giải thoát rất tiêu cực, đau lòng...

Dùng lá ngón để tự tử - vấn nạn một thời ở vùng cao.

Một hôm, Thượng tá Quân điện thoại giọng gấp gáp: "Lại vừa có một thanh niên ăn lá ngón, khả năng không chữa được, lên ngay". Trời hôm đó mưa rất to, tôi và Dương Thành Trung (giờ là Trung tá, Đội trưởng Tuyên truyền - Thi đua Công an tỉnh Điện Biên) vội vã “ôm” máy phóng mô tô lên xã Pú Nhi. Hồi đó đường vào Pú Nhi rất gian nan, đường đất gặp mưa nên trơn nhẫy, vừa đi vừa đẩy phải mất gần 2 tiếng mới lên được bản Phủ Lồng B. 

Nạn nhân là Hạng A Chu (19 tuổi). Nguyên nhân tự tử rất kỳ quặc, nghĩ vừa thương vừa giận. Hạng A Chu mới kết hôn với cô vợ 16 tuổi. Hôm đó, cô vợ trẻ con nhớ nhà đòi về nhà bố mẹ đẻ chơi nhưng anh ta không đồng ý. Hai bên xảy ra xích mích, cãi cọ, Chu tức khí ra sau nhà vặt lá ngón ăn tự sát. Lúc chúng tôi lên, Hạng A Chu nằm giữa nhà, miệng vẫn còn sủi bọt...

Hai anh em ở lại bản Phủ Lồng 3 ngày để quay đủ hình cho đến lúc đưa Hạng A Chu ra nghĩa địa. Phong tục người Mông một số nơi để người chết lên cáng treo ngang tường chính giữa cửa ra vào. Dưới để một xô đựng cơm, một xô đựng thịt. Người đến viếng nhón cơm và nhặt miếng thịt gí vào miệng người chết, thấy cơm thịt rơi ra (có nghĩa anh ta chết thật) thì khóc lóc, kể lể một hồi rồi ra sân ngồi vào mâm ăn cơm chia buồn với gia đình.

Tác giả gặp gỡ các nhân chứng trong một vụ tự tử bằng lá ngón.

Sau vụ tự tử ở Phủ Lồng B, nhóm phóng viên chúng tôi còn chứng kiến thêm 3 vụ việc đau lòng khác ở bản Xa Dung B và bản Pá Uổi, xã Xa Dung, trong đó có vụ 3 thiếu nữ là chị em ruột và một em họ buồn chuyện gia đình cùng ăn lá ngón quyên sinh. Khi quay những thước phim ấy, chúng tôi đã rơi lệ. Đến lúc làm hậu kỳ bộ phim, phát thanh viên và cả cán bộ kỹ thuật cũng đều không kìm được nước mắt vì chứng kiến những cái chết tức tưởi, đau đớn...

Ngăn chặn những cái chết thương tâm

Trong quá trình thực hiện phóng sự “Cái chết mang tên một loài cây”, nhóm phóng viên đã gặp nhiều cảnh, nhiều trường đoạn đau xót, gặp những cái chết không đáng có và lẽ ra có thể ngăn chặn được. Chính vì thế, trong bộ phim, ngoài việc phản ánh thực trạng, nhóm làm phim đi sâu vào tìm nguyên nhân, để từ đó đề xuất các giải pháp (qua các chuyên gia, cán bộ công an, chính quyền, đoàn thể quần chúng) nhằm phòng ngừa, ngăn chặn nạn tự tử bằng lá ngón ở huyện Điện Biên Đông nói riêng và các tỉnh miền núi nói chung.

Năm đó, phóng sự "Cái chết mang tên một loài cây" được “đem chuông đi đấm xứ người”, dự LHP Truyền hình CAND lần thứ VI ở Hải Phòng, giành thêm Huy chương vàng, kèm theo tiền thưởng 5 triệu đồng. “Rước” vàng về, nhóm phóng viên được Giám đốc, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tặng giấy khen. 

Quan trọng hơn, từ phóng sự truyền hình này, Công an huyện Điện Biên Đông đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng một đề án về phòng ngừa, ngăn chặn nạn tự tử bằng lá ngón trên địa bàn huyện, đối tượng chính của đề án là thanh, thiếu niên người địa phương. 

Nhóm giải pháp chính vẫn là phải làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, hướng thanh thiếu niên vào những sinh hoạt lành mạnh, tránh những suy nghĩ, hành động tiêu cực, giúp họ vơi đi nỗi niềm u uất, những khổ đau dằn vặt và sự tuyệt vọng trước khi họ tìm đến một loài cây. 

Và trong thực tế, từ năm 2009 đến nay, số vụ tự tử bằng lá ngón ở Điện Biên Đông đã giảm đáng kể, điều đó khiến những người làm phim hạnh phúc nhất...

Vũ Mạnh Hà
.
.
.