Đừng bao giờ để mất phẩm chất công nhân

Thứ Hai, 23/05/2016, 09:15
Đó là lời Bác Hồ dạy mà người nữ đại biểu Quốc hội khóa II trẻ nhất không bao giờ quên. Bà Trương Thị Len, 78 tuổi, hiện trú tại phường Nghĩa Xá, quận Lê Chân, TP Hải Phòng, Tổ trưởng của Tổ lao động XHCN đầu tiên của miền Bắc trong những năm 50, 60 của thế kỷ XX. Bà từng nhiều lần vinh dự được gặp Bác Hồ. Bà Len luôn khắc ghi, phấn đấu làm theo những lời dạy của Bác. Đồng thời, bà còn là tấm gương về lao động, sáng tạo, cống hiến trong công việc và giàu lòng nhân ái.

Bà Trương Thị Len sinh ra trong một gia đình công nhân tại TP Hải Phòng. Năm 17 tuổi, bà Len vào làm công nhân tại phân xưởng máy đá của Nhà máy Xi măng Hải Phòng. Năm 1957, sau 2 năm làm việc, bà Len được tín nhiệm phân công làm Tổ trưởng Tổ đá nhỏ ca A. Ngày 30-5-1957, lần đầu tiên bà Len được gặp Bác Hồ trong dịp Người về thăm Nhà máy Xi măng Hải Phòng. 

Bà Len nhớ lại: “Lúc ấy, mọi người đứng quây quần quanh Bác, Người ân cần nói: “Bây giờ các cô chú phát biểu đi”. Mọi người ai cũng cảm động nên không nói được gì. Thấy thế, anh Nghi - Bí thư Đoàn thanh niên nhà máy nói: “Dạ, thưa Bác…” thì Bác bảo ngay: “Bác có hỏi chú đâu mà chú nói!”. Bác biết anh Nghi là cán bộ, trong khi Bác muốn lắng nghe tâm tư của những công nhân bình thường. 

Rồi Bác dặn dò, giọng Bác ấm áp, mọi người chăm chú lắng nghe từng lời của Người: “Nhà máy Xi măng Hải Phòng trước đây là của thực dân, bây giờ là của các cô các chú. Người công nhân trước đây là người làm thuê cho tư bản, bây giờ là người làm chủ đất nước, phải xứng đáng với vai trò của mình... Bây giờ, các cô các chú phải nhanh chóng sửa chữa thiết bị, máy móc, phục hồi sản xuất, làm ra thật nhiều xi măng cung cấp cho thành phố và cả nước đang rất cần xi măng để hàn gắn vết thương chiến tranh do địch để lại”.

Lời Bác dạy đã trở thành động lực to lớn cho bà Len và cán bộ công nhân Nhà máy Xi măng Hải Phòng. Làm theo lời Bắc, bà Len rất hăng say, nhiệt tình trong lao động, có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật quan trọng, góp phần tăng năng suất của cá nhân và toàn tổ lên đến 200%. Trong 3 năm liền (từ 1957 đến 1959), bà Len là Chiến sĩ thi đua của nhà máy. Năm 1959, bà Len được Nhà nước trao tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Huân chương Lao động hạng ba và Huy hiệu Bác Hồ. 

Bà Trương Thị Len.

Tại Đại hội Anh hùng và Chiến sỹ thi đua toàn quốc năm 1959, bà Len vinh dự được gặp và nghe Bác Hồ nói chuyện. Tổ đá nhỏ ca A do bà Len làm tổ trưởng trở thành một điển hình, được công nhận là Tổ lao động XHCN đầu tiên, cánh chim đầu đàn của phong trào tổ, đội lao động XHCN toàn miền Bắc thời điểm đó.

Năm 1960, khi mới 22 tuổi, bà Len vinh dự là đại biểu trẻ nhất tại Quốc hội khóa II và nhiều lần được gặp Bác. Trong kỳ họp đầu tiên, bà Len được cử mang hoa lên tặng Bác Hồ. Bà Len nhớ rất rõ lúc được đọc tham luận trong một buổi Bác Hồ điều khiển hội nghị, trong đó có đề nghị những văn bản đưa đến công nhân cần ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với trình độ chung. 

Khi bà Len đọc xong, Bác Hồ đứng lên, tóm tắt ý kiến của bà và căn cứ vào đó, yêu cầu các bộ, ngành khi ra văn bản, chỉ thị, nội dung tránh văn hoa dài dòng, để công nhân có thể tiếp thu được. Đồng thời, Bác nhắc các bộ, ngành tạo điều kiện cho công nhân học tập, nâng cao trình độ.

Năm 1963, nhân dịp kỷ niệm ngày sinh của Bác Hồ, Trung ương Đoàn tổ chức đoàn đại biểu Quốc hội trẻ tuổi thay mặt thanh niên cả nước đến chúc thọ Bác tại Phủ Chủ tịch. Đoàn cử bà Len là đại biểu trẻ nhất, đại diện cho đoàn phát biểu mừng thọ Bác. Bà Len nhớ lại: “Đến nơi, Bác thân mật bảo chúng tôi ngồi xung quanh và Bác ân cần hỏi chuyện từng người. Trong không khí ấm cúng ấy, tôi mạnh dạn đứng lên thưa với Bác: “Thưa Bác, hôm nay mừng thọ Bác 73 tuổi, chúng cháu thay mặt thanh niên cả nước kính chúc Bác sống lâu muôn tuổi…” rồi xúc động nghẹn ngào không nói nên lời. Bác cười hiền từ nói: “Các cháu yên tâm, năm nay Bác đã 73 tuổi nhưng vẫn còn đủ sức để cùng các cháu thi đua làm việc cho cách mạng”. Sau đó Bác đọc câu thơ: Bảy mươi ba tuổi vẫn còn xuân/Sức khỏe còn nhiều phục vụ dân”.

Thời kỳ bà Len được cử đi học Trường Công đoàn Trung ương (1962 đến 1965), trong dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh 2-9-1964, bà Len được mời dự lễ mít tinh. Buổi lễ kết thúc, bà Len cố nán lại để mong được gặp Bác. Bà xúc động kể, mắt ánh lên niềm vui: “Khi Bác ra tiễn các đoàn ngoại giao, trông thấy tôi, Bác nhận ra ngay và hỏi: “Bé Len ở Hải Phòng mới lên à?”. Cảm động vì được Bác nhớ tên và còn gọi là “bé Len”, trong khi tôi chưa kịp trả lời thì đồng chí Trường Chinh nói: “Thưa Bác, dạo này cô Len đang học ở Trường Công đoàn Trung ương”. Bác gật đầu cười: “À, thế là làm cán bộ rồi đấy!”. “Dạ, thưa Bác… không ạ!”. Tôi bối rối chưa biết trả lời sao thì Bác lại hỏi: “Tại sao không?” rồi Bác nói tiếp: “Bác mừng cho cháu tiến bộ. Làm cán bộ nhưng đừng bao giờ để mất chất công nhân, cán bộ phải gương mẫu, chí công, vô tư”. Bà Len thưa với Bác xin ghi nhớ lời Bác căn dặn, mãi mãi là cán bộ, đảng viên gương mẫu. Ghi nhớ lời căn dặn của Bác, trong quá trình công tác đến sau khi về hưu, bà Len luôn luôn thực hiện theo lời Người dạy.

Sau khi học xong Trường Công đoàn Trung ương, bà Len trở về với nhà máy. Trong 17 năm liên tiếp, bà Len đều là Chiến sỹ thi đua của nhà máy, được tặng danh hiệu “Cán bộ quản lý giỏi”, 4 Bằng Lao động sáng tạo và nhiều Bằng khen của Hội đồng Bộ trưởng, Bộ Xây dựng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam... Sau khi về hưu, bà Len tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương. Trong 10 năm qua, bà Len là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Nghĩa Xá, vận động giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, tuy sức khỏe giảm sút, Bà Len vẫn tiếp tục công việc, tiếp sức cho những người bất hạnh.

Đăng Hùng
.
.
.