Đảo Rều "vương quốc của loài khỉ"

Thứ Sáu, 05/02/2016, 10:56
Trong tiết trời se lạnh của những ngày cận kề năm Bính Thân, chúng tôi đến đảo Rều, đại bản doanh của Trung tâm nghiên cứu sản xuất vaccin và sinh phẩm y tế, Bộ Y tế. Đây là khu vực duy nhất tại Việt Nam nuôi khỉ vàng để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học.

Sau gần 10 phút đi xuồng, chúng tôi đã đặt chân lên “Vương quốc của loài khỉ”. Bác sỹ thú y Vũ Công Long, Trại trưởng trại chăn nuôi khỉ vui vẻ đón chúng tôi. Vị “Chúa đảo” vừa dẫn chúng tôi đi quanh đảo, vừa giới thiệu về hòn đảo đặc biệt này. Trước đây, khu vực này là đảo hoang, chỉ có một số cư dân từ đất liền đến khai hoang canh tác trồng ngô, khoai, sắn. Năm 1960, đảo Rều được Bộ Y tế đầu tư xây dựng thành trại nuôi khỉ để thử nghiệm, nghiên cứu, chiết xuất vaccin phòng chống một số bệnh ở trẻ em như: bại liệt, viêm gan A, tiêu chảy, viêm đường hô hấp và thuốc phòng chống H5N1. 

Đảo Rều có diện tích 22ha, cách cảng Vũng Đục (phường Cẩm Đông, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) khoảng 3km. Công tác vệ sinh phòng dịch cho khỉ luôn được đề cao. Đảo không đón khách du lịch. Khỉ có cơ thể sinh học gần giống con người nên rất dễ lây nhiễm các căn bệnh của người. Nếu khỉ mắc bệnh sẽ không thể chiết được vaccin. Khỉ trên đảo sống bán hoang dã, nếu xuất hiện đông người trong thời gian dài khỉ sẽ sợ hãi và bỏ đi đảo khác. Do đó, các tàu thuyền của ngư dân phải đậu cách đảo 150m.

Hiện trên đảo Rều có khoảng 1.000 con khỉ được nuôi dưỡng trong một sinh cảnh bán hoang dã. Loài khỉ sống trên đảo là giống khỉ lông vàng Đông Nam Á đuôi ngắn, tên khoa học là Macaca Mulallata. Loài khỉ vàng này có cơ thể tương đối sạch, ít bị nhiễm các mầm bệnh so với các loài khỉ khác. Chỉ có tế bào thận của khỉ vàng mới điều chế được vaccin. Khi nghiên cứu thành công, vaccin được thực hiện trên người. Sau “mùa tình yêu”, số lượng khỉ trên đảo lại có thêm khoảng 300 thành viên mới. 

Khỉ thường sống theo đàn khoảng 30 - 50 con/đàn. Mỗi đàn có một con đầu đàn gọi là khỉ chúa. Khỉ chúa là con khỉ đực, to lớn và có sức khoẻ nhất trong đàn. Để lựa chọn khỉ chúa, các chú khỉ trải qua những cuộc tỷ thí. Kẻ chiến thắng thống lĩnh, có nhiệm vụ bảo vệ cả đàn. Khỉ chúa có quyền sở hữu bất kỳ con khỉ cái nào mà nó thích. Mỗi khỉ chúa thường sở hữu 10 - 12 khỉ cái... Khỉ chúa thường ăn trước cả đàn. Khi phát hiện khỉ của đàn khác đến quấy phá, khỉ chúa canh cho cả đàn ăn xong rồi ăn sau cùng. Khỉ chúa rất hung dữ, một số nhân viên trên đảo từng bị khỉ cắn gây thương tích.

Việc phòng dịch ở đảo khỉ được coi trọng hàng đầu, không để dịch bệnh lây nhiễm sang khỉ. Nếu có dịch bệnh sẽ ảnh hưởng đến việc nghiên cứu vaccin. Mỗi tháng một lần, các nhà khoa học Trung tâm nghiên cứu sản xuất vaccin và sinh phẩm y tế, Bộ Y tế đến kiểm tra, lấy huyết thanh, cho uống, tiêm thử vaccin cho khỉ. Công việc của các cán bộ ở đây tưởng như đơn giản nhưng có vai trò rất quan trọng. Nếu để xảy ra sai sót hoặc nhầm lẫn sẽ dẫn đến thất bại trong nghiên cứu vaccin. Mỗi lần thử nghiệm vaccin, nhân viên sẽ lựa chọn từ 30 - 50 con khỉ, từ 1 - 1,5 tuổi, cân nặng từ 2 - 2,5 kg, khỏe mạnh, không bị nhiễm bệnh. 

Trong khi nghiên cứu vaccin, khỉ được tiêm, chăm sóc, nuôi nhốt theo dõi cẩn thận. Hàng vạn con khỉ thầm lặng hiến thân để thử nghiệm, sản xuất hàng triệu liều vaccin phòng chống bại liệt, viêm gan A, bệnh tiêu chảy ở trẻ em, viêm đường hô hấp và thuốc phòng chống H5N1 giúp ngăn ngừa dịch bệnh. Trên đảo dựng một phiến đá ở vị trí trung tâm “Đảo Khỉ, nơi chăn nuôi và cung cấp khỉ vàng Macaca Mulatta cho nghiên cứu y học và sản xuất vaccin”.

Đảo Rều duy trì chế độ chăn nuôi khỉ sạch, ăn uống đảm bảo dinh dưỡng. Hằng ngày từ 9h đến 14h, nhân viên nấu, dọn “cơm” cho khỉ ăn. Thức ăn gồm: cơm gạo lứt trộn đậu đen hoặc đậu tương, lạc nhân và một chút muối. Trung bình 2 lần/tuần, thực đơn của khỉ được bổ sung thêm món tráng miệng là các loại củ quả tươi mùa nào thức nấy như: ổi, mía, khoai lang, chuối… Nhà ăn của khỉ gồm 1 dãy nhà có mái che, nền lát gạch đá hoa sạch sẽ và thoáng mát. Khỉ sống bán hoang dã, không thích gần người. Có mặt ở đảo Rều, chúng tôi chứng kiến khi tiếng kẻng báo hiệu đến giờ ăn, hàng trăm con khỉ từ trên cây nhảy xuống, từ dưới đất đồng loạt nhao lên, tranh giành nhau thức ăn chí nhóe, huyên náo cả đảo.

Chị Nguyễn Thị Hà, cán bộ thú y làm nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, khám chữa bệnh cho khỉ trên đảo Rều kể lại cho chúng tôi nghe những câu chuyện cảm động về tình cảm của loài khỉ. Cách đây hơn chục năm, cán bộ đảo Rều định tách bớt đàn khỉ ra đảo Đá cách đảo Rều khoảng 1 km. Ở đó có nhiều cây xanh và nơi cho khỉ ăn. Khi trời tối, một con khỉ đực được đưa đến đảo mới tách ra khỏi đàn, chạy ra mép đảo tru gọi về phía đảo Rều. Từ bên đảo Rều, khỉ cái chạy ra mép đảo đáp lại. Đến đêm, khỉ đực liền lao từ đảo Đá xuống biển bơi về đảo Rều. Phía bên kia, khỉ cái cũng nhảy xuống nước bơi ngược lại. Đến sáng sớm khi nhân viên đi xuồng tuần tra thì thấy đôi khỉ này đang ôm nhau dưới nước. Họ vớt đôi khỉ này lên bờ rồi thả ra. Ngay lúc đó, đôi khỉ liền leo lên cây rồi lại ôm nhau rất âu yếm. Sau đó, nhiều con khỉ khác trên 2 đảo cùng kêu gào suốt đêm gọi bạn tình. Lo sợ khỉ nhảy xuống nước bơi về đảo bị chết đuối hoặc bị bắt trộm, các cán bộ trên đảo đành huỷ kế hoạch “chia ly đàn khỉ” đưa chúng về sống chung đến ngày nay.

Ngoài ra, khỉ cái sẵn sàng chết để bảo vệ con mình. Mấy năm trước, trên đảo nuôi một con chó berger lớn. Khi con chó đang ngủ, khỉ từ trên cây nhảy xuống kéo đuôi trêu chọc, con chó giật mình thức giấc, đàn khỉ bỏ chạy hết. Đúng lúc đó, 2 mẹ con khỉ đi qua, con chó tưởng mẹ con khỉ trêu liền nhảy vào cắn. Khỉ mẹ bị bất ngờ chỉ kịp nằm sấp dùng tấm thân che cho con. Khi các cán bộ của đảo chạy đến gỡ con chó ra thì khỉ mẹ đã chết nhưng bảo vệ được con mình. Chú khỉ con mất mẹ này được nuôi dưỡng đặc biệt, trở nên thân thiết với con người.

Trưởng đảo Vũ Công Long cho biết, trên đảo Rều hiện có 14 cán bộ làm việc, trong đó có 4 cặp vợ chồng. Một số đôi vợ chồng tình nguyện gắn bó với đảo khỉ như: bác sỹ, Phó đảo Nguyễn Huy Phương ra đảo từ năm 1994; vợ chồng anh Phạm Minh Tuấn - Nguyễn Thị Hà gần 20 năm bám đảo. Trên đảo chưa có trường học nên các cháu chỉ ở với bố mẹ đến 5 tuổi rồi vào đất liền ở với người thân để đi học… Mỗi đôi vợ chồng được cấp một gian nhà, các chi phí hoạt động phải tự lo. Hiện nay, nhà trên đảo đều được làm mái bằng, giăng lưới “mắt cáo” khắp các cửa sổ, cửa ra vào để phòng chống khỉ đột nhập. Khỉ rất thích ăn trứng gà nên nhà nào nuôi gà phải có lồng sắt. Quần áo của nhân viên giặt phơi phải trông chừng, nhất là quần áo mầu sặc sỡ. Đất trên đảo khá màu mỡ nhưng không trồng được rau vì bị khỉ nhổ. Khỉ rất “tinh quái”, chúng thường trèo lên cây, “rình” trước cửa  nhà. Do đó, quần áo, đồ đạc phải được cất cẩn thận. Có lần, khách để quên điện thoại đi động trên bàn, khỉ cuỗm mất mang đi. Đến khi nghe tiếng chuông reo thì mới phát hiện khỉ đang cầm điện thoại lơ lửng trên cây. Nhân viên trên đảo không thể sản xuất tăng gia rau quả vì luôn bị đàn khỉ phá nát. Mọi thứ đều phải chuyển bằng xuồng máy từ đất liền ra. Trên đảo chưa có điện lưới. Nguồn điện được lấy từ máy phát (từ 18h - 22h hằng ngày). Cuộc sống trên đảo tuy khó khăn thiếu thốn nhưng mọi người sống với nhau rất tình cảm.

Sau một ngày trên đảo, tôi trở về đất liền. Nhìn từ xa, đảo Rều hiện lên xanh thẳm giữa trùng khơi. Nơi đây có những con người âm thầm lặng lẽ chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ đàn khỉ để phục vụ cho công tác y tế, cứu người.

Đăng Hùng
.
.
.