Đảo Mê vùng bình yên khi bão dữ

Chủ Nhật, 07/02/2016, 16:09
Ngày trời trong, đứng trên đất liền có thể nhìn thấy đảo Mê vững vàng trước những con sóng của biển cả bao la. Đảo tiền tiêu, nơi được coi là “chiến hạm nổi” ngăn quân địch tiến từ biển vào đất liền đã chịu nhiều sóng gió, bom đạn của giặc Mỹ.

Cũng trên mảnh đất giữa trùng khơi này, ngay cả khi đất nước đã hoà bình, vẫn có những người con ngã xuống để góp phần bảo vệ Tổ quốc. Ngày giáp Tết Bính Thân, cùng các chiến sỹ trẻ lần đầu lên tàu ra đảo, chúng tôi càng cảm nhận sự quý giá của cuộc sống bình yên.

1. Từ bờ biển Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá, chúng tôi cùng 12 chiến sỹ mới thuộc Tiểu đoàn Hỗn hợp Đảo Mê (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa) ra đảo. Những chiến sỹ trẻ nai nịt gọn gàng cùng chiếc ba lô và đồ dùng cần thiết bắt đầu rời đất liền. Dù chẳng mấy xa xôi, nhưng người đi, người ở vẫn bùi ngùi, da diết. Có cái bắt tay nắm chặt, có sự lưu luyến hẹn ngày gặp lại. Màu xanh áo lính nổi bật trên nền trời làm ấm lên không gian thiếu rạng rỡ của ngày đông.

Ngồi trên mạn tàu, nhiều ánh mắt hướng về hòn đảo nhỏ, nơi các anh sẽ sống, làm nhiệm vụ suốt thời gian phục vụ trong quân ngũ. Trên tàu đã có đủ nhu yếu phẩm được mang ra từ đất liền. Dưới hầm tầu, đàn ngan dáo dác, dạt theo từng con sóng. Bên trên có thùng trứng vịt, mấy chục cái chổi chít và cả đồ ăn, thức uống. Càng cách xa đất liền, con sóng càng trở nên dữ dội hơn. Có lúc tưởng chừng như con tàu nhỏ có thể bị nuốt chửng dưới ngọn sóng.

Chiến sỹ mới lên tàu ra đảo Mê làm nhiệm vụ.

Chiến sỹ Hà Văn Xuân (19 tuổi, quê ở xã Thuận Thanh, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá) có vẻ bỡ ngỡ khi nhận nhiệm vụ mới. Sau 3 tháng huấn luyện tân binh, Xuân được phân công ra đảo 15 tháng thực hiện nghĩa vụ quân sự. Mọi thứ với Xuân cũng như các chàng lính trẻ trên tầu đều lạ lẫm nhưng đầy háo hức. Một tiếng rưỡi trên tàu, chúng tôi lắc lư theo từng con sóng. Chưa quen với sóng gió, một chiến sỹ sốt ruột hỏi chỉ huy: “Bao lâu nữa vào đảo hả anh? Em nôn nao quá rồi!”. 

Tàu cập đảo. Nhiều cán bộ chiến sỹ trên đảo đã chờ sẵn ở cầu tầu giữa gió biển lồng lộng và cái rét căm căm.

2. Đảo Mê nằm ở phía Đông Nam tỉnh Thanh Hóa, cách cửa Bạng  gần hai chục cây số, cách Sầm Sơn 40km đường chim bay. Đảo rộng 4,2km với rừng cây mướt mát. Không chỉ giữ vị trí tiền tiêu, đảo Mê cũng có địa hình lý tưởng cho tàu thuyền neo đậu khi gặp sóng to gió lớn. Đồng thời, đảo Mê còn có vị trí quan trọng trong bảo vệ tuyến hành lang trên biển từ Thanh Hoá đi vào Nam và ngược lại.

Tiểu đoàn Hỗn hợp đảo Mê được thành lập ngày 26-3-1965, đã trải qua 50 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành và được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang vào năm 1969. Những năm tháng chống Mỹ cứu nước, đảo Mê là một trong những trọng điểm bắn phá của máy bay và tàu chiến Mỹ. Nơi đây diễn ra cuộc chiến đấu một mất một còn của cán bộ, chiến sỹ ta để bảo vệ đảo.

Từ năm 1965-1973 giặc Mỹ đã cho 1.031 lượt tốp máy bay trút xuống đảo 4.236 quả bom sát thương, 11 quả bom nổ chậm, 3 quả bom hoá học, 17.455 quả đạn đại bác. Bình quân mỗi mét vuông trên đảo hứng chịu 15 quả bom đạn các loại…. Bởi vậy mà, khi chiến tranh đã kết thúc, trong công cuộc cải tạo, xây dựng đảo, vẫn còn cán bộ chiến sỹ phải đổ máu, nằm lại giữa rừng xanh và biển cả. Cán bộ chiến sỹ đảo Mê đã chiến đấu gần 2.000 trận lớn nhỏ, bắn rơi và bắn cháy 33 máy bay, bắn chìm, bắn cháy 18 tàu chiến Mỹ; 51 cán bộ chiến sỹ đã anh dũng hi sinh bảo vệ đảo, bảo vệ quê hương.

Sống giữa thời bình, không chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ tiền tiêu, các CBCS vẫn luôn giúp dân trong mùa biển động. Nhiều tàu của ngư dân vào đảo tránh bão đã được CBCS trên đảo đón tiếp nhiệt tình, cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm và cả xăng dầu khi cần thiết.

3. Giữa bốn bề gió biển, ăn Tết trên đảo Mê cũng để lại dấu ấn đặc biệt đối với cán bộ chiến sỹ đã từng có mặt tại đây. Đại uý Nguyễn Thế Hùng quê ở Nghệ An có 6 năm ở đảo thì 3 năm ăn Tết trên đảo. 

Anh kể: “Không được ăn Tết cùng gia đình, nhưng ăn Tết cùng anh em trên đảo cũng ấm áp lắm. Chúng tôi gói bánh chưng, làm cỗ và thi đấu thể thao. Ngày Tết đơn vị tổ chức thi mâm cỗ đẹp giữa các đơn vị. Cán bộ chiến sỹ hào hứng làm cỗ lắm. Anh em ở rải rác trên đảo nên khi chấm điểm mâm cỗ thì bê đến trung tâm sắp xếp, bày biện rất rôm rả. Sống ở đảo tình người luôn nồng ấm”.

Có thâm niên trên đảo hơn cả là Thiếu tá Lê Quốc Hoàn, sỹ quan thông tin. Ra đảo từ năm 1990, đã 25 năm anh vẫn say mê với nhiệm vụ của người lính đảo. Một năm sau khi làm việc trên đảo anh về nhà cưới vợ. Chừng ấy năm là chừng ấy thời gian vợ chồng sống trong nhớ nhung, chờ đợi với sự chia sẻ, cảm thông. Hỏi về tâm trạng lúc mới cưới, Thiếu tá Hoàn cười: “Lúc đầu cũng thấy lâu quá không được về thăm vợ, sau dần thấy quen” - nụ cười hiền lành trên khuôn mặt sạm nắng và gió biển toát lên sự thuỷ chung và trung thành với nhiệm vụ của những người lính đã kinh qua gian khổ.

Tự vào bếp nấu ăn, chiến sỹ Trần Văn Hiền và Phạm Văn Đức vẫn lưu chút bẽn lẽn của tuổi trẻ. Hỏi các em ở đảo có buồn không, Hiền bảo: “Bọn em ở đây lấy súng làm người yêu thôi ạ!”. Câu nói khiến người đối diện bật cười. Anh em nói đùa: “Ngoài nhiệm vụ, chúng em còn trồng rau, chăn nuôi gà lợn, trồng chuối và canh… khỉ ăn chuối nữa ạ!”. Xung quanh nơi ở của các CBCS là những luống rau xanh đủ loại, từ rau cải, rau khoai lang, rau bầu đất cho đến hành tỏi...

Đảo Mê có hàng ngàn con khỉ. Đi bất cứ đâu cũng gặp khỉ. Khỉ ở đây đã như làm bạn với con người. Chúng tôi đi trên trục đường lớn của đảo vẫn nhìn thấy khỉ chơi đùa quanh đó. Có chú khỉ ngồi chơi bên vệ đường nhìn thấy người lạ liền chạy biến vào lùm cây. Chiến sỹ Hiền và Đức kể, chúng không chỉ kiếm ăn trong rừng mà còn tìm về nơi có người ở để trộm thức ăn.

Thiếu tá Trịnh Văn Thịnh, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Hỗn hợp đảo Mê.

Thiếu tá Trịnh Văn Thịnh, Tiểu đoàn Trưởng, Tiểu đoàn Hỗn hợp đảo Mê giọng đầy tự hào khi nói về truyền thống của CBCS đảo Mê. Anh thuộc từng chiến công, nhớ chính xác từng con số liên quan đến bom đạn một thời đổ xuống hòn đảo nhỏ này.

Đi dạo trên đảo Mê, nghiêng mình dưới tượng đài Tổ quốc ghi công và hai tấm bia kín tên liệt sỹ, tôi cảm nhận được sự hi sinh to lớn mà các cán bộ chiến sỹ đảo Mê không tiếc tuổi xuân cho hoà bình. Trên lối đi giữa tán rừng nguyên sinh, thi thoảng lại có một chú khỉ nhảy ra giữa đường như trêu ngươi. Con người và thiên nhiên đang hoà quyện.

Đêm xuống, nơi vọng gác tiền tiêu luôn có đôi mắt dõi theo từng ngọn sóng. Ở sát mép biển, bên những khối đá chồng chất, lởm chởm, dấu chân của các chiến sỹ tuần tra lại được sóng biển xoá nhoà. Phía bên kia, ngọn hải đăng vẫn đều đặn nhấp nháy. Đảo Mê, đến một lần để rồi lòng người bị mê hoặc mãi không thôi.

Việt Hà
.
.
.