Đảm bảo Hậu cần - Kỹ thuật, tất cả chi viện cho tiền tuyến miền Nam

Chủ Nhật, 26/04/2015, 10:06
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lực lượng Công an nhân dân (CAND) đã lập được nhiều chiến công, góp phần to lớn vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Trong mỗi chiến công của lực lượng CAND có đóng góp quan trọng của lực lượng Hậu cần - Kỹ thuật (HCKT), là nhân tố góp phần đảm bảo cho sự thắng lợi của lực lượng CAND trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.

Dưới sự chỉ đạo của Đảng đoàn, lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng CAND đã tích cực và chủ động những điều kiện cần thiết cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Bộ đã chỉ đạo lực lượng HCKT Công an các địa phương miền Nam tổ chức thu hồi, bảo dưỡng, cất giấu vũ khí để khi cần có thể sử dụng; huy động mọi nguồn lực để cấp lương đến hết năm 1954 và cấp kinh phí cho cán bộ Công an được phân công ở lại miền Nam tạo vỏ bọc tiếp tục hoạt động và làm nòng cốt cho cuộc đấu tranh, buộc Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ.

Đây là một trong những hoạt động hậu cần, kỹ thuật chuẩn bị lực lượng, vũ khí cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ngay từ những ngày đầu của lực lượng CAND.  

Huy động, tranh thủ mọi nguồn lực để đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ; trang cấp các loại vũ khí, phương tiện, vật tư, thiết bị kỹ thuật để nâng cao hiệu quả công tác, chiến đấu của lực lượng CAND là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu do lực lượng HCKT đảm nhận. 

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lực lượng CAND cùng một lúc thực hiện đảm bảo HCKT cho công tác và chiến đấu theo 3 phương thức khác nhau: hành chính, bao cấp cho các lực lượng an ninh, tham mưu, chính trị, hậu cần, kỹ thuật…; phương thức bán vũ trang cho lực lượng Cảnh sát nhân dân và phương thức vũ trang cho CAND vũ trang. Trong bối cảnh đó, lực lượng HCKT đã phát huy tốt nhất tinh thần tự lực tự cường, tranh thủ mọi nguồn lực để đáp ứng mọi nhu cầu vật chất, kỹ thuật cho công tác, chiến đấu của lực lượng Công an.

Lực lượng HCKT đã chi viện toàn diện cho An ninh miền Nam với tinh thần quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược và HCKT là một trong những lực lượng tổ chức chi viện sớm nhất cho An ninh miền Nam. Có thể khẳng định rằng, Chi viện cho An ninh miền Nam về HCKT là nghệ thuật, đồng thời là nguồn lực vững chắc của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn. Giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, khi Mỹ - Diệm đang truy bức các lực lượng cách mạng ở miền Nam, việc chi viện cho An ninh miền Nam được đặt ra rất khẩn trương, cấp bách.

Cán bộ, chiến sỹ an ninh T4 tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. 

Đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã chỉ đạo: đảm bảo đủ các loại vũ khí, khí tài trang bị cho cán bộ, chiến sĩ CAND và khi Mỹ đã công khai xâm lược Việt Nam thì lực lượng CAND lúc này cũng công khai chi viện An ninh miền Nam.

Điển hình là vào thời điểm những năm 1960 - 1962, khi An ninh miền Nam hoàn toàn phụ thuộc hệ thống thông tin liên lạc của cấp ủy để liên lạc với Bộ Công an. Trước tình hình đó, Bộ Công an đã chủ động chọn những phương tiện thông tin hiện đại nhất để chi viện An ninh miền Nam, như RT3 (Mỹ trang bị cho biệt kích – chiến lợi phẩm của các chuyên án gián điệp biệt kích). 

Phương tiện thông tin do Bộ chi viện được cấp ủy và An ninh miền Nam coi là “món quà quý” miền Bắc gửi tặng miền Nam. Ngoài ra, HCKT còn chủ động chi viện An ninh miền Nam từ những vật dụng nhỏ như cây kim, sợi chỉ, đến các loại thiết bị lớn như máy ảnh, máy ghi âm, radio, máy phát điện…; từ gram hóa chất đến máy hiển vi tinh xảo phục vụ công tác giám định kỹ thuật; từ các linh kiện điện tử đến thiết bị hoàn chỉnh phục vụ thông tin liên lạc như tổng đài hữu tuyến, thiết bị thông tin vô tuyến; từ các thiết bị đầy đủ như máy đánh chữ, thiết bị in, ép thẻ căn cước rồng xanh đến ôtô vận tải, cứu thương, các công trình lớn như xưởng may, xưởng in và hiện đại như bệnh viện quy mô 100 giường bệnh cùng hàng chục tấn tân dược, đủ đáp ứng cho nhiệm vụ cứu chữa cho thương, bệnh binh và nhân dân trong vùng tự do. 

Từ tháng 3/1975, Bộ đã thành lập Đoàn xe 263, huy động toàn bộ phương tiện vận tải của toàn ngành để vận chuyển cán bộ, hàng trăm tấn vũ khí, đạn dược chi viện cho chiến trường. Ngoài chi viện về vũ khí, HCKT CAND còn chi viện thuốc nổ, các loại mìn kỹ thuật hẹn giờ, cũng như phương pháp chế tạo, sử dụng mìn hẹn giờ, giúp An ninh miền Nam luồn sâu, đánh hiểm, đánh trúng các trung tâm đầu não, tổng kho vật tư phục vụ chiến tranh của địch, gây cho địch thiệt hại to lớn.

Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, thường xuyên di chuyển căn cứ, lực lượng HCKT vẫn đẩy mạnh sản xuất, thu mua, thực hiện tự cấp tự túc lương thực, thực phẩm, đảm bảo đời sống hàng ngày cho cán bộ, chiến sĩ. Điển hình là Đội cảnh vệ tiếp cận đồng chí Sáu Dân đã khai hoang, phục hóa tại rừng U Minh được 300 công ruộng, gieo trồng 2 vụ lúa, mỗi vụ thu hoạch gần 4.000 giạ lúa; Ban sản xuất trực thuộc Ban An ninh Trung ương cục, khi mới chuyển quân đến chiến khu Mã Đà, đã khai hoang, phục hóa tại chiến khu Mã Đà, tổ chức sản xuất được trên 600 giạ lúa mỗi vụ, đảm bảo đời sống cho Ban An ninh Trung ương cục cũng như đại biểu An ninh các địa phương về dự Hội nghị An ninh toàn miền lần thứ nhất; Hậu cần An ninh khu V đã sản xuất được hàng trăm tấn lương thực mỗi năm (lúa, sắn, ngô…) đảm bảo đời sống hằng ngày cho cán bộ, chiến sĩ An ninh địa phương.

Qua đó, HCKT An ninh miền Nam đã tiếp nhận hàng ngàn tấn vũ khí, vật tư, thiết bị kỹ thuật do miền Bắc chi viện, tổ chức trang cấp cho đúng đối tượng sử dụng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác, chiến đấu của An ninh miền Nam. Đặc biệt, HCKT An ninh miền Nam đã nhanh chóng tiếp thu, làm chủ kỹ thuật, hình thành nhà máy in để in ấn các loại tài liệu phục vụ kháng chiến; hình thành các tổ kỹ thuật hoàn thiện các loại tài liệu thay thế - nhất là thẻ căn cước rồng xanh để cấp cho cán bộ Đảng, biệt động, trinh sát vũ trang vào hoạt động trong vùng địch kiểm soát, vô hiệu hóa sự kiểm soát gắt gao của địch, tạo thuận lợi để luồn sâu vào vùng địch làm công tác tình báo, giao liên, trinh sát vũ trang, địch vận v.v...  

Phát huy tinh thần mưu trí, dũng cảm, vận chuyển vũ khí đạn dược từ căn cứ vào trong vùng địch kiểm soát, trang bị cho lực lượng chiến đấu, góp phần làm cho địch bị thiệt hại hết sức nặng nề, làm rúng động, rung chuyển hậu phương địch. Cán bộ, chiến sĩ lực lượng HCKT An ninh miền Nam đã bất chấp mọi hiểm nguy, gian khổ, sử dụng nhiều loại phương tiện vận chuyển khác nhau để đưa bằng được vũ khí, đạn dược từ căn cứ vào vùng địch kiểm soát, trang bị cho lực lượng chiến đấu. Hoạt động của lực lượng HCKT An ninh miền Nam đã góp phần cũng toàn quân, toàn dân làm nên chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hàng nghìn cán bộ HCKT đã tham gia chiến đấu trong binh chủng hợp thành của lực lượng Công an nhân dân với nhiều lực lượng khác nhau và nhiều hình thức khác nhau. Đã có trên 40 cán bộ chiến sỹ thuộc lực lượng HCKT đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc; 7 đơn vị và 1 cán bộ thuộc lực lượng HCKT được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh Hùng lực lượng vũ trang nhân dân; hàng trăm cán bộ chiến sĩ được tặng thưởng Huân chương chiến công các loại…
Trung tướng Lê Văn Minh - Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật Cán bộ, chiến sỹ an ninh T4 tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh
.
.
.