Anh hùng “bác sĩ xe tăng” tuổi hai mươi

Thứ Hai, 22/12/2014, 09:25
Ngày ấy, có một nam sinh viên năm thứ III, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã viết đơn tình nguyện đi bộ đội. Anh được nhận vào đơn vị tăng thiết giáp, vận hành một loại xe tăng đặc biệt nặng trên 50 tấn do Liên Xô giúp đỡ chi viện cho chiến trường miền Nam dùng để cứu kéo xe tăng hư hỏng trong trận địa về tuyến sau sửa chữa. Người lính lái xe tăng đặc biệt đó là Trung sĩ Phạm Văn Cán, Anh hùng Quân đội, đồng đội lính tăng thiết giáp hay gọi anh là “bác sĩ xe tăng”.

Những năm tháng cả dân tộc chống Mỹ cứu nước, nhiều thế hệ thanh niên rầm rập bước chân lên đường ra trận. Trong số đó, có rất nhiều sinh viên Hà Nội xếp bút nghiên, gác lại ước mơ, viết thư bằng máu, xung phong lên đường vào Nam chiến đấu.

Ngày ấy, có một nam sinh viên năm thứ III, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã viết đơn tình nguyện đi bộ đội. Anh được nhận vào đơn vị tăng thiết giáp, vận hành một loại xe tăng đặc biệt nặng trên 50 tấn do Liên Xô giúp đỡ chi viện cho chiến trường miền Nam dùng để cứu kéo xe tăng hư hỏng trong trận địa về tuyến sau sửa chữa. Người lính lái xe tăng đặc biệt đó là Trung sĩ Phạm Văn Cán, Anh hùng Quân đội, đồng đội lính tăng thiết giáp hay gọi anh là “bác sĩ xe tăng”.

Ngồi trò chuyện với anh trong căn nhà riêng nằm bên hông trụ sở Tỉnh ủy Đồng Nai, Anh hùng Phạm Văn Cán nhớ lại: “Lúc đó tôi còn quá trẻ, lý tưởng về lẽ sống làm người theo gương Anh hùng Lê Mã Lương “cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”. Thanh niên ngày đó rất giàu nhiệt huyết, sục sôi khí thế đấu tranh, từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường".

Năm 1971, Cán 21 tuổi, vừa học xong năm thứ III Đại học Bách khoa, nhiều bạn bè rục rịch du học hoặc tìm một chỗ làm việc tại Hà Nội. Riêng Cán, bố anh làm Chủ tịch xã Minh Tân (huyện Phú Xuyên, Hà Tây) phán một câu: “Việc học sau này chẳng muộn. Anh đi bộ đội chiến đấu giải phóng miền Nam mới là ước nguyện của tôi”.

Cán viết thư xung phong đi bộ đội, vào Binh chủng tăng thiếp giáp vì có trình độ về cơ khí, chế tạo máy ở Tam Dương, Vĩnh Phúc. Khóa huấn luyện điều khiển tăng cứu kéo đặc biệt của Liên Xô chế tạo, nặng trên 50 tấn, có trang bị hệ thống cần cẩu, nâng, kéo, thăm dò địa chất kéo lôi xe tăng thiết giáp bị hư hỏng và chết máy trong trận địa. Hai chiếc xe đặc biệt tăng viện cho chiến trường B.3 và B.2.

Vào tháng 3/1972, Phạm Văn Cán cùng đồng đội nhận xe tại Bằng Tường (Trung Quốc) lái băng băng về Bàu Nai, Lương Sơn (Hòa Bình) thì bị một trận bom B.52 phủ đầu như màn "chào hỏi". Nhận lệnh hành quân, đoàn tăng hơn 100 chiếc ngụy trang lá, ban đêm bật đèn rùa mò mẫm tiến vào Nam theo đường Trường Sơn.
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Văn Cán với xe tăng đặc chủng.

Khi xe đến Quảng Bình, lật cánh sang đường 20 (Quyết Thắng) trên đất Lào. Mỹ huy động các máy bay C.130 sử dụng tia lazer hồng ngoại cực mạnh, săn lùng mục tiêu di chuyển dưới chân dãy Trường Sơn, thi nhau trút bom bắn phá điên cuồng hàng đêm. Xe cứu kéo của đồng chí Mạnh lái bị trúng bom, hư hỏng, phải nằm lại sửa chữa. Lập tức Phạm Văn Cán được lệnh lái xe cứu kéo B.826 vượt lên trước vào B2, nhường lại B3 (Tây Nguyên) cho xe sau. Vượt trên 2.000km, ròng rã 5 tháng đội bom đạn, cuối cùng đoàn tăng thiết giáp đã về đến căn cứ Trung ương Cục Miền Nam tại Tây Ninh sẵn sàng vào trận.

Suốt chặng đường hành quân, Cán đã cứu kéo 73 lượt xe tăng sa lầy, hỏng máy, trúng đạn… được đơn vị cử đi dự hội nghị Binh chủng tại Lộc Ninh và được tuyên dương. Năm 1972, trên chiến trường An Lộc (Bình Long), lần đầu tiên tăng thiết giáp quân giải phóng xung trận khiến cho Mỹ - ngụy kinh hồn bạt vía. Đặc biệt còn có sự hiện diện của một chiếc tăng cứu kéo T.54 do Phạm Văn Cán lái và chỉ huy.

Đêm tối như mực đầu tháng 11/1972, Tiểu đoàn 21 Tăng thiết giáp B2, từ căn cứ Bù Đốp cắt rừng, phối hợp với Trung đoàn 429 và bộ binh bất ngờ bao vây đánh thẳng vào Bù Bộng, áp sát chi khu Kiến Đức, sân bay Nhân Cơ (Đắk Nông). Trận đánh ác liệt suốt 3 ngày đêm, Cán cùng 2 chiến sĩ lái xe cứu kéo xông vào trận địa, đưa ra ngoài an toàn 5 xe K.36 bị địch bắn hỏng và 1 xe T.54 lún hố sâu. Ngoài ra, các anh còn lôi 7 chiếc thiết giáp M.113 của Mỹ làm chiến lợi phẩm.

Cán được thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng 3. Trong rất nhiều trận đánh dũng mãnh của Tăng thiết giáp Tiểu đoàn 21 tại chiến trường Dầu Tiếng, Bến Cát, Bình Long, Chơn Thành…, anh nhớ nhất là trận đánh vào ấp An Điền, Chơn Thành đầu tháng 4-1975 trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam. Đây là trận cứu xe tăng dưới hỏa lực cực mạnh của địch và bộ binh áp sát làm tăng trúng đạn và anh bị thương.

Lái xe Phạm Văn Cán nhận lệnh vào An Điền cứu kéo xe tăng bị hỏng trong đêm, xe đặc chủng của anh rơi vào trận địa dày đặc mìn và pháo của địch trút như mưa. Mấy chiến sĩ trong xe nhảy ra đạp trúng số mìn râu tôm hy sinh và bị thương. Các y tá cứu thương cũng đạp trúng mìn ba đợt liền. Cán và đồng đội đành khiêng 13 thương binh, liệt sĩ lên thùng xe chở ra ngoài.

Mờ sáng, xe đặc chủng được lệnh vào cứu kéo. Nhìn ra xa qua kính mắt cua, anh thấy xe tăng ta lao gần hết thân xuống hố bộc phá của công binh nên điều khiển xe đặc chủng quay ngang, hạ lưới ben thủy lực cắm xuống lớp đất, tăng ga hết cỡ mới lôi được xe hỏng lên khỏi hố dắt ra ngoài. Lần thứ 3 vào lôi thêm một xe nữa bị hỏng nằm dưới hố bom. Đạn, pháo địch bắn xối xả, anh điện về sở chỉ huy xin bắn yểm trợ để kéo xe tăng hỏng ra.

Bỗng dưng xe khựng lại chết máy, mùi khói khét lẹt xông lên… Một mảnh đạn găm vào sườn, bỏng rát do cháy trong hầm sàn xe tăng đến nay vẫn còn. Anh bình tĩnh dùng khí chữa cháy và nổ máy đưa xe ra khỏi trận địa. Sau trận này, Cán được thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì và kết nạp Đảng ngày 6/6/1974.

Ăn Tết rừng mùa khô năm 1975, Cán và đồng đội chuẩn bị bước vào chiến dịch đánh chi khu Dầu Tiếng. Ban chỉ huy lệnh cho xe đặc chủng vào kéo ra năm xe trúng đạn hỏng máy mất gần trọn đêm. Đêm thứ tư, xe đặc chủng vào cứu kéo tiếp gặp đạn bắn thẳng của địch dày đặc.

Cán điện yêu cầu pháo ta bắn chế áp địch rồi nhảy ra khỏi xe, chạy tới thò tay qua cửa lính lái, gài trả số về 0, cho xe đặc chủng quay áp sát che chắn để máy móc cáp rồi rú ga, vọt ra ngay. Giải phóng chi khu Dầu Tiếng, ta thu 5 xe địch, trong đó có chiếc xe M.48.

Tháng 4/1975, xe đặc chủng đi theo tăng thiết giáp đánh vào chi khu Chơn Thành. Sau 3 lần xông vào trận địa dày đặc hỏa lực địch, Cán đã kéo được 3 xe tăng bị hỏng ra ngoài an toàn dưới sự yểm trợ của pháo binh. Trận này, anh được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất và nằm Quân y điều trị vết thương hơn chục ngày. Sau đó, anh được điều về Ban Đảm bảo kỹ thuật sửa chữa của miền, theo đoàn xe tăng thiết giáp vượt sông Vàm Cỏ, tiến vào Sài Gòn lúc 12h30’ trưa 30/4/1975.

Ngày 15/1/1976, Chủ tịch Nước Tôn Đức Thắng đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Trung sĩ Phạm Văn Cán. Năm 1980, anh lập gia đình với chị Phan Thị Thanh Thiện, quê ở Đồng Tháp, là cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy Đồng Nai. Anh chị có 2 con trai, con lớn đã tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, đang làm việc cho một công ty tại Biên Hòa. Năm 1995, anh nghỉ hưu, là thương binh 3/4. Anh sống lặng lẽ với đời thường, gần như không ai biết đến anh, trừ đồng đội tăng thiết giáp đang cùng anh sưu tầm lịch sử viết về Binh chủng tăng thiết giáp và tìm đồng đội.

Hoàng Châu
.
.
.