Âm vang nơi thượng nguồn sông Đà

Thứ Ba, 09/02/2016, 14:19
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Bính Thân, chúng tôi có dịp đến hồ sông Đà (Hòa Bình) để ngắm phong cảnh sơn thủy hữu tình được ví như bức tranh thủy mặc mà thiên nhiên ban tặng nơi đây. Hồ sông Đà từ lâu được ví như một Hạ Long thu nhỏ, phù hợp với các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, vui chơi giải trí.

Ngồi thuyền lênh đênh trên sóng nước, thả hồn mình vào bức tranh sơn thủy hữu tình cho chúng tôi những cảm xúc êm dịu và bình yên ở khu du lịch Tây Bắc.

Bức tranh sơn thủy hữu tình

Từ trung tâm thành phố Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình), muốn khám phá hệ sinh thái phong phú của lòng hồ sông Đà, du khách phải đến hai điểm du lịch là Cảng Bích Hạ (TP Hòa Bình) và Cảng Thung Nai (huyện Cao Phong) cách thành phố khoảng 25km. Từ hai bến thuyền này, du khách sẽ có một hành trình trải nghiệm thú vị quanh hồ Hòa Bình với chiều dài 70km, trải rộng trên địa bàn 17 xã thuộc năm huyện, thành phố. Được hình thành sau khi có công trình thủy điện Hoà Bình, hồ có tổng diện tích 2.249km2, dung tích hơn 9 tỷ mét khối nước.

Công an TP Hòa Bình tuyên truyền người dân vận chuyển hàng hóa trên tàu chấp hành pháp luật. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Trong khu vực lòng hồ có 47 đảo lớn nhỏ, trong đó có 11 đảo đá vôi với diện tích 116ha và 36 đảo núi đất diện tích gần 160ha. Từ khi sông Đà bị ngăn lại để làm thủy điện Hòa Bình, mực nước trên sông đã dâng cao cả một vùng rộng lớn, kết hợp với những ngọn núi cao biến nơi đây thành những hòn đảo bồng bềnh thơ mộng.

Khách du lịch thích khám phá nơi đây thường hay rủ nhau tới một hòn đảo nào đó hoặc chợ Bờ hay để dừng chân và tìm hiểu cuộc sống của người xứ Mường. Muốn nghỉ đêm trên lòng hồ, du khách sẽ chọn một hòn đảo bất kỳ để dừng chân và trải nghiệm cảm giác khám phá hoang đảo bằng một số trò chơi, trong đó không thể bỏ qua “món” đốt lửa trại suốt đêm.

Trên lòng hồ còn có nhiều khu du lịch khác như: Đảo Bè Bạn (còn gọi là “đảo Cối Xay Gió”), do trên đảo có một tháp canh tròn được trang trí bằng những cánh quạt khổng lồ lãng đãng quay theo chiều gió. Hay du ngoạn đảo Dừa, đảo Xanh với cây cối xanh tươi bốn mùa. Đến đây, du khách được thưởng thức các món ăn đặc sản của người dân xứ Mường, sự hồn nhiên, chân chất của người dân bản địa chắc chắn sẽ làm vừa lòng kể cả những du khách khó tính.

Nhưng có lẽ điểm đến nổi bật nhất của lòng hồ sông Đà là đền Bà Chúa Thác Bờ đã nổi tiếng từ lâu. Trong đền thờ Bà chúa cai quản cả một miền Tây Bắc. Tương truyền trước đây, đoạn thác Bờ hiểm trở vô cùng, thuyền bè đi qua hay bị đắm. Sau đó, người dân lập đền thờ để mong bà che chở và phù trợ cho dân chài, thuyền buôn đi qua xứ này.

Đền thờ cũ vốn đã chìm dưới hàng chục mét nước của thủy điện Hòa Bình. Đền thờ bây giờ được lập trên nền của đền thờ cũ, lúc nào cũng tấp nập khách thập phương đến hành lễ. Đặc biệt vào những ngày đầu xuân năm mới, hay ngày rằm, mồng một, ở đền Bà Chúa Thác Bờ luôn diễn ra các buổi hầu đồng. Đến đây đúng vào dịp này, du khách sẽ có cơ hội khám phá nét văn hóa độc đáo và đặc sắc, được hòa mình trong tiếng đàn ca, sáo nhị với những cung bậc cảm xúc khác nhau của những điệu hát chầu văn. Với phong cảnh sơn thủy hữu tình, thơ mộng, hồ sông Đà thực sự mang đến cho du khách những giây phút thưởng ngoạn tuyệt vời.

Đi trên sông Đà nếu không nhắc đến một đặc sản ẩm thực của lòng hồ sẽ thật thiếu sót. Trải nghiệm vùng hồ, thưởng thức cá sông Đà đã trở thành nhu cầu không thể thiếu của nhiều người. Nhiều người “sành” ăn có sở thích tìm kiếm, săn lùng cá sông Đà, dẫu đắt mấy cũng mua. Có người rình phục tận thượng nguồn sông Đà tìm mua những con cá mè, cá trắm nặng hàng chục cân để đãi khách. Có người mê đến nỗi mải miết săn lùng mua bằng được cá quất, cá lăng của dân làng chài. Cũng là hấp bia, om dưa nhưng cá trắm, cá chép, cá trôi sông Đà được ví là ngon bậc nhất. Cá chắc thịt, ít mỡ, thơm và sạch.

Cá chiên, cá lăng, cá quất, lươn, trạch là đặc sản. Ba ba sông Đà trú trong hang hốc, chỉ cần con nặng hơn một kg là có thể chế biến các món ngon tuyệt. Rồi cá vền, thiểu, chày, măng tẩm ướp, sấy khô giờ đã thành quà quý của Hòa Bình biếu bạn bè gần xa. Các loại cá như anh vũ, lăng, chiên, lươn, chạch sông cũng đang trở thành món ăn đặc sản làm nên thương hiệu cá sông Đà. 

Sau khi trải nghiệm một vòng quanh lòng hồ sông Đà, chúng tôi dừng chân ở Cảng Bích Hạ (xã Thái Thịnh, TP Hòa Bình). Tiếp xúc với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Thái Thịnh, Cụm trưởng Cụm An ninh trật tự khu vực lòng hồ sông Đà cho biết, đặc thù của xã Thái Thịnh là không có ruộng, chỉ có đồi núi, trồng rừng và nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ.

Với địa hình chủ yếu là đồi núi chạy dọc hai bên bờ sông Đà gồm nhiều dân tộc anh em sinh sống, mật độ dân cư thưa thớt, phân bố không đều, trình độ dân trí ở một số khu vực còn nhiều hạn chế, nguồn thu nhập chính của người dân là trồng cây lâm nghiệp và đánh bắt thủy sản trên sông Đà. Việc đi lại của người dân khu vực từ xóm này sang xóm khác chủ yếu bằng thuyền. Đây là vị trí quan trọng tích nước cho Nhà máy thủy điện Hòa Bình, là tuyến đường giao thông đường thủy nội địa quan trọng phục vụ giao thương về kinh tế, văn hóa, du lịch của các tỉnh phía Tây Bắc, có các hoạt động du lịch, lễ hội, văn hóa tâm linh.

Hiện tại, tỉnh Hòa Bình đang xẻ núi 6km mở một con đường liên xóm trong xã Thái Thịnh (hiện mới xong giai đoạn 1) để tạo điều kiện thuận lợi trong đi lại cho người dân khu vực này.

Xã Thái Thịnh bao quanh vùng lòng hồ với 320 hộ, trên 1.270 nhân khẩu sinh sống. Nơi đây có những hộ dân từng đóng góp xứng đáng cho công trình thế kỷ bằng việc di chuyển đi để nhường đất phục vụ xây dựng thủy điện sông Đà. Nhân dân các dân tộc Mường, Dao, Tày, Kinh cùng đoàn kết chung sức xây dựng nông thôn mới, lĩnh vực văn hóa, xã hội phát triển đa dạng, tình hình an ninh trật tự, an ninh nông thôn được giữ vững.

Hiện nay, tỷ trọng du lịch, dịch vụ toàn xã chiếm 28%, đánh bắt thủy, hải sản và nông nghiệp chiếm tỷ trọng 45%. Thời gian qua, cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương đẩy mạnh phối hợp với lực lượng Công an vận động toàn thể nhân dân tham gia xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc thông qua việc xây dựng các mô hình như: “Xóm an toàn về an ninh trật tự”, “Xóm không có ma túy”, “Hội viên phụ nữ không có người thân mắc các tệ nạn xã hội” được đông đảo nhân dân hưởng ứng.

Giữ bình yên trên hồ sông Đà

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, Thượng tá Ngô Nguyên Ngọc, Phó trưởng Công an TP Hòa Bình cho biết, trước đây, trong Cụm An ninh trật tự lòng hồ xảy ra một số vụ việc vi phạm pháp luật như: gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc…, nguyên nhân chủ yếu do một bộ phận người dân thiếu hiểu biết về pháp luật và mâu thuẫn trong cuộc sống dẫn đến vi phạm pháp luật.

Để đảm bảo an ninh trật tự khu vực lòng hồ, lực lượng Công an đã phối hợp cùng cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng phối hợp giải quyết kịp thời, không để phát sinh phức tạp. Riêng trên khu vực lòng hồ, Công an TP Hòa Bình thường xuyên phối hợp với lực lượng CSGT đường thủy và các đơn vị hữu quan tiến hành kiểm tra điều kiện hoạt động của 200 lượt phương tiện, 34 lượt cảng bến vận tải khách, hàng hóa, đò ngang và các cơ sở đóng mới, sửa chữa, hoán cải phương tiện.

Qua kiểm tra đã đình chỉ 52 phương tiện không đủ điều kiện hoạt động, nhiều bến, xưởng sửa chữa hoán cải hết thời hạn hoạt động hoặc chưa đủ điều kiện hoạt động; bắt và xử lý hàng chục trường hợp đánh bắt cá trái phép bằng xung điện. Góp phần giữ vững an ninh trật tự tại khu lòng hồ, thời gian qua, Công an TP Hòa Bình đã tham mưu cho các cấp lãnh đạo và phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tăng cường rà soát, nắm tình hình trên các lĩnh vực liên quan đến an ninh trật tự, đề xuất nhiều biện pháp có hiệu quả. Tuyên truyền cho các hộ kinh doanh du lịch, vận chuyển hàng hóa trên hồ không vi phạm các quy định của pháp luật về vận tải hành khách và vận chuyển hàng hóa. 

Về sự phát triển du lịch của hồ Hòa Bình trong thời gian tới, ông Hoàng Văn Son, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hòa Bình cho biết thêm, tận dụng tiềm năng vùng hồ sông Đà, tỉnh Hòa Bình đang triển khai thực hiện một số giải pháp phát triển và bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững, hỗ trợ người dân, các tổ chức, cá nhân phát triển nghề cá, trong đó sẽ thực hiện xây dựng sản phẩm thương hiệu một số loài cá sông Đà đặc trưng như chiên, lăng, quất... gắn với phát triển du lịch tạo điều kiện cải thiện đời sống người dân vùng hồ. Với những tiềm năng sẵn có cùng với những nét mới trong thu hút đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, trong tương lai không xa du lịch lòng hồ sông Đà sẽ càng là điểm đến hấp dẫn của khách du lịch.

Khách du lịch thích khám phá nơi đây thường hay rủ nhau tới một hòn đảo nào đó hoặc chợ Bờ hay để dừng chân và tìm hiểu cuộc sống của người xứ Mường. Muốn nghỉ đêm trên lòng hồ, du khách sẽ chọn một hòn đảo bất kỳ để dừng chân và trải nghiệm cảm giác khám phá hoang đảo bằng một số trò chơi, trong đó không thể bỏ qua “món” đốt lửa trại suốt đêm.

Nguyễn Hưng
.
.
.