Kỷ niệm 119 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh:

Yêu Bác - lòng trong, tâm sáng hơn

Thứ Ba, 12/05/2009, 08:14
Trong ngôi nhà nhỏ ấm cúng tọa lạc giữa mảnh vườn xinh xắn ở thị trấn Nhồi (huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) của gia đình bà Nguyễn Thị Lữ, có một kỉ vật được đặt ở vị trí trang trọng nhất suốt gần nửa thế kỉ qua: Bức ảnh Bác Hồ và cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Thanh Hóa, trong dịp Người về thăm xứ Thanh tháng 12 năm 1961.

Trong bức ảnh lịch sử đó, bà Lữ và người con gái của mình được ngồi bên Bác, xunh quanh là một số cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Thanh Hóa cùng cán bộ Cảnh vệ.

Hồi ức về những lần được gặp Bác Hồ, được chụp ảnh với Bác khiến người nữ cán bộ Công an nghỉ hưu, nay đã ở tuổi gần 80, xúc động trào nước mắt. Ngắm bức ảnh kỉ vật, vợ chồng bà Lữ ôn lại với các con cháu về những năm tháng hoạt động cách mạng, đặc biệt là hai lần được gặp trực tiếp và nghe Bác Hồ nói chuyện.

Mỗi khi gia đình sum họp đông đủ, những câu chuyện của quá khứ luôn khiến các con cháu của ông bà thêm kính trọng vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc và tự hào về truyền thống gia đình mình.

Sau Toàn quốc kháng chiến (tháng 12/1946), quân và dân Thanh Hóa rất kiên cường chiến đấu bảo vệ vững chắc vùng tự do. Cô thôn nữ huyện Nông Cống Nguyễn Thị Lữ có người cha hy sinh trong một trận đánh quân Pháp càn từ Ninh Bình vào Thanh Hóa, nên được đoàn thể rất quan tâm bồi dưỡng.

Cô Lữ được hỏi nguyện vọng, lên Việt Bắc để sang Trung Quốc học tập hay đi làm công nhân dệt? Cô trả lời: "Tôi chỉ vào bộ đội hoặc Công an để tham gia kháng chiến, trả nợ nước, thù nhà". Đoàn thể quyết định tuyển cô Lữ vào Công an.

Bác Hồ và cán bộ, chiến sỹ Công an Thanh Hóa (Bà Lữ và con gái ngồi gần Bác, phía bên phải ảnh).

Năm 1953, cô Lữ được lên Việt Bắc và vào học khóa II Trường Công an Trung ương. "Một hôm mới vào giờ học - bà Lữ nhớ lại - chúng tôi đang chăm chú nghe đồng chí giảng viên trình bày, bỗng thấy một ông cụ đi nhanh vào lớp. Quá bất ngờ, tôi chưa nhận ra Bác thì một đồng chí reo lên: "Bác Hồ! Bác Hồ!"; rồi nhiều người khác và cả tôi cùng reo lên hai tiếng thiêng liêng ấy.

Bác khoát tay ra hiệu cho mọi người im lặng giữ bí mật. Bác đứng bên chiếc bàn tre của giáo viên và nói chuyện với lớp học. Người phân tích tình hình ta - địch, đưa ra những nhận định sắc sảo khiến chúng tôi thấy sáng dạ hẳn lên. Sau cùng, Bác chúc chúng tôi đoàn kết, học tập tốt để phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Chúng tôi vẫn nhớ mãi lời Bác căn dặn, Công an là của dân, dựa vào dân mà làm việc, vì nhân dân mà phục vụ...

Sau khóa học, bà Lữ trở về quê hương, làm công tác Văn phòng Ty Công an Thanh Hóa. Những kiến thức được trang bị, đặc biệt là những lời Bác Hồ căn dặn, luôn được bà Lữ ghi nhớ và vận dụng vào công việc hằng ngày. Từ thực tế công tác, bà Lữ càng thấm thía giá trị và ý nghĩa sâu sắc từ những lời dạy của Bác Hồ với lực lượng Công an.

Nhớ lại lần được cùng đồng chí, đồng bào Thanh Hóa đón Bác Hồ về thăm tháng 12-1961, giọng bà Lữ xúc động kể: "Tầm 2h chiều 11/12, Bác về thăm Thanh Hóa. Đón Bác Hồ về thăm, người dân thị xã Thanh Hóa vui như mở hội. Ai cũng háo hức mong tới sáng hôm sau để được tận mắt thấy Bác, được nghe Bác nói chuyện ở trung tâm thị xã... Riêng mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an Thanh Hóa, bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ Bác, chúng tôi tìm cách được đến gần trụ sở Tỉnh ủy, nơi có Bác Hồ kính yêu đang làm việc với các đồng chí lãnh đạo tỉnh.

Sáng sớm hôm sau (12/12), tôi đưa cháu Oanh (chị Lê Thị Oanh, hiện là cán bộ Công an huyện Đông Sơn, năm ấy mới lên bốn tuổi - PV) lên cơ quan từ sớm. Chúng tôi tranh thủ ý kiến các đồng chí cảnh vệ và mạnh dạn kéo nhau sang nhà khách Tỉnh ủy để được gặp Bác. Bé Oanh lũn cũn chạy phía trước, tôi tất tả vấn tóc bước theo sau cùng nhiều đồng chí khác.

Vừa sang tới nhà khách, thật bất ngờ chúng tôi đã được thấy Bác! Nét mặt Bác hồng hào, tươi tắn - chắc Người rất hài lòng trước những thành tích của quân và dân tỉnh Thanh Hóa... Bé Oanh lễ phép khoanh tay: "Cháu chào Bác Hồ ạ"! Bác dang tay đón lấy Oanh rồi đáp lại bằng một lời chào dí dỏm: "Bác Hồ chào cháu ạ!". Chúng tôi chạy ùa lại, quây quần quanh Bác; Bác ân cần thăm hỏi chúng tôi, rồi phát lệnh: "Nào, Bác cháu ta cùng chụp ảnh"...

Từ đó, bức ảnh lịch sử này luôn là một báu vật trong gia đình bà Nguyễn Thị Lữ. Làm theo lời dạy của Bác Hồ, vợ chồng bà Lữ luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của người cán bộ, đảng viên và chăm lo giáo dục con cái nên người. Trong gia đình của ông bà, nhiều người con, cháu đều là những cán bộ Công an gương mẫu, luôn luôn phấn đấu góp sức mình "Xây dựng Thanh Hóa thành một tỉnh kiểu mẫu", như mong muốn của Bác Hồ kính yêu

Trần Duy Hiển
.
.
.