Xương rồng miền cát trắng

Thứ Năm, 12/08/2010, 13:40
Chia sẻ về cuộc sống tương lai, Thiếu tá Quân đội Đỗ Đức Địu ngậm ngùi bảo rằng đến nay ông đã lo được cho 12 đứa con xấu số mồ yên mả đẹp. Xác định 3 người con còn lại cũng khó sống thọ với đời, ông đã chuẩn bị sẵn đất để cho chúng gần chị gần em. Điều duy nhất ông có thể làm được bây giờ là cố gắng chăm sóc cho con sống vui vẻ...

Đạo diễn Nguyễn Minh Tuân kể rằng, dù đã qua một thời gian dài nhưng anh vẫn cứ bị ám ảnh mãi bởi hình ảnh về những ngôi mộ không tên trên miền cát trắng Quảng Bình, chỉ được đánh số thứ tự từ 1 đến 12 của những người con của Thiếu tá Quân đội Đỗ Đức Địu yểu mệnh bởi nhiễm chất độc da cam.

Thêm nhiều ngày "ăn dầm nằm dề" tại nhà ông, chứng kiến cuộc vật lộn của cặp vợ chồng già nỗ lực chống lại tử thần, giành giật cuộc sống cho 3 người con tật nguyền còn lại, 3 tập kịch bản phim truyền hình "Em là tình yêu của anh" đã được hoàn thiện.

Tuy nhiên, phim vẫn chỉ chuyển tải một phần rất nhỏ về bi kịch cuộc đời của người cựu sĩ quan Quân khu Bình Trị Thiên mà nguyên nhân bắt đầu từ những tháng ngày "ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam" của ông và đồng đội trong kháng chiến chống Mỹ.

Những bi kịch mang tên "da cam"

Một ngày tháng 7/2010, chung cư 63 Ngô Quyền, quận 5, TP HCM xuất hiện một người đàn ông tóc bạc trắng, dắt theo cô con gái khá xinh xắn đến một căn phòng trọ nhỏ.

Thấy chúng tôi đến tìm 2 cha con, tranh thủ thời gian khách trọ còn bận sinh hoạt cá nhân, bà chủ nhà hay chuyện kéo ra ngoài thủ thỉ: "Tôi không thấy ai như cái nhà ông này, con gái lớn thế mà chăm khiếp. Mọi sinh hoạt, kể cả đồ dùng của cô con gái khi tới ngày tới tháng đều một tay ông ấy lo hết. Cái cô gái cũng lạ, trừ những khi lên cơn giật đùng đùng, không thì yêu đời lắm, cứ líu lô ca hát cả ngày. Mình còn ái ngại thay, thế mà cô bé lại cười tươi, bảo rằng: đằng nào cháu chả chết. Sống vui vẻ được ngày nào hay ngày ấy cô ạ"…

Vào TP HCM đóng phim, Đỗ Thị Hằng luôn được cha chăm sóc đến từng viên thuốc, giấc ngủ.

Cô bé ấy chính là Đỗ Thị Hằng, nhân vật chính trong câu chuyện mà đạo diễn Nguyễn Minh Tuân đã kể với chúng tôi nói trên.

Thực ra, nếu không nhờ bà chủ nhà trọ, chúng tôi đã nghĩ mình gặp nhầm người bởi trừ mái tóc đã bạc trắng trước tuổi ra, nếu nhìn qua vẻ ngoài chỉn chu và thái độ yêu đời của ông Địu, khó có thể nhận thấy những dấu vết của sóng gió suốt mấy chục năm qua. Cũng như con gái, ông Địu bảo rằng số phận mình đã thế, vùng vẫy làm gì cho mệt.

Hình như ông đã… "miễn dịch" với nỗi đau nhưng cũng rất không muốn khơi lại chúng. Phải mất một thời gian khá dài, bắt đầu bằng những câu chuyện rời rạc, nhiều khi tưởng chừng không ăn nhập gì với chủ đề của buổi gặp gỡ, chúng tôi cũng "tìm lại" được ông Đỗ Đức Địu của gần 40 về trước.

Ngày ấy, như bao trai làng của xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, huyện Quảng Bình khác, ông Địu tạm biệt quê hương lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc, mang theo lời hẹn ước với người thôn nữ Phạm Thị Nức: đợi nước nhà thống nhất sẽ làm đám cưới.

Miền Nam hoàn toàn giải phóng. Bỏ lại sau lưng những cánh rừng đã bị trơ trụi bởi chất độc da cam (dioxin) mà đế quốc Mỹ rải xuống chiến trường Quảng Trị - Thừa Thiên Huế, năm 1976, người lính Đỗ Đức Địu trở về quê nhà, kết hôn rồi tiếp tục xa nhà làm nhiệm vụ.

Hơn một năm sau, đôi vợ chồng trẻ vui mừng chờ đón tin vui nhưng đứa con đầu lòng ấy đã vội đi vì rời lòng mẹ quá sớm. Cứ thế, đứa trẻ nọ tiếp nối đứa trẻ kia được sinh hạ rồi lần lượt "kéo nhau" đi với cùng một căn bệnh: não úng thủy. Ngày ấy, không ai nghĩ nguyên nhân sự ra đi của những đứa trẻ là hậu quả của việc ông và đồng đội nhiễm thứ chất độc khủng khiếp: da cam dioxin. 

Dìu nhau đi qua nỗi đau

Tưởng rằng trời đã đoái thương khi người con gái Đỗ Thị Bình, SN 1981 và Đỗ Thị Hằng, SN 1990 sống khỏe mạnh, năm 1994, bà tiếp tục mang thai với nỗ lực kiếm cho ông một đứa con trai nối dõi. Đỗ Thị Nga ra đời. Ít tháng sau, em cũng lại mắc bệnh giống nhiều anh chị trước. Được cứu chữa nhưng trí não Nga vẫn mãi là đứa trẻ, chỉ nằm một chỗ, mọi sinh hoạt đều dựa vào cha mẹ.

Cuối thập niên 90 của thế kỷ XX, gia đình rất khó khăn. Thế nhưng, khi nhiều đồng đội từng sống, chiến đấu với ông bắt đầu làm thủ tục cho những đứa con tật nguyền của họ hưởng chế độ hỗ trợ dành cho nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam đến khuyên ông Địu làm thủ tục để nhận hỗ trợ, ông quyết liệt từ chối.

Ông sợ thông tin công khai sẽ không chàng trai nào dám lấy con ông về làm vợ, trong khi, cô con gái Đỗ Thị Bình đã đến tuổi cập kê. Rồi Bình cũng lấy được chồng, một chàng trai hiền lành, tốt tính cùng quê.

Đúng lúc tưởng chừng niềm vui đến với gia đình, với ông thì năm 2003, Đỗ Thị Hằng phát bệnh. Còn chút gì trong nhà, vợ chồng đều gom góp bán sạch để chạy chữa cho con. Một lần nữa, những đồng đội cũ lại xuất hiện. Hằng được chuyển đến làng Hữu Nghị thuộc trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam ở Hà Nội rồi được chuyển về Bệnh viện Nhi Trung ương chữa trị.

Tuy nhiên, được 3 tháng, tình hình của Hằng lại rơi vào nguy kịch. Bác sĩ báo em bị chẹt tủy, phải mổ lại. Trước đó, cũng nhờ đồng đội cũ, thủ tục làm chế độ cho gia đình ông hưởng hỗ trợ dành cho nạn nhân chất độc da cam cũng được hoàn thiện.

Có thêm chút tiền cho con chữa bệnh nhưng sóng gió khác lại nổi lên. Khỏi nói gia đình thông gia giận dữ đến thế nào khi biết được sự thật về người con dâu. Hai vợ chồng ông lặng lẽ chấp nhận tất cả, chỉ xin lỗi, không phản ứng dù là hành động nhỏ nhất với mong muốn được bảo toàn hạnh phúc cho con gái.

Về phía Đỗ Thị Hằng, nhờ sự giúp đỡ của nhiều người và một tờ báo, cô bé được phẫu thuật lại. Nhưng cũng chỉ được 4 tháng, bệnh viện trả về. Nhìn con sống không ra sống, lòng ông đau cứ như thể người ta đang cắt từng khúc ruột. Người phóng viên ở tờ báo nọ cũng về tận nhà ông, nhìn cô bé mà bật khóc. Anh trở lại Hà Nội, gõ thêm nhiều cánh cửa khác nữa. Cuối cùng cũng có một bác sĩ từ Australia nhận lời Bệnh viện Nhi Trung ương bay sang Việt Nam mổ cho Hằng. Sau 15 ngày, tình hình vẫn không khả quan hơn. Hằng được chuyển sang Bệnh viện Việt - Đức…

Cho đến hôm nay, Đỗ Thị Hằng đã khỏe mạnh trở lại. Trừ những lúc lên cơn co giật, cô bé lúc nào cũng sống rất vui vẻ trong sự bao bọc của mẹ cha. Khi biết tin Hội Chữ thập đỏ TP HCM phối hợp với một công ty làm phim về ông và bé Hằng, ông Địu cũng chỉ nghe cho vui, không ngờ đạo diễn Nguyễn Minh Tuân mời Hằng vào một vai chính. Cả đời ông nào biết phim ảnh gì nhưng thấy Hằng thích nên ông đành chiều theo ý con. Sợ Hằng lên cơn, ngã bệnh không có người biết chăm sóc, ông gác lại mọi việc, khăn gói đưa Hằng ra TP HCM.

Về cô con gái lớn Đỗ Thị Bình, ông Địu kể Bình cũng đã phát bệnh, phải nhờ gia đình chồng chăm sóc. Đỗ Thị Nga thì vẫn có lớn mà không có khôn, chỉ ăn nằm một chỗ. Chia sẻ về cuộc sống tương lai, ông Địu ngậm ngùi bảo rằng đến nay ông đã lo được cho 12 đứa con xấu số mồ yên mả đẹp.

Xác định 3 người con còn lại cũng khó sống thọ với đời, ông đã chuẩn bị sẵn đất để cho chúng gần chị gần em. Điều duy nhất ông có thể làm được bây giờ là cố gắng chăm sóc cho con sống vui vẻ và ông mong sống khỏe mạnh, không nằm xuống trước, để mấy đứa con tật nguyền lại bơ vơ

Ngọc Nguyễn
.
.
.