Xuống núi tìm chữ cho con

Thứ Năm, 24/09/2009, 09:03

"Đàn ông ở bản bố bây giờ không còn ở nhà la cà uống rượu nữa, mà ai cũng lo cuốc đất, trồng cây lúa nước để kiếm tiền cho con ăn học thôi", vừa nghỉ chân sau hơn nửa ngày mang gạo, sắn, đi bộ từ bản Xa Đưng (Hướng Việt) về Trường THPT Hướng Phùng (Hướng Hoá, Quảng Trị) để tiếp tế cho con, ông Hồ Văn Theng tâm sự.

Bản nghèo khát khao con chữ

Từ trung tâm TP Đông Hà, phải mất gần 6 giờ đồng hồ chạy xe máy, chúng tôi mới đến được Trường THPT Hướng Phùng, nơi học sinh của 5 xã Bắc Hướng Hoá học tại đây. Vừa bước vào năm học mới nên không khí ở vùng cao này rộn rã hơn thường ngày. Tranh thủ giờ nghỉ trưa, các em học sinh tất bật chặt cây, dựng lán để trọ học. Những tấm tôn cũ nát, những bó lá nứa được mang về từ các bản làng xa xôi hơn 40 cây số như bản Cù Bai, Cuôi, Kợp..., tập trung bên cạnh sườn đồi, bờ suối bản Xa Ri, ngay cạnh tường rào trường học để dùng làm tấm lợp mái lán.

Vừa nghỉ chân sau hơn nửa ngày mang gạo, sắn, đi bộ từ bản Xa Đưng (Hướng Việt) về Trường THPT Hướng Phùng để tiếp tế cho con, ông Hồ Văn Theng tâm sự: "Do chiến tranh, thế hệ bố không được học cái chữ Bác Hồ nên chịu thiệt thòi nhiều rồi. Bây chừ cực khổ mấy cũng cố gắng tạo mọi điều kiện cho con học chữ, mong tương lai con tươi sáng hơn. Đàn ông ở bản bố bây giờ không còn ở nhà la cà uống rượu nữa, mà ai cũng lo cuốc đất, trồng cây lúa nước để kiếm tiền cho con ăn học thôi".

Lều học trọ của các em đến từ Cù Bai (Hướng Lập) và Xa Đưng (Hướng Việt).

Gia đình ông Theng có 6 đứa con, trong đó 2 đứa đang theo học cấp 2 ở xã, đứa còn lại là em Hồ Văn Đính đang học lớp 12, Trường THPT Hướng Phùng. Vợ chồng ông Theng năm nay đã ngoài 60 tuổi, nhưng vẫn lăn lộn với ruộng đồng, nương rẫy để lo cho con học cái chữ, mà theo ông: "Cái chữ Bác Hồ là tài sản quý nhất, có thể giúp thế hệ trẻ như thằng Đính học hành đỗ đạt và xây dựng bản làng giàu đẹp, no ấm hơn".

Cách đó chừng vài chục bước chân, 3 em học sinh gồm 1 nữ, 2 nam cùng đến từ bản Cù Bai, xã Hướng Lập, sống chen chúc trong chòi canh cà phê chật hẹp. Chòi dựng đã lâu nên tre nứa đều mục rã, bốn cây cột trụ đã bị mối ăn gần hết, trên mái toàn những túi nilon, bao gai do các em tự đan vào để che mưa, nắng. Khi chúng tôi đến, em Xà Ghồ, lớp 12 đang loay hoay với mấy khúc củi ướt nhèm chuẩn bị xào mấy con ốc suối, thức ăn chính hàng ngày của các em.

Nhen mãi không đỏ lửa, đôi mắt đỏ hoe vì khói, em mỉm cười nói với tôi: "Hôm trước về đây dựng lán học, mẹ em động viên mãi. Cực khổ mấy tụi em cũng cố gắng vượt qua, miễn là học được cái chữ để sau này về bản phục vụ lại cho bà con".

Không chỉ riêng ông Theng, rất nhiều các bậc phụ huynh người Vân Kiều, Pa Cô ở các bản làng xa xôi của huyện Hướng Hoá, mặc dù kinh tế còn nhiều khó khăn vẫn lo cho con học cái chữ. Đến Hướng Hoá hôm nay, câu chuyện thầy, cô giáo phải lặn lội đi tìm học sinh, vận động các bậc phụ huynh cho con em đến trường đã không còn phổ biến như xưa nữa. Thay vào đó, là không khí rộn ràng của sự học.

Còn nhiều trăn trở

Thầy giáo Hồ Anh Tuấn, Bí thư Đoàn Trường THPT Hướng Phùng trăn trở: "Mặc dù nhà trường đã tạo mọi điều kiện, thu xếp nhà công vụ để nhường chỗ ở cho các em, vận động bà con xung quanh trường học cho các em ở nhờ, nhưng hiện tại vẫn còn hơn 100 em học sinh của trường không có chỗ ở, phải dựng lán ven bờ suối và sườn đồi trú tạm. Mùa nắng các em còn ở tạm được chứ mùa mưa ở miền núi này lũ lớn hay xảy ra bất ngờ, rất nguy hiểm đến tính mạng các em. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ có thêm nhiều em học sinh phải nghỉ học".

Năm học mới này, Trường PTTH Hướng Phùng có hơn 300 học sinh, trong đó học sinh Vân Kiều chiếm hơn 50%. Để học cái chữ, các em đã phải băng rừng lội suối hàng chục cây số từ các xã Hướng Lập, Hướng Việt, Hướng Sơn, Hướng Linh... về trung tâm xã Hướng Phùng để trọ học. Điều kiện gia đình các em hầu hết là nghèo khó, hơn nữa việc dựng nhà cho thuê đối với người dân nơi đây còn là khái niệm quá xa vời. Thứ nữa, nếu có thì giá phòng trọ cũng rất đắt đỏ so với túi tiền của các em học sinh nghèo (600 ngàn đồng/phòng/tháng). Các em vì vậy phải mượn đất, tự dựng lều hoặc vào sâu trong nương rẫy xin những cái chòi canh cà phê ở tạm. Nhìn những túp lều rách tả tơi, chỏng chơ, cùng những bát đĩa, nồi ám khói đen sì, chúng tôi không khỏi chạnh lòng.

Trao đổi với chúng tôi, thầy giáo Lê Văn An, Chủ tịch Công đoàn Phòng Giáo dục huyện Hướng Hoá cho biết: "Hiện trên địa bàn huyện có 59 trường học với hơn 14.000 học sinh các cấp. Đa phần các em học sinh đều có nhà ở cách xa trường học hàng chục giờ đi bộ. Vì thế, nhu cầu về nhà trọ của các em là rất lớn, nhưng nhà bán trú cho học sinh chỉ đếm được trên đầu ngón tay, đó là hai trường THCS Hướng Sơn và THCS Húc. Bước vào năm học mới này, có hàng trăm em học sinh THPT và gần ngàn học sinh THCS không có chỗ ở nội trú, phải dựng lều tạm ven bờ suối để trọ học. Về vấn đề này, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị các cấp giúp đỡ. Chính quyền, ngành chức năng địa phương cũng đã tạo mọi điều kiện giúp đỡ các em, nhưng do rất khó khăn về tài chính, nên chưa xây dựng được các khu nhà bán trú cần thiết"

Phan Vĩnh Yên
.
.
.