100 năm Bệnh viện Bạch Mai:

Xứng danh cánh chim đầu đàn của Y tế Việt Nam

Thứ Ba, 01/03/2011, 11:22
Tròn một thế kỷ tồn tại và phát triển, Bệnh viện Bạch Mai đã luôn đồng hành trong mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước, với vai trò là một Trung tâm y học tuyến cao nhất: Hai lần vinh dự được đón Hồ Chủ tịch đến thăm.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng đều đến đây động viên, thăm hỏi các thầy thuốc. Bệnh viện và Khoa Hồi sức cấp cứu A9 đều 2 lần được phong danh hiệu Anh hùng; Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới cũng được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động; 4 cá nhân được phong danh hiệu Anh hùng cùng nhiều huân, huy chương, cờ thi đua các loại. Vào Ngày thầy thuốc Việt Nam năm nay, ở tuổi 100, lần thứ 2, bệnh viện lại vinh dự nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất.

100 năm trước, Bệnh viện Bạch Mai ra đời nhằm điều trị các bệnh truyền nhiễm - thách thức lớn nhất với y học thế giới khi đó, với tên gọi nhà thương Cống Vọng. Năm 1935, nơi đây được mở rộng thành Bệnh viện Đa khoa René Robin và là cơ sở thực hành của Trường Đại học Y khoa Đông Dương. Cái tên Bạch Mai ra đời cùng ngọn gió lành của Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Trong những tháng ngày cách mạng còn trứng nước, những thầy thuốc của cơ sở y khoa hàng đầu này đã phải đối mặt với biết bao khó khăn: người bệnh đông, thầy thuốc và thuốc men, trang thiết bị thiếu thốn đủ bề. Nhưng, tấm lòng và sự tận tụy của họ đã giúp bệnh viện tiếp tục duy trì được hoạt động, để khám, chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân...

Thủ đô giải phóng, bệnh viện tiếp tục bắt tay vào nhiệm vụ mới mà Đảng và nhân dân giao phó. Lời Bác Hồ dạy trong lần đến thăm bệnh viện tháng 12/1954. "Có cơm ngon, thuốc đúng, người phục vụ tận tụy, nhất định bệnh nhân mau khỏi, nhà thương mau tiến" đã thành kim chỉ nam với các thế hệ y, bác sĩ của bệnh viện.

Để rồi, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, dẫu đã 4 lần máy bay B52 ném bom hủy diệt bệnh viện, các thầy thuốc vẫn một lòng phục vụ bệnh nhân. 28 cán bộ y tế hy sinh trong trận "Điện Biên phủ trên không" lịch sử, như một minh chứng cho sự nhân ái, tận tụy hy sinh của những người mẹ hiền ở đây. 

Bệnh viện Bạch Mai luôn là địa chỉ tin cậy thu hút rất đông người bệnh.

Một thế kỷ qua, vượt qua biết bao thách thức, Bệnh viện Bạch Mai đã không ngừng lớn mạnh. Từ một nhà thương nhỏ bé, một bệnh viện bị máy bay Mỹ tàn phá, nhờ sự phấn đấu không mệt mỏi của các thế hệ thầy thuốc, Bệnh viện Bạch Mai đã là một mái nhà tin cậy của hàng triệu người dân, với vai trò là một bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh hạng đặc biệt đầu tiên tại Việt Nam, có 1.900 giường bệnh và trên 2.000 cán bộ.

Bệnh viện Bạch Mai có quyên tự hào là nơi có nhiều thầy thuốc giỏi, nhiều giáo sư đầu ngành dày dạn kinh nghiệm của bệnh viện, cũng như của Trường Đại học Y Hà Nội làm việc, nhờ các biện pháp thu hút người tài, phát huy đội ngũ cán bộ giỏi.

Để xứng đáng với vai trò là bệnh viện đầu ngành trong cả nước, bệnh viện đã sáng tạo tìm nguồn trang thiết bị, máy móc và cử cán bộ ra nước ngoài học tập các kỹ thuật tiên tiến trên thế giới và áp dụng vào các mũi nhọn về khám, chữa bệnh như tim mạch, tiêu hóa, lây, hồi sức cấp cứu…

Hàng loạt kỹ thuật hiện đại ngang tầm khu vực và thế giới đã được áp dụng tại Bệnh viện Bạch Mai, giúp cho việc chẩn đoán và điều trị chính xác, hiệu quả, uy tín: Bệnh viện là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam triển khai thành công xạ hình với máy PET/CT, xạ phẫu với hệ thống máy Gammar quay-công cụ đặc hiệu giúp bác sĩ điều trị các tổn thươg và khối u sọ não không phẫu thuật được.

Viện Tim mạch Quốc gia của bệnh viện cũng hoàn thiện nhiều qui trình kỹ thuật mới nhất trong chẩn đoán và điều trị. Bệnh viện cũng là nơi đầu tiên ở Việt Nam áp dụng thành công các phương pháp hồi sức cấp cứu mới của y tế Việt Nam như sốc điện, lọc màng bụng, đặt máy tạo nhịp, thông khí nhân tạo…

Kinh nghiệm, sáng tạo và trên hết là tấm lòng của những người thầy thuốc ở Bệnh viện Bạch Mai đã không chỉ được ghi nhận là đơn vị đi đầu trong xử lý những ca bệnh khó, trả lại cho người bệnh cuộc sống an lành, mà còn đưa tên tuổi ngành Y tế Việt Nam ra thế giới với thành tích "là nước đầu tiên khống chế thành công dịch SARS" vào năm 2003. Tiếp đó, bệnh viện còn khẳng định mình trong việc điều trị bệnh cúm A/H5N1, H1N1, sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp khi không để xảy ra trường hợp tử vong trước những căn bệnh mới và nguy hiểm của loài người.

TS. Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện bày tỏ: Nhưng, phần thưởng cao quí nhất mà bệnh viện vinh dự có được trong chiều dài một thiên niên kỷ qua, chính là niềm tin yêu của nhân dân cả nước. Bởi, dấu ấn đọng mãi ở đây chính là trí tuệ ngời sáng cùng trái tim nhân hậu của các "Thầy thuốc như mẹ hiền"

Thanh Hằng
.
.
.