Xuân về trên bến Bình Than

Thứ Ba, 12/02/2008, 10:27
Một ngày đầu xuân. Dòng sông Cầu quanh năm lơ thơ nước chảy được nhuốm vàng như trải lụa. Chúng tôi cùng cán bộ CSGT đường thủy, Công an tỉnh Bắc Ninh xuôi thuyền rẽ mặt sông, hướng về Lục Đầu Giang để ghé thăm bến Bình Than, địa danh lịch sử hào hùng của đất nước.

Giữa guồng quay hối hả của cuộc sống hiện đại, bao nhiêu công trình xây dựng, các khu công nghiệp liên tiếp mọc lên xung quanh khu Lục Đầu, nhưng tại một bến sông thuộc xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, bến Bình Than hàng trăm năm qua vẫn không có gì thay đổi, vẫn kiêu hùng đứng đó như chứng nhân lịch sử của cha ông xưa…

Xuôi theo dòng sông Cầu đi ngược về bến phà Phả Lại khoảng chục kilômét, chúng tôi được tận mắt nhìn thấy 6 nhánh sông gặp nhau tại một điểm tạo nên Lục Đầu Giang. Thượng tá Nguyễn Văn Hùng, Trưởng phòng Công tác chính trị Công an tỉnh Bắc Ninh giới thiệu: Bến Bình Than nằm trên triền sông này, còn đi ngược lên phía đầu sông Như Nguyệt một đoạn sẽ là địa điểm Lý Thường Kiệt đọc bài thơ thần "Nam quốc sơn hà" để đuổi quân giặc…

Nghe vậy trong lòng tôi bỗng chộn rộn niềm vui, niềm tự hào khôn tả. Vì chỉ lát nữa thôi tôi sẽ được đặt chân lên những địa điểm linh thiêng đó. Rồi bến Bình Than cũng hiện ra trước mắt, bình dị và hoang sơ, thật khác xa với trí tưởng tượng của tôi. Một bãi cát thoai thoải, nhấp nhô đầy đất đá, phía trên là bờ đê loe hoe cỏ dại và hàng dãy dài lò gạch che ngút tầm mắt.

Vất vả hồi lâu, thuyền của chúng tôi vẫn chưa tìm được nơi ghé "bến", bởi giờ đang mùa nước cạn nên nhiều chỗ đất bồi khiến thuyền không thể cập bờ. Thật may, từ phía thượng nguồn xuất hiện chiếc thuyền độc mộc rẽ mái chèo tiến đến giúp đoàn chúng tôi cập bến an toàn. Sau khi nói lời cảm ơn người ngư dân tốt bụng, chúng tôi hồi hộp đặt chân lên bến Bình Than.

Sự xúc động như trào dâng trong lòng mỗi người, ai nấy đều bước đi thật chậm, như thể nếu đi nhanh thì thời khắc linh thiêng này sẽ vuột qua mất. Bến Bình Than đây ư?

Lịch sử hùng thiêng của mấy trăm năm trước như ùa về, hiện hữu ngay trên bến sông này. Cách đây gần 800 năm, chính nơi đây đã đón hàng trăm quân sỹ tụ họp về dự hội nghị Bình Than, do vua Trần Nhân Tông triệu tập vào năm 1282 để bàn phương hướng kháng chiến khi quân Nguyên Mông sang xâm lược Việt Nam lần thứ hai.

Cũng chính tại hội nghị này, Trần Quốc Toản vì quá trẻ tuổi nên không được dự đã bóp nát trái cam đang cầm trên tay rồi về tập trung hơn một nghìn gia nô và thân thuộc tham gia kháng chiến…

Với những người dân xã Cao Đức hiện đang sinh sống trên bến Bình Than, họ luôn mang trong mình sự ngưỡng mộ và lòng trân trọng khi nhắc đến điểm di tích bên bờ sông Lục Đầu này. Phải chăng vì thế mà những người dân nơi đây luôn cố gắng sống tốt để góp phần làm đẹp thêm mảnh đất quê hương.

Đồng chí Phó trưởng Công an xã Cao Đức, Nguyễn Vân Ngang tâm sự với chúng tôi: Bao năm nay bà con xã Cao Đức sống với nghề thuần nông, gần đây họ chuyển đổi mục đích sử dụng đất khi xây lò sản xuất gạch để bán vật liệu xây dựng. Dần dà cuộc sống của người dân trong xã cũng ổn định với nghề mới này. Cả xã có hơn 8.500 nhân khẩu, hiện có gần nửa số này ra các tỉnh ngoài làm thuê.

Nhưng có một điều đáng mừng là, tuy có đông người đi làm thuê như thế, nhưng ở xã từ trước tới giờ không có ai buôn bán ma túy hay mắc nghiện cái thứ bột chết người này. Có thể coi đây là địa bàn trắng, trong sạch tuyệt đối với tệ nạn ma túy. Ngoài ra, các loại tệ nạn mại dâm, cờ bạc… dường như cũng không len lỏi được vào cuộc sống của những người dân nơi đây.

Có được kết quả tốt như vậy phải kể đến sự nỗ lực, lòng nhiệt huyết của cán bộ, chiến sỹ Công an, đặc biệt là lực lượng Công an xã Cao Đức. Những cán bộ như anh Ngang ngày nào cũng trực tiếp xuống từng thôn, đi tuần tra kiểm soát, nắm vững từng nhân hộ khẩu trên địa bàn, vừa là giữ vững ANTT, vừa để kịp thời lắng nghe ý kiến người dân.

Như để khẳng định thêm về sự yên bình ở vùng đất Cao Đức, Thiếu tá Phạm Trọng Sơn, Đội trưởng Đội CSGT đường thủy, thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết, bao năm dọc ngang khắp tuyến sông Lục Đầu này, điều ở xã Cao Đức khiến các anh cảm nhận rõ nhất chính là tình hình ANTT ổn định.

Mặc dù tuyến sông này có nhiều điểm du lịch… hằng năm đón hàng ngàn lượt khách du lịch đi qua, vậy nhưng về các mặt ANTT, an toàn giao thông vẫn được đảm bảo tuyệt đối.

Câu chuyện của chúng tôi quay về đề tài bến Bình Than, chợt thấy giọng những người Công an phụ trách xã chùng xuống. Đồng chí Nguyễn Vân Ngang tâm sự: Nghe bến Bình Than nổi tiếng là thế, nhưng nếu hỏi mọi người bến đó nằm ở đâu thì chắc rằng người biết chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chính bởi sự lãng quên này mà đến giờ bến Bình Than lịch sử thuở nào vẫn là bãi đất trống lầy lội.

Những người dân xã Cao Đức nói riêng, nhân dân tỉnh Bắc Ninh nói chung đến giờ vẫn mong chính quyền địa phương, cụ thể là Sở Văn hóa Thông tin của tỉnh và các cơ quan chức năng có cuộc nghiên cứu, khảo sát để chính thức công nhận điểm di tích lịch sử này.

Và trong lúc bến Bình Than vẫn đang ngủ quên, những người dân nơi đây có ý định đặt một tấm bia đánh dấu địa danh lịch sử, để khách thập phương đi hội đền Kiếp Bạc, hoặc bất kỳ dịp gì đi qua triền sông này sẽ biết đến một địa danh đã từng đi vào huyền thoại chống giặc ngoại xâm của các vị tiền bối.

Chúng tôi lại xuôi thuyền về bến cũ, rời xa bến Bình Than khi trời chiều đã chạng vạng. Bóng hoàng hôn của chiều xuân nhuốm đỏ lòng sông Cầu quanh năm nước lơ thơ chảy như muốn níu tay chèo. Hai bên bờ sông thấp thoáng rặng đào nhà ai hoa nở sớm, cánh hoa rơi nhẹ trên mặt sông làm lòng du khách như thơ thới hơn.

Đoàn đi qua nơi Lý Thường Kiệt đã từng đọc bài thơ thần bất hủ, bên tai tôi như văng vẳng câu thơ vọng ra từ vách núi "Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư…". Đã có một thời kỳ lịch sử hào hùng diễn ra trên triền sông này

Hương Giang
.
.
.