Xuân này, lên phố làm công

Chủ Nhật, 13/02/2005, 06:53
Theo ước tính của UBND quận Hoàn Kiếm, riêng hai phường ngoài đê là Chương Dương và Phúc Tân đã có tới hơn 1.500 lao động ngoại tỉnh về tạm trú, kiếm sống và con số này sẽ nhân lên gấp nhiều lần nếu tính chung cả địa bàn thành phố.

Chị Phạm Thị Huệ, quê ở Kim Bảng, Hà Nam. Chồng chị mất để lại cho chị một nách 4 đứa con nhỏ. Đã 3 năm nay, cứ hết mùa cấy gặt là chị lại gửi con cho ông bà nội nuôi để lên Hà Nội làm thêm. Ngày thường chị đi nhặt sắt, giấy vụn, đồ dùng hỏng ở các bãi rác để bán.

Cuối năm, các nhà hàng, khách sạn tổ chức nhiều tiệc cưới, chị thường đến xin rửa bát đĩa thuê. Nếu có việc thường xuyên, tháng giáp Tết này chị cũng kiếm được khoảng 1 triệu đồng. Đứa con gái lớn năm nay 12 tuổi cũng phải nghỉ học theo mẹ lên Hà Nội nhặt rác.

Chị Nguyễn Thị Thơm, quê ở Kiến Xương, Thái Bình có một gánh hoa quả. Hàng ngày chị gánh hàng đi bán rong ở các phố và nhận luôn cả việc lau dọn nhà cho các gia đình. Chị cho biết, đầu tháng Chạp chị vừa đi bán hoa quả vừa tìm mối nhận việc. Những ngày giáp Tết, năm nào chị cũng nhận lau, dọn nhà cho vài chục gia đình. Tiền công chị nhận được khoảng 20.000đ - 30.000đ/nhà (thường làm trong 2 - 3 giờ), thế là Tết về cũng được một món kha khá.

Chị kể: "Gặp các gia đình tốt họ còn cho thêm giấy vụn, quần áo và cả những đồ dùng cũ. Nhưng đôi khi gặp những người khó tính, họ quát tháo, miệt thị mình, kiếm được đồng tiền cũng cực lắm". Chị Thơm ngủ trọ ở chân cầu Long Biên, mỗi tối 3.000đ, trải chiếu ra nền nhà, cứ thế người lớn, trẻ con nằm chen nhau trong những khu nhà lụp xụp, ẩm thấp.

Chị nói với tôi rằng, những ngày Hà Nội nhiệt độ xuống 8 độ, ở nhà trọ chỉ có một tấm vải mỏng gọi là chăn, rét không ngủ được, chị nhớ nhà, nhớ các con và ước gì lúc ấy được ôm con ngủ trong cái ổ rơm nhà mình thì hạnh phúc biết bao.

Tháng giáp Tết, các gia đình, các cơ quan, xí nghiệp nườm nượp dọn dẹp, sửa sang nhà cửa, mua sắm, hội họp nên công việc cho lao động ngoại tỉnh tăng lên đáng kể: từ buôn bán hoa quả đến quét dọn nhà, rửa bát, thu gom phế liệu, bốc vác, vận chuyển cho các cửa hàng buôn.

Tại chợ đầu mối Long Biên, lân la hỏi chuyện người phụ nữ vừa còng lưng gánh hai sọt cam khổng lồ từ bãi tập kết vào chợ, chị cho biết, chị quê ở Lập Thạch- Vĩnh Phúc. Chồng chị đau yếu nên ở nhà chăm nom việc đồng áng, còn chị và hai cậu con trai, đứa lớn mới 14 tuổi, đứa nhỏ chưa tới 13 lên đây làm cửu vạn.

Mỗi chuyến hàng, tùy theo trọng lượng 20 - 30kg số tiền chủ hàng trả tương ứng là 1.000đ - 2.000đ. Mỗi đêm, bé như thằng Đức, con chị, cũng nhận chuyển được mươi, mười lăm gánh hàng. ở khu chợ này, chủ hàng chỉ thuê những cửu vạn quen. Bởi vậy những lao động mang tính thời vụ như mẹ con chị phải đi theo người thân đã làm từ trước mới mong có việc.

Chị kể giọng nghèn nghẹn: "Nghề này cực lắm. Chen lấn, xô đẩy tranh nhau làm, không cẩn thận để dập hàng, chủ không chỉ mắng té tát mà còn phạt tiền. Hôm trước, thằng Đức gánh hàng nặng, đường lại mưa trơn nên làm đổ dập một gánh xoài, thế là chủ hàng phạt 3 ngày làm không công, sau đó không thuê nữa. Tôi thương con quá nhưng không bắt nó làm thì biết lấy gì nuôi em nó ở nhà".

Hỏi chuyện về quê, chị Huệ nói: "Năm ngoái tôi về đến nhà thì đã nửa đêm, ba con nhỏ đã ngủ say, bố mẹ chồng tôi đang chuẩn bị cúng giao thừa. Giá như một tháng nữa hãy Tết để chúng tôi còn kiếm thêm được ít tiền, tôi nhất định sẽ cho các con ăn Tết to hơn"

Hà Loan
.
.
.