Xuân mới bên dòng Hàn Giang

Thứ Năm, 10/02/2005, 07:33

Thấm thoắt đã bước vào mùa xuân thứ năm của thế kỷ 21. Thành phố Đà Nẵng như trẻ thêm hơn với diện mạo của một đô thị mới, hiện đại; trào căng nhựa sống trong nắng xuân vàng rực, ấm áp, chan hòa khắp đất trời.

Chiều cuối năm, thật hữu tình khi chúng tôi có cuộc gặp gỡ với anh Phạm Kiều Đa, Giám đốc Sở Công nghiệp thành phố Đà Nẵng trước tòa nhà UBND, trên đường Bạch Đằng ở bờ Tây sông Hàn. Đây là con đường thành phố vừa đầu tư hàng tỷ đồng để nâng cấp, mở rộng thành một trong số con đường đẹp nhất. Trong một tương lai gần, phố đi bộ sẽ được hình thành trên đường này để người dân Đà Nẵng cùng du khách thập phương thong dong đếm bước ngắm nhìn phố phường...

Đôi mắt anh Đa ánh lên bao niềm vui: “Mới ngày nào tôi chỉ huy biệt động thành kéo quân vào chiếm lĩnh treo cờ trên nóc Tòa Thị chính Đà Nẵng (nay là UBND Tp. Đà Nẵng - TG), vậy mà nay cũng đã 30 năm rồi. 30 năm đất nước thanh bình, yên ấm và thành phố Đà Nẵng thay đổi đến diệu kỳ. Các anh thử nhìn sang bờ Đông dòng sông Hàn mà xem”.

Anh Đa chỉ tay về hướng cảng Tiên Sa vạch một đường thẳng đến danh thắng Ngũ Hành Sơn và nói tiếp: “Bây giờ du khách đặt chân đến Đà Nẵng có mấy ai biết được dãy phố có những ngôi nhà cao tầng mang nhiều kiểu dáng kiến trúc hiện đại bên bờ Đông sông Hàn trước kia là xóm nhà chồ...”. Anh Đa bỏ lửng câu nói và chúng tôi hiểu tâm tư của anh, người đã một thời chỉ huy 250 biệt động thành phối hợp với bộ đội chủ lực chính qui tấn công vào sào huyệt của giặc giải phóng Đà Nẵng; rồi một thời làm lãnh đạo thành phố và giờ đây là giám đốc Sở Công nghiệp.

Con sông Hàn thơ mộng và êm ả vắt ngang qua thành phố như một dải lụa đã chứng kiến bao nhiêu biến cố thăng trầm lịch sử và biết bao đổi thay của một đô thị đang vươn mình thẳng tiến về tương lai đang rộng mở phía trước. Ngược dòng lịch sử, gần 59 năm về trước - năm 1946, cây cầu đầu tiên do quân đội Pháp bắc qua sông Hàn mang tên tướng thực dân Pháp: Đờ - lát (De Lattre de Tassigny), rồi sau đó đổi tên thành cầu Trịnh Minh Thế. Nhưng cây cầu này chủ yếu cũng để phục vụ cho cuộc xâm lược của quân đội viễn chinh thực dân Pháp và nối chân là đế quốc Mỹ.

Ngày 29/3/1975, Đà Nẵng giải phóng, kể từ đó cây cầu mang tên Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi. Và thêm một cây cầu nữa được bắc qua sông Hàn - cầu đường sắt dùng cho tàu lửa từ thành phố qua cảng Tiên Sa vận chuyển hàng hóa, được gia cố, sửa chữa thành cầu đường bộ mang tên Trần Thị Lý. Nhưng nghịch lý của đôi bờ Đông - Tây dòng Hàn Giang vẫn cứ mãi tồn tại. Một bên là phố xá xênh xang, một bên lô nhô xóm nhà chồ trên sông nước, với những thân phận đầy cơ cực của những ngư dân nghèo.

Vậy mà, giờ đây xóm nhà chồ nhếch nhác đã biến mất nhường chỗ cho phố mới mọc lên bằng những ngôi nhà cao tầng sang trọng và bề thế. Chiếc đũa thần làm nên phép màu thần thoại ấy chính là sự xuất hiện của cây cầu thứ ba mang tên dòng sông: Cầu Sông Hàn. Cây cầu quay dây văng hiện đại này ra đời bằng quyết tâm và nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng, không chỉ rút ngắn khoảng cách giữa đôi bờ Đông - Tây, góp phần xóa xóm nhà chồ hình thành khu đô thị mới Bạch Đằng Đông mà còn tạo ra “cú hích” quan trọng cho đô thị Đà Nẵng bước thẳng tiến đến sát mép biển Đông.

Đến đầu năm 2004, cầu Tuyên Sơn - cây cầu thứ tư bắc qua sông Hàn được cắt băng khánh thành. Đây là gạch nối quan trọng trên tuyến đường xuyên Á nối cảng Tiên Sa đến nước bạn Lào, Thái Lan và các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, thêm một cơ hội cho Đà Nẵng vươn đến tầm cao mới, xứng đáng là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm của miền Trung. Hiện tại cây cầu thứ năm cũng sắp chào đời. Đó là cầu treo từ Thuận Phước ngang qua vịnh Đà Nẵng, gần cửa sông Hàn, hội nhập tuyến đường ven biển chạy từ núi Hải Vân về bán đảo Sơn Trà vào danh thắng Ngũ Hành Sơn, biển Cửa Đại (Hội An), kéo dài đến tận cảng Kỳ Hà, Chu Lai (Núi Thành, Quảng Nam). Cây cầu hứa hẹn rất lớn cho Đà Nẵng phát triển những tiềm năng du lịch vốn có của chính mình...--PageBreak--

Nhưng, đâu chỉ mở về hướng biển, Đà Nẵng đang vươn mình về cả hướng Tây và hướng Nam với những khu đô thị mới Hòa Khánh, Hòa Minh, Hòa Cường, Nam cầu Cẩm Lệ... Đâu chỉ xóm nhà chồ ở bờ Đông sông Hàn mà những khu phố ổ chuột như: xóm Chuối, xóm Tre, xóm Bờ Đá... cũng đã trở thành chuyện cổ tích của một thời. Thành phố hôm nay không còn những con đường bụi bặm, nhỏ bé mà thay vào đó là những đại lộ mới mở, mới được nâng cấp chỉnh trang rộng thênh thang, dịu mát cây xanh, xen lẫn sắc hồng tươi thắm của hoa anh đào, vàng ươm hoa phượng tây, nồng nàn mùi hoa sữa.

Tôi nhớ mãi câu nói ví von của ông Huỳnh Năm, nguyên Chủ tịch UBND Tp. Đà Nẵng về con đường dài 12 cây số chạy ven vịnh Đà Nẵng, rằng đó là “Ban công làm đẹp thêm ngôi nhà Đà Nẵng”. Con đường đã được đặt tên Nguyễn Tất Thành và du khách đến đây đã phải ngạc nhiên trước vẻ đẹp của nó. Ngạc nhiên để mà thán phục chủ trương đúng đắn và táo bạo về chỉnh trang đô thị của Đảng bộ, chính quyền. Những công trình “ý Đảng, lòng dân” đã tạo cho diện mạo đô thị Đà Nẵng một gương mặt mới, trẻ trung và tràn đầy sức sống. Một thời chiến tranh, những người lính biệt động thành như anh Phạm Kiều Đa đã được nhân dân chở che, đùm bọc để từ trong lòng thành phố tổ chức những trận đánh xuất quỉ nhập thần làm kinh hồn bạt vía kẻ thù. Một thời hòa bình, nhân dân chung tay góp sức dựng xây Đà Nẵng thành đô thị giàu đẹp, văn minh...

Đến nay, Đà Nẵng về cơ bản đã không còn hộ đói, tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh, xóa nhà tạm 100% cho các hộ thuộc diện chính sách và đồng bào dân tộc. Thành phố cũng không có người mù chữ trong độ tuổi, không có giết người để cướp của, không có người nghiện ma túy tại cộng đồng. Trong con mắt du khách thập phương, Đà Nẵng là đô thị thực sự văn minh khi không còn tệ nạn lang thang xin ăn trên đường phố...  

Trước thềm xuân mới, Chủ tịch UBND Tp. Đà Nẵng Hoàng Tuấn Anh tâm sự, phát huy truyền thống anh hùng trong chiến đấu, sáng tạo và năng động trong xây dựng và phát triển kinh tế xã hội, Đà Nẵng quyết tâm thực hiện tinh thần Nghị quyết số 33 - NQ/TW của Bộ Chính trị, xây dựng thành phố trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế - xã hội lớn, địa bàn giữ vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của miền Trung...

Còn nhớ, trong cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) vào cuối năm 1995, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã kỳ vọng: “Nếu Đà Nẵng được chấp nhận là thành phố loại 1 thì sẽ là hạt nhân cho vùng kinh tế trọng điểm Đà Nẵng -Quảng Nam - Quảng Ngãi, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển của bản thân thành phố, của vùng và của cả nước”. Và như một lời tiên tri, Đà Nẵng ngày nay đã được công nhận đô thị loại 1, phát triển thật sự xứng đáng với tầm vóc và sứ mệnh lịch sử của nó. 30 mùa xuân trước, Đà Nẵng được giải phóng chỉ là thành phố bụi bặm và đói nghèo, đầy rẫy những tàn dư tệ nạn xã hội. 30 mùa xuân sau, Đà Nẵng đã là đô thị hiện đại, văn minh. Trên đường hướng đến tương lai, mỗi người dân Đà Nẵng vẫn nhìn lại quá khứ một thời để tự hào và nỗ lực góp sức hơn nữa cho sự phát triển bền vững của thành phố. Và chúng tôi càng thông cảm với anh Phạm Kiều Đa trước dãy phố mới bờ Đông sông Hàn, nhớ lại xóm nhà chồ một thủa.

Chiều cuối năm, gió sông Hàn lồng lộng qua những công trình đang gấp rút hoàn thành để kịp khánh thành trong dịp lễ kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng quê hương. Chiếc cầu sông Hàn - biểu tượng đoàn kết của người dân Đà Nẵng trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vững chãi và sừng sững trong nắng xuân

Hà Cương & Vân Long
.
.
.