Xuân Tân Mão 1951 - Làm báo ở đại hội Đảng trong rừng

Thứ Năm, 03/02/2011, 13:27
Chúng tôi đến chúc mừng anh Tố Hữu, phụ trách Ban Tuyên huấn TW, trúng cử Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành TW Đảng khoá II. Anh gọi nhà báo Thép Mới đi cùng anh đến làm việc với Tổng Bí thư Trường Chinh, bàn việc ra Báo Nhân Dân, cơ quan TW của Đảng Lao động Việt Nam, theo nghị quyết của Đại hội II.

Chúng tôi ăn Tết Tân Mão 1951 ở toà soạn Báo Cứu Quốc đóng tại Bản Khây của chiến khu Việt Bắc. Cả cơ quan liên hoan bằng chiến lợi phẩm do các phóng viên báo mang về từ Chiến dịch Biên giới: những hộp bơ Pháp, sôcôla và thuốc lá "ê-ranh-mo" rất thơm nhưng' dễ say. Ngày mồng 2 Tết, anh Xuân Thuỷ, Chủ nhiệm Báo Cứu Quốc, cử chúng tôi đi ngay sang huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang dự một số sự kiện chính trị quan trọng để viết bài cho báo. Tại Chiêm Hoá, sẽ diễn ra Đại hội II của Đảng Cộng sản Đông Dương, Đại hội thống nhất Việt Minh - Liên Việt, Hội nghị đoàn kết nhân dân Việt - Miên - Lào.

Chúng tôi khoác ba lô và ống cơm lam đi về chợ Chu rồi leo qua đèo De. Trời rét buốt. Sương phả vào mặt. Đường rừng còn đầy vết chân hổ. Chúng tôi đi về hướng bến Trinh thuộc huyện Chiêm Hoá là khu hậu cần lớn phục vụ Đại hội Đảng. Chúng tôi đã có dịp đến bến Trinh cuối năm 1947 để làm việc với anh Nguyễn Lương Bằng, người phụ trách công tác kinh tế - tài chính của Đảng. Lúc đó, anh là người sáng lập và phụ trách trực tiếp Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo đặt ở bến Trinh. Mọi người ở đây gọi anh Nguyễn Lương Bằng là anh Cù Vân.

Bến Trinh ở tả ngạn sông Gâm mà nhân dân địa phương có câu: "Ăn nước sông Gâm không câm thì điếc". Từ bến Trinh đi thuyền xuôi 60km về thị xã Tuyên Quang tấp nập hoặc ngược 10km lên bến Đầm Hồng đông vui đều tiện. Chính nhờ con sông Lô và sông Gâm mà anh Cù Vân đã cho chuyển nhiều cỗ máy và thiết bị từ Hà Nội đến bến Trinh lập nên một nhà máy cơ khí lớn nhất trong kháng chiến cũng như đã chuyển được hàng vạn tấn muối từ dưới xuôi đưa lên Việt Bắc.

Vốn là trước khi nổ ra cuộc kháng chiến, cơ sở Nhà Đoan Hà Nội ở số 8 phố Banny, nay là phố Hàng Vôi, có một kho hàng lớn vải, muối, thuốc chữa bệnh và máy công cụ, thiết bị cơ khí. Ngoài ra, ở Hà Nội, Ban Kinh tế - Tài chính Trung ương do anh Nguyễn Lương Bằng phụ trách còn có Công ty Nam Phát với một xưởng cơ khí sửa chữa ở cạnh bến xe Kim Liên. Toàn bộ kho hàng Nhà Đoan Hà Nội và máy công cụ của xưởng cơ khí Công ty Nam Phát đã được anh Nguyễn Lương Bằng chỉ đạo chuyển lên tập kết ở thị xã Tuyên Quang rồi đưa đến bến Trinh bằng đường sông. Chính từ bến Trinh này lương thực, thực phẩm và nhiều hàng tiêu dùng đã cập bến và được bốc dỡ để đưa vào phục vụ hàng trăm đại biểu dự Đại hội II của Đảng.

Chị Thanh, một chiến sĩ cách mạng gan dạ thời kỳ Đảng hoạt động bí mật, làm việc trong Văn phòng nhà máy, dẫn chúng tôi đi thăm Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo. Nhà máy đặt trong rừng rậm thôn Bình Thể, xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hoá, cách bến Trinh khoảng 5km. Những phân xưởng dựng bằng khung thép lợp lá cọ ẩn dưới những cây to trong cánh rừng rộng, từ gò hàn, rèn, máy công cụ đến mộc, đúc, xưởng phát điện, kho nguyên vật liệu, dụng cụ… Đây chính là nguồn lực lượng vật chất to lớn của Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, cùng Trung đội 2 Tiểu đoàn 333 Bộ đội Công binh, đã góp phần xây dựng nên khu vực họp Đại hội II của Đảng.

Chúng tôi rời Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo men theo ngòi Trinh đi sâu vào trong rừng khoảng 5km thì bắt đầu gặp những trạm gác. Các chiến sĩ cảnh vệ kiểm tra cẩn thận giấy tờ và các vật dụng mang theo của từng người trước khi đi vào khu vực họp Đại hội.

Trước mắt chúng tôi hiện ra một quần thể công trình xây dựng quy mô lớn chưa từng thấy trong kháng chiến. Một hội trường cao rộng đứng sừng sững dưới tán cây, chung quanh là các hầm tránh bom, gần 30 nóc nhà là chỗ ở của các đại biểu dự Đại hội, nhà ăn, nhà bếp, phòng triển lãm, phòng y tế… bằng gỗ, tre, nứa, lá được xếp đặt trật tự, đẹp mắt.

Chúng tôi gặp kiến trúc sư Hoàng Như Tiếp, người thiết kế xây dựng khu vực Đại hội. Anh chỉ vào hội trường khung vì kèo bằng thép của Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, vẫn giữ nguyên mấy cây rừng cổ thụ trông như cây cột tự nhiên của hội trường. Anh cho biết, trần hội trường Đại hội cao hơn mười mét bằng với trần hội trường Nhà hát Lớn Hà Nội. Nhà kiến trúc sư tài danh rất yêu, rất nhớ Hà Nội ấy lại có nhã ý thiết kế cho xây dựng trong hội trường một "pulayê", tức "chuồng gà", cách gọi của người Hà Nội chỗ ngồi dành cho các nhà báo trong Nhà hát Lớn Hà Nội, làm khu vực dành cho các nhà báo dự Đại hội Đảng. "Chuồng gà" ở Nhà hát Lớn Hà Nội trước khi xảy ra kháng chiến thì tối và chật, còn "chuồng gà" ở hội trường Đại hội Đảng trong rừng thì khang trang, rộng rãi và ngồi ở đây vẫn nhìn thấy cả cánh rừng ngoài hội trường.

Quang cảnh Hội trường Đại hội II của Đảng (từ 11/2/1951 đến 19/2/1951).

Hội trường bề thế này sẽ đi vào lịch sử vì đây sẽ là nơi diễn ra Đại hội đầu tiên của Đảng họp trên lãnh thổ của Tổ quốc ta, trong hoàn cảnh kháng chiến, sau 15 năm hoạt động bí mật. Các nhà ở của đại biểu được xếp theo đoàn và được đánh số. Nhà số 1 là nơi ở của đại biểu chính thức các cơ quan Trung ương và các đồng chí lão thành cách mạng. Nhà số 2 là của các đồng chí được mời và đại biểu dự thính. Lùi sâu trong rừng hơn nữa là nhà của các đoàn đại biểu Nam Bộ, Liên khu III, Liên khu V…

Nhiều đại biểu là cán bộ lãnh đạo hoạt động bí mật ở các vùng địch tạm chiếm và các chiến trường ác liệt, trong những hoàn cảnh cực kỳ gian khổ, nên đến Đại hội đều mang bí danh và không nói với phóng viên báo chí về địa điểm nơi công tác của mình. Tối đến, cả khu vực có điện sáng, khi tiếng kẻng vang lên báo động máy bay địch đến thì cắt điện. Mỗi nhà đốt đống củi để xua tan khí lạnh.

Đại hội xem lần lượt các bộ phim Liên Xô, phim và máy chiếu do Đảng Cộng sản Liên Xô tặng Đại hội: "Công phá Bá Linh", "Thép đã tôi", "Cuộc đời hoạt động của V.I.Lênin". Sáng sớm có kẻng báo thức. Nhiều đại biểu chạy xuống cánh đồng tập thể dục. Một số đại biểu Nam bộ ngại ra gió rét tập trên giường tre. Mọi người xuống khe suối chân đồi rửa mặt, nước cóng tay.

Anh chị em báo chí, văn nghệ sĩ được dự Đại hội gặp nhau mừng vui khôn tả. Từ Nam bộ xa xôi đến rừng Chiêm Hóa có họa sĩ Diệp Minh Châu, nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn, hoạ sĩ Lê Minh Hiền với bao nhiêu câu chuyện xúc động về cuộc chiến đấu của đồng bào miền Nam. Anh Thép Mới là phóng viên báo Sự Thật, anh Phan Nghiêm là nhà quay phim chính của Đại hội, anh Đinh Đăng Định là nhà nhiếp ảnh nổi tiếng… rôm rả nhiều chuyện vui trong giờ nghỉ.

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng (thứ ba từ trái sang) cùng một số cán bộ kỹ thuật, công nhân Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo đã tham gia xây dựng khu vực Đại hội II của Đảng ở xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa.

Trước ngày khai mạc đại hội chính thức, các đại biểu đã thảo luận ở tổ các dự thảo văn kiện đại hội, sôi nổi nhất và tập trung nhất chung quanh mấy vấn đề lớn: nước ta có tiến lên chủ nghĩa xã hội hay không và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội có bao nhiêu giai đoạn? Đảng là Đảng của giai cấp công nhân hay của giai cấp công nhân và cả của nhân dân lao động? Thái độ của Đảng đối với các nhà tư sản, thân sĩ, địa chủ tiến bộ và yêu nước?

Trong thư gửi đại hội trù bị, Bác Hồ nêu ý kiến: "Ta nên nghiên cứu thật sâu, thảo luận thật kỹ những vấn đề chính thì các vấn đề phụ sẽ giải quyết dễ dàng. Không nên "tầm chương chích cú" như lối ông đồ nho. Nên tìm hiểu rõ nội dung, sự phát triển và sự quan hệ giữa vấn đề này với vấn đề khác. Nên đưa các vấn đề vào hiện tại và tương lai hơn quá khứ". Tối đến, ngồi quanh lửa hồng củi cháy trong từng nhà, các đại biểu còn tranh luận đến khuya.

Một buổi chiều, Bác Hồ cưỡi ngựa đến khu vực đại hội. Các đại biểu reo mừng hớn hở ùa ra đón Người. Nhiều cán bộ xúc động nghẹn ngào lần đầu tiên trong đời được tận mắt nhìn thấy vị lãnh tụ kính yêu của Đảng và dân tộc. Hai chị đại biểu Nam bộ ôm hôn Bác Hồ. Ai cũng vui vì thấy Người khoẻ mạnh. Các nhà quay phim, nhiếp ảnh cố len qua đám đông để đến gần Người.

Ngày 11 tháng 2 năm 1951, tức mồng 6 Tết Tân Mão, Đại hội II của Đảng khai mạc trong tiếng quốc ca và quốc tế ca, khi nắng vàng đã lên trong rừng. Đại hội là hình ảnh sự lớn mạnh vượt bậc của cách mạng Việt Nam và hừng hực khí thế của một dân tộc đang chiến đấu vì độc lập tự do. Đại hội đứng dậy hoan hô hồi lâu Chủ tịch Hồ Chí Minh trên Đoàn Chủ tịch.

Đại hội cũng hoan hô 19 đại biểu là những đồng chí vào Đảng đã 21 năm từ khi Đảng mới ra đời và 3 sáng lập viên của Đảng Cộng sản Việt Nam là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Đình tức Trịnh Đình Cửu và đồng chí Quốc Anh, tức Cung. Đại hội quy tụ những đồng chí hoạt động trong nước và ngoài nước, ở vùng tự do và vùng tạm bị chiếm, ở cả ba miền Bắc Trung Nam. Đồng chí Tôn Đức Thắng là đại biểu cao tuổi nhất ở đại hội: 62 tuổi. Ngồi trên hàng ghế đầu trong hội trường là đại biểu một số Đảng anh em. Trong khu vực dành cho báo chí còn có gần mười đại biểu dự thính là các đồng chí quê ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn đã có nhiều công lao trong thời kỳ hoạt động bí mật, xây dựng khu giải phóng.

Đại hội nghe và thảo luận Báo cáo chính trị, Luận cương cách mạng Việt Nam; báo cáo tổ chức và điều lệ Đảng, Mặt trận dân tộc thống nhất, báo cáo quân sự, báo cáo về chính quyền nhân dân, về xây dựng kinh tế - tài chính, về phát triển văn nghệ… Đại hội làm việc nghiêm túc, bàn luận thật sự dân chủ, quyết tâm đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn, vạch con đường đi tới cho dân tộc. 15 năm Đảng ta mới họp được một Đại hội và Đại hội đã quyết định nhiều vấn đề trọng đại có ý nghĩa lịch sử liên quan đến tư tưởng, hành động của hơn 73 vạn đảng viên và vận mệnh của 25 triệu nhân dân ba nước Việt, Miên, Lào: Đảng ra hoạt động công khai với tên là Đảng Lao động Việt Nam; ở Lào và Miên sẽ thành lập những tổ chức cách mạng riêng, thích hợp với hoàn cảnh hai nước đó; thống nhất hai Mặt trận Việt Minh và Mặt trận Liên Việt thành Mặt trận Liên Việt; bầu Ban Chấp hành Trung ương do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng…

Chủ tịch Hồ Chí Minh trước Đại hội đã kết luận một số vấn đề sau nhiều buổi tranh luận. Về vấn đề Đảng, Người nói: "Trong giai đoạn này, quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và của dân tộc là một. Chính vì Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam"; "Đảng Lao động Việt Nam phải là một Đảng to lớn, mạnh mẽ, chắc chắn, trong sạch, cách mạng triệt để".

 Về vấn đề cách mạng Việt Nam, đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh kết luận: "Cách mạng Việt Nam hiện thời là cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Mục đích của cách mạng là thực hiện một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, tự do, phú cường, một nước Việt Nam dân chủ nhân dân, dân chủ mới, và dần dần tiến lên chủ nghĩa xã hội. Con đường từ nay đến chủ nghĩa xã hội phải kinh qua nhiều giai đoạn. Mỗi giai đoạn có nhiệm vụ trung tâm của nó".

Đại hội biểu trưng trí tuệ, sức mạnh và ý chí của Đảng lãnh đạo và toàn dân tộc Việt Nam.

Chúng tôi đến chúc mừng anh Tố Hữu, phụ trách Ban Tuyên huấn Trung ương, trúng cử Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá II. Anh gọi nhà báo Thép Mới đi cùng anh đến làm việc với Tổng Bí thư Trường Chinh ở một cái rẫy của đồng bào bên cạnh khu vực Đại hội, bàn việc ra Báo Nhân Dân, cơ quan Trung ương của Đảng Lao động Việt Nam, theo nghị quyết của Đại hội II. Anh Phan Nghiêm, phóng viên điện ảnh tại Đại hội Đảng, vác máy quay phim chạy đến kịp quay sự kiện này thành một đoạn phim tư liệu dài bảy phút.

Đại hội II của Đảng kết thúc, đồng chí Tố Hữu (hàng ngồi, thứ nhất, bên phải) gặp gỡ một số phóng viên báo và văn nghệ sĩ tại sân cạnh hội trường Đại hội (Nhà báo Hồng Hà: hàng ngồi, thứ nhất, bến trái).

Ít ngày sau, tại nơi họp Đại hội Đảng diễn ra Đại hội thống nhất Việt Minh - Liên Việt và lễ Đảng Lao động Việt Nam ra mắt đại biểu nhân dân toàn quốc. Các nhân sĩ, trí thức nổi tiếng của nước ta, các nhà sư, linh mục, đại diện các dân tộc thiểu số, các lực lượng vũ trang nhân dân, các đoàn thể nhân dân, người đeo ba lô, người khoác tay nải, trèo đèo lội suối đến ở trong cánh rừng xã Vinh Quang. Hoàng thân Xuphanuvông, trong bộ quốc phục Lào màu trắng, đi ủng da, đến Đại hội được Bác Tôn Đức Thắng ra đón nồng nhiệt. Các anh Diệp Minh Châu, Lê Minh Hiền cắt hình chim bồ câu trắng bằng giấy dán lên phông trang trí phía sau dãy ghế Đoàn Chủ tịch của Đại hội Đại đoàn kết toàn dân.

Ngồi trong hội trường là hơn 200 đại biểu các tầng lớp nhân dân, các tôn giáo, dân tộc, các giới, các lứa tuổi, đến từ khắp mọi miền đất nước. Đây là hình ảnh rực rỡ của một đại gia đình đoàn kết, tương thân tương ái. Như  Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với Đại hội: "Sung sướng hôm nay là chung của toàn dân, của Đại hội, nhưng riêng cho tôi là một sự sung sướng vừa dễ hiểu vừa khó tả. Một người đã cùng các vị đấu tranh trong bấy nhiêu năm cho khối đại đoàn kết toàn dân hôm nay, trông thấy rừng cây đại đoàn kết đã nở hoa kết quả và gốc rễ nó đang ăn sâu lan rộng khắp toàn dân, nó có một tương lai "trường xuân bất lão"".

Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh trình bày trước Đại hội việc thành lập Đảng Lao động Việt Nam, nội dung Chính cương của Đảng và chính sách mặt trận dân tộc thống nhất của Đảng.

Tiếp đến, trong tiếng vỗ tay ran, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu: "Sau khi nghe đồng chí Trường Chinh báo cáo về việc Đảng Lao động Việt Nam thành lập, các vị đều tỏ ý hoan nghênh. Các vị là những người đại biểu cho Mặt trận dân tộc thống nhất, tức là đại biểu cho toàn dân. ý kiến của các vị tức là ý kiến chung của toàn dân. Vì vậy, các vị đã hoan nghênh, yêu chuộng Đảng Lao động Việt Nam, thì chúng tôi chắc rằng đối với Đảng Lao động Việt Nam, toàn thể nhân dân đều sẽ hoan nghênh, yêu chuộng.

Về chính sách, Đảng cương, tổ chức..v.v.. của Đảng Lao động Việt Nam, đồng chí Trường Chinh đã trình bày tường tận. Đây tôi chỉ thay mặt Đảng Lao động Việt Nam mà trân trọng cảm ơn các vị".

Linh mục Phạm Bá Trực thay mặt Đại hội và Mặt trận đứng lên báo cáo việc Đảng Lao động Việt Nam xin gia nhập Mặt trận Liên Việt. Cả hội trường trở nên náo nhiệt. Các đại biểu đứng lên vỗ tay rất lâu, hô to: "Hồ Chủ tịch muôn năm", "Đảng Lao động Việt Nam muôn năm", thể hiện tình cảm thắm thiết gắn bó nhân dân với Đảng.

Mọi người quây quanh Bác Hồ nhảy múa, reo mừng rồi công kênh Bác lên cao đi khắp sân trước hội trường.

Nhìn cảnh tượng đó, Cụ Linh mục Phạm Bá Trực, ánh mắt vui tươi, nói với chúng tôi: "Thật là đặc biệt!"

H.H. (Bài đăng trên Báo CAND Xuân 2011)
.
.
.