Xu hướng "dân sự hóa" trong xử lý án TNGT

Thứ Ba, 09/11/2004, 19:54

Trung bình cứ 10 vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra, có chưa đến 1 vụ được đưa ra truy tố, xét xử. Xu hướng “dân sự hoá” và xử lý chưa nghiêm các vụ việc về TNGT đang là thực tế bức xúc cần được giải quyết.

Một vấn đề luôn được coi là "nóng bỏng" và được đưa lên bàn nghị sự của kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XI lần này là tình hình TNGT. Bằng rất nhiều giải pháp, kể cả là những biện pháp mạnh, trong vài năm gần đây, chúng ta đã giảm được phần nào TNGT. Tuy nhiên số vụ và số người tử vong, thương tật do TNGT mỗi năm vẫn rất bức xúc. Nhiều người cho rằng, một trong số những nguyên nhân cơ bản song lại ít được nhắc đến đó chính là việc xử lý chưa nghiêm, là xu hướng "dân sự hóa" các vụ việc về TNGT.

Ông Nguyễn Quang Lộc, Chánh Văn phòng Tòa án nhân dân Tối cao, cho biết mỗi năm cả nước xảy ra trên dưới vài chục nghìn vụ TNGT làm hơn 1 vạn người chết, song số lượng vụ việc được đưa ra truy tố, xét xử lại quá ít, không đáng kể so với tình hình thực tế. Trung bình mỗi năm, ngành Tòa án cả nước chỉ xét xử khoảng 3.000 vụ TNGT với xấp xỉ 4.000 bị cáo. Con số này hiện đang trên đà... giảm. Bằng chứng là cả quý IV năm 2003 và 10 tháng đầu năm nay chỉ có khoảng 2.500 vụ việc TNGT được đưa ra xét xử.

Báo cáo công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) năm 2003 của Ủy ban ATGT quốc gia cho thấy cả năm 2003 trên toàn quốc xảy ra 20.774 vụ TNGT, làm chết 11.864 người và bị thương 20.704 người. Mặc dù đã giảm được gần 8.000 vụ, giảm hơn 1.000 người tử nạn và hơn 11.000 bị thương so với năm trước đó song đây vẫn là một con số quá nặng nề và nhức nhối. Trong khi đó, số vụ việc được truy tố và đưa ra xét xử còn quá ít, chỉ chiếm khoảng chưa đầy 1/10 so với số vụ TNGT thực tế đã xảy ra.

Nạn nhân xin cho thủ phạm

"Khổ nhất là 'làm án' TNGT. Người dân khi bị TNGT đều luôn muốn có lực lượng Công an giải quyết để bảo vệ quyền lợi cho mình. Tuy nhiên, khi đã thỏa thuận được với nhau việc bồi thường dân sự rồi thì chính họ lại đứng ra xin cơ quan Công an cho đối tượng gây tai nạn không bị xử lý hình sự. Nếu vẫn kiên quyết xử lý theo pháp luật, cơ quan Công an lại phải đối mặt với thái độ hằn học, khó chịu và bị coi là… chọc gậy bánh xe!", Thượng tá Lý Nam Dân, Trưởng phòng CSGT ĐBĐS Công an tỉnh Nghệ An, nói.

Đó cũng là tâm sự không chỉ của các chiến sĩ CSGT làm nhiệm vụ tại địa bàn Nghệ An mà còn ở rất nhiều địa phương khác và không chỉ là của lực lượng CSGT mà cả lực lượng CSĐT, Công an các quận, huyện cơ sở.

Khi xảy ra TNGT, thậm chí cả những trường hợp dẫn đến chết người tại chỗ, đa số người dân đều có tâm lý rằng đằng nào thì người thân, gia đình họ cũng đã thiệt thòi rồi và điều cần thiết là phải buộc được phía bên kia "có trách nhiệm". Họ cần đến cơ quan Công an như một "áp lực", buộc phía gây ra tai nạn phải bồi thường thiệt hại cho mình hơn là để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Có những vụ TNGT cả hai bên đã thỏa thuận với nhau im lặng tự giải quyết mà không hề báo cho cơ quan Công an. Khi Công an tiến hành điều tra, xử lý những trường hợp này thì chính người thân của người bị TNGT lại viết đơn xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho phía gây ra tai nạn. Chính sự thiếu hiểu biết và thiếu tôn trọng pháp luật này của người dân mà các cơ quan bảo vệ pháp luật ở cơ sở gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lý án TNGT.

Tâm lý dùng tiền để giải quyết TNGT đã khiến chủ phương tiện và người điều khiển sau đó thêm "ẩu", sự răn đe không đủ nặng đó khiến họ lại tiếp tục... gây tai nạn.

Theo một số cán bộ chức năng, đã và đang xuất hiện xu hướng "dân sự hóa" các quan hệ hình sự trong việc giải quyết các vụ TNGT mặc dù đã có hẳn một văn bản hướng dẫn xét xử các hành vi phạm tội "gây thiệt hại nghiêm trọng", "gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Điều 202 Bộ luật Hình sự. Đó là Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao. Trong đó đề cập đến việc xử lý hình sự trong các trường hợp như "làm chết 1 người", "gây tổn hại sức khoẻ của 1 đến 2 người với tỷ lệ thương tật mỗi người dưới 31% nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 41% đến 100%"… Tuy nhiên, thử hỏi có bao nhiêu vụ TNGT thuộc những trường hợp như thế đã không được xử lý đến nơi đến chốn? Đó là nguyên nhân TNGT xảy ra nhiều song án về TNGT được coi là loại án có tỷ lệ xét xử vào hàng thấp nhất hiện nay.

Cần mạnh tay hơn

Lực lượng Công an đang gặp nhiều khó khăn về kinh phí và phương tiện phục vụ công tác điều tra, giải quyết TNGT và án TNGT. Hầu hết các địa phương, đặc biệt là cơ quan Công an cấp huyện, đều thiếu các phương tiện chuyên dụng như máy ảnh, camera, valy khám nghiệm, xe ô tô chuyên dụng… phục vụ cho công tác này.

Bên cạnh đó, kết quả kiểm tra công tác điều tra, giải quyết TNGT và án TNGT đường bộ tại 22 tỉnh thành phố do Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) tiến hành cũng cho thấy tại Công an các địa phương, nhất là ở cấp huyện còn thiếu rất nhiều cán bộ CSGT và điều tra viên trực tiếp làm công tác điều tra TNGT. Lực lượng thực hiện chủ yếu hiện nay ở cơ sở vẫn là kiêm nhiệm nên hiệu quả công tác điều tra vẫn chưa được nâng cao, đáp ứng nhu cầu cần thiết của tình hình.

Hạn chế xu hướng "dân sự hóa" các vụ việc TNGT, nâng cao nhận thức người dân và nhanh chóng tăng cường đội ngũ cán bộ CSGT, điều tra viên ở cấp cơ sở, sớm đưa các vụ việc vi phạm ra xử lý… là yêu cầu hết sức bức thiết. Đây sẽ là "phương thuốc" hay để "điều trị" căn bệnh nan y TNGT bên cạnh các giải pháp lâu nay vẫn đang được áp dụng

Nguyễn Chí Long
.
.
.