Xóm thương hồ và khát vọng lên bờ

Thứ Tư, 29/06/2011, 09:32
Chiều về trong sóng gió rào rạt, quang cảnh dưới chân cầu Dần Xây, nơi có xóm thương hồ với hơn 30 chiếc ghe nhàu rách neo đậu ven dòng sông Lòng Tàu, buồn đến lạ.

Ngồi trong khoang chiếc ghe ọp ẹp, vá víu, bà Hồ Thị Bảnh, 64 tuổi, hướng ánh mắt mờ đục về phía cầu Dần Xây, nơi có nhiều vị khách du lịch đang chỉ trỏ, ngắm cảnh, trĩu giọng: "Đời ông bà già tôi, đời tôi rồi đến lượt sắp con cháu vì cảnh nghèo cảnh khổ mà lưu lạc trên sông nước. Cứ với cái đà chạy ăn từng bữa như vầy, chẳng biết đến bao giờ mới được lên bờ!".

Cầu Dần Xây thuộc địa phận ấp Long Thạnh (xã Long Hòa, huyện Cần Giờ). Do nằm trên tuyến đường Rừng Sác, vắt ngang con sông Lòng Tàu thơ mộng, hai bên là cánh rừng đước trải ngút tầm mắt, gió lúc nào cũng thổi lồng lộng nên trên hành trình đến Cần Giờ, du khách khi đi cũng như lúc về thường dừng lại ngắm cảnh.

Từ trên cầu phóng mắt về phía trước, nơi con sông uốn lượn đi qua những cánh rừng xanh bất tận, hân hoan hít thở không khí trong lành và lưu lại những khoảnh khắc tự nhiên, có mấy ai biết ẩn sau cái khung cảnh thanh bình, tươi đẹp kia có một xóm thương hồ sống lệ thuộc vào con nước, ngày lại ngày quay quắt với bữa đói bữa no, nhiều thế hệ trong họ bao năm qua khắc khoải với ước mơ lên bờ và tự biết điều đó khó trở thành hiện thực?!

Toàn cảnh xóm thương hồ.

Theo lối mòn bên hông cầu Dần Xây, chúng tôi men theo triền đá đi ven con đường ven mép sông nhiều đoạn sạt lở đến tận bìa rừng, lần đến xóm thương hồ. "Cô chú là du khách lần đầu tiên đến thăm bà con ở đây đấy" - ông Nguyễn Văn Tắng, 61 tuổi, bày tỏ.

"Tùy mùa mà xóm thương hồ dưới chân cầu Dần Xây dao động từ 25-40 nóc nhà chú à" - ông Tắng nói: "Gọi là nhà vì bên cạnh chức năng là phương tiện mưu sinh, những chiếc ghe cũng là nơi cư trú của dân thương hồ. Bởi sống bám vào con nước, sống giữa rừng, sống gần như tách biệt với thế giới bên ngoài nên ở đây bà con hổng biết đến ánh điện gì đâu. Không có điện thì nói chi đến chuyện xem tivi, nghe nhạc".

Như hộ bà Trần Thị Bảnh, "mái nhà" mà gia đình 3 thế hệ của gia đình ông Tắng với 6 nhân khẩu cũng ọp ẹp, bần hàn, chẳng có gì đáng giá ngoài nồi xoong lỏng chỏng, những bộ quần áo cũ mèm cùng vài món đồ vật dụng gia đình chẳng có gì đáng giá trên 500.000 đồng.

Neo "nhà" ở cạnh bên, anh Chín Đực, 34 tuổi, cùng vợ và 3 đứa con, thở dài cho biết xóm thương hồ nơi đây ai cũng nghèo rớt mồng tơi, đều lấy đêm làm ngày, làm việc quần quật bao năm qua nhưng "khổ vẫn hoàn khổ". Ông Tắng hắng giọng, nói: "Đêm tù mù là lúc cả thảy hoặc cho ghe theo con nước buông lưới thả câu hoặc rời ghe lầm lũi tiến vào rừng moi cua soi ốc, hoặc bắt ba khía đến khi trời hửng sáng".

Cư dân xóm thương hồ ven sông Lòng Tàu phần lớn là người ở các tỉnh miền Tây vì thời cuộc, vì kế sinh nhai mà sống cảnh đời bập bềnh trên sông nước qua nhiều thế hệ. Theo những con nước, rồi họ gặp nhau sống quần tụ thành xóm để san sẻ, cưu mang nhau lúc đói khó, bệnh đau. Do nguồn hải sản ngày càng khan hiếm nên miếng cơm manh áo hàng ngày với họ là gánh nặng.

Và khi ngày lại ngày phải vật vã với cảnh sống tiền đong gạo đếm thì việc cho con trẻ đi học để biết được "cái chữ phòng thân" với họ là chuyện xa vời. Nhìn mấy đứa nhỏ đến tuổi đến trường đến lớp nhưng chẳng biết gì ngoài việc bám chặt tuổi thơ trên ghe thuyền đãi gạo nấu cơm, lớn lên một chút thì theo mẹ cha soi cua thả lưới, ông Tắng trĩu giọng: "Cơ hội thoát nghèo của người nghèo thường cậy con cái, ráng làm ráng sức lo cho con ăn học thành tài để mai này tụi nhỏ được khá tấm thân hơn mẹ cha mà mình cũng được cậy nhờ. Nhưng ở xóm thương hồ này, trẻ con 14-15 tuổi hổng có một chữ lận lưng thì… bao giờ có được cơ hội lên bờ, thoát cảnh sống này đây mai đó trên sông nước".

Trên cây cầu Dần Xây, sau khi ngoạn cảnh, chụp ảnh, nhiều du khách lên xe lao đi. Họ nào biết phía xa xa, nơi có những cảnh đời thương hồ đang ngồi bó gối trên mạn thuyền, ánh mắt trĩu nặng nhiều ưu tư, lòng khát khao đến cháy bỏng cái ước mơ được như họ, được một ngày có cái cảm giác đứng trên cầu và lên xe đi về phía thành phố, nơi có những ánh đèn rực sáng chứ không tù mù như ở xóm nghèo ven con sông Lòng Tàu!

Trao đổi với PV Báo CAND ông Đặng Văn Việt, trưởng ấp Long Thành cho biết, xóm thương hồ tập trung phần lớn dân ở các huyện Cần Đước, Cần Giuộc (tỉnh Long An). Họ vì miếng cơm mà theo con nước, sống cảnh xa nhà lắm nhọc nhằn. Có những người vì gia cảnh khó ngặt mà bám sông, bám con nước trên 20 năm. Tuy nghèo khó nhưng họ sống lương thiện, đoàn kết và yêu thương nhau. Dẫu là dân ở địa phương khác nhưng cư dân ở xóm thương hồ cũng được lãnh đạo xã Long Hòa và ban nhân dân ấp quan tam, hỗ trợ trên nhiều mặt.

T.D.
.
.
.