Xóm “người điên”

Thứ Năm, 05/04/2007, 14:19

Xóm Eo Sơn ở xã Thanh Lâm, Thanh Chương, Nghệ An, vỏn vẹn có 32 hộ dân, nhưng chỉ trong vòng 5 năm đã có hàng chục trường hợp bị mắc bệnh tâm thần, rối loạn thần kinh… mà đa phần là thanh niên.

Vượt hơn 50 cây số từ TP Vinh, chúng tôi lên xã miền núi Thanh Lâm, Thanh Chương, Nghệ An. Tìm đến xóm Eo Sơn - quả đúng như cái tên của nó, người dân của xóm này sống vòng quanh dưới chân núi gọi là núi Eo.

Leo dốc lên nhà Bí thư Chi bộ xóm Trần Văn Giáp, chúng tôi thở không ra hơi. Giữa trưa, chủ nhà chuẩn bị đi nghỉ, nhưng khi nghe chúng tôi đề cập đến chuyện bệnh tật của dân Eo Sơn thì như "gãi đúng chỗ ngứa", ông Bí thư kể rành rành mọi chuyện, từng trường hợp cụ thể.

Ông Bí thư cho biết: "Tôi xin khẳng định ngay với mấy chú là tất cả những trường hợp bị phát bệnh này đều không vì chuyện gia đình, xã hội hay yêu đương trai gái... Là Bí thư Chi bộ, tôi nắm rõ điều này. Trước đây, vùng này cũng bị bom đánh phá nhưng không nhiều, quanh đây cũng không có kho chứa thuốc sâu, khí hậu trong lành… nên có thể coi nguyên nhân gây bệnh có lẽ là từ lòng đất".

Để chứng minh cho điều mình nói, ông dẫn chúng tôi ra ngoài giếng. Ông múc một gàu nước từ độ sâu 15 mét dưới giếng lên đổ vào thau, một lúc sau, dưới đáy thau lắng một lớp gợn đùng đục, đen đen. Rồi ông dẫn chúng tôi ra một góc vườn, chỉ cho chúng tôi một khoảng đất đen nhẻm, gờn gợn và cho biết, khoảng đất bùn này được vét từ dưới lòng giếng lên. Bùn và nước chảy loang ra một khoảng khiến một số cây dại quanh đó trở nên quặt quẹo, héo quắt.

Ông Giáp cho biết: Hiện có một đoàn khảo sát đang về khảo sát quặng tại vùng này. Ông lân la hỏi chuyện những người này thì được biết, vùng đất xóm ông ở bị nhiễm nhiều than, mang gan,… và "cái chất chi chi đó tôi không nhớ".

Xóm Eo Sơn hiện có 32 hộ với 158 nhân khẩu. Trường hợp đầu tiên tại xóm được phát hiện bị chứng thần kinh là vào khoảng năm 1985-1986. Đó là bà Hồ Thị Tỵ. Từ thời điểm đó cho đến năm 2000 không xảy ra thêm trường hợp nào, nhưng từ năm 2001 đến nay thì xóm này đã liên tiếp xảy ra một loạt trường hợp, mà toàn là thanh niên.

Ông Giáp kể ra cho chúng tôi mấy trường hợp "có sổ công nhận", nghĩa là có chứng nhận của bệnh viện tâm thần. Đó là chị Trần Thị Hương, 43 tuổi, anh Trần Văn Huấn, 34 tuổi, Trần Hưng Hà, 23 tuổi, Lê Quốc Hội, 24 tuổi, còn những người "chưa được cấp sổ" (tức là những người mất trí nhớ, thỉnh thoảng mới "lên cơn"…) có Trần Văn Q., 32 tuổi, 2 chị em Trần Thị T., 22 tuổi, Trần Thị Th., 20 tuổi…

Chúng tôi tới nhà ông Lê Quốc Việt - Trưởng xóm. Ngay cạnh nhà ông Việt là nhà chị Trần Thị Hương. Ông Việt cho biết, chị Hương chỉ sợ mình ông thôi, nhưng những lúc lên cơn nặng thì chị bất chấp tất cả, ném đá tùm lum, gào thét, chửi bới… Chúng tôi muốn chụp một tấm hình của chị nhưng mấy người phải mất rất nhiều thời gian mới mời chị chui từ góc phòng tối om trèo lên giường ngồi.

Cách nhà chị Hương một đoạn là nhà 2 chị em Trần Thị T. và Trần Thị Th. Em T. mới đi chữa bệnh ở Hà Nội về, bệnh thuyên giảm nhiều, được dì ruột đưa đi chơi, chỉ còn em Th. và mẹ ở nhà.

Ai ở cái xóm này cũng biết hai chị em T. và Th. học rất giỏi, lại đẹp người đẹp nết, nhưng không hiểu vì sao cả hai chị em vướng phải căn bệnh khốn khổ này. Dù chưa nặng nhưng một số biểu hiện của căn bệnh này đã khiến T. phải bỏ dở giữa chừng khi đang học năm thứ 2 của một trường đại học ở Hà Nội, còn Th. thì đang học lớp 11.

Chúng tôi vào nhà vẫn được Th. và mẹ tiếp đón lịch sự, dễ mến vô cùng. Chợt nghĩ đến những lúc Th. phát bệnh, chúng tôi nhìn nhau không khỏi ngậm ngùi.

Cách nhà T. và Th. là nhà của Trần Hưng Hà. Mỗi khi lên cơn, Hà biểu lộ bệnh khá đặc biệt. Hà chỉ có nhè cha và mẹ thể hiện. Tội nghiệp hai ông bà, có mấy lần Hà lên cơn bất chợt đã xô ngã cả hai người khi họ cố kìm Hà lại. Nhưng ngay sau đó không lâu, lúc tỉnh lại, Hà hỏi và biết vết thương trên trán của cha do mình gây ra thì bắt đầu khóc nức lên, có lần khóc nhiều đã dẫn đến tái bệnh.

Anh Hà Huy Phương - Trưởng trạm Y tế xã Thanh Lâm cho biết: Về việc tại xóm Eo Sơn có nhiều thanh niên bị bệnh, biểu hiện của bệnh tâm thần, y tế xã đã đề xuất lên cấp trên nhằm có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ. Về khả năng nguyên nhân gây bệnh có thể xuất phát từ lòng đất, nhưng vì sao không ảnh hưởng tới người lớn tuổi? Câu trả lời còn phải chờ các ngành chức năng.

Anh Phương cũng như ông Giáp, ông Việt đều khẳng định: Ở xóm này, vẫn còn mấy trường hợp thanh niên có biểu hiện của bệnh tâm thần, nhưng những gia đình này đều giữ kín vì sợ ảnh hưởng đến con đường học hành, lấy chồng lấy vợ, tìm việc…

Khi rời Eo Sơn chúng tôi đi ngang qua nhà em Th. Đột nhiên thấy em chạy thẳng ra đường ngăn chúng tôi lại và nạt: "Mấy người không được viết tên tôi nghe chưa, không được viết, tôi cấm. Mấy người mà viết tên tôi mấy bữa nữa tôi đi học đại học tôi sẽ kiện mấy người".

Mẹ của Th. chạy ra dắt em vào. Chúng tôi nói với mẹ của Th., chúng tôi sẽ không nêu tên em, không viết điều gì xấu về em… Chúng tôi chỉ muốn một ước muốn tốt đẹp là thông qua những người như Th. để nói lên tiếng nói, kêu gọi sự quan tâm kịp thời của các cơ quan liên quan nhằm tránh nguy cơ có thêm những người như Th. Tương lai của các em còn ở phía trước

Đông Quang
.
.
.