Xóm “liều” giữa đất cố đô

Thứ Năm, 23/08/2007, 19:58
Nếu chậm trễ giải tỏa hàng trăm hộ dân đang sống trên Thượng Thành, thì những bức tường thành cổ rêu phong càng ngày thêm rệu rã. Nạn ô nhiễm môi trường, cảnh nhếch nhác trong sinh hoạt của các hộ dân ở đây làm cho TP Huế mất mỹ quan.

Tháng 1/2006, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt Dự án đầu tư bảo tồn, tôn tạo Thượng Thành - phần phía Nam Kinh thành Huế (dài khoảng 2.700m, từ Đông Ninh đài đến Nam Ninh đài, bao gồm phần trên thành và Eo Bầu), có mức đầu tư hơn 73 tỉ đồng, trong đó phần lớn kinh phí (hơn 60 tỉ) dành cho việc giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư.

Sống chui trên Thượng Thành

Thế nhưng, đến nay, trước thềm Festival Huế 2008 cận kề, mới đang gấp rút đền bù, giải tỏa 59 hộ dân hiện đang sinh sống tại khu vực Thượng Thành để hoàn trả mặt bằng lại cho Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đầu tư xây dựng một số hạng mục chuẩn bị cho Festival, với tổng kinh phí bồi thường hỗ trợ và giải phóng mặt bằng hơn 12,293 tỉ đồng.

Khu vực Thượng Thành được giải toả kéo dài từ Đông Ninh đài đến Nam Ninh đài, thuộc địa bàn các phường Thuận Thành và Thuận Hoà (thành phố Huế), gồm có 35 hộ cư trú trước năm 1975, 24 hộ cư trú sau thời điểm tháng 5/1976.

Một số hộ được bố trí tái định cư tại khu quy hoạch dân cư phường Hương Sơ và tái định cư tại khu nhà chung cư cao tầng Bãi Dâu với các căn hộ có diện tích từ 35m2 đến 50m2.

Như vậy, vẫn còn rất nhiều hộ dân ở xóm "liều" Thượng Thành với những căn nhà rách nát trước mắt phải dầm thêm mùa mưa xứ Huế ni nữa.

Tuy nhiên, hầu hết những người dân sống trên Thượng Thành - Eo Bầu có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, việc làm không ổn định nên chuyện mua nhà tái định cư trả góp là không mấy khả quan.

Nếu chậm trễ giải tỏa hàng trăm hộ dân đang sống trên Thượng Thành, thì những bức tường thành cổ rêu phong càng ngày thêm rệu rã. Nạn ô nhiễm môi trường, cảnh nhếch nhác trong sinh hoạt của các hộ dân ở đây làm cho TP Huế mất mỹ quan.

Được biết, trải qua những biến cố về lịch sử và thời gian, hiện có đến 2.557 hộ xây dựng trái phép ở khu vực I (là khu vực bất khả xâm phạm của di tích), nên việc giải tỏa hết sức tốn kém và đòi hỏi cần có thời gian dài mới hoàn tất.

Xóm "liều" Trường Bia

Gần 200 căn nhà rách nát, ọp ẹp của những hộ dân tổ 21 phường An Cựu (Trường Bia), TP. Huế - nơi "xóm liều" đang tọa lạc trước đây là khu đất bỏ hoang. Vào đầu những năm 1990, dân vạn đò từ các nơi của TP Huế không có đất tìm đến đây dựng lều làm nhà ở.

Ai đến trước chiếm được mảnh đất lớn, người đến sau thì mảnh nhỏ hơn. Họ cứ nghiễm nhiên làm ăn sinh sống và trở thành những "công dân tự phát" ở tổ 21.

Từ năm 1998, khi dự án Làng Đại học Huế được triển khai, những hộ dân ở đây thuộc diện phải giải tỏa. Ở xóm "liều", gia đình nào cũng nghề nghiệp không ổn định, người bán vé số, người lượm ve chai, đạp xích lô... Nhà nào cũng đông con và chuyện học hành của con em ở đây rất ít được nghĩ tới.

Cả xóm có 168 hộ với 838 nhân khẩu nhưng không có nhà nào có một mảnh giấy tờ nhà đất hợp pháp. Trai gái cứ ưa nhau là sống chung, con sinh ra không làm giấy khai sinh. Mãi sau này, Ban Tư pháp thành phố Huế phải trực tiếp về tận nơi để làm khai sinh cho các cháu...

Ước muốn của người dân xóm "liều" là sớm được an cư để họ yên tâm bươn chải trong cuộc mưu sinh đầy nhọc nhằn.

Được biết, dự án Làng Đại học Huế ở Trường Bia đã hoàn thành bước 1 giai đoạn 1 với tổng số vốn 44  tỷ đồng; đang triển khai bước 2 với nguồn vốn 349 tỷ đồng, trong đó chi phí đền bù là hơn 129 tỷ đồng.

Xóm "liều" ở Trường Bia, nghe nói được bố trí tái định cư ở Thủy An rồi, nhưng không biết khi nào thì sẽ đi. Xóm "liều" Trường Bia sau một trận mưa xứ Huế nhà nào cũng dột, nền đất nhớp nhúa... mùa mưa này càng thêm rệu rã, rách nát não nùng giữa cố đô

Viết Nam
.
.
.