Xóm “chạy thận” ở Hà Nội

Thứ Ba, 15/08/2006, 08:45

Nằm khuất trong một con ngõ ngoằn ngoèo trên đường Giải Phóng, Hà Nội, xóm  "chạy thận" là nơi cư ngụ của hàng trăm người bị suy thận từ khắp các tỉnh thành về Hà Nội bám trụ để vừa kiếm sống, vừa chữa bệnh.

Câu chuyện của cặp vợ chồng trẻ

Tôi đến khi chị Nguyễn Thị Trang, cô gái miền biển đảo Cát Bà, Hải Phòng đang chuẩn bị cơm trưa. Hôm nay là thứ Hai, anh Tuấn chồng chị đi chạy thận. Anh bắt đầu việc thường kỳ mỗi tuần 3 lần vào 7h sáng. Đang ốm nghén, chị sợ mùi thức ăn lắm nhưng vẫn cố nấu nướng. "Anh ấy đi chạy thận về mệt lắm, phải có cái gì đó ăn cho lại sức", chị bảo thế.

Trong khi tôi cùng ngồi bên bếp than đang phả sức nóng ra dãy hành lang nhỏ, vừa là nơi đi lại của "khu tập thể" chạy thận, vừa là nhà bếp trò chuyện với chị Trang thì anh Tuấn về. Bỏ chiếc túi khoác xuống, anh vội ra đảo mấy miếng chả đang rán giúp vợ. Quả là một người đàn ông biết thương vợ, biết chị sợ mùi dầu mỡ nên cố làm thay.

Khi hai người mới cưới nhau, ai cũng bảo chị Trang lấy được ông chồng khoẻ như Hecquyn, sau này tha hồ được nhờ. Thiên hạ nói có cái lý của họ, anh Tuấn có dáng người tầm thước, nặng 68kg, việc gì đến tay cũng làm phăm phăm. Thế mà… Chưa đầy một năm sau ngày cưới, anh bị suy thận độ 3. Bệnh của anh phải bám trụ ở Hà Nội để mỗi tuần chạy thận 3 buổi. Rồi anh trở thành cư dân của xóm "chạy thận" một cách ngẫu nhiên.

Để có tiền ăn, tiền trọ, anh không ngần ngại kiếm tích nước chè đi bán rong trong bệnh viện. Chị Trang lên Hà Nội ở cùng chồng "vì chồng mình thì không bỏ được". Anh chị thuê một phòng trọ mất 300.000đ/tháng, tiền điện phải trả với giá 1.500đ/KW, tiền nước, tiền vệ sinh… tổng cộng mất đứt 400.000đ. Nếu tính cả tiền ăn nữa hai vợ chồng chi tiêu tối thiểu 1 triệu/tháng. Tiền đâu ra? Chị Trang lại đi bán nước cùng chồng. Anh bán chè chén, chị bán nước đun sôi đóng chai. Đứa trẻ chị đang mang trong mình cho họ hy vọng. Nhưng nghĩ đến nó họ lại buồn, bố mang bệnh nặng, mẹ nghèo, họ chưa có gì để cho con.

Và của đôi vợ chồng già

Căn phòng vợ chồng ông thuê trọ cuối "khu tập thể" chạy thận. Tôi đến khi ông đang trông nồi khoai sọ sôi ùng ục trên bếp than. Người đàn ông này tên Nguyễn Xuân Hùng, có vợ là Cát Thị Đức, cả hai đều đã ở tuổi U-50. Ở xóm này, vợ theo chồng, chồng theo vợ đi chạy thận là chuyện thường tình. Người nhà đi làm, người bệnh cũng phải đi. Cái tủi nhục của người đi bán hàng rong chỉ có người trong cuộc mới hiểu. Phần lớn họ đều bán trong bệnh viện, biết là vi phạm nhưng nếu không bám vào đấy thì họ biết sống ra sao. Thế nên họ mới phải chịu cảnh bị mấy anh chàng bảo vệ chỉ đáng tuổi con mình gọi là con, là thằng. Buồn tê tái nhưng vì vợ, vì chồng nên họ đành cam chịu.

Ông Hùng bảo nếu vợ mình được ai đó hiến cho quả thận thì ông coi là Bồ Tát sống. Nếu được các bác sỹ thực hiện ca phẫu thuật ghép thận miễn phí, được uống thuốc chống thải loại miễn phí thì đó là giấc mơ tuyệt vời nhất. Vợ ông chạy thận mới được có…9 năm. Sức khỏe ngày một yếu, nếu được ghép thận mới mong sức lực nâng lên, cuộc sống kéo dài thêm.

Trước đây, vợ ông chưa có thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, gia đình ông khốn khổ lắm. Có lần không có tiền, phải van xin bác sỹ để được chạy thận. Nay thì qua cái đận ấy rồi, được bảo hiểm y tế chi trả nhưng còn tiền ăn, tiền ở nên cả hai vợ chồng phải lăn ra kiếm sống. Cuộc sống của cặp vợ chồng già này cứ thế diễn ra đều đặn trong những khốn khó về mưu sinh, nỗi đau bệnh tật.

Trong xã hội ta còn có nhiều tấm lòng hảo tâm, nhiều người tình nguyện sẵn sàng hiến một phần thân thể của mình cho người bệnh. Biết đâu vợ ông sẽ là người may mắn được đón nhận một quả thận của ai đó. Nếu luật hiến mô, hiến tạng được thông qua, cơ hội cho vợ ông và những bệnh nhân khác trong xóm "chạy thận" được ghép thận là rất nhiều.

Tôi được biết Tiến sĩ Phạm Quang Ngọc, người có nhiều năm công tác tại Ngân hàng mô từng đón nhận trân trọng những lá thư của người tình nguyện hiến mô, tạng. Tuy đến nay chưa có tâm nguyện nào của người tình nguyện được thực hiện nhưng những tấm lòng của họ cho thấy trong xã hội ta có rất nhiều người có tâm. Nếu chúng ta có luật, thì họ chính là nguồn cho mô, tạng để những người mắc bệnh được chữa trị, cứu sống. Trong đó bệnh nhân suy thận là một ví dụ. Khi đó, phong trào hiến thận không chỉ bó hẹp cho một cá nhân (như trường hợp HLV A.Riedl) mà cho tất cả những người suy thận khác

Cao Hồng
.
.
.