Xe thật cần phụ tùng thật

Thứ Hai, 04/09/2006, 08:51

Một tuần sau khi thay giảm xóc, anh Vinh thấy xe mình bị chảy dầu ở bộ phận giảm xóc, đầu xe hơi cứng, đi như có ai ghì lại. Hóa ra bộ giảm xóc anh thay không phải là hàng chính hiệu Honda, giá chỉ bằng 1/3 mà tuổi thọ thì tính bằng tuần.

Vào cuối những năm 60 của thế kỷ trước, chúng ta bắt đầu quen thuộc dần với xe gắn máy Honda đến mức gọi gần như tất cả các loại xe gắn máy bằng từ Honda. Vô hình trung, danh từ Honda lúc đó đồng nghĩa với mọi loại "bình bịch", như "Lavie" đồng nghĩa với nước khoáng hiện nay vậy. Uy tín Honda càng cao thì nguy cơ các phụ tùng của loại xe này bị làm giả càng lớn.

Nỗi lo phụ tùng giả

Có hai cấp độ của phụ tùng giả: một là hàng Việt Nam giả mang nhãn hiệu một nước nào đó, hai là các cơ sở tư nhân trong nước làm giả phụ tùng chính hiệu Honda. Các phụ tùng nội địa hóa này cũng được tiêu thụ trong nước một cách riêng biệt.

Tại hội thảo "Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực xe máy" do Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh tổ chức, đại diện hãng Honda - nhà sản xuất xe máy hiện có thị phần lớn nhất tại Việt Nam cho biết: Trong năm 2005, có 63 vụ vi phạm phát hiện ở các tỉnh, thành, với số tiền phạt 485.500.000đ hoặc phát hiện tiêu hủy tới vài tấn bao bì mang nhãn hiệu giả tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Dương, TP Hồ Chí Minh…

Thủ đoạn mà các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả áp dụng phổ biến hiện nay là: Sản xuất phụ tùng giả, vỏ bao bì có in nhãn "Honda" hoặc với đủ loại tên tem nhãn như Dream, Future, Wave… xuất xứ Nhật, Thái Lan… rồi đi tiêu thụ; phụ tùng giả đưa từ nước ngoài về; nhãn giả in sẵn số lượng lớn bán theo yêu cầu của người kinh doanh.

Cảnh giác khi sửa xe bên đường

Nhiều người tiêu dùng khi thay phụ tùng lại chỉ nghĩ đến sự thuận tiện trước mắt. Rõ ràng chỉ cần thay má phanh hay nhông xích mà phải tìm đến một cửa hàng to đẹp, nhìn có vẻ uy tín, hoành tráng thì quá phức tạp. Tuy nhiên, khách hàng đi sửa xe ở các tiệm ven đường thường gặp phải cạm bẫy: phụ tùng chính hiệu bị đổi, thay thế bằng những phụ tùng nhái, nguồn gốc không rõ ràng, không giải quyết được dứt điểm các trục trặc... Những người muốn thay phụ tùng chính hiệu gặp trường hợp này đương nhiên rất bực mình vì tiền mất, tật mang.

Anh Quang Vinh (Yên Phụ - Hà Nội) mang chiếc xe Future của mình ra một tiệm sửa xe để thay đôi giảm xóc vì thấy mấy ông bạn hàng xóm khen ngợi tiệm sửa xe có chất lượng. Sau khi đề nghị được thay thế bằng phụ tùng chính hãng, chủ tiệm mang ngay ra cho anh một chiếc hộp rất đẹp, nhãn mác có chữ Honda đàng hoàng với lời nói như đinh đóng cột về chất lượng sản phẩm. Thế là cả chủ và khách đều hỉ hả.

Được một tuần sau, thấy xe mình bị chảy dầu ở bộ phận giảm xóc, đầu xe hơi cứng, đi như có ai ghì lại, anh bèn đem thẳng ra cửa hàng HEAD (cửa hàng ủy nhiệm) của Honda để kiểm tra. Hóa ra bộ giảm xóc anh thay không phải là hàng chính hiệu Honda, giá chỉ bằng 1/3 mà tuổi thọ thì tính bằng tuần! Sau khi bỏ tiền ra để thay thế lại đôi giảm xóc Honda có dán tem hàng hóa dành cho phụ tùng chính hiệu, anh tuyên bố không bao giờ thay thế đồ phụ tùng tại các tiệm sửa xe ven đường nữa.

Chị Vân Anh (Thanh Xuân - Hà Nội) cũng gặp trường hợp tương tự. Một lần đi đường bị xẹp lốp, vào một tiệm sửa xe ven đường vá săm. Anh chủ hàng vui chuyện, cởi mở và có vẻ giỏi nghề, khuyên chị nên thay luôn lốp sau vì mòn quá rồi, đi không an toàn. Nhìn chiếc tem Honda chính hiệu đỏ chót trên chiếc lốp mới, cũng chả đáng bao nhiêu tiền, chị đồng ý thay luôn. Đi độ hơn tháng, ra bảo dưỡng tại cửa hàng HEAD của Honda, chị giật mình khi nhận được lời khuyên có chênh lệch nhau bao nhiêu đâu mà chị không thay lốp Honda cho đảm bảo!

Rẻ thường đồng nghĩa với tồi

Giá cả bao giờ cũng là yếu tố thu hút khách hàng. Một chiếc chế hòa khí của Honda trị giá hơn 400 nghìn đồng. Trong khi đó đồ nhái cùng loại cũng có giá tới hơn 300 nghìn. Nhưng trông bên ngoài thì có khác gì hàng chính hãng đâu. Vì vậy, phụ tùng giả "nhái" nhãn mác hầu như có mặt ở khắp nơi. Loại được làm "nhái" nhiều nhất là xích DID, bugi NGK, bình xăng con Keihin, chụp bugi, còi... Thậm chí, xích xe máy được cơ sở sản xuất tái chế từ xích cũ lộn mặt, bỏ vào bao bì mới, bán với giá rẻ.

Người tiêu dùng có thể quyết định mua phụ tùng trôi nổi trên thị trường vì nhiều lý do khác nhau nhưng chắc chắn họ đều ý thức được rằng độ bền và tuổi thọ của phụ tùng không thể như xe chính hãng được. Ví dụ như với một bộ nhông xích hàng ngoài luồng có thể đi được 10.000km trong khi đối với hàng chính hãng con số này là 30.000 - 40.000km.

So sánh mức giá của một số loại phụ tùng phổ biến, nhiều người làm một phép tính nhẩm: Độ bền gấp 3-4 lần, mức giá đắt hơn 4-5 lần, tương đương với việc thay mới 4 lần nếu không dùng phụ tùng chính hiệu. Suy nghĩ như vậy thực ra chính khách hàng đã góp phần làm chiếc xe của mình mau hỏng hơn và kém an toàn hơn.

Vì trên thực tế, hiểm họa của việc dùng phụ tùng trôi nổi không chỉ nằm ở chỗ độ bền kém. Chỉ cần một phụ tùng không đồng bộ sẽ dẫn đến việc hỏng hóc của các bộ phận khác trong xe. Ví dụ như sử dụng nước làm mát động cơ kém chất lượng sẽ gây ra đầu tiên là rỉ sét ở bộ phận làm mát, sau đó có thể gây nóng máy. Cao nhất là dẫn đến việc cháy bộ hơi, đầu bò. Thế là số tiền bỏ ra còn lớn hơn cả số tiền cho phụ tùng chính hãng. Thêm vào đó là sự bực mình vì thường xuyên phải ngồi lỳ ở hàng sửa xe. Đi xe lúc nào cũng nơm nớp lo hỏng.

Ngoài ra, người sử dụng sẽ không lường trước được khi nào săm xe sẽ nổ, má phanh sẽ gãy và xích sẽ đứt, mắc vào bánh hoặc văng ra ngoài. Tất cả những sự cố trên đều là những sự cố gây chết người. Hệ quả ai cũng nhìn thấy, mua phụ tùng ngoài luồng có rẻ hơn, nhưng xe sẽ tã nhanh hơn, hay hỏng vặt. Nghiêm trọng hơn, đó là phải trả giá bằng sự an toàn, thậm chí là tính mạng

Anh Tú
.
.
.