Vì sao nhiều người dân không đồng tình với xe buýt:

Xe buýt thành "hung thần"

Thứ Ba, 28/04/2009, 12:10
Xe buýt ở TP HCM được kỳ vọng là loại hình vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) có thể thỏa mãn nhu cầu đi lại của người dân, giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường từ nay đến 2020... Thế nhưng, hiện tại xe buýt chưa đáp ứng được sự kỳ vọng đó, mà càng ngày càng đem lại sự bất bình cho không ít người dân thành phố.

Đi tìm lời giải cho vấn đề này, chúng tôi nhận thấy rất nhiều xe buýt đang trở thành "hung thần" trên đường phố; đội ngũ lái xe, nhân viên bán vé chưa có thái độ, phong cách phục vụ hành khách một cách đúng đắn; có quá nhiều bất cập trong cơ sở hạ tầng khiến xe buýt hoạt động không hiệu quả và tiền trợ giá cho xe buýt thì ngày càng tăng một cách chóng mặt… Tất cả đang khiến rất nhiều người lên tiếng bất bình.

Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2009, người dân TP HCM vô cùng phẫn nộ khi liên tiếp chứng kiến hàng loạt vụ TNGT nghiêm trọng mà đối tượng gây ra là phương tiện VTHKCC đang được thành phố ưu ái nhất: xe buýt. Qua những vụ tai nạn thảm khốc đau lòng trên người dân đang có cái nhìn không thiện cảm về loại phương tiện này.      

Người vợ trẻ đang làm công nhân tại Bình Dương thẫn thờ buông máy điện thoại khi đầu dây bên kia thông báo chồng chị (anh Bùi Văn Phong, 27 tuổi, là nhân viên bảo vệ thuộc Công ty Bảo vệ Long Hải) khi đang đi bộ qua đường lấy thuốc uống thì bị xe buýt tông chết. Từ Ninh Thuận, cả gia đình phải tức tốc đón xe lên TP HCM để lo hậu sự cho anh. Chứng kiến hình ảnh trên, chúng tôi không cầm được nước mắt.

Một đồng nghiệp của anh Phong kể lại: Vào giờ nghỉ trưa 24/4, anh Phong băng qua QL1A (phường Tân Thới Nhất, quận 12) để về phòng trọ lấy thuốc uống. Buổi trưa, làn xe tải nặng ken chặt trên quốc lộ. Anh  Phong đến làn đường dành cho người đi bộ đưa tay xin đường để đi qua.

Một vụ TNGT do xe buýt gây ra.

Khi đến gần dải phân cách, chiếc xe buýt BKS 53N-5653 chạy tuyến bến xe Miền Tây - bến xe Biên Hòa (Đồng Nai) do tài xế Nguyễn Văn Lành (ngụ quận 1) điều khiển đã tông thẳng và kéo anh đi hơn 5m làm anh Phong chết tại chỗ.

Tại hiện trường, vệt bánh xe buýt thắng gấp còn in trên mặt đường dài hơn 10m cho thấy tốc độ chạy của xe buýt nhanh đến thế nào.

Nhiều người dân chứng kiến vụ tai nạn đau lòng trên đã phẫn nộ: "Nơi đây vào giờ trưa, giờ tan tầm hàng trăm công nhân tan ca băng qua đường. Ở đây có lằn sơn dành cho người đi bộ nhưng khi các xe tải, xe buýt lưu thông đến đây không giảm tốc độ mà cứ nhấn ga chạy thẳng; nhiều vụ va quệt đã xảy ra và anh Phong chỉ là một trong số các nạn nhân bị tai nạn tại địa điểm này!".

Như vậy trên tuyến QL1A chỉ trong thời gian chưa đầy một tháng đã có hai vụ xe buýt gây tai nạn làm chết người.

Cái chết của anh Lê Công Binh ngày 30/3 cũng vào giờ trưa khi anh đang trên đường đi mời bạn bè dự đám cưới của mình đã làm cho nhiều người dân đau xót và thầm trách: "Nếu như tài xế Nguyễn Văn Phước điều khiển xe buýt tuyến Sài Gòn -  Suối Tiên lưu thông cẩn thận, quan sát khi cho xe tấp vào trạm thì có lẽ trong những ngày này anh Lê Công Binh đang vui vầy xây tổ ấm bên người vợ trẻ".

Trở lại vụ tai nạn xe buýt ngày 26/3 do tài xế Hồ Văn Tây điều khiển chạy tuyến 47 (Hưng Long - cầu Ông Thìn - Bến xe quận 8 - Chợ Lớn) khi đổ dốc cầu Nhị Thiên Đường (tỉnh lộ 5, phường 6, quận 8) để về bến xe quận 8 do chạy ẩu đã cuốn chiếc xe gắn máy do anh Hoàng Bình Dương điều khiển chở hai cháu Phạm Hoàng Sang (17 tuổi) và Hoàng Trúc Phương (13 tuổi) đi học chết tại chỗ.

Các cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam tài xế Tây, đồng thời giám định kiểm tra chiếc xe buýt gây tai nạn để sớm xử lý Tây trước pháp luật. 

Hàng loạt vụ tai nạn xảy ra trong đó có người thiệt mạng, người mang thương tích trên thân thể cho thấy vấn nạn xe buýt hay người dân thường nôm na gọi loại phương tiện này là "hung thần đường phố" đang ngày càng trở thành nỗi lo lắng thường trực của người dân. Không chỉ có những cái chết thương tâm mà ngay cả những người là hành khách trên xe cũng trở thành nạn nhân của xe buýt.

Người dân đang đặt câu hỏi: Phải chăng đạo đức của tài xế xe buýt đang xuống cấp? Bởi hàng loạt các vụ tai nạn trên đều do tài xế phóng nhanh, thiếu quan sát, dừng đỗ không đúng nơi quy định và đón trả khách giống như "ăn cướp" nên gây ra những vụ tai nạn không đáng có.

Một học sinh bị kéo lê hàng chục mét do vừa bước xuống, tay chưa kịp rút ra khỏi tay vịn thì cửa xe buýt đã đóng lại, nhưng tài xế và lơ xe không phát hiện được, chỉ đến khi người đi đường phản ứng mới dừng lại. Hay một cụ bà 71 tuổi già yếu bước xuống xe chưa kịp di chuyển vào lề thì nhân viên bán vé đã khoát tay ra hiệu "tới luôn" để rồi cụ bị xe buýt cán nát bàn chân…

Theo thống kê của Ban ATGT TP HCM: Năm 2008 xe buýt đã gây ra 38 vụ TNGT làm 38 người chết, 7 người bị thương; ngoài ra xe buýt còn gây ra 129 vụ va quệt làm 111 người bị thương. Cũng trong năm 2008, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đã tiến hành lập biên bản xử phạt 11.103 lượt xe buýt vi phạm quy định về hoạt động.

Chỉ một thời gian ngắn mà xảy ra hàng loạt vụ tai nạn thương tâm liên quan đến xe buýt. Qua những vụ tai nạn thương tâm đó, các cơ quan quản lý, nhà điều hành xe buýt cần có một cái nhìn đúng về hoạt động của phương tiện này để tìm ra một phương cách tối ưu nhất.

Ngoài ra, người điều khiển trực tiếp phương tiện này là tài xế cũng nên xem xét lại "vấn đề đạo đức" của họ, nhất là tài xế trẻ, để không còn những vụ tai nạn thương tâm, những cái chết oan nghiệt đối với  người dân vô tội.

(Còn nữa)

Công Trường - Minh Đức
.
.
.