Xây tổ cho chim yến

Thứ Hai, 05/02/2007, 13:56

Từ việc xây lắp 49 tổ với 120 con chim yến trong một căn phòng tại ngôi nhà 155 Thống Nhất, TP Nha Trang, đến nay Công ty Yến sào Khánh Hòa đã nhân rộng lên ba phòng gồm 343 tổ với đàn yến 1.074 con. Việc ấp nở và nuôi chim con đạt tỷ lệ cao là một thành công lớn, mở ra hướng phát triển đàn chim yến trong những năm tới.

Nằm ở dải đất Nam Trung Bộ, tỉnh Khánh Hòa không chỉ là vùng đất giàu tiềm năng du lịch biển đảo, mà còn là kho "vàng trắng" lớn nhất Việt Nam được sinh ra bởi loài chim yến hội tụ trong những hang động trên vách đá cheo leo, hiểm trở, dưới chân bốn mùa sóng vỗ ầm ì. Loài chim có tên khoa học Collocalia Fuciphaga Germani Oustalet đã mang lại một nguồn lợi lớn về kinh tế cho Khánh Hòa hàng trăm tỷ đồng từ những tổ yến quý hiếm, chứa hợp chất glyco và protein.

Trong những năm qua, Công ty Yến sào Khánh Hòa đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp quản lý và khai thác yến sào, nhưng công việc thu hoạch sản phẩm được coi là một nghề mang tính truyền thống đặc thù, vất vả và đầy nguy hiểm, đòi hỏi tinh thần dũng cảm và kỹ thuật điêu luyện, công tác bảo vệ "vàng trắng" cũng được tăng cường rất nghiêm ngặt với sự hỗ trợ tích cực của lực lượng Công an, Bộ đội biên phòng.

Để vào được nơi chim yến làm tổ, công nhân phải treo mình suốt ngày trên những sợi dây thừng vắt ngang vách đá ở độ cao từ ba đến năm chục mét… Vốn là người từng gắn bó với nghề gần 20 năm qua, ông Lê Hữu Hoàng - Giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa cùng một số cộng sự luôn trăn trở với nhiều đề tài nghiên cứu khoa học tại đảo Yến và đã thành công với công trình đập chắn sóng cho hang yến ở Cạnh 4, mái che lòng chảo hòn Trống A1 để thu hút đàn chim yến, di dời đàn chim từ một số cụm đảo về trú ngụ ở hòn Rơm, hòn Gốm và hang Sào Cao, nâng cao hiệu quả khai thác và kinh doanh yến sào. Nổi bật nhất là các công trình "Nghiên cứu cơ sở khoa học trong khai thác hợp lý và phát triển nguồn lợi yến sào", "Nghiên cứu các nhân tố tác động đến quần thể chim yến và chất lượng tổ yến; "Áp dụng các biện pháp khắc phục tác động thời tiết đối với tổ yến".

Và từ những chuyến tham quan kết hợp nghiên cứu tài liệu báo chí, một câu hỏi luôn đặt ra đối với ông Hoàng cùng các cộng sự là vì sao Indonesia, Malaysia, Thái Lan… thực hiện hiệu quả mô hình nuôi chim yến trong nhà, trong khi điều kiện tự nhiên về môi trường khí hậu nước bạn cũng như Việt Nam? Để lý giải câu hỏi đó, cách đây hai năm, Phó Giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa, kỹ sư Võ Đức Thuyết cùng một số cộng sự giàu tâm huyết với loài chim yến đã cất công tìm tòi, học hỏi và bắt tay triển khai thực hiện "Dự án thực nghiệm ấp nuôi nhân tạo chim yến trong nhà".

Từ việc xây lắp 49 tổ với 120 con chim yến trong một căn phòng tại ngôi nhà 155 Thống Nhất, TP Nha Trang, đến nay Công ty Yến sào Khánh Hòa đã nhân rộng lên ba phòng gồm 343 tổ với đàn yến 1.074 con. Đặc biệt việc ấp nở và nuôi chim con đạt tỷ lệ cao là một thành công lớn, mở ra hướng phát triển đàn chim yến trong những năm tới.

Theo một số công nhân khai thác yến sào cho biết, từ bao đời nay, mỗi năm loài chim yến tự nhiên ở đảo chỉ làm tổ và sinh đẻ hai lần vào tháng 4 và tháng 8, nhưng điều đặc biệt là chim yến không làm tổ bằng rơm rác như các loài chim khác, mà tự thân tiết ra một loại chất dịch từ hai tuyến ở miệng, kéo kết thành những sợi nước dãi có màu trắng, trong suốt trên vách đá, đan xe nhau tạo thành tổ.

Đến nay không riêng tại Khánh Hòa, mà tại các tỉnh Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và TP Đà Nẵng đã triển khai thực nghiệm 19 ngôi nhà yến. Từ thành công bước đầu, cuối năm vừa qua UBND tỉnh Khánh Hòa đã cho phép Công ty Yến sào Khánh Hòa triển khai thí điểm nhân rộng 50 ngôi nhà yến trong năm 2007.

Để thực nghiệm thành công đề tài nuôi chim yến trong nhà, các kỹ sư, công nhân ở Trung tâm Kỹ thuật Công ty Yến sào Khánh Hòa đã nghiên cứu áp dụng thành công hai quy trình kỹ thuật công nghệ ấp nở nhân tạo chim yến đảm bảo quy chuẩn vệ sinh khử trùng máy ấp, phân loại trứng, tính toán tần suất đảo trứng, giai đoạn phát triển phôi và công nghệ nuôi chim non qua từng giai đoạn dựa trên cơ sở nghiên cứu đặc điểm sinh học, nhu cầu dinh dưỡng và khả năng sinh trưởng của chim.

Mặt khác, Trung tâm kỹ thuật còn nghiên cứu, thiết kế và sản xuất hàng loạt thiết bị hỗ trợ nuôi chim yến trong nhà như hộp đựng trứng yến, máy ấp nhân tạo, máy nuôi chim non, mô phỏng tổ yến, giá đỡ cho chim làm tổ, máy tạo âm thanh phức hợp và pha chế một số dung dịch hỗn hợp để dẫn dụ chim yến.

Mùa xuân này, những kỹ sư, công nhân kỹ thuật của Công ty Yến sào Khánh Hòa tất bật với công việc khảo sát, lựa chọn địa điểm, đối tác…  để hướng dẫn quy trình kỹ thuật xây dựng 50 ngôi nhà nuôi chim yến với nhiều hứa hẹn gặt hái bội thu "vàng trắng"

Hữu Toàn
.
.
.