World Cup ở "phố cầm đồ" Hà Nội

Thứ Tư, 05/07/2006, 08:37

Nổi tiếng với thương hiệu của mình, nên các hiệu cầm đồ ở Đặng Dung nhiều khi cũng làm cao. Vào mùa World Cup, xe máy biển ngoại tỉnh nếu không phải Dylan, SH... Đặng Dung không bao giờ nhận, còn xe Trung Quốc đừng có bén bảng vào thời gian này.

Không nói ra, nhưng giờ đây Đặng Dung được mặc nhiên thừa nhận là phố cầm đồ nổi tiếng nhất Hà Nội. Một đoạn phố dài chưa đầy 300m nhưng đã có gần 50 hiệu, Đặng Dung đã trở thành “hàng hiệu” trong giới cầm đồ. Đã là dân chơi mà chưa từng cầm đồ ở Đặng Dung thì cũng chỉ thuộc hàng “Hai Lúa”. Bởi dân chơi không chỉ dùng đồ hiệu mà cầm đồ cũng phải cầm ở “hàng hiệu”, thế mới gọi là chất.

Thâm nhập “cầm đồ đệ nhất phố”

Chúng tôi có mặt tại Đặng Dung vào khoảng 17h - cũng là thời gian ồn ào, náo nhiệt nhất của con phố. Khách chen chúc nhau trên vỉa hè lẫn lòng đường, nói cười vui vẻ, có cảm giác như với họ, việc cầm đồ là một niềm vui vậy. Theo lời người dân ở đây thì tầm này đông khách nhất vì đây là thời điểm mà dân chơi cá độ, lô đề mới ngủ dậy, vội đi cầm đồ để lo trả nợ tiền bóng “báo” đêm hôm trước, đồng thời lấy tiền “úp” lô và chuẩn bị “đạn dược” cho các trận đấu World Cup sôi động vào ban đêm. Đây cũng là tầm để những người đi làm tan ca có thời gian rẽ vào Đặng Dung “tăm tia” vài món hàng ưa thích.

Đoán trước thời gian World Cup diễn ra sẽ là lúc các con bạc khát tiền, vậy nên các tiệm cầm đồ đã chuẩn bị trước cả tháng bằng việc tới ngân hàng rút ồ ạt tiền. Bình thường, Đặng Dung nhận tạp-pí-lù các loại đồ, từ đồ điện tử cao cấp như ĐTDĐ, máy tính xách tay... đến các loại vàng bạc, nữ trang, thậm chí cả cái dây lưng, ví da, đôi giày “hàng hiệu”. Song, vào mùa World Cup, mặt hàng chủ yếu cầm ở Đặng Dung là ĐTDĐ đời cao, xe máy, ôtô và cả... sổ đỏ.

Xe máy là mặt hàng được cầm nhiều nhất.

Nổi tiếng với thương hiệu của mình, nên các hiệu cầm đồ ở Đặng Dung nhiều khi cũng làm cao. Vào mùa World Cup, xe máy biển ngoại tỉnh nếu không phải Dylan, SH... Đặng Dung không bao giờ nhận, còn xe Trung Quốc đừng có bén bảng vào thời gian này. Bởi các hiệu cầm đồ mùa World Cup, nhà kho chứa xe luôn trong tình trạng “đất chật, xe nhiều”.

Có những đêm bóng “nổ”, dân cá độ “chết” dúi dụi, hàng đoàn lũ lượt kéo nhau mang xe lên Đặng Dung cầm, lấy tiền “xoay” bóng làm náo động cả khu phố. Các chủ tiệm dù đang ngon giấc nồng cũng không ngần ngại thức dậy cầm đèn pin soi số khung, số máy... của khách làm sáng rực cả khu phố nhỏ vốn yên bình này.

Cùng với Đặng Dung “đệ nhất phố cầm đồ”, các hiệu cầm đồ ở những phố Lương Thế Vinh, Triệu Việt Vương, Chùa Vua, rồi ở ngõ Quỳnh (khu Bạch Mai), phố Phùng Hưng... những ngày diễn ra World Cup cũng vô cùng tấp nập. Khách hàng thì ủ rũ, còn các ông (bà) chủ thì cười nói hớn hở vì làm ăn phát đạt. Và để cạnh tranh nhau, họ cũng không ngần ngại hạ thấp tiền lãi để thu hút khách hàng về phía mình. Nếu như ngày thường lãi suất thường 3 nghìn/1 triệu thì những ngày này lãi suất chỉ 2 nghìn đồng, thậm chí có những nơi cầm với số tiền lớn, lãi suất còn được giảm hơn.

Theo lời Nhân, một tay chơi nhẵn mặt ở phố cầm đồ Đặng Dung thì  những ngày này các tiệm cầm đồ luôn hoạt động hết công suất. Với sự  giới thiệu của Nhân, tôi được gặp T. - một trong những chủ hiệu cầm đồ nổi danh nhất Hà thành. Một ngày với T. bắt đầu vào lúc 12h. Ăn sáng (cũng là ăn trưa) xong là có người mang đồ đến cầm. Từ chiều đến khoảng 19h là lúc đông khách nhất. Các con bạc, dân cá độ,... kéo đến cắm đồ, nhổ đồ hoặc mua đồ khiến tay chân T. lúc nào cũng hoạt động.

Khi trái bóng World Cup bắt đầu lăn thì T. mới được tạm nghỉ để ăn tối. Khoảng thời gian giữa hiệp hoặc giữa các trận bóng đá, T. lại phải túc trực để các con bạc khát nước đến giật nóng vài món đồ kịp “xoay” bóng. Đặc biệt, những trận mà có nhiều fans Việt Nam thích như Brazil, Anh hoặc Italia thi đấu, các tiệm này luôn phải làm việc không nghỉ và số tiền “thả” ra lớn hơn rất nhiều lần so với ngày thường.

Bi kịch của nhiều gia đình

Có thể khẳng định rằng sự phát triển nóng của những tiệm cầm đồ  đang tiếp tay cho tệ nạn cờ bạc, cá độ bóng đá ngày một lan tràn trên địa bàn thành phố. Chỉ cần dạo qua mấy phố cầm đồ cũng có thể nhận thấy cái nóng hừng hực chẳng khác gì cái nóng của những trận cầu của vòng chung kết bóng đá thế giới đang diễn ra bên nước Đức xa xôi. Sự luân chuyển đến chóng mặt của những đồng tiền đang khiến mùa World Cup trở thành mùa bi kịch cho nhiều gia đình.

Gia đình anh Quân trên phố Nguyễn Thái Học là một ví dụ. Từ đầu mùa World Cup tới giờ, bao nhiêu đồ đạc, của cải đã bay vèo vèo theo trái bóng tròn. Trước trận Thụy Điển - Anh (hòa 2-2), chẳng còn gì để đặt, nhưng Quân quyết lao vào “canh bạc cuối cùng” nên đã viết giấy cầm cố... vợ để mong gỡ gạc lại. Song, mong ước của Quân đã bị tan thành mây khói khi phút thứ 90, Đội tuyển Thụy Điển gỡ hòa. Giấy nợ chuyển tới tay vợ Quân hôm trước thì hôm sau Quân nhận được đơn xin ly hôn.

Khi tôi ngồi viết những dòng này thì nhận được điện thoại của Nhân là Hùng đã bỏ trốn khỏi Hà Nội cùng với số nợ “trách nhiệm” hơn 400 triệu đồng. Số tiền đó là “thành quả” mà cậu ta đã “rải thảm” cả 2 trận Brazil – Ghana, Pháp – Tây Ban Nha vào đêm 27, rạng sáng ngày 28/6. Hùng có nhiều tiền để bắt bóng là nhờ uy tín có giá của mình. Nhưng cái uy tín đó cũng chính là mồ chôn cậu ta. Tiền cứ cần là có nên Hùng đã chơi không chùn tay vào những trận bóng. Cứ thua là lại vay, vay rồi trả, cái vòng luẩn quẩn vay - trả cứ tiếp diễn đến nỗi khi “đầu gấu” đến nhà dọa cắt gân quý tử, bố mẹ Hùng đành nói: “Nó chết rồi”. Vậy là uy tín xây dựng sau bao trận bóng trước các chủ nợ tan tành mây khói, Hùng “lặn” đi đâu chắc có trời mới biết

Minh Tiến - Hồng Quang
.
.
.