Vượt “vòng vây trắng”

Thứ Năm, 13/01/2005, 10:30

Về vùng núi Hương Sơn, Hà Tĩnh, nhiều người biết đến anh Lê Khánh Hải ở xóm Kim Thành, xã biên giới Sơn Kim. Ngoài năng khiếu viết kịch, Hải là một tấm gương sáng thể hiện ý chí vươn lên của một con người nghiện ngập.

Không nhớ nổi mặt cha vì cha mất quá sớm, Lê Khánh Hải lớn lên trong vòng tay thương yêu của người mẹ tàn tật và 8 anh chị em. Tình yêu thương thì tràn đầy nhưng cái ăn cái ở lại rất thiếu thốn buộc Hải phải bỏ học lớp 9 đi làm thợ cầu đường.

Mười lăm tuổi, thay vì vô tư đèn sách cùng chúng bạn, Hải phải nay đây mai đó trên vùng biên giới Việt Lào. Tuổi nhỏ, chưa bắc được mấy nhịp cầu thì Hải đã bị những người công nhân rủ rê vào con đường nghiện ngập. Thuốc phiện vùng biên giới không hiếm nên Hải tha hồ đê mê hút chích. Bao nhiêu mồ hôi nước mắt còng lưng kiếm tiền đều dồn nuôi "nàng tiên nâu".

"Thuốc phiện là con bạch tuộc hút chặt con người vào cái chết từ mọi nơi mọi hướng. Và nguy hiểm nhất khi tôi, một con người trở thành con nghiện, tôi cũng là con bạch tuộc giết chết mọi người thân trong gia đình, xã hội và chính bản thân mình!".  Hải tâm sự.

Người mẹ tàn tật Trần Thị Viên và 8 anh chị em của Hải ngày đó chỉ biết cắn răng bất lực trước sự hư hỏng của Hải. Bạn bè xa lánh, xóm làng khinh bỉ, người thân mất niềm tin đã làm Hải thêm đớn đau và anh lại càng sa vào nghiên ngập để quên đi tất cả.

Sau 2 năm (1991-1992) ngập ngụa nghiện hút, trong cô đơn cùng cực giữa sự sống và cái chết, Hải đã chọn cho mình một con đường hồi sinh khác thường. Hải đã chiến thắng bản thân, biết vượt qua khổ đau để mang đến cho mọi người niềm tin, sự trân trọng trước ý chí bất khuất của con người.

"Tôi quyết tâm từ bỏ thuốc phiện. Tôi không thể đánh mất gia đình và bạn bè vì những điếu thuốc phiện. Tôi không muốn hoàn lương như những người bình thường, tôi muốn trở thành một người hoàn lương khác thường. Không những sống mà còn phải sáng tạo cho cuộc sống đẹp hơn," Hải nói.

Một cách hoàn lương khác thường

Rời bỏ thuốc phiện, Hải lấy vợ sinh con, nuôi sống tổ ấm gia đình bằng nghề may vá, chăn nuôi. Ngôi nhà gỗ đơn sơ của vợ chồng anh đang sống cũng nhờ vào nghề may vá của anh. Nhưng điều mà mọi người dân trong vùng thán phục chính là những tác phẩm kịch do Hải sáng tác.

Ngoài thời gian may vá, Hải chuyên tâm vào viết kịch. Hải vừa biên kịch vừa đạo diễn nhiều vở kịch của mình, Hải đảm nhận luôn vai chính. Hải cho tôi xem một tập bản thảo dày hội đủ các thể loại kịch nói, kịch thơ, ca kịch… xoay quanh chủ đề phòng chống tội phạm, ngợi ca ý chí vươn lên của những số phận buồn, những cuộc đời lầm lỗi biết hoàn lương giống như đời Hải. Ngôn ngữ giản dị, tình tiết chân thật, kịch của Hải là bài học cho các thanh, thiếu niên học tập và thức tỉnh lương tâm: "Tôi tự hào không phải vì những giải thưởng mà qua các vở kịch của tôi, rất nhiều thanh, thiếu niên khi xem xong đã từ bỏ con đường nghiện ngập, con đường tội lỗi. Họ tin vì họ biết chính bản thân người viết ra nó từng trải qua một cuộc sống lầm lạc, nhờ ý chí và tình yêu thương đã biết vượt qua. Nhân vật trong kịch là tôi mà cũng chính là mọi người đang sống!".

Từ một con nghiện, nhờ sự lao động và sáng tạo thiết thực của mình trong các chương trình văn nghệ, phong trào đoàn thanh niên, năm 1997, Hải được bầu làm Bí thư Chi đoàn Kim Thành. Kim Thành là địa bàn giáp ranh với thị trấn Sơn Tây tỉnh Hà Tĩnh, cách cửa khẩu quốc tế Cầu Treo chưa đầy 30km, hầu hết các hộ gia đình đoàn viên thanh niên sinh sống dọc hai bên quốc lộ 8A - nơi thường nảy sinh nhiều loại tội phạm, nhất là buôn bán, vận chuyển và hút hít ma túy.

Là người từng sống trong cuộc, hơn ai hết, Hải hiểu nỗi đau do ma túy gây ra nên ngoài sáng tác kịch, anh đã cùng tập thể Chi đoàn Kim Thành tổ chức nhiều hoạt động bổ ích, thu hút nhiều đoàn viên tham gia như: giúp gia đình nghèo xóa nhà tranh tre dột nát, nhận dự án trồng tre phòng hộ sông Ngàn Phố lấy tiền xây dựng quỹ phục vụ cho công tác đoàn và các phong trào thanh, thiếu niên khác. Từ ngày Hải trở thành Bí thư chi  đoàn, năm nào Chi đoàn Kim Thành cũng được cấp trên công nhận là chi đoàn trong sạch, vững mạnh!

“Phấn đấu trở thành đảng viên là không chỉ tốt cho tôi”

Hải nói với tôi, trong đời anh có hai ngày đáng ghi nhớ: ngày 3/3/1969, cha mẹ sinh ra anh; 32 năm sau, ngày 6/2/2001, anh được kết nạp Đảng! Hải nói: "Tôi phấn đấu trở thành đảng viên không chỉ tốt cho tôi mà còn tốt cho anh em, bè bạn. Qua tôi, họ sẽ thấy bà con nhân dân, chính quyền và tổ chức Đảng không bao giờ bỏ rơi những con người biết hối cải, biết nỗ lực vượt qua khổ đau và lầm lỗi để trở thành người tốt".

Có được ngày hôm nay, Hải đã vượt qua bao nhiêu mặc cảm, xây dựng cho mình và cho mọi người một niềm tin vào cuộc sống. Có những lúc Hải cũng không chịu nổi ánh mắt coi thường của mọi người vì mấy ai tin, một người từng nghiện ngập như anh thì làm được trò trống gì. Nuôi bản thân, không “ngựa quen đường cũ” là tốt lắm rồi chứ đừng nói đưa vai gánh vác việc làng chuyện xã! Nhưng Hải đã tự tin, rằng quyến rũ đến lao đao như thuốc phiện mình còn dứt bỏ được thì tại sao mình không thể dựng xây niềm tin trong lòng mọi người! Hải quyết tâm và anh thành công.

Sau nhiều năm phấn đấu, giờ đây anh là một tấm gương cho các thế hệ trẻ Hương Sơn học tập. Anh Bùi Nhân Sâm, Bí thư Huyện đoàn Hương Sơn, cho biết Hải chính là hình mẫu đáng trân trọng được Huyện đoàn Hương Sơn xây dựng thành một tấm gương điển hình, làm hạt nhân trong các phong trào đoàn, nhất là trên mặt trận phòng chống tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng Hương Sơn ngày càng trong sạch, không bị đe dọa bởi các tệ nạn xã hội.

Hoàng hôn biên giới. Căn nhà gỗ lẫn vào màu núi. Chúng tôi chia tay nhau trong ái ngại một gia cảnh vợ chồng Hải vẫn rất đạm bạc như vùng quê Hương Sơn nghèo khó. Nhưng tôi tin, có những người thanh niên như Hải, không chỉ Hương Sơn, Hà Tĩnh mà còn nhiều miền quê khác sẽ có thêm sức mạnh để thay đổi cuộc sống

Văn Cầm Hải
.
.
.