Vượt qua hủ tục

Thứ Bảy, 01/01/2005, 07:06
Cách đây 50 năm, cô bé người Dao 13 tuổi, sống ở một huyện miền núi tỉnh Hoà Bình đã dám chạy trốn đám cưới “ép”. Cuộc "phá rào" năm ấy là bước ngoặt để cô dám sống là chính mình và theo đuổi công việc bảo vệ quyền lợi của phụ nữ.

Cô bé người dân tộc Dao, thuộc nhánh Dao quần chẹt, năm xưa nay tóc đã bạc. Hồi bé, người thân thường gọi bà bằng cái tên Cúc "còi", nhưng với những cán bộ làm công tác xã hội ở tỉnh Hòa Bình thì cái tên Bàn Thị Kim Cúc lại rất đỗi quen thuộc.

Bà kể rằng, đàn ông trong bản phần lớn biết chữ Hán, biết cúng mo. Mỗi năm, những người đàn ông trụ cột gia đình thường họp bàn để cùng giáo dục con cái về truyền thống dân tộc mình. Có lẽ vì thế nên cộng đồng người Dao rất gắn bó.

Chị em bà Cúc cũng được sinh ra và nuôi dưỡng trong môi trường này. Khi bà lên 10 cũng là lúc cuộc chiến chống thực dân Pháp đang diễn ra ác liệt. Bà còn nhớ, các chú bộ đội đã lấy ống nứa cho tài liệu vào, phía trên, các chú cho ốc suối vào đầy ống rồi giao cho bà cầm đi. Khi bà vừa đi qua một con suối thì gặp một toán lính Pháp đi càn quét.

Chúng dốc thẳng ống nứa xuống. ốc rơi tung tóe còn bà bị chúng ném xuống suối. Rất may, địch đã không phát hiện ra tài liệu giấu trong đó.

Trong lúc bà đang hăng hái làm công tác liên lạc cho bộ đội thì bố mẹ ở nhà đã nhận lời gả con gái cho một người hơn bà 20 tuổi. Theo phong tục, nhà trai phải đem sính lễ gồm 3 con lợn (70 - 80kg/con); 1 thỏi bạc cùng 2 đồng bạc hoa xòe…

Khi bà biết tin cũng là lúc nhà trai đã đem sính lễ đến theo yêu cầu. Khi về đến nhà đã thấy hai họ đông đủ, bà sợ quá. Bà cũng biết rõ nếu bỏ đi sẽ bị mang tội như thế nào. Nhưng rồi lý trí đã khiến cô bé 13 tuổi có đủ can đảm để bỏ chạy.

Bà lên đơn vị bộ đội trình bày với lãnh đạo. Bác Bàn Hộ Khoan, lúc này đang là cán bộ huyện phải vội đến nhà khuyên bảo hai họ. Cuối cùng nhà trai đành ra về nhưng vẫn hậm hực. Còn nhà gái phải cử người gánh đồ lễ vượt qua mấy ngọn núi để trả.

Sau sự kiện đó, bà không dám về nhà ngay mà ở lại đơn vị, làm công tác liên lạc. Sau giải phóng Điện Biên bà lại được cử làm công tác phụ nữ huyện Mai Đà (cũ). Tuy chưa nói thạo tiếng phổ thông nhưng nhờ biết nhiều thứ tiếng như Mường, Dao, Mông, bà đã làm tốt công tác vận động phụ nữ tích cực tham gia công tác đoàn thể, chống các hủ tục, tham gia phong trào sản xuất.

Giải thoát cho em gái bị ép lấy chồng khi chưa đầy 13 tuổi

Trong lúc bà đang là một cán bộ phụ nữ huyện thì nhận được tin bố mẹ gả chồng cho cô em gái lúc này chưa tròn 13 tuổi. Chú rể là một chàng trai người Dao mới 16 tuổi, quê ở huyện Thanh Sơn, Phú Thọ.

Bà biết rằng, bố mẹ mình chỉ cần so tên, tuổi thấy hai người hợp nhau là cho cưới, chứ không cần phải hỏi ý kiến con gái mình. Khi bà về đến nhà cũng đúng lúc đang diễn ra lễ cưới, nhưng cô dâu  trốn trên nương. Bà xin phép nói chuyện với bố chú rể, cũng là cán bộ đoàn thể ở huyện Thanh Sơn.

Bà thưa rằng: "Tôi là một cán bộ, bác cũng vậy. Ai trong chúng ta cũng đều biết cần chống nạn tảo hôn, nếu cán bộ không gương mẫu thì nhân dân chẳng có ai làm theo". Bà đề nghị để cô dâu, chú rể đủ tuổi, hai gia đình hãy tổ chức cưới. Thuyết phục mãi, ông thông gia mới đồng ý.

Giải thoát cho cô em khỏi cảnh tảo hôn, bà đưa em về ở với mình. Đến nay, cô bé Bàn Thị Hồng được chị giải phóng cho khỏi đám cưới ở tuổi thiếu niên đã là một bác sĩ, Chủ nhiệm Ủy ban Dân số, gia đình và trẻ em tỉnh Hòa Bình.

Cứu mình, cứu em thoát khỏi nạn tảo hôn, bà đã phá vỡ một hủ tục tồn tại rất lâu trong cộng đồng người Dao. Cuộc đời bà trưởng thành từ trong kháng chiến, trong công tác đoàn thể.

Bà vui vẻ nói rằng, hiện nay đang là hội viên của 18 hội từ địa phương đến Trung ương: thành viên Hội Văn học dân gian Việt Nam; Hội Văn học nghệ thuật Hòa Bình… Hiện nay, bà vẫn đang tiếp tục viết sách về phong tục, tập quán của người Dao

Cao Hồng
.
.
.