Vượt núi, tìm chữ

Thứ Tư, 20/05/2009, 14:10
Cơn mưa chiều ướt nhoẹt, trơn trượt cả con đường hẹp nằm ôm phía chân núi. Những bàn chân trần nhỏ xíu, chênh vênh, bấu rịn vào từng miếng đất, cùng đi về hướng... không nhà, không cửa. 4 chị em mồ côi nơi xã nghèo huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam) vẫn thường dắt díu nhau trên chặng đường vượt núi tìm chữ, những bàn chân thấm đất, nước mắt, nghị lực.

Màn đêm đổ dồn dù trời chiều mới điểm hơn 5h. Vừa tan lớp, em Hồ Văn Phúc (học sinh THCS Trà Tập) vội vã cởi bỏ quần áo đồng phục, gói nhanh đôi dép tông vào trong cặp, phong phanh trong cơn mưa lạnh.

"Ngày nào mưa bạn ấy cũng đều như thế cả", dăm học sinh cùng lớp thanh minh trước sự ngỡ ngàng của chúng tôi. Phúc chỉ kịp nói ngoảnh: "Em sợ trời mưa ướt hết, mai lại chẳng có đồ mặc đến trường" rồi vội rảo bước về phía con đường rừng thăm thẳm.

"Tội cho em đó lắm, mồ côi từ nhỏ, tự tìm đường đến trường học như thế", giọng thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đức Yên trầm trầm theo cái nhìn thương cảm.

Tuổi thơ nghiệt ngã

Nhắc đến Phúc, người dân tộc Cadong ở Nóc Nga Long (thôn 2, xã Trà Tập), đến cả thị trấn Tắc Pỏ (huyện Nam Trà My) ai cũng biết. Cả bốn chị em Phúc: Hồ Thị Phụng (14 tuổi), Hồ Văn Cấn (6 tuổi), Hồ Văn Kê (5 tuổi) đang sống côi cút giữa cái khắc nghiệt của núi rừng.

Ánh mắt Phúc đỏ ngầu tâm sự: "Bố em rồi đến mẹ em đều về với núi, với rừng cả rồi, chúng em chỉ biết nương tựa vào nhau thôi...". Dòng nước mắt chảy nhòa trên khuôn mặt đen sạm.

Chưa đầy ba năm trước, anh Hồ Văn Dăng, người cha bốn đứa trẻ ngủ miết rồi "không dậy nữa". "Nhà Dăng nghèo lắm, khi nó chết, con Măng vợ nó phải đi vay nhiều nơi về mới có tiền mua hòm chôn cất, chôn xong phải lo làm quần quật, kiếm tiền mà trả nợ cho người ta", ông Hồ Văn Thu, Trưởng thôn 2 nhớ lại. Tang chồng chưa mãn, đầu năm 2008, chị Măng lâm trọng bệnh rồi lại "vào rừng vào núi với anh Dăng". Dân thôn góp tiền lo chôn cất. Ngày đưa tang, bóng 4 đứa trẻ nhạt nhoà, vật vờ trong cơn mưa nặng hạt, cùng nỗi đau quá lớn.

Sau mỗi giờ tan lớp, bốn chị em lại rủ nhau vào rừng kiếm củ sắn, củ khoai, nhặt nhạnh rau rừng cho bữa tối. Chị cả Hồ Thị Phụng thay cha mẹ cáng đáng gánh nặng cả gia đình. "Đến căn nhà tre tạm bợ của chúng em cũng bị gió giật mất rồi. Em thương chúng nó lắm, hết phải ở nhờ người này lại sang ở nhờ nhà người khác...", giọng em Phụng nghẹn lại tựa hồ như nỗi đau vẫn còn quanh đây.

Vượt núi, tìm chữ

"Khi cha mẹ các cháu qua đời, cái ăn, chỗ ở của bốn chị em Phụng là nhờ người dân thôn 2 giúp đỡ. Mỗi nhà giúp một ngày, cứ xoay vòng. Mặc dù mồ côi, quần áo không đủ mặc, nhưng Phụng hằng ngày, lưng cõng, tay dìu 3 em nhỏ đi học. Chúng tôi đã làm đơn gửi lên huyện, tỉnh xin cứu giúp 4 cháu", chị Phạm Thị Huệ cho biết.

Tháng 6/2008, em Cấn và Kê được nhận về nuôi tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi Quảng Nam. Phụng được nhận vào học lớp 8, Trường Nội trú dân tộc huyện Nam Trà My.

Riêng em Phúc ở cùng với người dì. Nhà dì nghèo, trường lại khá xa, Phúc cùng các bạn tự dựng lán trại tre đơn sơ để trú thân. Dù khó khăn, em vẫn không ngừng vượt lên trong học tập. "Em là một trong những học sinh lớp 5 khá giỏi nhất trường này đấy", thầy Nguyễn Đức Yên hồ hởi tâm sự. Còn thầy Nguyễn Xuân Ảnh, Hiệu trưởng Trường Nội trú không tiếc lời khen: "Học kỳ qua, em Phụng đạt danh hiệu học sinh giỏi. Ban giám hiệu nhà trường quyết định chọn em vào đội tuyển, tham dự kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh".

Khi chúng tôi hỏi, nếu có điều ước, em ước điều gì, Phụng chỉ cười mỉm: “Đã lâu rồi em chẳng được gặp các em, em nhớ chúng nó lắm, muốn được về để gặp các em xem ăn học như thế nào nhưng không có tiền để đi xe xuống..."

Xuân Trường
.
.
.