Vươn lên sau vấp ngã

Chủ Nhật, 25/02/2007, 14:29

Những ngày xuân 6 năm về trước, chị Trần Thị Lan, ở khối 4, phường Hà Huy Tập, thị xã Hà Tĩnh) phải chia tay gia đình, vào trại giam Đồng Sơn - Quảng Bình thụ án vì liên quan đến ma túy. Ra tù, nhờ tình yêu thương của chồng con, sự giúp đỡ của chính quyền, làng xóm, chị Lan đã vượt qua mặc cảm, tạo dựng được một cửa hàng ăn uống khang trang.

Dẫu bây giờ, câu chuyện này đã có những gam màu tươi sáng; dẫu mùa xuân Đinh Hợi này, cái cảm giác trống vắng người thân đã không còn hiện hữu trong mâm cơm đầu năm của anh Tạo và các con nữa, song cái quá khứ nặng nề thì vẫn còn rất đậm nét...

Gia đình anh Tạo và chị Lan nghèo vì anh chỉ là công nhân lái xe lâm nghiệp, chị vốn "nông dân gốc" chân lấm tay bùn. Thời bao cấp đồng lương ít ỏi, anh Tạo chỉ biết mỗi thứ 7 góp nhặt từng bó củi, tiết kiệm cân gạo đỡ đần vợ con. Chị tần tảo bám ruộng đồng, trồng thêm luống rau, lo từng bữa cơm manh áo cho chồng con. 4 đứa con anh chị sinh ra và lớn lên trong khó khăn nhưng ấm áp tình thương của bố mẹ, luôn biết chăm lo cho tổ ấm hạnh phúc của mình.

Mọi chuyện yên bình, nếu lần ấy chị không gặp người bạn học cũ. Lợi dụng hoàn cảnh túng thiếu của chị, người bạn nhờ chị đi lấy "hàng quý". "Hàng" chỉ cách nhà khoảng chừng 3 cây số, chỉ to bằng hộp diêm, chị đi xe đạp chừng 40 phút nhận rồi mang về, rất đơn giản nhưng lại được bạn trả tiền cao gấp hàng chục lần so với công cày sâu, cuốc bẫm quanh năm. Chị thầm cảm ơn người bạn đã tạo cơ hội giúp mình trong lúc khó khăn.

Được một tháng, người bạn lại đến, lần này nhờ đi xa hơn một chút. Nghĩ đến món tiền khá, chị đã nhận lời ngay không do dự. Vừa nhận "hàng" xong thì bị bắt và cái thứ chị đang mang đi đó chính là ma tuý. Và rồi cuộc đời của người nông dân chất phác này bị cột chặt với bản án 8 năm tù giam.

Mùa xuân năm ấy, khi người người nô nức trẩy hội, lễ chùa, hái lộc đầu năm mới thì chị phải lầm lũi khăn gói lên đường chấp hành án, cách ly xã hội những 8 năm trời. Gia tài để lại của chị là một gia đình bé nhỏ, nghèo nàn với gánh nặng đặt hết lên trên đôi vai người chồng nghỉ mất sức vì TNGT năm 1998. Chị xấu hổ với bà con làng xóm, họ tộc và cám cảnh khi nghĩ tới các con sẽ ra sao khi trụ cột là chị, chỗ dựa tinh thần và vật chất cũng là chị lại đang bước những bước dài đến... nhà giam.

Thương bố mẹ, các con chị đã cố gắng chăm ngoan học tập, lao động phụ giúp gia đình. Còn anh Tạo dẫu sức khỏe yếu, ngoài suất lương "hưu non" mất sức ít ỏi còn làm thêm 5 sào ruộng khoán, nuôi lợn, trồng rau, góp nhặt từng đồng xu nuôi các con ăn học. "Khéo ăn thì no"... anh đã thầm hứa với vợ, thà bố vất vả khổ cực nhưng không để các con thất học hay vướng vào vòng tội lỗi.

May mà các con anh chị đều ngoan. Đứa con trai đầu vừa đi học vừa phụ giúp bố việc đồng áng, vườn tược, nhà cửa lại góp phần dạy bảo các em học tập. Tính tình cởi mở, hiền lành chất phác, nên bà con hàng xóm rất quý mến, tin tưởng anh Tạo và các con. Những lúc đói kém, vất vả, họ đều sẻ chia từng củ khoai, bát gạo giúp đỡ bố con anh.

Lắm lúc làm việc quần quật đuối sức và nghĩ nhiều đến cảnh gà trống nuôi con của mình, anh Tạo cũng đã thấy chán nản, thấy nặng nề đến muốn buông xuôi mọi sự. Nhưng nhờ có tình làng nghĩa xóm, có chính quyền địa phương, sự cưu mang đùm bọc của cộng đồng đã giúp anh vượt qua cơn khủng hoảng.

Những lúc gia đình khó khăn cùng cực, gian khổ đang đè nặng lên đôi vai gầy yếu của mình, nhưng khi vào thăm vợ ở trại giam, anh không một câu than vãn, mà ngược lại vui vẻ động viên chị yên tâm cải tạo thật tốt để sớm được hưởng lượng khoan hồng của Nhà nước.

Anh luôn bảo chị rằng, con người ta vấp ngã mà biết đứng dậy bằng đôi chân của mình mới là điều quý nhất trên đời. Những lần như thế, chị gục đầu vào anh và khóc nức nở, giọt nước mắt cay đắng nhưng cũng đầy hạnh phúc, bởi bên chị luôn có tình yêu của chồng con, những người mà thiếu họ cuộc đời chị không còn ý nghĩa.

Thương anh và các con, chị tự hứa sẽ quyết tâm cải tạo tốt để sớm được trở về tổ ấm gia đình. Hàng ngày, chị còn dành thời gian để học hỏi thêm nghề kinh doanh từ các trại viên có kinh nghiệm trong lĩnh vực này để hi vọng một ngày nào đó sẽ tự mình thay đổi cuộc đời mình. Chị tin, thế nào rồi cái ngày đó cũng sẽ đến...

Đầu tháng 3/2005, chị bất ngờ khi hay tin mình được Hội đồng đặc xá trại đề xuất Nhà nước cho hưởng lượng khoan hồng khi thời gian giam giữ vừa tròn 4 năm. Khỏi phải nói niềm hạnh phúc của chị khi được trở về đoàn tụ với tổ ấm gia đình. Bà con, làng xóm không hề xa lánh mà còn giúp đỡ chị. Người cho vay nhiều thì 500.000đ, ít thì 100.000đ.

Như chị Thúy Hồng, chị Thu, bà Liệu Nhiên... gia cảnh cũng khó khăn lắm song vẫn cố tằn tiện, bớt chi tiêu giúp chị Lan mỗi người 400.000đ, để chị có điều kiện mở quán bán hàng. Chi hội Phụ nữ xóm phố dù ngân quỹ ít ỏi vẫn trích cho chị vay 1 triệu đồng, Hội Nông dân phường cũng cho chị vay 7 triệu đồng với lãi suất ưu đãi.

Có được ít vốn vay cùng với tình thương của nhân dân khối phố, sự giúp đỡ tạo điều kiện của Công an phường Hà Huy Tập đã tiếp thêm nghị lực, niềm tin cho chị. Ra khỏi tù được 2 tháng (tháng 5-2005), chị đã có một cái quán cà phê nhỏ. Quá trình kinh doanh cũng có những thuận lợi, kiếm được đồng ra đồng vào nhưng khó khăn vẫn bủa vây gia đình chị bởi 3 đứa con đang học THPT. Biết không thể chỉ trông chờ vào cái quán cà phê nhỏ bé ấy, chị lại bàn với anh vay mượn thêm một ít tiền nữa rồi liều mở một cái quán bán hàng ăn.

Nhiều người hỏi "sao lại liều đến vậy?" khi biết số vốn đổ vào đây không nhỏ, chị chỉ nhỏ nhẹ trả lời rằng: "Tôi muốn các con mình đỡ thiệt thòi". Thực tâm, chị có một khát vọng là các con mình sẽ học tập tốt, sẽ đỗ đại học, sẽ đủ tiền ăn học và trở thành những bác sỹ, kỹ sư giúp ích cho đời.

Theo chị, đó cũng là cách để chuộc lại phần nào cái lỗi lầm mà ngày xưa chị đã gây ra cho những gia đình khác và đền đáp những ân huệ mà xã hội đã dành cho chị. Thế là chị hăng hái bắt tay vào việc, dẫu buôn bán thời buổi này không đơn giản.

Chị còn tham gia tích cực các phong trào do phường, khối phố phát động để khỏi phụ lòng tin của mọi người. Dẫu khó khăn thiếu thốn chị vẫn dành dụm từng đồng ủng hộ quỹ xóa đói giảm nghèo, quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ ủng hộ chất độc da cam do Chi hội Phụ nữ phát động.

Quán ăn và quán cà phê của chị ngày càng thu hút khách và bây giờ nó đã cho thu nhập kha khá. Chỉ có điều, người ta đến ăn uống ở đây không phải chỉ vì nó ngon, nó rẻ mà còn để chứng kiến nghị lực vươn lên mãnh liệt của một người phụ nữ vừa vấp ngã!

Đình Long
.
.
.