Vui buồn của những “ông hoàng” ảo thuật

Thứ Sáu, 11/02/2005, 07:42

Z27, Tony Quang, Mạc Can những cái tên nổi danh trong nền ảo thuật nước nhà giờ đã ở tuổi xế chiều, sự nghiệp đã về bên kia đỉnh dốc nhưng họ vẫn đau đáu trong lòng nỗi đam mê được trình diễn, được cống hiến. Tiếc rằng, ở nước ta ảo thuật vẫn là một bộ môn nghệ thuật ít được quan tâm và những người theo nghề ảo thuật giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Gọi điện cho Mạc Can, tôi cứ sợ là ông sẽ không hào hứng gì với những chuyện về ảo thuật, cái nghề mà ông đã rời bỏ từ lâu. Nhưng ông lại đón tiếp rất nồng hậu khi biết tôi có ý định tìm hiểu về ảo thuật, và kể rất nhiều về những tháng ngày lang thang trên con thuyền gánh hát của gia đình ông rong ruổi khắp vùng sông nước Cửu Long, về những ông hoàng ảo thuật, những ngày tháng huy hoàng của ảo thuật rồi bày tỏ nỗi day dứt khi nền ảo thuật Việt Nam đã bước vào giai đoạn thoái trào...

Ông vua ảo thuật hề "mặt hẻo"

Cha của Mạc Can là nghệ sĩ Lê Văn Quý. Hai cha con ông đều là những nghệ sĩ tên tuổi trong làng ảo thuật Sài Gòn. Khi Mạc Can chưa được sinh ra, cha ông đã có một gánh hát, ảo thuật, nhổ răng, bán thuốc đi diễn khắp vùng Bạc Liêu. Gánh hát với những màn ảo thuật khéo léo hồi ấy được đặt trên một chiếc thuyền nay đây mai đó trên các ngả đường sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Nghệ sĩ Mạc Can.

Năm Mạc Can lên 8 tuổi, cha ông thấy cái tướng mạo lùn xịt, hài hước và khuôn “mặt hẻo” của thằng con mình nên đã chọn ông làm hề diễn phụ trong các màn ảo thuật hài. Mỗi ngày ông phải đứng sau cánh gà, học những ngón nghề biểu diễn với bóng, với dây và với những lá bài từ người cha. Qua một thời gian học việc, ông được lên sân khấu phụ diễn và sự xuất hiện trong bộ cánh hài hước, cái mũi cà chua đỏ chót đã gây cho khán giả những ấn tượng lạ lùng. Họ cười rồi vỗ tay không ngớt. Thế là, từ đó ông đi theo hướng ảo thuật hài, đem cái lạ và niềm vui cho khán giả mà trước ông chưa hề có.

Những kỷ niệm khó quên nhất trong đời diễn ảo thuật của ông là những lần biểu diễn trong nhà tù. Ông kể: Khi đã thành niên, ông cùng cha lên biểu diễn ảo thuật trong các rạp hát, rạp xinê ở Sài Gòn. Một lần đang diễn ông bị lính chế độ cũ bắt bỏ tù vì trong người ông không có thẻ căn cước. Ở trong tù, để tránh bị bắt làm tạp dịch và bị đánh đập, ông đã trổ tài biểu diễn ảo thuật cho những bạn tù coi.

Gã “đại bàng” Thủa Chùa (một đại ca xóm Chùa) và đám anh em tù khoái coi lắm. Gã coi ông như người kề cận mua vui. Trước ngày Thủa Chùa bị đưa đi hành hình, ông đã diễn một màn ảo thuật pha chút hài hước. Thủa Chùa cười mà ông thấy mình muốn rơi nước mắt. Ngày ông ra trại, nhiều bạn tù từ trong song sắt nhìn ra lưu luyến. Ông nhớ mãi ánh mắt của một người bạn tù có cái tên "Khô Đuối", vì người anh ta quá còm cõi, ánh mắt ấy như nói với ông rằng dù bị tù họ vẫn là khán giả của ông, những khán giả hết sức nhiệt tình và luôn coi ông là nghệ sĩ.

Ông trầm ngâm: "Đời người có được mấy kỷ niệm khó quên như vậy!". Những năm tháng ông lang thang cùng ảo thuật, cùng những gánh hát, đói khổ, vui buồn đủ cả, ông nói ông mắc nợ ảo thuật nhiều lắm! Ảo thuật đã cho ông một cái tên đến với công chúng, một cái tên Mạc Can, dù người ta chỉ gọi ông là ông vua hề “mặt hẻo”. Ông còn sáng tạo cho lĩnh vực ảo thuật của ông loại hình biểu diễn là "ảo thuật bể mánh" và cố tình để cho mọi người thấy cách thực hiện của ông khiến khán giả cười no bụng.

Giọng ông rầu rầu: “Những năm trước, ảo thuật tuy chỉ là một món ăn phụ trên sân khấu biểu diễn nhưng được khán giả hâm mộ dữ lắm. Những nghệ sĩ ảo thuật chúng tôi tuy không được liệt vào hàng sao sân khấu nhưng tiết mục của nhiều nghệ sĩ ảo thuật cũng đã tạo được sự háo hức, đợi chờ từ khán giả”.

Hiện nay, Mạc Can đã là một nhà văn có tên tuổi qua cuốn tiểu thuyết Tấm ván phóng dao nhưng ít ai biết rằng, những câu chuyện trong tiểu thuyết ấy có những chi tiết thực diễn ra trên chiếc thuyền gánh hát ảo thuật của gia đình ông. Trước đó, từ hồi ức một thời trai trẻ bôn ba trên sông nước với gánh hát ảo thuật của gia đình mà ông viết nên tác phẩm đầu tiên Ảo thuật trong tù. Trong ấy, ông cũng “ghi lại” chuyện những năm tháng biểu diễn ảo thuật phục vụ những người bạn tù như Thủa Chùa và Khô Đuối.

Trong nghề ảo thuật, ông luôn nhắc tới ba người, người đầu tiên là "ông hoàng bồ câu" Z27, người thứ hai là ảo thuật gia Tony Quang và người thứ ba là ông bầu Bảo Thu. Ba người rất nổi tiếng trong làng ảo thuật Sài Gòn những năm trước đây, và cho đến tận bây giờ. Đối với Mạc Can, ba người ấy mới thực sự là những ông hoàng. Còn ông, ông  chỉ ví mình như một điểm nhấn trong bức tranh ảo thuật mà thôi...

"Ông hoàng bồ câu" Z27

Năng khiếu và niềm đam mê ảo thuật đã làm nên tên tuổi của "ông hoàng bồ câu" Z27. Cho đến bây giờ, trái tim già đã mỏi nhưng nhiệt huyết với ảo thuật vẫn chưa hề cạn trong ông. Ngày ngày, người ta thấy “ông hoàng” già nhốt mình trong căn phòng với nhựa, gỗ và những con thú. Đêm đêm, khi tiếng xe trên phố đã bớt huyên náo, những ánh đèn đường vàng vọt xuyên qua ô cửa sổ lọt vào căn phòng nhỏ bên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, Tp. HCM, ông vẫn ngồi lặng lẽ với những chú bồ câu, đắm chìm trong suy nghĩ. Z27 chính là tên gọi trong nghề của Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Đức Trường.

"Người ta nói nghề chọn người chứ người có bao giờ chọn được nghề đâu", ông phân trần. Nhớ ngày xưa những gánh Sơn Đông mãi võ cứ vài tháng lại ghé phố chợ quê ông biểu diễn rồi bán thuốc. Tụi trẻ khi ấy mê mẩn những trò múa võ, lộn nhào rồi phun lửa phì phì. Riêng ông, thì say sưa trước những trò ảo thuật do những nghệ sĩ mãi võ biểu diễn. Thế rồi, cứ sau mỗi buổi diễn của họ, ông lại lân la gặng hỏi về những trò ảo thuật kỳ lạ ấy. Đầu tiên họ không giấu được vẻ khó chịu, sau đó là những ngạc nhiên khi thấy một thằng bé chừng mười tuổi cứ bám riết lấy mình, những nghệ sĩ Sơn Đông đã vui vẻ dạy bảo ông vài “chiêu” nho nhỏ.

Đêm đêm, ông mày mò bên những trò mới học và nghĩ ra những biến thể mới. Cứ thế, ông biến những trò ảo thuật của những nghệ sĩ Sơn Đông thành trò của mình. Khán giả của ông là những đứa bạn học còn thò lò mũi xanh, những tràng pháo tay nồng nhiệt của chúng bạn đã nuôi dưỡng niềm đam mê biểu diễn ảo thuật trong ông.

Đầu những năm 50, ông theo gia đình chuyển nhà từ quê Tiền Giang lên Sài Gòn sinh sống. Những năm ấy, ảo thuật ở Việt Nam đã dần dần phát triển sau khi du nhập và định hình được hơn ba chục năm và xuất hiện nhiều ảo thuật gia tên tuổi như Nguyễn Thành Long, Lê Văn Quý, Bảo Thu... Ông chỉ có mỗi một mơ ước được học nghề từ họ. Cơ hội đến khi một tờ báo đăng tin ảo thuật gia Nguyễn Thành Long chiêu sinh lớp học trò mới, ông đọc tin mà mừng rơi nước mắt. Số tiền học phí học ảo thuật quá cao so với số tiền nhịn quà bánh của một cậu bé. Thế rồi, bạn bè lại góp tiền cho ông đi học với một điều kiện: Mỗi khi học được trò mới ông phải biểu diễn liền cho chúng xem. --PageBreak--

Trong số những học trò của thầy Long, ông là cậu bé có niềm đam mê lớn nhất, trò gì sư phụ dạy ông cũng đều cố gắng tiếp thu và thực hiện thành công nhất. Thầy Long nói với ông rằng, đối với ảo thuật thì quan trọng nhất phải là một bàn tay thật dẻo và khéo léo, thế là cứ mỗi đêm, ông đứng trước tấm gương lớn, tưởng tượng bên trong tấm gương kia là hàng trăm khán giả đang hướng ánh mắt về phía mình mà tập. Ông tập với những trái bóng bàn, những điếu thuốc và những bộ bài. Đôi tay ông nhiều lần phồng rộp, nhức buốt nhưng sự khéo léo được nâng lên từng ngày và hậu quả là những bộ bài đi qua bàn tay ông đều nát vụn.

Ông còn nhớ như in hình ảnh một ảo thuật gia người Anh với áo đuôi tôm, găng tay trắng, đội mũ cao làm những chú chim bồ câu thoắt ẩn thoắt hiện. Hình ảnh ấy ám ảnh ông mãi, ông nghĩ tại sao người ta làm được mà mình không làm được. Ông đã nhờ người mua được 6 con bồ câu từ Pháp về, đêm đêm trước chiếc gương to, kiên nhẫn luyện nghề.

Năm 1968 là năm đánh dấu sự xuất hiện của một tài năng lớn trong làng ảo thuật với nghệ danh Z27, bằng sự điêu luyện và nét diễn hào hoa, ông đã giành giải thưởng lớn với “Tiết mục bồ câu” tại một liên hoan ảo thuật có tới gần 30 bậc cao niên góp mặt.

Sau ngày giải phóng miền Nam, Z27 được Nhà nước cử đi biểu diễn giao lưu ở các nước Đông Âu và đã được công nhận là hội viên danh dự vĩnh viễn của Câu lạc bộ ảo thuật Moskva. Những năm sau đó, Z27 trở thành ảo thuật gia không thể thiếu mặt tại các nhà hàng, vũ trường với hàng chục suất diễn mỗi tháng.

Tài nghệ trong tiết mục xòe bài và biểu diễn với chim bồ câu khiến cho nhiều ảo thuật gia nổi tiếng châu Á thời bấy giờ cũng phải ngả mũ kính nể. Z27 được báo chí trong và ngoài nước đồng loạt ca ngợi là "Ông vua xòe bài” và “Ông hoàng bồ câu”. Lúc ấy, một suất diễn của Z27 chỉ khoảng 15 phút có cátxê trên... một lượng vàng.

Nỗi lo đội ngũ kế vị những "ông hoàng"

Những năm 90, ảo thuật dần dần bị các môn nghệ thuật khác “đưa ra” khỏi sân khấu. Ngay cả những hội chợ, ảo thuật cũng ít được xuất hiện. Z27 thấy ảo thuật bắt đầu một giai đoạn thoái trào, đã quyết định rút khỏi sân khấu và quyết tâm đào tạo đội ngũ kế cận. Ông lập một xưởng sản xuất những đồ chơi ảo thuật nhỏ, liên tục mở các lớp đào tạo ảo thuật. Nhưng, nói như ông là lực bất tòng tâm, dù đã cố gắng nhưng ông và những học trò cũng không vực nổi nền ảo thuật như chiếc xe đang đổ dốc mà mất thắng.

Ông nói ảo thuật là bộ môn nghệ thuật khó, đòi hỏi năng khiếu rồi lòng đam mê, rồi dáng, rồi duyên và cả kỹ thuật biểu diễn. "Ông hoàng bồ câu" Z27 đã mở lớp dạy cả trăm học trò trong suốt mấy chục năm qua nhưng ông chưa thấy ai có khả năng để kế thừa ngôi vị “ông hoàng” của thế hệ ông, người đam mê thì không bộc lộ năng khiếu, người có năng khiếu thì chỉ coi ảo thuật như là môn chơi tài tử để mua vui.

Một tiết mục của nghệ sĩ Tony Quang.

Ảo thuật Việt Nam không hề thua kém các nền ảo thuật trên thế giới, những nghệ sĩ ảo thuật khẳng định với tôi điều ấy. Đã nhiều lần, Z27 rồi Tony Quang đi biểu diễn ảo thuật tại nước ngoài và để lại dấu ấn rất lớn trong lòng bạn bè quốc tế. Họ thừa nhận ảo thuật Việt Nam có những nét riêng rất thu hút người xem. Nhưng vì sao ngay tại Việt Nam, ảo thuật chỉ là "món ăn phụ" và hiện nay đang phải thoi thóp sống? Ông hoàng Z27 lắc đầu: “Ảo thuật được ví như đứa con song sinh với xiếc, trong khi xiếc có trường đào tạo, có kế hoạch phát triển, còn ảo thuật thì phải tự lực. Nhiều nghệ sĩ ảo thuật trẻ để tồn tại được phải lang thang biểu diễn trong những quán bar, những nhà hàng kiếm từng đồng xu lẻ để nuôi nghề, nuôi thân”.

Nghệ sĩ Tony Quang vẫn không thể quên hình ảnh một đồng nghiệp của ông đã phải biểu diễn ảo thuật để nhận từng tờ 5.000 đồng trong một khu phố nhậu quận 1. Làm sao những đồng tiền ấy xứng đáng với sự khổ luyện, cho tiếng tăm của nghề ảo thuật? Song nghĩ lại, họ không có sân khấu diễn, họ muốn giữ nghề, muốn tồn tại thì đâu còn cách nào khác. Ngay như ông, được người ta xưng danh là một “ông hoàng” biểu diễn với những trò rất khó, rất thu hút khán giả như cắt người làm ba khúc, thôi miên người trên cây chổi mà nhiều khi còn không kiếm ra sân khấu để diễn.

Ảo thuật là lĩnh vực tốn rất nhiều tiền của để đầu tư, một tiết mục của nghệ sĩ Tony Quang đã phải bỏ vốn cả trăm triệu đồng nhưng chưa bao giờ thu được hoàn vốn. Ông cho biết: ở nước ngoài có những sân khấu riêng dành cho ảo thuật, nó như một món ăn sang trọng dành cho mọi người. Ở ta, ngoài sân khấu Xiếc - Ảo thuật tại Công viên 29-3, TP HCM, hầu như không có đất diễn phù hợp cho ảo thuật, mà muốn ảo thuật đạt tới đỉnh cao của nó thì phải đưa nó đến với người hâm mộ. Người hâm mộ vẫn còn đó nhưng những phương tiện để phát triển ảo thuật thì thiếu thốn đủ bề. Không có đất dành cho ảo thuật thì làm sao có chỗ đứng cho lớp nghệ sĩ trẻ phát triển nghề nghiệp để có thể trở thành “ông hoàng” sau này?

Mạc Can đã không còn những ngày tháng sống nhờ ảo thuật nhưng ông vẫn đau đáu về một điều mong sao ảo thuật được ngành Văn hóa quan tâm đúng mức, để khỏi mai một và từng bước phát triển trở lại, phát triển cao hơn thế hệ ông. Còn "Ông hoàng bồ câu", tôi tình cờ gặp trong một chương trình biểu diễn từ thiện. Ông nói, bây giờ niềm vui ảo thuật của ông là được diễn cho những khán giả trẻ. Ông không trả lời câu hỏi của tôi về ảo thuật sẽ ra sao, mà nói rằng, nghề nào cũng có những thăng trầm. Ông tin thời gian tới Việt Nam sẽ lại có những “ông hoàng ảo thuật” mới xuất hiện trong những sân khấu hoành tráng và được đông đảo khán giả vỗ tay tán thưởng! Ông nói rồi nhìn qua hàng chục đứa trẻ đang thích thú trước sự xuất hiện bất thần của những chú bồ câu từ tay áo của ông..

Thuận Thiên
.
.
.