Vực lại cuộc đời từ vũng lầy ma túy

Chủ Nhật, 02/11/2014, 09:23
Một thời chìm đắm trong “cái chết trắng”, những tưởng đời mình sẽ mãi rũ xương trong vũng lầy ma túy. Sực tỉnh lại, anh thấy mình muốn sống, cần phải sống để trả nợ cho người thân và quãng đời tuổi trẻ đã chôn vùi thân xác trong những cuộc ăn chơi vô độ. Con đường quay đầu lại của anh khiến nhiều người khâm phục nhưng cũng là bài học xương máu cho những ai dám thử sức với “nàng tiên nâu”…

Nỗi ám ảnh “cái chết trắng”

Được sự giới thiệu của đồng chí Trưởng Công an xã, chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Thuận Hồng (49 tuổi, trú thôn 11, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk). Đón tiếp chúng tôi trong căn nhà xây khá khang trang, rót ly trà nóng mời khách, với giọng nói đều đều của một người “từng trải” và khá am hiểu, nhất là về ma túy. Và có lẽ, với anh, quãng thời gian hơn 5 năm chìm đời trong ma túy đủ để anh nhận thức được về những tác hại ghê gớm của việc “bán linh hồn cho quỷ dữ”. Khi được chúng tôi hỏi anh có mặc cảm hay xấu hổ vì thời tuổi trẻ đã ăn chơi, nghiện ngập?. Anh bảo: “Không có gì phải xấu hổ cả, chỉ là hơi tiếc nuối vì quãng thời gian sống hoài, sống phí. Ăn chơi là do tôi, do tôi đua đòi với bạn bè. Và quay đầu lại cũng do tôi, tôi quyết tâm là làm được. Giờ tôi không quan tâm nhiều đến người ta nói này nói nọ, cho nên tôi mới chia sẻ hết chuyện quá khứ của mình”.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo có tới 4 anh em trai ở tỉnh Quảng Trị, bởi vậy, sau khi học tới lớp 7, Hồng đã phải bỏ học giữa chừng ở nhà phụ giúp gia đình kiếm kế sinh nhai. Rồi mảnh đất miền Trung đầy nắng và gió này không nuôi nổi cái gia đình bé nhỏ của Hồng, năm 1981, gia đình anh chuyển vào Tây Nguyên sinh sống và chọn xã Ea Ning, huyện Krông Ana (nay là huyện Cư Kuin) để định cư lập nghiệp. Những ngày đầu trên mảnh Tây Nguyên, cuộc sống tuy còn nhiều khó khăn nhưng nhờ vào sự siêng năng, tần tảo, đùm bọc lẫn nhau của anh em Hồng nên chỉ sau một thời gian ngắn, cuộc sống gia đình cũng dần tạm ổn.

Cuối năm 1981, anh xung phong lên đường tham gia nghĩa vụ quân sự. Sau 3 năm xuất ngũ trở về, anh xin vào làm công nhân cho Nông trường Cà phê Ea Ktuôr (nay là Công ty Cà phê Ea Ning). Cuộc sống bình lặng cứ thế trôi đi, cho đến đầu 1988, anh xây dựng gia đình với chị Phan Thị Kiếm - một người đồng hương trú cùng xã. 3 năm sau, chị đã sinh cho anh hai đứa con, một trai, một gái kháu khỉnh. Tưởng chừng hạnh phúc ấy sẽ đến với gia đình bé nhỏ này nhưng vào đầu những năm 1990, xã Ea Ning cũng như một số địa phương khác của tỉnh Đắk Lắk nằm trong “cơn lốc” ma túy. Ma túy lan nhanh vào từng xóm bản, tác động tới cuộc sống của các gia đình, nhất là đám thanh niên mới lớn. Chính bởi tính cách hiếu kỳ, bồng bột, muốn chứng tỏ sành điệu mà nhiều thanh niên bị kẻ xấu dụ dỗ, dẫn dắt vào ma túy. Chỉ sau một thời gian ngắn, từ một địa phương “trắng ma túy”, xã Ea Ning đã có hàng chục thanh niên mắc nghiện. Ma túy đã làm nhiều gia đình tan vỡ, tài sản có giá trị “đội nón ra đi”. Không những thế, ma túy làm phát sinh tội phạm, ảnh hưởng tới trật tự an toàn xã hội và cuộc sống bình yên của nhân dân.

Ngôi nhà khang trang của gia đình anh Hồng.

Nói về những tháng ngày sa chân vào con đường nghiện ngập, anh Hồng cho biết, ngày đó tuy đã gần 30 tuổi, vợ chồng ra ở riêng, có hai đứa con kháu khỉnh nhưng tính tình vẫn lang bạt lắm. “Mỗi khi có bạn bè rủ rê ăn chơi, đàn đúm là tôi sẵn sàng bỏ nhà đi thâu đêm suốt sáng. “Đi với ma thì mặc áo giấy” chú à. Trong đám bạn của tôi có nhiều đứa bị nghiện và trong những lần theo đám bạn tập tành hút thuốc, tôi đã sa chân vào con đường nghiện ngập từ lúc nào không hay biết. Làm được bao nhiêu tiền, đều đem đi đốt hết vào khói thuốc. Sức khỏe từ đấy cũng trượt dốc theo những cơn nghiện, độ lười lao động cũng dần tăng lên, tiền bạc làm ra chẳng đủ để chơi ma túy, tôi sa ngã tưởng chừng khó có điều gì có thể cứu vãn” - anh Hồng nói.

Ngồi bên chồng, nhớ lại những ngày tháng làm vợ cơ cực khi người chồng lầm lỡ, chị Phan Thị Kiếm chia sẻ: “Trong quãng thời gian anh ấy nghiện ngập, một mình tôi phải bươn chải nuôi hai đứa con thơ trong căn nhà rách nát. Bệnh tật trong người, nhưng là người vợ, người mẹ, tôi vẫn cố gắng bước, bỏ qua mặc cảm trước mọi dư luận để nuôi các con. Nhiều lúc tôi cảm thấy tủi thân vô cùng”. Rồi chị kể, có nhiều hôm lên cơn nghiện, anh vác dao đuổi đánh mẹ con ra khỏi nhà, nhất là khi tôi chuyển dạ sinh đứa thứ 3. “Còn nhớ hôm đó, tôi đau bụng trở dạ sinh con. Nhà chỉ có 3 mẹ con, các con lại còn quá nhỏ. Tôi có nhờ hàng xóm đi gọi anh ấy về thì anh ấy nhắn bảo “cố đi ngày mai hãy đẻ”” - chị Kiếm nhớ lại.

Sống để trả nợ 

“Đến nay mình đã từ bỏ hẳn ma túy. Giờ nghĩ lại, nhắc đến ma túy lại thấy ớn lạnh trong người. Những ngày tháng cai nghiện, nếu không có vợ kề vai, sát cánh thì chưa chắc mình đã thành công. Giờ mình phải cố gắng làm lụng để bù đắp những thiệt thòi, mất mát của vợ con, gia đình mà mình đã đánh mất trong suốt thời gian qua” - anh Hồng tâm sự.

Rồi anh kể, sau gần 5 năm chìm đắm trong cơn say ma túy, một ngày anh chợt nghĩ mình cảm thấy có lỗi với vợ con, với người thân và anh quyết làm lại từ đầu. Được sự động viên của mọi người trong gia đình, năm 1994 anh một mình vác ba lô trở về quê để tự cai nghiện nhưng không thành. Đầu năm 1997, sau khi trở lại Tây Nguyên, anh quyết định vay mượn tiền của người thân cùng vợ chuyển sang Gia Lai mua nương rẫy làm ăn, phát triển kinh tế và cũng là để tìm cách cai nghiện, cách ly với đám bạn nghiện ngập trong xã.

Thời gian đầu cai nghiện, anh vật vã với những cơn say thuốc, nhiều lúc tưởng chừng không thể vượt qua, nhưng nhìn thấy những đau xót, khổ sở mà vợ con, người thân mình gánh chịu, anh quyết tâm phải “vĩnh biệt” với ma túy. Thương chồng, chị Kiếm cũng đi học hỏi kinh nghiệm của những người đã cai nghiện thành công, lúc nào cũng bên cạnh động viên tiếp thêm cho anh nghị lực rời xa ma túy. Rồi may mắn cũng mỉm cười với anh, hơn một năm sau, anh Hồng cai nghiện thành công. Gia đình anh trở về lại Ea Ning làm ăn, phát triển kinh tế.

Ngày bước chân về xã, mọi người vẫn còn nhìn anh bằng ánh mắt dò xét, bao lời đàm tiếu, dị nghị vây quanh gia đình anh. Bỏ mặc dư luận, anh dùng toàn bộ số tiền tích cóp trong mấy năm trời để đầu tư vào 1,5ha tiêu và nhận thầu lại 30ha hồ cá của Công ty Cà phê Ea Ning. Ban đầu nuôi trồng chưa có kinh nghiệm, tiêu, cá cứ thi nhau chết, bao nhiêu công sức của 2 vợ chồng đổ xuống sông, xuống biển, không nản chí, anh tìm hiểu, học hỏi khắp nơi kinh nghiệm trồng tiêu, nuôi cá sao cho tốt. Bằng sự chịu thương, chịu khó, chăm lo làm ăn, may mắn lại mỉm cười với anh lần nữa, sau nhiều năm lao động vất vả, từ một con nghiện “cái chết trắng”, anh Hồng đã trở thành người nông dân làm kinh tế giỏi tiêu biểu của xã, hiện tại, thu nhập từ tiêu, cá hằng năm của gia đình anh gần 2 tỷ đồng.

Giờ đây đã có của ăn, của để, các con học hành thành đạt, khi được chúng tôi hỏi liệu anh có khi nào lên cơn thèm thuốc không?. Anh tươi cười quả quyết: “Phải luôn nghĩ về gia đình, vợ con chứ. Mình đã làm khổ vợ con nhiều rồi, chẳng lẽ bây giờ lại phá nát cả hạnh phúc bé nhỏ của mình sao?. Phải luôn luôn nghĩ, đằng sau mình là gia đình nữa chú ạ. Ở đó mới thực sự là niềm vui, hạnh phúc mỗi khi mình trở về”. Nhìn ánh mắt sâu thẳm của anh, qua câu chuyện cởi mở từ đáy lòng mình, chúng tôi tin anh sẽ làm được điều đó

Văn Thành
.
.
.