Vụ thảm sát của Pháp ở Gia Lai được khẳng định là có thật sau 58 năm

Chủ Nhật, 29/05/2005, 07:25
Tháng 3/1947, một cuộc thảm sát hết sức dã man của giặc Pháp đã diễn ra tại làng Tân Lập, thuộc địa bàn thôn 6, xã Đắk Hlơ, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai ngày nay. Theo các nhân chứng kể lại, trong một đợt càn quét dữ dội vào làng này, giặc Pháp đã đốt phá hơn 70 ngôi nhà, sát hại hơn 300 người dân vô tội, xóa sổ một ngôi làng.

Chuyện nhà báo đi tìm... sự thật

Phải mất nhiều giờ đồng hồ chờ đợi, tôi mới gặp được nhà báo Phan Duy Tiên. Năm nay anh Tiên tuổi đã ngoài 50, hơn 20 năm công tác trong ngành văn hóa huyện, trong đó có nhiều năm làm nghề báo, nhưng chưa bao giờ anh “thai nghén” ý tưởng về một bài báo lâu như chuyện viết về vụ thảm sát ở làng Tân Lập.

Anh nói: “Tôi đọc trong cuốn sách lịch sử Đảng bộ huyện An Khê do ông Lê Thanh Cảnh chủ biên và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia ấn hành tháng 9/1993 ở trang 85, có đoạn ghi: Đêm 14/3/1947, cùng với quân chủ lực tiến công cứ điểm Tú Thủy (đồn của giặc Pháp ở An Khê - Gia Lai)..., đồng chí Vi Dân, Trung đoàn trưởng, kiêm Chỉ huy trưởng và lực lượng Cảm tử quân đã hy sinh. Sau chiến dịch ấy, giặc Pháp điên cuồng khủng bố, bắt bớ tra tấn hàng loạt quần chúng cơ sở, đốt phá hàng trăm ngôi nhà của nhân dân ở Cửu Đạo, Tú Thủy, An Thạch, Thượng Bình; tàn sát hơn 60 người ở chiến khu Vĩnh An, thiêu hủy toàn bộ nhà cửa và giết hại gần 100 người ở làng Tân Lập...

Khi đọc xong những dòng lịch sử ấy, từ năm 1997, tôi về làng Tân Lập năm xưa để tìm hiểu sự thật”. Nhưng có điều làm anh ngạc nhiên là dân làng ở đây không ai biết chuyện về vụ thảm sát.

Vào một đêm tháng 3/2004, nhân việc đi dự lễ cúng đình của một số bà con ở xã Thành An, huyện An Khê (giáp ranh với Tân Lập ngày xưa), anh Tiên được nghe trong lời cầu khấn của một số bà con cúng đình có nhắc đến những người dân bị thảm sát ở Tân Lập. Sau buổi lễ, anh Tiên được sự chỉ dẫn của một số bà con và đã cất công tìm đến những nhân chứng biết chuyện về vụ thảm sát năm 1947 ở Tân Lập.

Người đầu tiên anh tìm đến là cụ bà Nguyễn Thị Tri (85 tuổi) hiện đang sống với con cháu ở thôn 4, xã Thành An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai. Tuy bà không thể đi lại được do bị tai nạn giao thông, nhưng đầu óc bà thì vẫn còn minh mẫn. Bà kể: Vào tháng 3/1947, sau khi đơn vị bộ đội dưới sự chỉ huy của ông Vi Dân tiến đánh đồn Tú Thủy, giặc Pháp phát hiện có dấu vết bộ đội đóng quân ở làng Tân Lập  nên đã mở đợt càn quét dữ dội, bắn giết đồng bào và đốt phá toàn bộ nhà cửa. Theo bà thì số người bị giết chết ở làng này lên tới hàng trăm người chứ không phải chỉ 100.

Hai nhân chứng khác trước đây cùng ở làng Tân Lập là cụ ông Nguyễn Ngấn (SN 1927) và Hồ Thọ (SN 1918) hiện ở khóm 8, phường An Bình, thị xã An Khê cũng đều khẳng định số người ở làng Tân Lập bị giặc Pháp bắn giết là khoảng hơn 300 người. Ông Hồ Thọ còn cho biết, ông phải mất nhiều ngày lên đồn An Thạch xin giấy và cùng một người nữa tên là Nguyễn Cậy mới tiến hành chôn cất các xác chết và phải mất cả tuần lễ mới xong.

Theo ông Nguyễn Đẩu (còn có tên khác là Nguyễn Lời), 79 tuổi, sống ở thôn Cửu Đạo, xã Tú An, thị xã An Khê cho biết sự việc thảm sát ở làng Tân Lập xảy ra vào buổi trưa (khoảng 12 giờ). Hiện tại, theo ông biết có ông Nguyễn Ngấn, ông Nguyễn Cày ở An Khê còn sống (vì lúc đó các ông đi chăn bò không có mặt ở làng). Ông Đẩu cho biết, số người ở làng Tân Lập bị giết là khoảng hơn 300 người. Ôâng chỉ biết tên người trong gia đình mình chứ không biết tên các gia đình khác. Sau khi làng bị tàn sát, những người còn sống sót đã được vận động về quê ở Bình Định hoặc dời ra An Khê để sinh sống. Làng Tân Lập bị xóa sổ từ đấy...

Sau hành trình nhiều tháng trời tìm kiếm nhân chứng, thu thập chứng cứ, anh Tiên mới lập ra danh sách 368 người dân ở làng Tân Lập bị thảm sát, đã cho ra mắt độc giả hai bài trên Báo Gia Lai. Tôi hỏi vì sao anh dồn nhiều công sức để tìm hiểu vụ việc này? Anh Tiên nghiêm nghị nói: “Tôi là người lính, tôi đã mất cánh tay phải khi tham gia chiến đấu ở chiến trường nên tôi hiểu nhiều về nỗi đau của chiến tranh. Bây giờ tôi  sống ở Tây Nguyên, biết chuyện dân làng ở địa phương bị giặc Pháp tàn sát vô cùng dã man như thế mà không tìm hiểu kỹ và nói cho mọi người biết là có tội với lịch sử. Lương tâm tôi thúc giục tôi nên làm...”.

Sẽ xây dựng Nhà tưởng niệm nhân dân làng Tân Lập

Qua tìm hiểu được biết, làng Tân Lập (nay là thôn 6, thuộc xã Đắk Hlơ, huyện Kbang, Gia Lai) hình thành từ những năm đầu thế kỷ XIX, nhưng đến năm 1912, nhiều người dân di cư từ Bình Định lên lập nghiệp nên mới có sắc ghi là: “Làng Tân Lập Duy Tân đệ ngũ niên”. Những người dân ở làng Tân Lập còn sống sót được dời về làng Tân Tạo cũ, nay là thôn 4, xã Thành An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai còn mang theo cả sắc thờ của làng đến đặt ở đình Tân Tạo (nơi ở mới).

Chuyện thảm sát ở làng Tân Lập ngày ấy, đã rơi vào quên lãng gần 58 năm, nhưng sau khi được phát hiện, nhiều người dân và chính quyền địa phương hết sức quan tâm. Ngoài việc giao cho ngành chức năng tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ và tiến hành tổ chức hội thảo, đích thân đồng chí Nguyễn Tuấn Khanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai (khi vừa mới đặt chân về tỉnh này) cũng đã đi tìm hiểu thực tế về làng Tân Lập để lắng nghe ý kiến của dân...

Ngày 1/9/2004, UBND huyện Kbang đã tổ chức hội thảo “Về việc giặc Pháp sát hại nhân dân làng Tân Lập năm 1947”. Nhiều đại biểu ban, ngành, đoàn thể ở huyện và tỉnh đã tham dự. Hội thảo kết luận vụ việc giặc Pháp tàn sát nhân dân ở làng Tân Lập, xã Đắk Hlơ, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai là có thật.

Đây là một trong những minh chứng tội ác của thực dân Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Thời gian diễn ra vụ thảm sát này là sau trận Vi Dân đánh đồn Tú Thủy bị thất bại, đó là một ngày trung tuần tháng 3/1947. (Các nhân chứng còn sống thì nhớ đó là ngày 1/3/1947 âm lịch). Địa điểm diễn ra vụ thảm sát là trên cả làng Tân Lập, trong đó nơi địch giết chết nhiều nhất là nhà ông Hương Bộ Khứu, khoảng hơn 300 người...

Sau hội thảo này, UBND huyện Kbang đã đề xuất UBND tỉnh Gia Lai và các ngành chức năng cho xây dựng nhà tưởng niệm lấy tên: “Nhà tưởng niệm nhân dân làng Tân Lập bị giặc Pháp sát hại năm 1947”, đặt tại nền nhà ông Hương Bộ Khứu cũ.

Huyện cũng chỉ đạo các ngành chức năng ở địa phương tiến hành quy hoạch khu đất xây dựng nhà tưởng niệm và quy tập hài cốt nhân dân còn nằm rải rác trong khu vực bị thảm sát về điểm chôn cất quy định. Dự kiến đến năm 2007, huyện Kbang sẽ tổ chức kỷ niệm 60 năm ngày nhân dân làng Tân Lập bị giặc Pháp tàn sát để các thế hệ sau ghi nhớ và biến nỗi đau thương mất mát lớn lao này thành hành động thiết thực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc!

Đặng Ngọc Như
.
.
.