Vụ tàu Sea Bee bị đắm: Nỗi đau không chỉ của gia đình những người gặp nạn

Thứ Hai, 09/05/2005, 08:47
Từ ngày 1/5, tàu Sea Bee (Con ong biển) của Công ty Liên doanh vận tải biển Đông Long thuộc Đại học Hàng hải Việt Nam bị mất liên lạc trong vùng biển Thượng Hải, Trung Quốc. Sự lo lắng, đau buồn bao trùm không chỉ ở trường Đại học Hàng hải Việt Nam...

Sáng 1/5, tàu Sea Bee trọng tải 6.273 tấn, được sản xuất từ năm 1980, vận chuyển 5.000 tấn thép từ cảng Zinghuang Dao (Trung Quốc) hành trình đi Manila (Philippines), khi đi qua vùng biển Đông Trung Quốc, cách Thượng Hải hơn 100 hải lý thì bị mất liên lạc. Trên tàu có 23 sĩ quan, thuyền viên do Trung tâm Thuyền viên (VICMAC) cũng thuộc Trường Đại học Hàng hải Việt Nam quản lý.

Trước khi mất liên lạc hoàn toàn, tàu có gửi điện cấp cứu tới Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn trên biển của Thượng Hải (Trung Quốc). Phía bạn đã cử tàu cứu nạn DONGHAIJU 169 ra khu vực tàu Sea Bee gặp nạn để cứu giúp. Mãi đến 11h (giờ Việt Nam) ngày 4/5, tàu cứu hộ của bạn mới tìm thấy một thi thể gần khu vực tàu Sea Bee phát tín hiệu cấp cứu lần cuối.

Sáng 6/5, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã cử các ông Lê Quang Chính và Phạm Viết Cường, đều là cán bộ nhà trường sang Trung Quốc để phối hợp tìm kiếm cứu nạn và nhận dạng nạn nhân. Ngày 7/5, hai cán bộ này điện thoại báo cáo về trường, nạn nhân chính là anh Đàm Cao Vân (45 tuổi), thường trú ở khu chung cư Ngô Gia Tự, phường Cát Bi, máy trưởng của tàu Sea Bee.

Phía Trung Quốc tiếp tục cử thêm nhiều tàu cứu nạn để tích cực tìm kiếm, nhưng đến cuối ngày 8/5, vẫn chưa phát hiện dấu hiệu gì thêm về tàu Sea Bee.

Đây là vụ tai nạn hàng hải thứ 3 của Trung tâm Thuyền viên thuộc Trường Đại học Hàng hải Việt Nam trong vòng hơn một năm qua. Số lượng sĩ quan và thuyền viên của VICMAC hiện nay là hơn 400 người, phần lớn được đào tạo tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, số còn lại đã tốt nghiệp trường Trung học Hàng hải. Số thuyền viên này đang làm việc trên 34 con tàu thuộc các hãng tàu Nhật Bản, Hàn Quốc và của hai Công ty Thăng Long, Đông Long thuộc Trường Đại học Hàng hải Việt Nam.

Tiến sĩ Lương Công Nhớ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam cho biết, khi được tuyển dụng về VICMAC, tùy theo chức danh đảm nhiệm, sĩ quan và thủy thủ trước khi đưa xuống tàu phải qua các khóa huấn luyện nghề hàn, tiện, nguội; các khóa tiếng Anh chuyên ngành hàng hải, các khóa học về hệ thống quản lý an toàn hàng hải quốc tế (ISM code) và an ninh hàng hải (ISPS code)... Sau mỗi chuyến đi biển, sĩ quan và thủy thủ của VICMAC phải tiếp tục trải qua các khóa bồi dưỡng, sát hạch để chuẩn bị cho các chuyến tiếp theo.

Một phần ngàn tia hy vọng

Trong số 23 sĩ quan, thuyền viên có 15 người Hải Phòng, 3 người quê ở Nghệ An, còn lại ở Thanh Hóa, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nội, mỗi địa phương một người. Thủy thủ đoàn hầu hết còn rất trẻ. Thuyền trưởng Vũ Phan mới 35 tuổi đời.

Sáng 8/5, trong cơn mưa tầm tã, chúng tôi tới khu chung cư Ngô Gia Tự, phường Cát Bi, Hải Phòng, nơi cư trú của chị Phạm Thị Hà, giáo viên Trường Đại học Hàng hải, người bạn đời của anh Đàm Cao Vân - máy trưởng tàu Sea Bee.

Chị Hà đang trong cơn đau đớn tột cùng, ngất lên ngất xuống. Người thân của chị cho biết, anh Vân cũng là giảng viên Khoa Điều khiển tàu biển của trường, sau mỗi chuyến đi biển, theo phân công của trường, anh Vân lại trở về với bục giảng.

Tại số 1, ngõ 242 Trần Nguyên Hãn (Hải Phòng), tiếp chúng tôi là bác Vũ Nam Lai, 65 tuổi, bố đẻ thuyền trưởng Vũ Phan.

Bác kể: Bác quê ở Hưng Hà, Thái Bình, nhưng nhập ngũ, sau đó chuyển ngành về ngành Xây dựng Hải Phòng rồi lập nghiệp, định cư tại đây. Gia đình bác có 4 người con và cả 4 người đều tốt nghiệp đại học, trong đó có anh Vũ Phan và người con út là Vũ Hoàng Phong đều tốt nghiệp Đại học Hàng hải rồi gắn bó với biển cả.

Thuyền trưởng Vũ Phan tuy còn trẻ, nhưng đã có 10 năm thâm niên đi biển. Ngoài ra, anh còn là thạc sĩ, giảng viên của nhà trường. Cậu út Vũ Hoàng Phong hiện cũng là thuyền phó 2 trên một con tàu của Pháp.

Bác Lai nhớ lại, mới cách đây hơn 20 ngày, tàu Sea Bee của anh Vũ Phan có ghé về cảng Đà Nẵng một tuần. Chị Lê Thùy Tâm (vợ anh Phan) cũng là một giáo viên của nhà trường cùng với chị Phạm Thị Hà (vợ anh Vân) vào Đà Nẵng thăm chồng.

Thấy cô con dâu về kể, tóc anh Phan dạo này bạc trắng, bác Lai gọi điện bày tỏ sự lo lắng về sự vất vả của con. Tuy nhiên, anh Phan chỉ cười và nói, nghề đi biển chỉ khổ nhất là nhớ nhà. Sau hai vụ tai nạn trên biển, thấy bố mẹ lo lắng, cả anh Phan và cậu út Hoàng Phong đều nói rằng mỗi ngày ở Việt Nam có hơn 30 người thiệt mạng vì tai nạn đường bộ. Thế chẳng lẽ mọi người không dám ra đường? Chúng con được đào tạo ở Trường Đại học Hàng hải, nghề của chúng con đã chọn là nghề đi biển mà...

Bác Lai cho biết thêm, bác vừa được nhà trường thông báo, phía bạn Trung Quốc vẫn đang tích cực tìm kiếm, nhưng chưa thấy tàu cũng như xác các nạn nhân.

Tiến sĩ Lương Công Nhớ vừa cho Báo CAND biết: Chính xác tàu Sea Bee đã bị đắm cách bờ biển Thượng Hải, Trung Quốc trên 100 hải lý. Cơ quan cứu nạn của phía bạn vẫn chưa có thêm thông tin nào về số phận của 22 thủy thủ còn lại

Phan Anh Cường
.
.
.