Vũ khí sắc bén của những tù chính trị tại nhà lao 6B Côn Đảo

Thứ Bảy, 15/06/2013, 16:30
Chuyến đi Côn Đảo hè này, làm chúng tôi thật cảm xúc về những nhà báo là tù nhân chính trị Côn Đảo – những người Cộng sản thật trung kiên không hề biết khuất phục trước kẻ thù, đã lấy báo chí làm vũ khí đấu tranh. Và ai ra Côn Đảo, cũng đều cảm nhận là không biết bằng cách nào, mà các bác, các chú vẫn làm được báo in, ra được báo trong cảnh nhà tù hà khắc số một của thế giới này.

Những tờ báo ra đời nhà lao khu B Côn Đảo

Một ngày cuối tháng 4, tại cuộc gặp mặt các bạn tù chính trị của Trại 6 khu B – nhà tù Côn Đảo, bác Trịnh Văn Lâu (Tư Cẩn), nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh và Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long - trước năm 1975 là Bí thư Chi bộ Lưu Chí Hiếu tại Côn Đảo, cho biết: Thường là sau những cuộc đàn áp dã man xảy ra liên tiếp đối với tù nhân chính trị ở Trại 6 khu B Côn Đảo, thì ai cũng có những nung nấu, sẽ làm cho kẻ thù biết, thế nào là chất cộng sản trong tù.

Lúc đó Trại 6 khu B - Côn Đảo là nơi Mỹ giam giữ những tù chính trị của ta, gồm những đảng viên trung kiên, những người chưa bao giờ buổi sáng chịu chào cờ ngụy quyền Sài Gòn… song không ai có thể nghĩ rằng, trong điều kiện hà khắc, sự kiểm soát gắt gao của bọn cai ngục như thế, mà anh em trong tù vẫn đầy lòng lạc quan, nghĩ về cách ra một tờ báo cách mạng, ở ngay trong nhà tù.

Điều mà trong tình cảnh tù nhân cộng sản bị bọn cai tù canh phòng rất cẩn mật, việc viết báo, viết văn, làm thơ là một điều khó có thể thực hiện được, nếu không nói là viển vông – vì lấy giấy, mực ở đâu mà làm? Ấy thế mà tại Trại 6B - Côn Đảo, giữa ngục tối chốn lao đày ải ấy, thì những tờ tạp chí, nội san của các chi bộ Cộng sản ra đời.

Mục đích của báo này, như đồng chí Hoàng Thanh Quang, một đảng viên trung kiên trại tù 6 – Khu B cho biết, là người được Chi bộ Lưu Chí Hiếu tại Côn Đảo, cử làm Maket cho tờ báo các tờ báo “Xây dựng”, “Sinh hoạt”, “Rèn luyện”, “Niềm tin”, “Đoàn kết”, “Vươn lên”,… thì những người cộng sản muốn qua những tờ báo này, mà làm vũ khí nhằm quyết chiến với kẻ thù, từng ngày còn ở trong nhà lao Côn Đảo.

Ông Vũ Ngọc Đỉnh, một đảng viên tù nhân trung kiên cũng ở Trại tù 6 – khu B cho biết: tôi được Đảo ủy phân cho phụ trách trang Khoa học và Đời sống của tờ báo “Xây dựng”. Do vậy, trong Trại 6 - khu B có nhiều anh em đảng viên là dược sĩ, kể cả có bác sĩ chúng cũng bắt đày ra Côn Đảo.

Vậy là để có những chuyên mục, bài cho trang Khoa học và Đời sống, thì tôi hỏi và ghi chép, lấy ngay những kinh nghiệm trong ngành Y mà các dược sĩ, bác sĩ đã điều trị trong đời thường, kể cả những kinh nghiệm điều trị, hạn chế vết thương đau đớn mà chúng tra khảo, đày ải anh em tù nhân.

Còn như ông Bùi Văn Toản, một đảng viên trung kiên của Trại tù 6 – khu B thì cho rằng: Khi làm tờ báo “Sinh hoạt”, kích cỡ 30 x 50 (cm) anh em rất lo, là khổ lớn như thế, thì lấy giấy đâu ra, và dùng mực gì để hấp dẫn bạn đọc – cũng là những tù nhân tại đây? Và điều lạ, là từ những tù nhân trong đất liền ra, mà ta khai thác được cả, kể cả màu mực cho tươi, cho hấp dẫn “bạn đọc”.

Và tờ báo “Sinh hoạt” đã ra đúng ngày 20/12/1972, đúng ngày trong tù, anh em cộng sản trung kiên trong Trại 6 - khu B kỷ niệm 12 năm Ngày ra đời Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam (tháng 12/1960 - tháng 12/1972)

Những tờ báo “Xây dựng”, “Sinh hoạt”, “Rèn luyện”, “Niềm tin”, “Đoàn kết”, “Vươn lên”, đã được những chiến sỹ trung kiên trong Trại 6 - Khu B cho ra đời tại Đảo. Và sau này các bác đã nâng các tờ báo đó lên thành tờ nội san “Xây dựng” (trong ảnh) – tập trung là tiếng nói thống nhất cho cả Đảng ủy Đảo trong đấu tranh tại nhà lao Côn Đảo.

“Xây dựng”, tờ báo chính thống của Trại 6, khu B - nơi dành cho những tù nhân chính trị kiên cường và bất khuất. Hôm chúng tôi đến Nhà truyền thống ở Côn Đảo - tức Nhà Chúa Đảo trước tháng 4/1975, vẫn còn nhìn những dòng chữ viết thật ngay ngắn, trình bày chữ viết tay rõ, đẹp như những năm 1972 – 1973 khi ra đời các tờ báo này.

Tại phòng 2, Trại 6, khu B được coi như là tòa soạn của báo “Xây dựng”, báo ra số đầu tiên ra tháng 3/1973 kịp giới thiệu thắng lợi của Hiệp định Paris về Việt Nam, làm cho tất cả những tù nhân tại đảo vô cùng phấn khởi vì đã biết được thế thắng của ta, mà Mỹ - ngụy Sài Gòn đã buộc phải ký Hiệp định Paris về Việt Nam, chấp nhận sự thất bại bước đầu này.

Bìa tờ báo “Xây dựng” tại Nhà truyền thống Côn Đảo.

Một kỷ vật quý, khó tin đến Côn Đảo - để làm báo

Có một điều mà trong Trại 6 - khu B khó tin, nhưng anh em đã giữ được một chiếc radio 3 băng để làm tư liệu cho bài viết. Đó là chiếc đài bán dẫn mới do một người Pháp bị bắt làm tù nhân ở Sài Gòn, tên là Jen Moras còn có tên Việt Nam là Hồ Kiên Quyết.

Ông là một giáo viên tại Sài Gòn và rất mến phục các chiến sĩ cách mạng, từ đó khi bị chính quyền Sài Gòn bắt giam, thì Hồ Kiên Quyết cùng với một người tù nhân khác, cũng là người Pháp, đã tìm cách tặng chiếc radio 3 băng này cho các tù nhân của ta. Và chiếc radio 3 băng đã theo các chiến sĩ bạn tù ra Côn đảo.

Ông Hồ Kiên Quyết khi gặp các bạn tù ngày trước lúc ở Sài Gòn, nói: Khi vào tù, tôi thấy chiếc radio là tài sản rất quý cho các chiến sĩ nhà tù, để hiểu được tình hình bên ngoài. Và tôi quyết định tặng cho các chiến sĩ đang bị giam cầm, đày đi Côn Đảo; chiếc radio 3 băng đó, đã ra Côn Đảo như điều lạ lùng ít người biết đến và đã có lợi cho các chiến sĩ ta khai thác tin tức hàng ngày.

Ông Ung Văn Khuê, người từng cất giấu chiếc radio 3 năm trời cho biết: Khoảng tháng 9 tháng 10/1972, tôi bị đày ra đảo, và đã thấy có chiếc Radio do ông Hồ Kiên Quyết tặng cho các bạn tù, đã ra đến đây. Anh em trong tù, nhìn thấy đó là điều rất quý trong nhà lao, khi mà kẻ địch bưng bít thông tin không cho tù nhân nghe ngóng gì, thì nay có chiếc radio coi như đã nối liền thông tin với các chiến sĩ trong tù.

Và tổ chức giao cho ông Ung Văn Khuê và Bùi Văn Toản tìm cách đào tường, để cất giấu chiếc radio quý giá này. Ban đầu các ông khoét bên hông tường, sau giường nằm một lỗ hổng, để giấu chiếc radio. Nhưng sau đó, nhìn thấy có lần địch vào khám trại, thấy chúng dùng dụng cụ gõ… gõ nhiều lần các bức tường nghi ngờ các tù nhân ta cất giấu gì đó. Vậy là tổ chức của trại 6 chỉ đạo tìm chỗ nào thật “bí mật” hơn, mà chúng không ngờ tới để giấu chiếc radio.

Và sáng kiến được trại 6 chấp nhận, là tìm một chổ khoét đủ chiếc radio tại ngay trước bàn cầu tiêu của cắn phòng trong trại 6. Phải mất nhiều giờ liền, trong khi là tay không, các anh phải đào làm cho xong chỗ “bí mật” đó, để cất giấu, và nó được ém giấu thật an toàn, khi địch đến tra hỏi, khám xét đều không thể ngờ là nằm tại vách bên hầm cầu tiêu nhà lao – và 3 năm trời chiếc radio 3 băng thật an toàn như thế.

Chiếc radio 3 băng mà dũng sĩ người Pháp Hồ Kiên Quyết đã tặng cho bạn tù ta tại Côn Đảo, đã giúp ích nhiều cho sự tìm tòi tư liệu, cho sự ra đời, phát triển nhiều chuyên mục, nhiều tư liệu của các tờ báo “Xây dựng”, “Sinh hoạt”, “Rèn luyện”, “Niềm tin”, do anh em bạn tù của Trại 6 khu B làm ra. Đây thật là điều thần kỳ của cách làm báo các chiến sĩ cộng sản nhà lao Côn Đảo, trước năm 1975.

Nay ai ra thăm, đến Nhà truyền thống Côn Đảo thì khi nhìn những tờ báo có một không hai này, đã đi vào lịch sử Báo chí Việt Nam, như một nét đặc thù trong quá trình đấu tranh cách mạng đầy quả cảm, bất khuất của các chiến sĩ cộng sản ở Côn Đảo, đã dùng báo chí làm vũ khí đấu tranh của mình.

Đó là niềm tin, là lý tưởng vĩnh hằng, mà bao nhiêu chiến sĩ cách mạng ta, dù kẻ địch đầy ải ra những nơi cực hình nhất, giam cầm cấm cố tàn ác nhất, vẫn vững tin vào ngày thắng lợi

Phạm Bá Nhiễu
.
.
.