Vụ bắt quả tang TTGT tỉnh Hòa Bình nhận hối lộ: Công dân N. và 14 lần bắt cướp

Thứ Năm, 21/07/2005, 22:59

Nếu không có anh, những kẻ chuyên đục biển số xe trên các tuyến đường Hòa Bình - Hà Tây sẽ còn nhởn nhơ hoạt động.

Bằng chứng là, cái nạn ấy diễn ra từ mấy năm nay, nhóm TTGT này đã có biệt hiệu "sát thủ". Ấy vậy mà chưa có một "nạn nhân" nào dám đưa chiếc xe bị tháo biển kiểm soát tới Công an hoặc Sở Giao thông Vận tải Hòa Bình tố cáo, hay chí ít là đến một tờ báo nào cầu cứu. Chỉ có anh N. vì "tức không thể chịu nổi" nên đã tìm đến Báo CAND. Và bắt đầu từ đó, những sai trái của nhóm cán bộ TTGT này mới được đưa ra ánh sáng...

Tuổi thơ khốn khó

Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở xã An Thượng, huyện Hoài Đức (Hà Tây), 17 tuổi anh N. viết đơn tình nguyện nhập ngũ. 4 năm đóng quân tại sân bay Tân Sơn Nhất, anh luôn chịu khó học hỏi, rèn luyện, đặc biệt là võ thuật. Năm 1986, anh xuất ngũ trở về quê chỉ với một chiếc ba lô rách và hai bộ quần áo bạc màu. Ruộng đất ở quê vừa ít, đã chia hết cho các hộ gia đình. Anh không còn đất lập nghiệp, lại không thể trông cậy vào anh em vì họ cũng quá nghèo.

Trong một lần đi làm thuê, anh phát hiện ra khu đất ụ pháo bị bỏ hoang. Hỏi ra được biết, khi hợp nhất hợp tác xã, người ta dùng làm nơi đốt lò gạch, nhưng vì thua lỗ nên bỏ hoang từ nhiều năm nay. Suy đi tính lại, anh quyết định xin địa phương cho đấu thầu khu đất này làm lò gạch. Vậy là anh bắt tay vào việc đốt gạch bắt đầu từ con số 0. Tất cả đều phải đi vay, ngay cả bữa cơm ăn hàng ngày cho thợ cũng phải chạy vạy từng bữa.

Thấy anh tâm huyết với công việc nên những người đến làm thuê gắng... nhịn đói cùng "ông chủ" để chờ tiền công từ mẻ gạch đầu tiên. Không ngờ, hai lò gạch đầu tiên - niềm hy vọng của anh đã trở thành... hai đống gạch vụn. Thợ thuyền bỏ ra đi, may mà họ thương anh trắng tay nên cũng chưa đòi nốt tiền công. Từ đây, "công ty lò gạch" của anh chỉ còn lại hai người: Anh và một ông già răng rụng không còn chiếc nào.

Sau lần thất bại từ lò gạch ấy càng làm cho ý chí quyết tâm của N. tăng cao. Anh một mình đi "tầm sư học đạo" bí quyết nghề đóng gạch, mặt khác tiếp tục vay vốn để làm lại từ đầu. Và rồi người dân địa phương thấy suốt ngày đêm "thằng củ súng - N." cùng "lão móm" lăn lộn ngoài khu ụ pháo. Có ngày hết tiền, hai ông cháu chỉ ăn duy nhất một món... cà chua. Cho đến một ngày...

Những viên gạch đầu tiên đã ra lò. Chúng đẹp hoàn hảo đến mức ngay cả người làm ra cũng không thể tin được. Ở cái tuổi 23, lần đầu tiên trong đời, anh có được tiền triệu trong tay. Ba năm sau, anh đã trở thành một ông chủ lò gạch có tiếng trong vùng. Không bỏ lỡ thời cơ, anh đề nghị hợp tác xã cho đấu thầu thêm, nâng tổng số  lò gạch lên 32. Từ các lò gạch này, mỗi tháng anh có 96 triệu đồng trong suốt bốn năm liên tục.

Có vốn, anh vào Đà Nẵng mua ôtô tải vận chuyển gạch. Chẳng ngờ, xe mới mua từ Đà Nẵng về, có khách gạ bán lại. Thấy lãi được hai chục triệu một xe, anh bán liền. Và từ đó, ông chủ lò gạch kiêm luôn chân buôn ôtô. Công việc cứ trôi chảy như thế cho tới năm 1996 thì tuyến đường Láng - Hòa Lạc khởi công. Do gợi ý của bạn bè, anh xoay sang cung cấp nguyên vật liệu làm đường cho các chủ đầu tư. Hai năm sau, anh thành lập hợp tác xã vận tải và chính thức bước một chân vào nghề xây dựng cầu đường. Năm 2000, anh xin chuyển hợp tác xã thành công ty cổ phần. Hiện tại, công ty của anh có những công trình lớn với số vốn hàng trăm tỷ đồng.

"Giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha"

Địa phận mà anh làm lò gạch thuộc dốc đê Thanh Quang rất vắng vẻ, ít người qua lại nên những phần tử bất hảo thường "săn mồi" tại đây. Vốn giỏi võ thuật, lại ghét những kẻ đầu trộm đuôi cướp, bất kỳ vụ cướp nào xảy ra gần nơi ở của mình, anh đều không bỏ qua, dù biết rằng đó là việc nguy hiểm đến tính mạng.

Hôm ấy, khoảng 20h trời mưa mau, khi đang ngồi ở lò gạch, anh nghe có tiếng kêu cứu. Anh lấy xe máy phóng tới thì thấy một người bị trói. Hỏi ra mới biết đấy là người chạy xe ôm vừa bị kẻ xấu cướp xe. Nhìn bị hại chỉ tay về phía tên cướp tẩu thoát, anh lập tức phi xe đuổi theo. Đường trơn, xe phóng nhanh, cả anh và tên cướp mấy lần suýt ngã. Dẫu vậy cũng chỉ mất 20 phút, anh đã chặn đường tên cướp, buộc hắn phải vứt lại chiếc xe máy. Cảm phục về nghĩa cử này, người lái xe ôm tên Phụ, nhà ở phường Trung Tự, Hà Nội đã kết nghĩa anh em với anh và nhận bố anh là bố nuôi.

Một tháng sau, vào buổi chiều, trong lúc đi kiểm tra lò gạch, anh thấy một chiếc ôtô mang BKS tỉnh Sơn La, trên xe có 3 người. Khi đi qua địa phận An Thượng, một tên trong bọn đã trắng trợn cướp tài sản của người qua đường, khiến người đó bị ngã lăn xuống chân đê. Ngay lập tức, anh nhảy lên chiếc xe Dream II mới mua phóng theo xe ôtô đó. Đường đê rất hẹp, bọn cướp có 3 tên. Khi phát hiện anh đuổi theo, chúng liên tục chèn ép khiến xe anh nhiều lúc phải phi xuống sườn đê. Khi khoảng cách dần được thu hẹp, bọn chúng giơ quả lựu đạn về phía anh đe dọa. Mặc vậy, anh vẫn quyết đuổi theo và cuối cùng chặn được chiếc xe ôtô này. Bằng những động tác võ thuật điêu luyện, anh đã khống chế toàn bộ 3 đối tượng, thu giữ quả lựu đạn và áp giải đối tượng về trụ sở xã lập biên bản.

Tính đến thời điểm này, anh đã trực tiếp tham gia bắt 14 vụ cướp, trong đó có những vụ cực kỳ nguy hiểm. Thành tích săn bắt cướp của anh đã được Công an Hà Nội, Công an Hà Tây và Sở Giao thông vận tải Hà Tây tặng nhiều giấy khen. Ngoài ra, UBND tỉnh Phú Yên còn tặng anh hai bằng khen về công tác xã hội từ thiện.

Hiện anh là giám đốc một công ty cổ phần, có gần 100 công nhân, là Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã, Bí thư Chi bộ tại quê. Vì anh không muốn nêu tên mình trên báo nên chúng tôi đành ghi anh là công dân N. Khi xã hội còn những kẻ xấu, rất cần có nhiều người như công dân N., người giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha

Nguyễn Thái - Nguyễn Hưng
.
.
.