Võ sư "đầu thép"

Chủ Nhật, 12/02/2006, 07:00

Không phải mới vài lần biểu diễn "ngón" nghề vận nội công dùng đầu liên tục đập vỡ hàng chục viên gạch tàu mà võ sư Tăng Kỹ Quang, Phó đoàn Lân sư rồng Thanh Liên (Tp.HCM) được mọi người đặt cho biệt danh Quang "đầu thép" hay "Thiết đầu công" mà anh đã luyện từ năm lên 10 tuổi và chính thức biểu diễn cho công chúng xem đã 10 năm nay.

Quang trông chẳng có vẻ gì là con nhà võ cả, không thấy cơ bắp trên cánh tay, bàn tay anh mềm mại sau cái bắt tay chúc mừng năm mới. Đoán được thắc mắc của tôi, anh cười giải thích ngay: “Tôi luyện khí công  nên người ngoài nghề nhìn không biết tôi là con nhà võ đâu”. Thật mất lịch sự khi nhìn chăm chăm vào người đối diện nhưng với vị võ sư này, tôi không thể không quan sát kỹ... cái đầu của anh, một bộ phận quan trọng trong toàn bộ cơ thể của con người  đã làm nên kỷ lục - một kỷ lục của sự khổ luyện và ý chí.

Hơi thất lễ khi “lạm bàn” về cơ quan “tổng chỉ huy” của anh nhưng quả thật đầu anh tròn trịa, cân đối, tóc cắt ngắn sát da đầu theo kiểu đầu đinh và cũng không có vẻ gì sần sùi hoặc sẹo ngang sẹo dọc như tưởng tượng của nhiều người sau khi hàng trăm viên gạch đã “va” vào đó mà vỡ nát. Nhưng không sao, vị võ sư này khá điềm đạm và vui tính. Trước khi nói về công phu dùng đầu đập gạch của mình, võ sư Quang cứ nhắc đi nhắc lại một điều mà anh cho là luôn áy náy. Anh bảo, không muốn nói ra sợ người khác hiểu lầm cho là mình cao đạo, không muốn người khác làm theo phá kỷ lục của mình mà thật sự môn này rất nguy hiểm cho những ai không nắm vững nội công và nóng vội. Anh đập được nhiều gạch là do anh là con nhà võ nòi, được chỉ dạy luyện tập khí công một cách bài bản... Hiện tại có rất nhiều người cũng luyện tập và biểu diễn môn này chứ không riêng gì anh. Song kỷ lục của anh khác người ở chỗ là đập được nhiều gạch, liên tục trong thời gian ngắn nhất mà vẫn bảo đảm an toàn cho thân thể.

Loại gạch chuyên dùng để anh biểu diễn là gạch tàu, có kích thước 25x25cm có chất lượng tốt. Mới đầu anh biểu diễn đập vỡ 30 viên gạch trong vòng 1 phút; sau đó rút ngắn thời gian dần còn 36 giây, rồi còn 32 giây; mới đây nhất, anh đã luyện thành công trong vòng 32 giây đập vỡ 50 viên; trước anh đập lần 1 viên, rồi 2, 3 viên, giờ anh đã luyện được xếp chồng 4 đến 5 viên “đập” một lần...

“Môn này không thể cậy vào sức khỏe mà làm được, cần phải có ý chí, sức chịu đựng bền bỉ nữa” - Tăng Kỹ Quang bộc bạch chút ít bí quyết của mình. Trước khi biểu diễn, anh chỉ cần 5 phút để vận công. Khi khí được điều lên đến đỉnh đầu cũng là lúc anh bắt đầu biểu diễn và không còn biết đến điều gì xảy ra quanh mình, chỉ biết “đập” và “đập” thật nhanh, chính xác, điêu luyện. Tất nhiên khi ấy, bên cạnh anh luôn túc trực vài học trò chuyển gạch  cho anh và thỉnh thoảng nhanh tay phủi ít vụn gạch còn bám trên đỉnh đầu trước khi viên gạch mới ấn chúng xuống làm sây sát da đầu. Chuyện vụn gạch ghim vào da đầu không nghiêm trọng mà điều đáng lo nhất trong lúc biểu diễn chính là việc điều khí. Nếu điều khí không đúng, gạch vẫn bể nát nhưng nội thương sẽ tích tụ trong đầu. Nhìn pha biểu diễn rất quyết liệt của võ sư Quang có thể thấy rằng công phu đập gạch bằng đầu thật chẳng đơn giản chút nào.

Võ sư Tăng Ký Quang nhận bằng Kỷ lục gia do Vietbooks trao tặng.

Nhiều năm về trước, khi các gánh Sơn đông mãi võ còn đi biểu diễn bán thuốc trên các đường làng, góc phố, các vị võ sư ấy cũng dùng đầu đập gạch như ăn cơm bữa, có ai bị thương tật gì đâu. Ngay từ bé, tôi đã thường xem những màn biểu diễn của họ nên khi thấy võ sư Quang biểu diễn, tôi đã ngờ ngợ “dùng đầu đập gạch” không có gì mới lạ. Võ sư Quang giải thích, do phải bán thuốc kiếm cơm, nên họ đơn giản là biểu diễn và dùng xảo thuật nhiều chứ không phải võ thuật. Vậy nên ngày nào cũng dùng đầu đập gạch cho công chúng xem, thấy hay họ mới chịu mua thuốc. Không đầu nào chịu nổi quanh năm, suốt tháng cả nên họ mua gạch về, ngâm dấm; sau đó bỏ vào nồi nấu lên, gạch giòn, chỉ cần một ít lực là vỡ nát.

Để đầu anh trở thành “đầu thép” như hiện nay là cả một quá trình dài. Anh kể, cha anh là Tăng Truyền Hùng, võ sư khá lừng lẫy ở đảo Hải Nam, Trung Quốc, với môn phái Thiếu Lâm Hồng Gia Nam Bắc Phái. Khi ông qua Việt Nam làm ăn buôn bán, ông đã truyền dạy lại cho các con, trong đó có Quang. Từ bé, Tăng Kỹ Quang đã theo cha đến võ đường Kim sư Thanh Liên do võ sư Lâm Minh Hào sáng lập. Năm 10 tuổi, vốn tính nghịch ngợm, thấy các sư huynh luyện công bằng cách lấy gạch tàu lót dưới đáy chậu hoa rồi dùng tay chặt nát chúng ra, Quang cũng nhặt lấy những mảnh vỡ ấy đập lên đỉnh đầu cho nó vỡ vụn ra thêm. Từ trò nghịch trẻ con mà dần dà Quang “ghiền”  đập gạch bằng đầu. Lớn một chút, không còn đập gạch để chơi mà anh đập một cách có chủ định, có rèn luyện, nội công luyện đến mức nào thì đập gạch nhiều đến đó. Anh đã làm được điều mà đối với những bậc võ sư tiền bối ở xứ sở Hải Nam của anh xem là bình thường nhưng với một số vị võ sư cao thủ ở Chợ Lớn thì họ tự hào và không ngờ  anh đã luyện được nội công như hiện tại.

Từ khi được công nhận là Kỷ lục gia có rất nhiều nơi mời anh biểu diễn, song anh quan niệm dù có làm được điều gì phi thường đi nữa thì sức khỏe, tính mạng vẫn là trên hết nên anh không đặt nặng vấn đề thù lao, biểu diễn nhiều hay ít mà chủ yếu mỗi lần biểu diễn là thêm một dịp để anh khẳng định tài năng, bản lĩnh của người Việt Nam. Tăng Kỹ Quang lại vừa sáng tạo thêm một tiết mục cho đoàn lân sư rồng Thanh Liên - đó là tiết mục “Dạ quang thung” - Lân nhảy trên thung phát quang (không có đèn) nôm na giống như lân mù nhảy trên thung. Tiết mục này chưa từng có ở Việt Nam.  Anh đã huấn luyện và tổ chức cho các môn đệ của mình biểu diễn trong Hội hoa xuân Tao Đàn ngày 28 tết vừa qua và được khán giả khen ngợi, nên lần này anh quyết tâm dự thi kỷ lục Việt Nam cho cả đoàn lân sư rồng Thanh Liên...

Hạnh Chi
.
.
.