“Vịn” câu thơ đứng dậy

Thứ Sáu, 17/04/2009, 14:19
Không chịu bó tay trước hoàn cảnh tật nguyền, nghèo khó, Trần Phước Ninh rời làng Xuyên Đông (Duy Xuyên, Quảng Nam) lên đường vào TP HCM bán vé số dạo kiếm sống và tự học, rồi tập tành làm thơ. Không ngờ thơ của Ninh lại đạt nhiều giải trong các cuộc thi thơ trẻ, được đăng tải trên nhiều tờ báo, tạp chí. Từ đó, Ninh đã "vịn câu thơ đứng dậy" vượt qua bất hạnh của cuộc đời, thậm chí còn kiếm tiền giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ…

Nắng nhạt dần trên cánh đồng làng Xuyên Đông. Trong cái quán bé nhỏ, mái lợp tôn, vách ván đơn sơ, Ninh mời tôi ly cà phê đen đá do tự tay mình pha và cười thật hiền, nói: "Cái quán và hàng hoá em đang bán ở đây đều có được là do sự giúp đỡ của những tấm lòng vàng…".

Hỏi cặn kẽ mới biết, trận lụt lớn cách đây ba năm trước đã cuốn trôi cái quán tranh nhỏ của Ninh, cái quán cũng do bạn bè, hàng xóm góp công, góp của làm giúp khi Ninh từ TP HCM trở về năm 2004.

Sau trận lụt, cô giáo Phạm Thị Ngọc Thúy, chủ nhiệm lớp 9B Trường THCS Trần Phú, đứng ra vận động quyên góp giúp đỡ để làm cho Ninh cái quán mới này. Bên cạnh đó, Hội Chữ thập đỏ huyện Duy Xuyên, thị trấn Nam Phước, cùng bà con thân tộc, láng giềng cũng gom góp giúp Ninh kinh phí để mua hàng hóa về buôn bán…

Trần Phước Ninh đang nghe một người bạn trong làng Xuyên Đông hát những khúc nhạc phổ từ thơ của mình. Ảnh: PV.

Mẹ của Ninh - bà Nguyễn Thị Hội (78 tuổi), kể rằng: Năm Ninh lên 6 tuổi, em ốm liệt giường, sốt cao, mê sảng liên tục. Cũng nhờ các y, bác sĩ bệnh viện tận tình cứu chữa mới giữ lại mạng sống. Nhưng, sau trận ốm thập tử nhất sinh ấy, Ninh bị bán thân bất toại.

Sau đó, với sự nỗ lực của người mẹ, rốt cuộc Ninh cũng tập tễnh đi được, song chỉ lê từng bước một. Ấy vậy mà Ninh rất ham học, vẫn cố gắng đến trường mỗi ngày cho đến kết thúc năm học lớp 9… Ninh tâm sự: "Học hết lớp 9, em quyết định vào TP HCM kiếm sống, vì không cam chịu mình trở thành gánh nặng cho mẹ già...".  

Đặt chân xuống Bến xe miền Đông, giữa chốn phồn hoa đô hội không có người quen biết, trong túi cũng chẳng có một xu, túng thế Ninh nghĩ đến chuyện "ăn mày cửa Phật". Từ đó hỏi thăm và lần dò tìm đến một ngôi chùa ở quận Gò Vấp.

Sau khi nghe Ninh trình bày hoàn cảnh của mình, nhà sư Thích Nhuận Tâm đồng ý cho Ninh tá túc tại chùa. Ngày ngày Ninh đi bán vé số dạo, tối lại về chùa nghỉ ngơi, học bổ túc văn hoá, rồi tập làm thơ… Ninh làm thơ là để vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương bên bờ Thu Bồn có cha mẹ già tần tảo một nắng hai sương.

Ninh không ngờ thơ của mình gửi tham gia các cuộc thi thơ cứ liên tục đạt giải, đó là giải nhì cuộc thi thơ TP HCM năm 1999, giải ba cuộc thi thơ trẻ quận I năm 2001…

Và bất ngờ hơn, thơ của Ninh lại được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc cho một số ban nhạc trẻ hát và in thành đĩa. Ninh giải thích: "Đầu đĩa, âm ly, loa, cả tivi nữa cũng là tài sản mà mọi người quyên góp cho em. Chiếc đĩa nhạc này là do nhạc sĩ Trung Chính ở Đà Nẵng tặng đó".

Sau này tôi gặp anh Cao Hữu Tâm, Giáo viên âm nhạc Trường THCS Trưng Vương, TP Đà Nẵng, cũng là một trong số người đã phổ nhạc thơ của Ninh rất nhiều. Anh Tâm hát cho tôi nghe những khúc nhạc phổ từ thơ Ninh đau đáu tình người: "Con sẽ về thăm quê hương đất mẹ. Chở ân tình qua từng thôn xóm khuya… Quê hương tôi cánh đồng xanh màu mạ. Cây đa đầu đình che mát tuổi thơ tôi. Làn gió đùa thơm hương đồng nội. Thon thả bước chân nắng mỏng chiều em đi…".

Hoặc như: "Tôi sẽ về thăm lại Mỹ Sơn. Thăm Mỹ Châu miền quê đất lụa. Thăm Duy Phước, Duy Thành, Duy Nghĩa. Đập Vĩnh Trinh in bóng anh hùng…". Lại có những câu ca rất lãng mạn: "Em ngoan đạo những chiều đi lễ. Trà Kiệu buồn, thanh thản tiếng chuông ngân"…

Lạ hơn nữa, nhạc sĩ Trung Chính viết một bản nhạc về Đà Nẵng đang được lớp trẻ yêu thích lại phỏng theo thơ của Ninh: "Lắng nghe mùa xuân nói gì em hỡi. Mà không gian tràn ngập niềm vui. Mà nắng quê mình hôm nay đổi mới. Sông Hàn ơi em đẹp tuyệt vời". Khi tôi hỏi về chuyện tình duyên, Ninh chỉ cười hiền, đáp lời bằng một bài thơ "Vu Qui": "Tháng giêng mẹ không ra đồng. Chị đi theo chồng bến sông nước đục… Chạnh lòng chị bước sang sông. Bờ mi đẫm lệ, má hồng vu qui. Ngày chị đi, chẳng nói gì. Câu thơ em khóc li bì trong đêm...". Và tôi đã hiểu nỗi lòng của Ninh, một thanh niên khuyết tật chưa tròn 36 tuổi đời...

Dù bản thân tàn tật, gia đình nghèo khó, song khi biết trường hợp khốn khó của Phan Thanh Tùng (34 tuổi), ở thôn 3, Duy Thành, Duy Xuyên, Ninh vẫn sẵn lòng giúp đỡ.

Tùng sống với một người cha già, cũng trong cảnh nghèo khó nên đi làm thợ nề kiếm sống. Một hôm đang đứng trên giàn giáo cao để xây nhà thì bất ngờ giàn gãy ngã, Tùng rơi xuống đập vào đá chấn thương cột sống phải nằm liệt một chỗ, cuộc sống gia đình chỉ còn biết trông cậy vào sự giúp đỡ, cưu mang của láng giềng.

Thế là Ninh, bán hàng tạp hoá mỗi ngày trích ra một nửa số tiền lãi được, gửi giúp Tùng. Cứ thế Ninh đã góp phần giúp đỡ Tùng đã gần ba năm qua… 

Về làng Xuyên Đông gặp Trần Phước Ninh, ngồi tâm tình với Ninh, nghe thơ Ninh, biết những chuyện Ninh đã làm, tôi thật sự khâm phục tấm lòng nhân ái, nghị lực và ý chí vươn lên để làm người "tàn nhưng không phế" của chàng trai trẻ tật nguyền này...

Long Vân
.
.
.