Vì sao xảy ra nhiều tai nạn trên tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ?

Chủ Nhật, 19/04/2009, 11:48
Điểm "nóng" đầu tiên gây nhức nhối trong dư luận là sự gia tăng tai nạn giao thông trên tuyến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Lâu nay khi nói đến nguyên nhân tai nạn, người ta thường quy cho hạ tầng giao thông quá kém, đầu tư thiếu đồng bộ... Nhưng ở tuyến đường này, một công trình được đầu tư hoàn chỉnh với mức 757 tỷ đồng mà hàng chục vụ tai nạn được coi là tự đâm dẫn đến chết người mỗi năm, cao hơn hẳn những con đường cùng phẩm cấp khác thì nguyên nhân sâu xa là do đâu?

Có một thực tế là tuyến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đã được khai thác bảy năm qua nhưng Hội đồng nghiệm thu Nhà nước kiên quyết từ chối nghiệm thu với rất nhiều lý do xác đáng được đưa ra.

Trước bức xúc nhu cầu giao thông cửa ngõ phía Nam Hà Nội, năm 1998, Chính phủ cho phép đầu tư tuyến đường này với mức 757 tỷ đồng, theo tiêu chuẩn đường cấp I đồng bằng, 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h. Dự án bao gồm 3 cầu vượt, 2 nút giao thông, 51 cống chui dân sinh và 107 cống thủy lợi. Với suất đầu tư khoảng 19 tỷ đồng/km không phải thấp nhưng kể từ khi đi vào khai thác năm 2002 đến nay, chưa bao giờ con đường này được coi là yên ổn bởi tình trạng sụt lún triền miên.

Bất kể ai, bằng phương tiện gì khi đi trên tuyến đường này đều cảm thấy bất an vì những vệt lún cao thấp bất thường, nhất là những điểm tiếp giáp với cống chui dân sinh. Mặt đường toàn tuyến bị rạn nứt, những vệt bù lún từ vài mét vuông đến vài chục mét vuông dày, mỏng kế tiếp nhau.

Các cán bộ duy tu ở đây cho biết, từ khi đi vào khai thác, liên tục phải tổ chức thi công bù lún. Năm 2007, số tiền bù lún là 5 tỷ đồng. Và nay, Cục Đường bộ buộc phải đầu tư tiếp16 tỷ đồng phục vụ cho sửa chữa, duy tu đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, nhưng chắc chắn số tiền cần cho sửa chữa con đường này chưa dừng ở đó. Nhiều điểm sụt lở phải bù lún tới gần 20 lần, dày cả mét bê tông nhựa như tại cống chui Km 191+640 nhưng nay vẫn tiếp tục lún.

Đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, nơi xảy ra nhiều tai nạn tự đâm cần điều tra làm rõ.

Các chuyên gia Cục Giám định Nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng Bộ Xây dựng cho biết, nguyên nhân của tình trạng trên bắt nguồn từ việc buông lỏng khảo sát thiết kế, chiếu lệ trong kiểm chứng, tùy tiện thay đổi giải pháp thi công... Điển hình là khu vực cầu Văn Điển, nền đất bao gồm một lớp đất sét dẻo mềm đến dẻo cứng, lớp thứ hai là bùn sét sâu 13m và lớp ba là đất dẻo nhão dày 20m. Nhưng cơ quan tư vấn thiết kế chỉ xử lý hai lớp lún trên mà không đề cập đến lớp lún thứ ba.

Theo Tiến sĩ Trần Chủng - chuyên gia cao cấp giám định công trình xây dựng, thì ở những vị trí tiếp giáp giữa cầu chui, hầm và nền đường, cơ quan tư vấn yêu cầu đặt bản giảm tải nhưng tư vấn giám sát lại kiến nghị bỏ giảm tải và đổ bê tông tại chỗ... dẫn đến tình trạng lún nền cho đến nay chưa chấm dứt. Với những lý do đó, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước từ chối nghiệm thu công trình trên.

Nhưng hậu quả của thiếu sót trong quá trình đầu tư trên không chỉ trả giá bằng cả chục tỷ đồng liên tục phải đầu tư sửa chữa. Chất lượng tuyến đường xuống cấp nghiêm trọng có liên quan đến hàng chục vụ tai nạn lạ lùng, mà người điều khiển phương tiện (nhất là xe máy) chỉ xem là tự đâm dẫn đến chết người liên tục xảy ra.

Theo ông Trần Minh An - cán bộ CSGT Công an huyện Thường Tín, từ tháng 12/2008 đến tháng 2/2009, đã có 20 vụ tai nạn giao thông xảy ra, trong đó chủ yếu trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và QL1A cũ. Hậu quả 24 người chết và 12 người bị thương. Trong đó có 5 vụ xảy ra trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ chỉ kết luận là tự đâm dẫn đến chết người.

Ngày 24/2, tại Km 190+100, xe máy BKS 20M-0877 đang chạy trên đường, bất ngờ mất thăng bằng va vào tôn chắn dẫn đến một người chết, một người bị thương. Riêng các vụ tự đâm xe đã tới hàng chục vụ, làm chết và bị thương gần 100 người kể từ khi tuyến đường đi vào khai thác, đang trở nên nhức nhối đòi hỏi các nhà quản lý tìm cho được câu trả lời về nguyên nhân đích thực của tai nạn.

Điều đáng tiếc, sau những vụ tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng như thế, kết luận mới chỉ ra chung chung rằng do người điều khiển phương tiện tự đâm nên không có tác dụng hạn chế, phòng ngừa các vụ tương tự. Theo một số người hành nghề xe ôm trên tuyến cho biết, những ca tai nạn tự ngã có liên quan đến việc lạng tránh mặt đường xấu khi điều khiển phương tiện.

Buông lỏng quản lý, tính mạng người đi đường bị đe dọa

Trước tình trạng con đường được đầu tư tốn kém nhưng không được nghiệm thu, liên tục xuống cấp thời gian qua, Chính phủ đã có ý kiến yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm, làm rõ nguyên nhân để khắc phục.

Lạ là đầu tư mới, nhưng phải khai thác công trình đường kém chất lượng như thế nhưng cho tới nay, người dân chỉ thấy hàng chục tỷ đồng đổ xuống đường bù lún, mà chưa có bất kỳ tập thể hay cá nhân nào công khai chịu trách nhiệm.

Công bằng mà nói, kể từ khi đi vào hoạt động, tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đã đáp ứng một nhu cầu giao thông rất lớn ở cửa ngõ phía Nam Hà Nội. Và tốc độ gia tăng phương tiện (khoảng vài chục ngàn ôtô, xe máy đi qua con đường này mỗi ngày) cũng là yếu tố khiến tình trạng đường nhanh xuống cấp. Nhưng trên thực tế, đó chỉ là thứ yếu vì các luồng phương tiện đều chạy trên nền con đường không ổn định, chất lượng không đảm bảo như yêu cầu đề ra.

Trong khi con đường không bảo đảm chất lượng, công tác quản lý trật tự an toàn giao thông lại bộc lộ nhiều kẽ hở thì tình hình tai nạn phức tạp cũng là điều dễ hiểu.

Thượng tá Nguyễn Xuân Thọ - Phó trưởng Công an huyện Thường Tín cho biết: Đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ dưới góc độ quản lý Nhà nước có liên quan đến hai lĩnh vực.

Thứ nhất, các công trình giao thông, hành lang an toàn giao thông, biển báo, mốc giới... do ngành Giao thông quản lý và trách nhiệm của chính quyền các địa phương. Riêng huyện Thường Tín có 11 xã liên quan đến tuyến đường này. Nhưng hầu như không phân biệt rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan liên quan, thậm chí cán bộ nhiều xã không để ý đến trách nhiệm của mình đối với con đường.

Thứ hai, về quản lý trật tự an toàn giao thông (ATGT) đang để lộ những kẽ hở. Công an huyện Thường Tín (cũng như Công an huyện Phú Xuyên) không được giao nhiệm vụ trực tiếp duy trì trật tự ATGT ở cả ba tuyến đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, QL1A (cũ) và tuyến sông Hồng. Vì không được giao nhiệm vụ, nên không thể nắm bắt hết tình hình trật tự ATGT, số người vi phạm, ý thức chấp hành đội mũ bảo hiểm... trên các tuyến.

Tuy vậy, Công an Thường Tín lại là cơ quan trực tiếp giải quyết và chủ trì giải quyết các vụ tai nạn trên tuyến, đồng thời giúp đỡ các xã giải quyết tình hình liên quan đến an toàn giao thông. Điều chưa hợp lý là không được duy trì trật tự an toàn giao thông, nhưng Công an huyện Thường Tín phải chịu trách nhiệm trước cấp trên về số liệu kiềm chế tai nạn giao thông. Nhiệm vụ tuần tra kiểm soát an toàn giao thông đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ do Phòng CSGT đảm nhiệm.

Trong khi đó, chức năng quản lý Nhà nước về giao thông thuộc về Phòng Công thương các huyện có tuyến đường chạy qua lại thể hiện rất mờ nhạt. Đây là điều hết sức khó khăn và nảy sinh bất cập trong công tác quản lý, kiểm soát trật tự an toàn giao thông.

Hẳn khó có lý do để nói rằng, nguyên nhân tai nạn giao thông gia tăng là do đầu tư hạ tầng giao thông quá kém trên tuyến đường này. Người tham gia giao thông vẫn luôn bức xúc với câu hỏi, đầu tư tới 757 tỷ đồng như tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, chi thêm hàng chục tỷ cho bù lún và sửa chữa mà chất lượng đường vẫn kém, tai nạn vẫn nhiều thì lỗi tại đâu và ai chịu trách nhiệm?

Thanh Phong
.
.
.