Vì sao những đứa trẻ trở thành tướng cướp?

Chủ Nhật, 19/06/2005, 07:01

Luật sư Nguyễn Bằng Phi, thuộc Văn phòng luật sư miền Bắc, nhận nhiệm vụ bảo vệ cho một thiếu niên 17 tuổi, phạm tội "Cướp tài sản có tổ chức". Bi hài ở chỗ số tiền mà cả nhóm cướp được chỉ vỏn vẹn có... 64.000 đồng.

Sự việc bắt đầu từ 11h ngày 16/9/2004, một nhóm bạn thuộc Trường THCS Xuân Đỉnh, Hà Nội gặp gỡ nhau ở một quán bia trước cổng trường, sau khi nhậu... “tây tây” cả nhóm bèn bàn nhau “đi cướp”. Đỗ Kim Cường, 14 tuổi, học sinh lớp 9, hỏi ý kiến Hưng, 17 tuổi, học sinh lớp 12 với tư cách là một “đàn em” hỏi “đại ca”: “Em muốn đi trấn tiền của taxi, anh xem thế nào?”.

Hưng, vốn cần tiền để “mua quần áo và mời bạn gái đi uống cà phê” đã nhanh chóng đồng ý rồi cùng đồng bọn bàn bạc về việc chuẩn bị dụng cụ, hung khí để thực hiện vụ cướp ngay trong chiều tối hôm đó.

Cường được phân công ngồi trên cùng phía tay phải lái xe, cầm dao để khống chế lái xe, Hưng cầm một con dao gọt hoa quả khống chế lái xe từ phía sau. Huy và Nam, đều 14 tuổi, được phân công cầm côn và giẻ để hỗ trợ Cường khống chế lái xe, siết cổ, trói lái xe để lục tiền. Tùng (16 tuổi) và Hiến (15 tuổi) đi xe máy theo sau để hỗ trợ khi cần thiết.

Cả bọn thực hiện cướp tiền của lái xe taxi Đinh Thanh Tự, 22 tuổi. Tuy nhiên vụ cướp diễn biến không mấy thành công, lũ trẻ bị... lạc đường đến nơi mà chúng dự định sẽ tiến hành vụ cướp. Cường lúng túng, manh động, gí dao vào mạng sườn tài xế trong khi anh đang điều khiển xe, làm xe mất tay lái, đâm vào một gốc cây bên dường rồi lao xuống một mương nước.

Nam sợ quá mở cửa xe... chạy trốn, còn lại 3 thành viên gí dao và côn khống chế đòi tiền và được anh Tự đưa cho... 64.000 đồng. Lái xe Tự, sau khi bị cướp đã khai báo rằng, thực ra trong túi anh lúc đó có 234.000 đồng, nhưng chỉ đưa cho “lũ cướp nhí” một ít, sau này mới biết là 64.000 đồng. Nhận được tiền, cả bọn vội vàng tẩu thoát nhưng Cường bị quần chúng bắt giữ. Những tên còn lại ra công an đầu thú ngay ngày hôm sau.

Theo báo cáo đề tài “Nghiên cứu, đánh giá, phân tích tình hình người chưa thành niên vi phạm pháp luật và hệ thống xử lý tại Việt Nam” do Viện Khoa học Pháp lý phối hợp cùng tổ chức UNICEF thực hiện, thì trong số các tội phạm thuộc nhóm các tội xâm phạm sở hữu, thì các tội trộm cắp và tội cướp tài sản có tỉ lệ cao nhất. Trung bình trong toàn quốc người chưa thành niên phạm tội trộm cắp tài sản chiếm 31,8% (năm 2003).

Trong vòng 4 năm từ 2000 đến 2003, toàn tỉnh Thanh Hóa có 327 trẻ vi phạm pháp luật thì có tới 265 em phạm tội trộm, cướp và lừa đảo, tước đoạt tài sản của người khác, chiếm 81% tổng số trẻ em phạm pháp của tỉnh.

Một băng nhóm tội phạm vị thành niên ra Toà.

Trường hợp cậu bé Mai Văn Duy, 15 tuổi, quê ở huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa là một ví dụ. Ngày mùng 6 tết Ất Dậu, Duy đã có mặt tại bờ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), để chuẩn bị cho “phi vụ làm ăn” đầu xuân của nó. Nhanh như cắt, chạy đến chộp lấy sợi dây chuyền trên cổ một du khách rồi chạy về phía chợ Hàng Bè hòng tẩu thoát. Đúng lúc đó, Tổ tuần tra của Công an phường Hàng Bạc đi tới, Duy bị tóm gọn và đưa vào “xông đất” tại Nhà giữ trẻ phạm pháp ở Hà Nội.

Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở tội cướp giật, tình hình vi phạm pháp luật trong trẻ vị thành niên có xu hướng gia tăng với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Điển hình như các tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội giết người, tội hiếp dâm trở nên điển hình và có diễn biến phức tạp.

Tội danh cố ý gây thương tích cho người khác chiếm 11,1% trường hợp trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật trong cả nước (theo tài liệu của Viện Kiểm sát nhân dân năm 2003).

Đã xuất hiện những loại tội phạm trong trẻ vị thành niên mà trước đây ít hoặc không xảy ra như tội buôn lậu, chống người thi hành công vụ, thể hiện rõ ý thức coi thường pháp luật và kỷ cương của Nhà nước.

Hơn nữa, đã có sự “trẻ hóa” ngay trong lứa tuổi vị thành niên. Số liệu năm 2003 cho thấy, số người chưa thành niên phạm tội từ 14 - 16 tuổi chiếm 13,4% trẻ vị thành niên phạm tội.--PageBreak--

Vụ án gần đây nhất do trẻ vị thành niên gây ra thực sự gây “sốc” trong dư luận, đặc biệt là cho các bậc cha mẹ có con cái ở lứa tuổi “diễn biến tâm lý vô cùng phức tạp” này. Ngày 26/11/2004, “sát thủ” 17 tuổi Vũ Văn Trung (18 tuổi), học sinh lớp 12 Trường THPT Mỹ Đức A tỉnh Hà Tây đã “xuống tay” sát hại bé Nguyễn Thị Linh Chi, 8 tuổi, là hàng xóm của Trung.

Vũ Văn Trung đã mua một chiếc thẻ điện thoại trả tiền trước để gọi điện tống tiền gia đình nạn nhân và chiếm đoạt được 20 triệu đồng. Số tiền này Trung khai đã mua một chiếc xe máy, trả nợ mẹ 2 triệu đồng, số còn lại nướng hết vào “lô đề”.

Ngày 21/5/2005, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tây đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp Vũ Văn Trung về 2 tội “giết người” và “cưỡng đoạt tài sản”. Hai học sinh khác của Trường Mỹ Đức A là Đinh Văn Thủy (người trực tiếp gọi điện tống tiền gia đình nạn nhân) và Lê Văn Minh, cùng 18 tuổi (người đến nhận tiền từ gia đình nạn nhân) cũng bị bắt về tội “cưỡng đoạt tài sản”.

Trẻ em phạm tội: Đừng đổ lỗi cho xã hội!

“Nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng gia tăng tội phạm vị thành niên là do sự nhận thức kém về đời sống xã hội cũng như thiếu hiểu biết về pháp luật trong giới trẻ” - Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Tâm, Thư ký Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam nhận xét.

Trẻ vị thành niên muốn có những đặc quyền của người lớn; tuy nhiên các em lại không hiểu rằng những quyền lợi này gắn liền với trách nhiệm. Có nghĩa là họ phải hành động theo đúng pháp luật và chuẩn mực xã hội. Đa số trẻ phạm pháp chỉ nhận ra điều này khi phải trực tiếp đối mặt với những hình phạt được quy định cho những tội danh chúng gây ra.

“Hơn nữa, trẻ luôn mong muốn được coi là một “người lớn”, một “anh hùng” trong mắt bạn bè cùng trang lứa” - tiến sĩ Tâm cho biết thêm. Xét trong trường hợp của Nguyễn Thành Hưng như ví dụ đã nêu trên, thì nhận xét này hoàn toàn chính xác.

“Nguyên nhân chủ yếu thúc đẩy Hưng phạm tội không phải là do sự cấp bách về tiền” - luật sư Nguyễn Bằng Phi nói - mà là do “máu anh hùng” nổi lên, là người lớn tuổi nhất trong nhóm, và đặc biệt là nhận được “sự tín nhiệm” của các “đàn em” khi được hỏi “ý kiến” về vụ cướp”.

Bản thân Hưng, khi được hỏi, cũng không ý thức được mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội của mình, “lấy tiền của một người lớn cũng chẳng khác gì “trấn” một ít tiền từ những bạn cùng tuổi”.

Trong khi những tội phạm xảy ra do nguyên nhân xã hội sau khi xem phim ảnh bạo lực kích động như: cướp giật, giết người, hiếp dâm, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự xã hội đang làm đau đầu các nhà nghiên cứu xã hội, thì họ cũng chỉ ra rằng gia đình có ảnh hưởng quyết định đối với trẻ vị thành niên phạm tội.

Luật gia Đinh Bích Hà, thuộc Viện Nghiên cứu Khoa học Pháp lý nhận xét: “Một đứa trẻ liệu có thể trở thành một công dân tốt không khi mà bố nó nghiện hút, còn mẹ nó thì đi buôn.. ma túy?” - bà Hà đặt câu hỏi. Những trẻ em sinh ra trong gia đình có người phạm tội rất dễ trở thành... đồng phạm với cha mẹ chúng sau này.

Bên cạnh lý do thiếu hụt về kinh tế thúc đẩy trẻ phạm tội, nhiều người cho rằng chính sự thỏa mãn vô nguyên tắc những đòi hỏi của con cái và nhượng bộ chúng một cách thái quá dẫn tới sự hư hỏng của trẻ. Một số ông bố, bà mẹ khi thấy con mình vi phạm pháp luật hoặc phạm tội đã ra sức chạy chọt, lo lót để được tha bổng hoặc giảm nhẹ tội. Những việc làm ấy đã tiếp tay, làm “bà đỡ” cho con cái họ nảy sinh thái độ coi thường pháp luật, và vô tình đã khuyến khích người chưa thành niên phạm tội

Ngọc Tước
.
.
.