Vì sao hai cán bộ Công an huyện Hàm Tân bị khởi tố?

Thứ Ba, 06/12/2005, 09:02

Hồ sơ về tội lỗi của anh em nhà Hai Chi gửi lên Công an huyện đề nghị xử lý hình sự, lần nào cũng bị trả lại, kèm theo lời khuyên của ông Loan là “không đủ chứng cứ, bỏ vụ này đi”.

Ngược dòng thời gian, năm 1991, Hai Chi bị bắt vì tội cưỡng đoạt tài sản, bị giam giữ tại nhà tạm giữ Công an huyện Hàm Tân. Lúc này, ông Loan đang là cán bộ phụ trách nhà tạm giữ. Mối quen biết giữa đôi bên bắt đầu từ đó. Dù đang là một phạm nhân, Hai Chi vẫn nhiều lần được Hoàng Đình Loan tạo điều kiện “đi phép” để tiếp tục trở lại Tân Nghĩa chỉ đạo đàn em phá rừng, buôn lậu gỗ và gây ra nhiều vụ việc khác.

Khi ông Loan trở thành Phó trưởng Công an huyện Hàm Tân phụ trách khối Cảnh sát, quan hệ giữa ông Loan và Hai Chi càng trở nên mật thiết hơn. Quán Trúc Mai của vợ lớn, quán Thu Hằng của vợ bé Hai Chi hoạt động bia ôm, mại dâm khá rầm rộ, nhiều lần bị Công an huyện kiểm tra. Nhưng lần nào, Hai Chi cũng biết trước để kịp thời chỉ đạo đối phó.

Đơn thư, lời tố cáo của các nạn nhân về những hành vi phạm tội của anh em nhà Hai Chi đều không được Công an huyện Hàm Tân xử lý đúng mức. Ngược lại, những thông tin về người đứng ra tố cáo lại lần lượt bị Hai Chi nắm rõ, dẫn đến những hành vi bạo hành để dằn mặt, thậm chí loại trừ người tố cáo để bịt đầu mối mà Hai Chi và đám em út dưới trướng y chính là thủ phạm.

Điển hình là vụ mưu sát anh Đỗ Ngọc Biên, Trưởng Công an xã Tân Nghĩa. Với trách nhiệm của mình, Đỗ Ngọc Biên đã nhiều lần thu thập chứng cứ, lập hồ sơ về tội lỗi của anh em nhà Hai Chi gửi lên Công an huyện đề nghị xử lý hình sự. Lần nào, hồ sơ chứng cứ cũng bị trả lại, kèm theo lời khuyên của ông Loan là “không đủ chứng cứ, bỏ vụ này đi”. Sau tết Nguyên đán năm 2002, Hai Chi, Tư “gà lôi” tổ chức chém anh Lê Minh Dũng, gây thương tật 31%. Trưởng Công an xã Tân Nghĩa Đỗ Ngọc Biên đã trực tiếp làm hồ sơ báo cáo với ông Loan, nhưng câu trả lời vẫn lại  là “không có nhân chứng" và “không đủ chứng cứ”.

Xác Huỳnh Văn Hoà tại hiện trường.

Ngược lại, anh em nhà Hai Chi lại biết tường tận những bước đi tích cực trong toàn bộ quá trình tích cực phanh phui tội ác của anh Biên. Đêm 5/3/2005, hai tên sát thủ Nguyễn Công Sửu và Phạm Ngọc Hưng ở xã Tân Hà, quyết định ra tay trả thù anh Biên. Hung khí gây án là một cây rựa được mài bén ngọt để sẵn tại quán Thu Hằng, vợ bé của Hai Chi. Mang theo cây rựa, hai sát thủ chở nhau đến trước cửa nhà anh Biên mai phục. Khi anh Biên đi xe máy về hướng ngã ba 46 để ra quốc lộ 1, Hưng và Sửu phóng xe bám theo và chém trọng thương anh Biên.

Do trời tối, anh Biên không thể nhận rõ mặt hung thủ. Báo cáo của anh về vụ mưu sát lên Công an huyện Hàm Tân, một lần nữa lại bị ông Loan ỉm đi, không xử lý. Trong khi đó, sau khi được đàn em báo lại, Hai Chi đã vào một quán hớt tóc ở khu vực ngã ba 46 tuyên bố lộng ngôn, rằng: “Cả Trưởng Công an xã tao còn chém, huống gì thằng khác!”.

Bị bắt vào giữa tháng 7/2005, ban đầu cả Hai Chi, Sửu, Hưng đều im như thóc, không chịu thừa nhận vụ việc. Nhưng trước những chứng cứ thuyết phục, cuối cùng chúng đã phải cúi đầu nhận tội. Đến giữa tháng 11/2005, kết luận chính thức về vụ mưu sát Đỗ Ngọc Biên đã hoàn tất, làm lộ rõ trách nhiệm liên quan trong việc bỏ lọt tội phạm suốt một quá trình dài của ông Hoàng Đình Loan.

Chuỗi sai phạm của ông Loan đạt đến đỉnh nghiêm trọng khi làm ngơ, không thực hiện nghiêm túc, đầy đủ thủ tục tố tụng trong vụ án gây nên cái chết của anh Nguyễn Trung Đức.

Đích thân Trung tá Hoàng Đình Loan đã lấy lời khai ban đầu của Nguyễn Hữu Toàn-người liên quan đến cái chết của anh Đức. Thế nhưng, ngay sau đó, đối tượng đã nhanh chóng được thả, được đích thân Hai Chi đến tận Công an huyện Hàm Tân đón về. Bản tự khai của tên Toàn về việc có đuổi đánh anh Đức cũng đột nhiên biến mất. Thêm vào đó là hàng loạt biểu hiện đáng ngờ nhưng đã dễ dàng bị bỏ qua: xác Nguyễn Trung Đức nằm gọn dọc theo đường cáp quang chỉ rộng 0,6m và sâu khoảng 1m, chỉ lấp xấp nước mưa.--PageBreak--

Nạn nhân là một thanh niên khỏe mạnh, không thể chết trong một điều kiện đơn giản như thế được. Trong khi đó, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Thuận vẫn nhanh chóng quyết định không khởi tố điều tra vụ án với kết luận: “Toàn có đuổi đánh nhưng không trúng, nạn nhân (Nguyễn Trung Đức) chết do phù phổi cấp sau ngạt nước".

Sau vụ án, dư luận về việc Hai Chi chạy án cho Nguyễn Hữu Toàn đã râm ran một thời gian dài và càng trở nên có cơ sở khi sau đó, Toàn đã bỏ quán cà phê để trở thành người lái xe chở gỗ lậu thuê cho Hai Chi suốt 2 năm trời mà không hề nhận tiền công. Trong khi trả lời chất vấn của PV Chuyên đề ANTG và Báo Pháp luật TP HCM, ông Loan cũng đã bác bỏ trách nhiệm của mình trong việc bỏ lọt tội phạm vụ trọng án này. Thế nhưng, ông cũng không thể đưa ra được lời giải thích thỏa đáng cho hàng loạt những cơ sở nghi vấn mà báo chí đã nêu.

Bị tước quân tịch, khai trừ Đảng và bị bắt, khởi tố cùng một thời điểm với ông Hoàng Đình Loan là ông Nguyễn Duy Bình, nguyên đại úy, cán bộ Đội CSGT Công an huyện Hàm Tân. Ông Bình bị khởi tố với tội danh “Che giấu tội phạm” sau khi VKSND tỉnh Bình Thuận yêu cầu Ban chuyên án lật lại vụ án “tai nạn giao thông” dẫn đến cái chết của anh Huỳnh Văn Hòa mà ông Bình là người chịu trách nhiệm thụ lý. Khai quật tử thi và tiến hành các bước điều tra lại, Ban chuyên án đã làm rõ: nguyên nhân cái chết của Huỳnh Văn Hòa là do  bị đánh vỡ tim chứ không phải chết vì tai nạn giao thông như kết luận trước đây.

Vào đêm 19/10/2002, Huỳnh Văn Hòa cùng một người bạn là Lê Trung Thành đến quán Trúc Mai của vợ lớn Hai Chi nhậu. Giống như vụ Nguyễn Trung Đức, việc tính toán giá cả đã khiến hai bên sinh ra cãi cọ. Bà Mai, vợ lớn của Hai Chi, đã điện thoại báo ngay cho chồng. Hai Chi đã ra lệnh cho tên em ruột Nguyễn Ngọc Tư (Tư “gà lôi”) và tên Hoàng Văn Sửu xách theo cây 4 vuông (thanh gỗ mặt cắt hình vuông) phóng xe đuổi theo đánh dằn mặt hai nạn nhân. Lê Trung Thành bị đánh gãy một chiếc răng. Huỳnh Văn Hòa bị đánh vỡ tim gục tại chỗ. Thấy nạn nhân đã chết, chúng đã đưa xác anh đặt ra đường, ngụy tạo hiện trường một vụ “tai nạn giao thông nhưng chiếc xe gây án đã bỏ chạy không nhận diện được”.

Khi gia đình nạn nhân có mặt, anh Hòa đang nằm úp mặt giữa đường nhựa. Tay chân, mặt mũi và Toàn thân có nhiều vết bầm tím nhưng không hề có máu chảy ra đường. Chiếc xe máy của anh Lê Trung Thành vẫn dựng chân chống đứng gần xác nạn nhân. Gọi là “tai nạn giao thông”, nhưng chiếc xe không hề bị trầy xước, máy vẫn nổ, đèn pha vẫn sáng, sau đó vẫn được lái chạy về Công an huyện Hàm Tân một cách bình thường.

Do “tình cờ”, đại úy Nguyễn Duy Bình đã thụ lý vụ án này. Ít ngày sau, khi chiếc xe này được trả lại cho người bị hại, nó đã bể đèn, bị bẻ cong cặp phuộc nhún phía trước như thể vừa bị va đập rất mạnh, không thể điều khiển được. Lê Trung Thành phản ứng, không chịu ký vào biên bản nhận xe. Anh ta bị quát thẳng vào mặt: “Không ký thì đừng lấy xe về, muốn kiện đâu cứ kiện”. Vì sợ, cũng không muốn chuốc thêm rắc rối, Thành đã ký. Gần một tháng sau, Hai Chi đã chỉ đạo Tư “gà lôi” đưa người tới mua lại chiếc xe và cho nó biến mất. Vụ án Hai Chi và đồng bọn xảy ra, Lê Trung Thành cũng đột nhiên bỏ đi ”làm ăn xa” một cách khó hiểu.

Vụ án này lại là một bài học cho một số cán bộ, chiến sĩ công an được giao nhiệm vụ đã lợi dụng chức quyền để tư túi làm trái pháp luật. Họ phải trả giá với các sai phạm của mình

P.V.
.
.
.