Vì sao 83 đồ án quy hoạch giao thông công nghiệp và đô thị phải dừng?

Thứ Tư, 09/04/2008, 15:43
83 đồ án quy hoạch giao thông, công nghiệp và đô thị của Hà Tây đã phải tạm dừng. 97 dự án khác đã cấp phép đầu tư cũng phải rà soát lại. Hàng loạt nhà đầu tư cùng chính quyền địa phương phấp phỏng chờ bản quy hoạch Hà Nội mở rộng, và lúng túng không biết dự án mình đang làm có phạm vào quy hoạch không?

Tạm dừng đồ án, nhưng chưa hẹn ngày phê duyệt

Theo khảo sát của Văn phòng công nghiệp và thương mại Việt Nam,  tình hình thu hút đầu tư của Hà Tây trước năm 2006 rất yếu. Nhưng sau đó, sức hút đầu tư của Hà Tây bật lên mạnh mẽ. Năm 2006, Hà Tây thu hút tới 800 triệu USD vốn đầu tư, bằng cả thời kỳ từ 2005 về trước cộng lại.

Năm 2007, Hà Tây tiếp tục thu hút thêm 840 triệu USD từ các nhà đầu tư nước ngoài, luồng vốn đầu tư có chiều hướng tăng nhanh. Cho đến nay, cả tỉnh có đến gần 200 dự án giao thông, công nghiệp, dịch vụ và đô thị các loại. Những dự án đó, đã thu hút hàng chục ngàn lao động, đưa Hà Tây nhanh chóng thoát khỏi tỉnh nghèo và có đóng góp đáng kể vào ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, thông tin đến với các nhà đầu tư trên địa bàn Hà Tây là có tới 83 đồ án quy hoạch phải tạm dừng. Trong đó, đáng kể là 24 đồ án đầu tư khu đô thị Quốc Oai (thuộc huyện Quốc Oai) hai bên đường Láng - Hòa Lạc, quy mô 3.200ha; 11 dự án hai bên đường Tây Thăng Long (đường Hoàng Quốc Việt của Hà Nội kéo dài), rộng 700ha thuộc huyện Đan Phượng; 7 dự án hoàn vốn trục đường Bắc - Nam xuyên tỉnh, mức đầu tư 8.100 tỷ đồng, quy mô 1.600ha đất và một số dự án lớn khác như dự án trục đường phía Nam Hà Tây, 8 dự án về y tế, giáo dục...

Theo ông Nguyễn Huy Tưởng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây, tất cả các đồ án quy hoạch giao thông, đô thị và công nghiệp trên nếu chưa phê duyệt đều phải tạm dừng. 97 dự án đã giao cho các chủ đầu tư đều phải rà soát lại xem có phù hợp với quy hoạch, và phát huy hiệu quả hay không.

Chính vì số lượng dự án bùng phát trong một thời gian ngắn cao gấp nhiều lần những năm trước đây cộng lại, nên đã xuất hiện dư luận cho rằng, Hà Tây đang "tháo khoán" các dự án trước thềm hợp nhất mở rộng địa giới Thủ đô. Nhưng vấn đề đáng quan tâm của các nhà đầu tư lúc này lại là chuyện bao giờ tiếp tục phê duyệt cho các dự án trên hoạt động.

Vướng mắc ở bản quy hoạch

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tây, sở dĩ tạm dừng 83 đồ án trên vì thực hiện điểm b, mục 3 Chỉ thị 260/CT-TTg ngày 4/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức thực hiện chủ trương mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội.

Theo đó, Bộ Xây dựng chủ trì rà soát lại toàn bộ các dự án khu đô thị, khu dân cư và các dự án khác liên quan đến việc bố trí không gian Hà Nội thuộc địa giới Hà Nội mở rộng. Các đồ án quy hoạch, các dự án liên quan đến việc bố trí không gian Hà Nội thuộc địa giới Hà Nội mở rộng được lập trước ngày Chỉ thị 260 có hiệu lực nhưng chưa được phê duyệt thì tạm dừng.

Nhiều đồ án trên địa bàn Hà Tây phải dừng phê duyệt.

Các dự án khu đô thị, khu dân cư, các cơ sở công nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp đã được phê duyệt trước ngày Chỉ thị này có hiệu lực, nếu không phù hợp với những định hướng lớn quy hoạch của Thủ đô Hà Nội mở rộng thì tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đối với các đồ án quy hoạch, dự án khu đô thị, khu dân cư... liên quan đến việc bố trí không gian Hà Nội mở rộng được lập sau ngày Chỉ thị này có hiệu lực, thì khi xem xét phê duyệt phải được sự thỏa thuận của Bộ Xây dựng...

Vẫn theo ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây, bước đầu rà soát các dự án theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, thì hầu hết các dự án của Hà Tây đều phù hợp, không trái với dự thảo quy hoạch vùng Thủ đô đang trình Chính phủ phê duyệt.

Hiện UBND tỉnh Hà Tây đã có văn bản kiến nghị Bộ Xây dựng, đề nghị Bộ này sau khi rà soát cần sớm có ý kiến chính thức bằng văn bản để Hà Tây tiếp tục thực hiện các dự án đó. Ông Phó Chủ tịch tỉnh cũng cho biết, Hà Tây chưa phát hiện dự án nào kém tác dụng hoặc không phù hợp cả.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện, lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tây cho biết một số vướng mắc nảy sinh, đó là: Việc rà soát các dự án phải dựa trên các tiêu chí cụ thể nào; căn cứ để xem xét, đánh giá dự án, đồ án có phù hợp với quy hoạch Hà Nội mở rộng trong tương lai hay không chưa rõ nét, vì bản quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội đến 2020 và tầm nhìn đến 2050 còn dự thảo, chờ cấp thẩm quyền phê duyệt...

Đây là những cơ sở quan trọng để các địa phương thực hiện tốt quy hoạch Hà Nội mở rộng trong tương lai, mà Bộ Xây dựng phải có trách nhiệm tham mưu, làm trước.

Điều dễ nhận thấy, là các đồ án, dự án Hà Tây hay các địa phương khác liên quan đến mở rộng địa giới Thủ đô thực hiện trước đây dù rất tốt, rất đúng với quy hoạch, nhưng đó là quy hoạch của từng tỉnh, thành, huyện được phê duyệt độc lập. Nay liệu các dự án đó có còn phù hợp không trong điều kiện hợp nhất mở rộng Thủ đô...

Nếu làm tốt định hướng quy hoạch ngay từ khi bắt đầu hợp nhất Thủ đô, thì các dự án sẽ từng bước đi vào nền nếp. Ngược lại, sẽ rất tốn kém nếu phải phá bỏ hoặc điều chỉnh không phải là một, mà có thể là nhiều dự án không phù hợp ở các địa phương liên quan.

Bên cạnh đó, cần phải dành quỹ đất lớn cho các công trình là điểm nhấn của Thủ đô hiện đại. Đề cập tới vấn đề này, bởi trước đó các tỉnh Hà Tây cũng như huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc... đều đã có chiến lược phát triển riêng cho địa phương mình.

Vì thế, điều cần nhất hiện nay là bản quy hoạch được phê duyệt Thủ đô mở rộng, hoặc chí ít là những định hướng thật rõ nét để các địa phương có cơ sở thực hiện, tránh lãng phí

T.Phong - X.Luận
.
.
.