Vị Giám đốc biết nâng niu từng... hạt gạo

Thứ Sáu, 23/05/2008, 10:00
Đường đường là Giám đốc một công ty có hạng ở vùng sông nước Tây Nam Bộ nhưng khi thấy một hột cơm rớt ra khỏi chén trong bất kỳ bối cảnh, không gian nào, anh cũng lượm lại ăn.

Có người… bắt gặp anh làm chuyện này, thắc mắc, anh giải thích: "Tại vì tôi và gia đình từng trải qua thời gian dài đói khổ, chẳng có gạo để nấu cháo nói chi là cơm. Một thằng em tôi vì đói quá mà chết trên tay tôi. Mới mười hai, mười ba tuổi đầu, tôi từng vừa học vừa làm đủ mọi nghề như bán sinh tố, chạy xe đạp ôm, thậm chí xách hàng hóa thuê ở khu vực bến phà Cần Thơ gần trắng cả đêm để kiếm tiền mua gạo cho cả nhà ngày hôm sau…". 

Giám đốc Nguyễn Hoàng Dũng - Công ty cổ phần Xây dựng 304 Cần Thơ thú thật, là giám đốc một doanh nghiệp tư nhân, hằng ngày, anh phải rảo một vòng đến các công trường để kiểm tra công việc.

Câu chuyện bên những ly cà phê mà anh nhâm nhi với anh em công nhân dưới công trường thực chất cũng là công việc. Anh vẫn thường tâm đắc rằng: "Nếu không có cái tình, con người ta sẽ không thể tồn tại và hoàn thành được công việc. Cái tình và công việc luôn bổ trợ cho nhau".

Chính suy nghĩ đúng đắn như thế nên khi nghe anh em công nhân bị ốm đau, bệnh tật là anh thăm hỏi, giúp đỡ đến nơi đến chốn. Anh kể, cách nay mấy hôm, một công nhân của Công ty anh chẳng may bị tai nạn ngoài giờ làm việc. Bằng tình cảm anh em, anh ra vào bệnh viện hỗ trợ, chăm sóc chu đáo từng toa thuốc, miếng ăn chẳng khác nào lo cho người thân trong nhà.

Khi anh công nhân này bình phục, được bác sĩ cho về nằm tại nhà tiếp tục điều trị, người nhà cũng chẳng biết người vất vả với con em mình những ngày vừa qua chính là "sếp" của nó, còn nhờ anh chuyển lời cám ơn của gia đình đến ông chủ tốt bụng.

Xuất thân từ gia đình nghèo khó nên anh hiểu và luôn tìm cách giúp đỡ những người nghèo. Có mấy ai biết rằng, anh đã từng giúp 4 người dưng vào đại học cho đến ngày cầm tấm bằng tốt nghiệp ra trường.

Tại TP Long Xuyên (An Giang), anh từng giúp đôi vợ chồng nọ hành nghề mua ve chai, sắt vụn. Anh nhớ lại, một lần đứng trên xà lan, anh phát hiện hai vợ chồng nọ dưới chiếc ghe cũ nát khóc sụt sùi. Anh tìm hiểu thì biết họ vừa bị trộm lấy không còn cắc bạc. Thế là anh nảy sinh ngay ý định giúp họ bằng cách bán giá rẻ tất cả những sắt vụn trong quá trình thi công công trình dôi dư ra hoặc có được do phá cầu cũ.

Mỗi lần có công trình ở đâu, anh không quên giúp những người dân nghèo khó. Làm việc là do cái tâm nên anh chưa bao giờ thống kê mình đã giúp bà con ở các vùng quê của các tỉnh, thành vùng ĐBSCL bao nhiêu nhà tình thương, tình nghĩa…

Công việc của những con người nối liền đôi bờ sông rạch nay đây mai đó cũng có lắm điều mà không phải ai cũng hiểu được. Anh vốn dĩ là người của Công ty Cầu 72. Cả chục năm lăn lộn với tập thể đơn vị này, anh đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm.

Đầu những năm 1990, anh quyết định tách ra và đi bằng chính năng lực, đôi chân của mình. Anh nhớ lại, lúc mới thành lập vào năm 1992, Đội của anh chuyên "ăn theo" các công ty lớn. Cả Đội - tính cả Đội trưởng là anh, đếm chưa hết đầu ngón tay. Mới nhen nhóm, Đội chỉ có con người và kinh nghiệm, chẳng có máy móc, thiết bị gì cả.

Mỗi khi nhận công trình, anh phải chạy đôn, chạy đáo để tìm thuê. Xong công trình, tiến hành quyết toán, trừ ra chi phí, mới biết chẳng còn lời bao nhiêu. Chính điều này mà anh quyết tâm làm và tích lũy.

Anh kể: "Đến năm 1996, tôi mới chính thức cho ra đời Công ty Xây dựng cầu đường 304 và khẳng định khả năng của mình bằng việc sắm chiếc xe cẩu trị giá 350 triệu đồng. Sau đó chẳng bao lâu, tôi mua thêm được chiếc xà lan 640 triệu đồng". Tự chủ được phương tiện, nhiều đêm anh mừng đến không ngủ.

Anh kể lần làm Cảng Hòn Khoai, Cà Mau vào năm 1998. Đây là hòn đảo lần đầu tiên anh đặt chân tới, nằm cách Mũi Cà Mau ra biển Tây Nam trên dưới 20km. Tham gia công trình này, gần như anh trực chiến suốt ngoài đảo cùng với khoảng 20 anh em của Công ty.

Gần cuối năm ấy, biển động dữ dội. Cơn bão Linda xảy ra trước đó gần 1 năm (đầu tháng 11/1997) khiến nhiều đơn vị thi công công trình trên biển bỏ chạy. Anh thì bộc lộ thái độ kiên quyết với anh em: "Đã nhận thì phải làm cho bằng được!".

Điều khiến anh gặp khó khi thi công dự án này là lúc chuẩn bị đóng cọc mới biết vướng phải bãi đá ngầm thời Mỹ làm đê chắn sóng để lại. Sau mấy đêm thức trắng, anh đã nghĩ đến sáng kiến là chế tạo chiếc gàu gặm đá.

Ý tưởng của anh được xúc tiến thực hiện tại Cần Thơ và nhanh chóng hoàn thành, vận chuyển xuống Mũi Cà Mau, rồi mang ra Hòn Khoai. Thật hết sức bất ngờ, chiếc gàu của anh đã làm "thịt" cả bãi đá ngầm chỉ trong thời gian ngắn. Nhờ những sáng kiến kỹ thuật đó mà thời gian hoàn thành công trình Cảng Hòn Khoai được rút ngắn đến một nửa.

Trong chuyện làm ăn thời tranh tối, tranh sáng cách nay hàng chục năm, Công ty anh cũng giống như nhiều doanh nghiệp khác. Khởi đầu vất vả, quá trình phát triển lại tiếp tục gặp nhiều cam go, thậm chí có lúc đối mặt với nguy cơ phá sản vì nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan.

Anh kể, khi tham gia làm cầu Long Mỹ (Hậu Giang) xong, anh bị một tập đoàn có tiếng ở phía Bắc nợ đến 3,5 tỷ đồng (và cho đến nay anh vẫn chưa gỡ lại được). Lúc đó, cả 60 - 70 công nhân của anh đồng loạt nghỉ vì mấy tháng trời chẳng có lương.

"Bí quá, tôi chẳng biết làm sao. Tôi chạy về nhà bán tất cả những gì có thể bán được để lo cho anh em. Tôi nhớ con gái tôi lúc đó đã 11 - 12 tuổi, có con heo đất đã 2 - 3 năm chưa khui. Vậy là tôi thủ thỉ với nó. Thấy mặt ba mình buồn so, hốc hác, con gái tôi chẳng chần chừ, ôm con heo khệ nệ đưa ba". Sau sự cố này, anh lại bắt đầu ki kóp lại từng đồng, từng cắc.    

Tôi hỏi anh: Sao mình lại lấy tên là Công ty 304 mà không là Công ty mang tên anh, vợ, con anh chẳng hạn? Anh chẳng chần chừ, giải thích: "Tôi cứ nhớ và cảm ơn cái ngày 30/4/1975. Không có cái ngày ấy, chắc chắc mình không có như ngày hôm nay"

(còn tiếp)

Thái Bình
.
.
.