Về xã PôKô đổi đời trên vùng đất bom đạn

Thứ Sáu, 02/05/2008, 14:13
Nằm dưới chân núi Sạc Ly, chứng tích Đăk Tô - Tân Cảnh, mảnh đất từng hứng chịu đạn xới, bom rơi trong những ngày chống Mỹ. PôKô, vùng quê này, xưa: Đã kiên cường anh dũng, nay vẫn oai hùng và đang bật dậy, từ quê nghèo, vươn lên mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới, cùng với huyện Đăk Tô anh hùng của tỉnh KonTum hôm nay tạo dựng nên những chiến tích mới trên các buôn làng ở vùng đất lửa năm xưa.

Xã PôKô hiện có gần 600 hộ với 2.620 khẩu, hầu hết là người dân tộc Xơ Đăng. Chủ tịch UBND xã A Hêu cho biết, dù còn những khó khăn nhưng phải khẳng định rằng, cuộc sống của bà con trong xã được thay đổi từng ngày.

Người dân PôKô những năm qua đã chuyển hướng làm ăn, phát huy nội lực để cùng nhau xoá đói giảm nghèo. Ở các làng như: Con Tu Dốp, Đăk Kang Peng, Đăk Mo Ham, Đăk Rao Nhỏ… đều dấy lên phong trào sản xuất giỏi, đặc biệt là lớp trẻ đã đi tiên phong trong cách làm ăn mới.

Chúng tôi gặp A Pái 30 tuổi, anh tâm sự: "Làm ăn theo hướng dẫn của chính quyền xã, thanh niên bây giờ phải tính toán mà làm giàu thôi". Tuy còn trẻ nhưng A Pái đã có một cơ ngơi mà ít người có được gồm 12 con bò, 2 sào cà phê, 3 sào lúa nước, có xe máy và nhà ngói khang trang, hàng năm thu nhập không dưới 10 triệu đồng.

Riêng A Huyền tâm sự: "Phải thu được cà phê, phải có xe máy, làm được nhà mới thì mình mới lấy vợ".

Bí thư Đoàn xã Y Lang còn cho biết thêm: Thanh niên PôKô hiện ai cũng làm kinh tế giỏi, họ đã biết trồng cà phê, bời lời, cây ăn quả, biết chăn nuôi bò, heo… theo kỹ thuật và hướng dẫn cách chuyển đổi cây trồng.

Xã còn xây dựng được một câu lac bộ "Nước sạch và vệ sinh môi trường". Đặc biệt trên 90% gia đình trẻ đã thực hiện kế hoạch hoá gia đình, không có gia đình trẻ sinh con thứ ba.

Chúng tôi đến thăm gia đình Bà mẹ Việt Nam anh hùng Y Nối. Ngôi nhà tình nghĩa mà Sở Công thương tặng trị giá hơn 17 triệu đồng hiện chỉ còn hai đứa cháu và mẹ ở. Tại đây chúng tôi gặp già làng Đăk Rao Lớn là ông A Lây.

A Đội, nguyên Bí thư Đoàn xã sang chơi với mẹ. A Đội tâm sự: Khi lúc giáp hạt, Nhà nước chở cả xe ôtô gạo cấp phát cho dân, rồi cho cả giống lúa mới để trồng.

Năm kia, Đoàn thanh niên huyện cho xi măng để làm nhà vệ sinh, dân đau ốm có thuốc chữa kịp thời, trẻ em được học hành đến nơi đến chốn, điện đã về làng, thắp sáng mọi nhà và những con đường liên thôn ngày thêm rộng mở đã tạo dựng cho mảnh đất PôKô của người Xơ Đăng dưới chân núi Sạc Ly ngày thêm sáng đẹp.

Bí thư Chi bộ làng Đăk Kang Peng còn cho biết thêm, trước đây, người dân PôKô phải chèo thuyền hoặc bơi qua sông để sản xuất nhưng bây giờ Nhà nước đã xây dựng chiếc cầu Đăk Tuyên thuộc loại to và đẹp nhất vùng này nên việc đi lại qua sông PôKô đã thuận tiện rất nhiều.

Tượng đài chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh.

Bí thư Đảng ủy xã A Pái cho biết, Đảng bộ xã PôKô xác định: Muốn kinh tế phát triển bền vững trước hết cần thực hiện tốt chủ trương định canh, định cư, dãn dân, tách hộ, lập vườn.

Đến nay, hầu hết các làng trong xã như Đăk Rao Nhỏ, Đăk Rao Lớn, Con Tu Pênh, Kon Tu Dốp I, II đã được quy hoạch làm nhà hai bên trục đường chính của xã.

Đồng thời, tập trung các nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, làm đường giao thông nông thôn và xây dựng các công trình thuỷ lợi. Từ năm 2001 đến nay, xã được Nhà nước đầu tư xây dựng ba công trình thủy lợi: Đăk Lim, Đăk Hrom, Đăk Trang có công suất tưới từ 100 - 150ha với tổng kinh phí hàng trăm triệu đồng. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp địa phương hàng năm đều có tăng trưởng.

Kiên trì với chủ trương thực hiện cơ cấu kinh tế nông - lâm kết hợp với kinh tế vườn và trang trại nhỏ, trong mục tiêu đến năm 2010, xã Pô Kô phấn đấu sẽ đưa tổng diện tích gieo trồng 2.135ha; tổng sản lượng lương thực đạt 12.300 tấn, thu nhập bình quân đầu người đạt 7 triệu đồng/năm.

Tiếp tục thực hiện Quyết định số 134 của Chính phủ về hỗ trợ làm nhà ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, vận động nhân dân đầu tư khai hoang đất ruộng, đất rẫy. Phấn đấu đến năm 2010 bình quân mỗi hộ đồng bào dân tộc thiểu số có từ 2 đến 2,5 sào ruộng nước trở lên, có 1,5ha đất canh tác ổn định và 1ha cao su, nâng đàn trâu bò lên hơn 2.400 con.

Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã A Hêu xác định: "Trong những năm tới xã Pô Kô tiếp tục đẩy mạnh sản xuất cây lương thực, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, chú trọng vào các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như cao su, cà phê, bời lời…".

Ông A Ly Kiêu, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đăk Tô, người sinh sống ở làng Đăk Rao Lớn cho biết: Những năm gần đây, Tây Nguyên có xảy ra tình hình mất ổn định ở một số nơi nhưng người PôKô không ai có tư tưởng dao động; bà con luôn tin vào đường lối, chính sách của Đảng, không tin không nghe lời của kẻ xấu lôi kéo, xúi giục. Cuộc sống yên bình đã góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Đêm nay, giữa đất trời, sông suối Tây Nguyên, tiếng cồng chiêng ở Pô Kô vẫn không dứt, càng trầm hùng vang lên hoà quyện với nhịp múa, điệu xoang của những chàng trai, cô gái Xơ Đăng.

Theo những con đường mới, chúng tôi đến các làng Kon Tu Dốp, Đăk Kang Peng, Con Tu Pêng… gặp các già làng A Nhil, A Dung, A Dĩ… Tất cả đều có chung niềm tin, nguyện một lòng dẫn dắt người dân PôKô theo Đảng

Nguyễn Thanh Hải
.
.
.