Về làng làm con diều sáo khổng lồ

Thứ Ba, 02/09/2008, 16:29
Từ trung tâm Thủ đô Hà Nội, qua sông Hồng, ngược sông Đuống, chúng tôi tìm về xã làm diều nổi tiếng để được tận mắt thấy con diều sáo khổng lồ có một không hai, to bằng… cả một tòa nhà, do các nghệ nhân làng diều Đình Cúc, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội thực hiện và dự kiến sẽ cất cánh trong Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Xã Bắc Sơn phía sau tựa lưng vào núi, phía trước là một dải đồng bằng thoai thoải. Đây là địa bàn lý tưởng cho những cánh diều sáo mặc sức bay lượn. Những hôm trời nắng, gió đều, cả xã Bắc Sơn ngập chìm trong dàn đồng ca sáo diều. Cả trăm cánh diều như những cánh én bay lượn kín một vùng trời.

Cả làng nung nấu quyết tâm làm diều khổng lồ

Chủ nhiệm Câu lạc bộ diều sáo làng Đình Cúc, ông Nguyễn Xuân Năm cho chúng tôi biết: Chỉ tính riêng trong làng Đình Cúc cũng đã có khoảng 60 chiếc diều sáo có hạng.

Theo ông Năm, trong "nghề chơi" này, công đoạn khó nhất là chọn tre để làm khung cho diều khổng lồ. Từ tháng 10 năm ngoái, ông Năm đã lặn lội lên rừng tre Phú Thọ chọn lấy 4 thân tre đực chết dóc (chết khô vì già). Loại tre đực này phải chìm gốc, đốt ngắn và đều mắt để đảm bảo sự cân đối trọng lượng cho diều.

Bằng kỹ thuật nối ống tuýp, ông Năm đã nối đấu gốc 2 cây tre đực với nhau để có được bộ sườn vững chắc dài 8,7 mét để làm cánh diều. Vật liệu dán thân diều được cải tiến từ giấy bản sang nilon nhập khẩu từ Nhật Bản, nên giảm được tối đa trọng lượng và bắt gió tốt hơn.

Ông Năm cho hay, mặc dù là diều khổng lồ, nhưng chỉ cần gió cấp ba là đủ để "tuyệt tác" này cất cánh với xác suất thành công 99%. Chiếc diều khổng lồ này cũng đã ngốn hết 21 cuộn băng dính khổ lớn. Trên thân diều được trang trí dòng chữ: "Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội" và ở giữa là biểu tượng Chùa Một Cột có hình tròn bao quanh cách điệu hình chim Lạc...

Tuy nhiên, công phu đặc biệt nhất phải kể đến bộ sáo diều. Có thể nói, sáo diều chính là linh hồn của cánh diều nên đòi hỏi bàn tay tài hoa và cả tâm hồn của người nghệ nhân chế tác sáo.

Để có được tiếng sáo đều, trong, không bị rít, người làm sáo diều phải lặn lội tìm loại gỗ rễ mít hoặc gỗ vàng tâm, hay mỏ mực sấy khô. Thân sáo được làm từ ống mét (một loại trúc ống to, gióng dài) hoặc ống nứa. Ống sáo sau khi được sấy khô lại cho vào nồi luộc 2 ngày 2 đêm với nước muối như nấu bánh chưng để cho tiếng sáo ấm, ổn định trong mọi thời tiết và đặc biệt chống mối mọt. Với bộ sáo đi kèm diều khổng lồ này, những kinh nghiệm như trên lại không thể thực hiện.

Với đường kính sáo cái rộng 20cm, chiều dài 1,5 mét, tưởng như không thể tìm đâu ra những ống trúc khổng lồ như thế. Song không chịu bó tay, ông xuống tận Hà Nội tìm loại trúc ống mỏng, đốt dài, mang về chẻ nhỏ và ghép lại thành một ống sáo lớn. Tổng cộng thân sáo mẹ của chiếc diều này được ghép lại từ 64 mảnh ghép nhỏ khác nhau.

Sở dĩ các thành viên của CLB quyết tâm dồn hết sức cho con diều kỷ lục này bởi nó không chỉ là dịp để quảng bá thương hiệu của diều Đình Cúc mà còn chở cả những ước mơ của người dân Bắc Sơn đến Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Người phục dựng và làm nên thương hiệu của "làng diều"

Trưởng thôn Nguyễn Văn Tác nhớ lại: Trước đây, vào những đêm trăng thanh gió mát, cả làng Đình Cúc hầu như không ngủ. Mọi người cùng nhau quây quần trước hiên nhà nhấp từng ngụm chè xanh thả hồn thư thái theo tiếng sáo diều. Tiếng sáo lúc lên bổng, khi xuống trầm, như dẫn dụ tâm hồn lạc vào cõi thiên thai.

Thú chơi tao nhã ấy đã có từ hàng trăm năm trước ở miền quê này. Thế nhưng trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, tráng đinh trong làng cùng nhau ra trận, sáo diều cũng bặt tiếng từ đó. Và sau chiến tranh, phong trào chơi diều ở làng Đình Cúc hầu như cũng không còn.

Cho đến năm 2006, cựu quân nhân, từng là kỹ sư sửa chữa máy bay chiến đấu Nguyễn Xuân Năm nghỉ hưu, mới về quê mày mò khôi phục lại phong trào chơi diều và lập ra câu lạc bộ để giao lưu học hỏi với các địa phương. Diều làng Đình Cúc được hồi sinh cũng chính thức có "thương hiệu" bắt đầu từ đó.

Bên ấm chè xanh còn nóng hổi, ông Năm tâm sự: "Đối với tôi những chiếc máy bay và những cánh diều luôn luôn có sức cuốn hút mãnh liệt. Nghề nghiệp cho tôi thêm kiến thức còn niềm đam mê cho tôi ý chí để hoàn thành được những cánh diều mơ ước".

Những "cánh diều mơ ước" của ông Năm là bộ sưu tập đến gần chục chiếc diều sáo có sải cánh từ 2,5 đến 4,5 mét và những giàn sáo diều có một không hai. "Điểm nhấn" của bộ sưu tập ấy chính là diều khổng lồ với sải cánh 8,7 mét, chiều cao 2,7 mét, đi kèm là bộ sáo "đại tướng" gồm sáo mẹ với chu vi hơn nửa mét, chiều dài 1,5 mét và 2 sáo con với tổng trọng lượng là 6kg; cần ít nhất 10 người giữ dây và 5 người tung diều.

Hiện các thành viên trong CLB đều đã ở bậc cao niên cho nên mọi người đã tính đến việc nhờ các anh lính trẻ khỏe của Trung đoàn 165 đang đóng trên địa bàn trợ giúp.

Ông Năm quan niệm, trong bộ sáo phải có đủ sáo mẹ sáo con. Tiếng sáo phải vang vọng da diết, trầm bổng rõ ràng, âm thanh sáo mẹ, sáo con không được lẫn vào nhau.

Ông Năm và các thành viên trong CLB dự định sẽ trao tặng Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tác phẩm diều khổng lồ này sau khi tham dự lễ hội diều tại Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội với hy vọng sản phẩm đặc biệt cũng là nét văn hoá độc đáo này có thể đến được với người dân cả nước và bạn bè quốc tế

Hoàng Mai
.
.
.