Về bản Lác của dân tộc Thái

Thứ Sáu, 23/05/2008, 14:03
Cách Hà Nội 130km, qua dốc Cun, du khách có thể nhìn thấy thung lũng Mai Châu (Hoà Bình). Chỉ mất khoảng 5km từ ngã ba Tòng Đậu là có thể đến một trong những điểm du lịch nổi tiếng của huyện Mai Châu, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước: bản Lác.

Ngày xưa, người Thái ở bản Lác làm lúa nương và dệt thổ cẩm nổi tiếng, ngày nay, người Thái ở bản Lác lại nổi tiếng với việc làm du lịch cộng đồng.

Người làm du lịch cộng đồng đầu tiên ở bản Lác, là ông Hà Công Nhấm. Ông Nhấm làm du lịch từ năm 1963 nhưng không nhận bất kỳ một khoản thu nào. Chỉ đến giữa năm 1994, huyện Mai Châu mới chính thức cho phép thu tiền từ khách du lịch và cũng từ đó ngành du lịch cộng đồng tại bản Lác mới phát triển và đi lên như ngày nay.

Hiện tại, trong bản có 25 nhà sàn du lịch, nhà nào cũng được đánh số và xây dựng theo quy hoạch. Một đêm nghỉ tại bản Lác, có giá trung bình từ 30.000 đồng đến 50.000 đồng/người. Đối với khách du lịch là sinh viên, giá nhà nghỉ lại được ưu đãi hơn chỉ với 20.000 đồng/người, vì vậy, bản Lác luôn là một trong những điểm lý tưởng cho những du khách là sinh viên.             

7h sáng, tại bản Lác, chợ cóc mọc lên tại quanh những khu nhà sàn du lịch. Chợ bày bán chủ yếu là cơm lam và các loại rau rừng như rau sắng, rau cải… Hạt cơm dẻo, tráng quyện với mùi ngậy ngậy thơm thơm của nước dừa tạo nên những hương vị khó quên khi du khách thưởng thức món cơm lam tại bản Lác.

Chợ cơm lam, rau rừng kết thúc cũng là lúc mặt trời đã chiếu rực rỡ trên khắp cả bản. Đó cũng là lúc các nhà trong bản đã bày biện xong các loại mặt hàng chủ yếu là các mặt hàng thổ cẩm, như quần áo, túi, khăn chăn…

Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của dân tộc Thái, vì vậy, đến bản Lác du khách rất dễ dàng bắt gặp được hình ảnh các bà, các mẹ, các chị miệt mài bên khung cửi.

Ngoài cơm lam, du khách đến với bản Lác sẽ được thưởng thức những món ăn đặc sản tại đây như: măng nướng, thịt heo nướng, gà luộc, cá suối hấp, rượu cần…

Đêm về, trên nhà sàn, bên ánh lửa bập bùng, bên những ché rượu cần, du khách thả hồn mình để lắng nghe những câu ca, điệu xoè của đội văn nghệ tại bản. Du khách cảm thấy ấm lòng, cảm thấy thoải mái và yêu bản Lác chính bởi sự thân thiện, hiền lành, hiếu khách của người dân nơi đây.

Chúng tôi vẫn gọi tình cảm nồng ấm của người dân bản Lác dành cho du khách đó chính là đặc sản. Đó là đặc sản, dù là khách trong nước và ngoài nước đều có thể thưởng thức và cảm nhận được…

Kể từ khi bản Lác làm du lịch cộng đồng, đời sống của người dân trong bản đã khấm khá hơn rất nhiều. Hằng năm, bản Lác đón hàng nghìn du khách trong và ngoài nước đến tham quan và du lịch.

Ông Hà Công Tím, Trưởng bản cho biết: Dân sinh sống tại bản Lác chủ yếu là người Thái, với nhiều dòng họ chung sống, trong đó chủ yếu là họ Hà và họ Lò. Ngày xưa người dân bản Lác chỉ biết làm đồng, lấy cây lúa làm nguồn thu chủ yếu nhưng kể từ khi làm du lịch cộng đồng, kinh tế của người dân cũng bắt đầu ổn định. Với trên 500 nhân khẩu, thu nhập bình quân đầu người tại bản Lác trung bình khoảng 7 triệu đồng/người/năm.

Du lịch cộng đồng đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân bản Lác. Tuy nhiên, du lịch cộng đồng tại bản Lác vẫn còn có những điểm hạn chế, cần khắc phục; cần một Ban quản lý du lịch cộng đồng tại bản Lác làm việc có hiệu quả, sáng tạo hơn, biết khai thác và phát huy những giá trị văn hoá, lịch sử, một mô hình đón tiếp khách du lịch có bài bản; trong đó có đội ngũ hướng dẫn viên du lịch giới thiệu về cảnh quan, tập tục văn hoá của người dân.

Đó là những điều mà du lịch cộng đồng ở bản Lác cần làm tiếp để thu hút và giữ chân khách du lịch. Nếu biết phát huy và khai thác thế mạnh của mình, chúng tôi tin chắc, bản Lác sẽ trở thành một trong những địa điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn không kém làng du lịch cộng đồng Sín Chải (xã San Sả, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai)

B.Huệ - L.Quân
.
.
.