Vất vả nghề muối “đắng”

Thứ Hai, 12/09/2011, 14:11
Những cánh đồng muối bỏ hoang gần như hoàn toàn, nhiều giếng nước muối diêm dân bỏ quên từ lâu đã trở thành nơi trú ngụ của nhiều loại cóc, nhái. Không ít những ô nề lâu ngày không được tu bổ đã bị nứt nẻ, từng mảng vôi hàu bị mưa xối trôi nham nhở và khi muối liên tục rớt giá trong nhiều năm qua lại đẩy hàng nghìn diêm dân vùng muối ở xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh, lâm cảnh “điêu đứng” trước nỗi lo bỏ nghề…

Những cánh đồng muối hoang

Về xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà giữa những ngày nắng gắt của vùng gió Lào miền Trung. Cái không khí nhộn nhịp, sôi động của vùng muối lớn nhất của Hà Tĩnh lại bị xua đi bởi sự im ắng và tĩnh lặng bao trùm của những ngôi nhà núp sau những cánh đồng muối trải dài đầy cỏ dại bị bỏ hoang.

Toàn xã Hộ Độ có hơn 90ha diện tích làm muối, nhưng nhìn đi nhìn lại chúng tôi chỉ đếm lác đác hơn 100 hộ đang còn bám trụ lại được với nghề muối. “Mọi năm, 10 nhà thì làm muối cả 10 nhà, nhưng bữa này còn ít lắm chú à, chỉ còn khoảng 20% số hộ sản xuất nữa thôi. Giá muối thấp quá nên họ bỏ nghề đi làm thuê hết rồi” bác Lê Văn Lan, xã Hộ Độ - tâm sự.

 Trong những năm gần đây, việc sản xuất muối ở Hộ Độ gặp rất nhiều khó khăn, chi phí đầu vào tăng cao mà giá muối bán ra thì vô cùng rẻ mạt. Từ thực tế trên rất nhiều diện tích sản xuất muối đã bị diêm dân bỏ hoang cho cỏ dại mọc…

 Chị Hằng một người bán nước bên đường cho biết: “Cách đây 5 năm, gia đình tôi làm 3 sào muối. Hồi ấy giá muối bán mỗi yến được 14 ngàn đồng. Vụ muối năm đó, gia đình tôi làm được hơn 6 tấn, tiền bán muối đủ đong gạo ăn cho cả nhà và chút ít đủ sửa lại cái sân. Nhưng mấy năm nay, một yến muối chỉ mười ngàn đồng, trong khi đó chi phí đầu vào lại cao thì chúng em làm răng sống nổi được cái nghề này nữa?”.

 Chị Hằng chỉ về phía những cánh đồng muối bị bỏ hoang cho biết thêm: Nhiều cánh đồng muối đã bị bỏ hoang cỏ mọc um tùm trong nhiều năm nay vì không chuyển đổi canh tác được, giờ cho ruộng không cũng chẳng ai thèm ngó đến nữa vì có làm cũng chẳng đủ tiền công… nên ruộng cứ bỏ hoang nhiều năm như vậy.

Thị trường tiêu thụ bấp bênh, gía muối quá bọt bèo là những nguyên nhân chính khiến diêm dân không còn mặn mà với nghề, và họ đã tìm kiếm cho mình một nghề mới để nuôi sống cả gia đình.

Nhiều cánh đồng muối bị bỏ hoang không một bóng người làm.

Diêm dân với nỗi lo bỏ nghề

Trao đổi với chúng tôi về những khó mà hàng trăm hộ dân làm nghề muối ở xã Hộ Độ đang phải đối mặt, ông Phan Đình Hinh, P. Chủ tịch xã Hộ Độ cho biết: Xã có 1.823 hộ dân với 7.718 nhân khẩu, trong đó số hộ làm muối là 1.250 hộ, nhưng thật đáng buồn là vào thời điểm này chỉ còn vỏn vẹn gần 100 hộ đang tiếp tục bám trụ lại với nghề muối.

 “Người dân Hộ Độ đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, mà vẫn chưa tìm thấy lối thoát nào cả?. Làm cán bộ xã tui thương dân lắm! nhưng “Lực bất tòng tâm”, không thể biến lời nói thành cơm, gạo được”. Ông Hinh nghẹn ngào -  tâm sự.

Việc tìm đầu ra cho muối Hộ Độ gặp rất nhiều khó khăn: Khi Công ty Tư nhân và Giới tư thương thì chẳng ai đoái hoài, chỉ có mỗi Công ty Muối Hà Tĩnh đứng ra thu mua nhưng việc kinh doanh của họ cũng đang gặp khó khăn nên kham không nổi, họ chỉ mua được hơn 1.000/kg muối.

Chỉ cách TP Hà Tĩnh gần 8km, nhưng Hộ Độ bây giờ chẳng khác nào như một "ốc đảo" thu nhỏ, thiếu thốn mọi bề. Nước ngọt không đủ dùng khiến cho người dân Hộ Độ gặp vô vàn khó khăn, giếng nước của nhiều hộ gia đình đã cạn kiệt, trơ đáy không còn một giọt nước nào.

Biết đến khi nào thì người dân Hộ Độ mới hết cảnh tha hương kiếm kế mưu sinh? Trong khi ruộng đồng của họ lại bị bỏ hoang một cách lãng phí… Để người dân Hộ Độ trở lại được với nghề chính của mình là sản xuất muối, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần có những chính sách hợp lí, nhằm hỗ trợ cho người dân ổn định hơn trong sản xuất muối cũng như trong cuộc sống.

Năm 2010, giá muối rớt xuống 7.000 đồng/kg, diêm dân đã bàn với nhau "găm muối" chờ giá lên cao rồi bán. Thế nhưng trận lũ lịch sử hồi tháng 10 năm ngoái, đã cuốn đi hơn 700 tấn muối, bao nhiêu công sức của diêm dân xã Hộ Độ đã bị cuốn ra biển. Kể từ sau trận lũ lịch sử đó thì ruộng, đồng đã bị tàn phá tan hoang, nhiều hộ gia đình đã không còn vốn để tiếp tục gắn bó với nghề muối nữa.

Phạm Tăng
.
.
.