Vất vả kiếm sống giữa lòng hồ thủy điện

Thứ Tư, 04/05/2016, 09:21
Nằm lưng chừng một ngọn núi bên hồ sông Đà nước xanh văn vắt, đền Thác Bờ của tỉnh Hòa Bình trở thành một điểm du lịch lý tưởng giữa một vùng núi non, sông nước và không gian văn hóa Mường đặc sắc. Và, ở đó còn có những phụ nữ cặm cụi lao động, ngày đào măng, đêm thả lưới, soi cua… mang sản vật địa phương phục vụ khách, góp phần tạo nên một nét riêng của vùng hồ thủy điện.


Cả nhà cùng lên núi, xuống sông

Từ bến Thung Nai (xã Thung Nai, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình), chiếc tàu đưa chúng tôi lướt trên mặt hồ sông Đà. Con sông lớn với những ngọn núi nhô trên mặt nước tạo cảnh sơn thủy hữu tình hiếm có. Trên tuyến sông này có hai bà chúa được nhân dân tôn sùng, thờ cúng. Đó là hai phụ nữ, một người dân tộc Mường, một người dân tộc Dao. 

Tương truyền hai bà đã có công giúp vua Lê Lợi dẹp loạn ở đèo Cát Hãn. Đền Thác Bờ ở xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình thờ bà người Dao (người dân địa phương gọi là đền Cô Thác Bờ, đền Thác Bờ ở xã Thung Nai thờ bà người Mường. Cả hai ngôi đền đều nằm ven bờ sông Đà, là nơi thu hút khách tới tham quan, đi lễ và mang sắc màu độc đáo của người dân tộc bản địa.

Nhiều phụ nữ dân tộc Mường, Dao bán hàng dưới chân đền Thác Bờ.

Răng đen nhưng nhức, miệng nhai trầu bỏm bẻm, tai đeo khuyên bạc, đầu chít khăn mỏ quạ - bà Bàn Thị Cúc người dân tộc Dao, 55 tuổi, vẫn lưu trên khuôn mặt nét đẹp đầy đặn của người phụ nữ thời xưa. Ngồi bán những sản vật của rừng trong căn chòi trên đường vào đền Thác Bờ ở xã Vầy Nưa, bà nhanh nhảu: “Đây là thuốc chữa sâu răng, đây thuốc chữa dạ dầy, đau khớp... Hay là cô mua măng cho con gái tôi, măng ngon lắm!”. Bà Cúc chỉ ra phía đối diện. 

Đó là cô con gái Bàn Thị Thảo, 27 tuổi đang lúi húi sắp xếp lại những cây măng nõn nà, tươi rói. Thảo bán chỉ 10.000 đ/kg măng núi, trong khi ở nhiều vùng du lịch khác, giá có thể gấp đôi, gấp ba. Thấy khách mua xong, bà giới thiệu tiếp: “Cô mua thêm cho đứa con gái nữa của tôi” – một cô gái ngồi bên cạnh với những ngọn măng tươi. Hóa ra, cả 3 mẹ con bà Cúc đều bám lấy ngôi đền làm nơi bán hàng kiếm sống. 

Mỗi ống cua, chị Bàn Thị Nga bán 30.000 đồng

Xóm của 3 mẹ con bà ở ngọn núi phía bên kia sông. Đi lại khó khăn nên bà Cúc lấy luôn căn chòi bán hàng làm nơi ở. Trên sàn có bếp củi với đủ thứ đồ đạc lỉnh kỉnh sinh hoạt hàng ngày của bà. Ở nhà, chồng bà lên núi kiếm cây thuốc cho vợ bán. Hết hàng, bà Cúc mới rời chòi về nhà lấy hàng. Hai cô con gái đã có gia đình riêng thì hằng ngày đi đào măng, bắt cua mang lên bán. 

Bà Cúc níu tôi lại: “Cô ơi, cô là nhà báo, cô có thể giúp cháu tôi được không? Con đứa kia kìa...” - bà chỉ vào Thảo rồi nói tiếp: “Nó yếu lắm, không lớn được, đi khám bệnh bác sỹ bảo nó bị tim. Cô xem có ai giúp đỡ được không chứ nhà nó khổ lắm!”. 

Ngồi lặng lẽ một góc dưới dốc lên đền, Bàn Thị Nga 29 tuổi ở xóm Mó Nẻ, xã Vầy Nưa bày bán cả cua, măng tươi và củ đinh lăng. Cua suối to gấp vài lần cua đồng, ngọ nguậy trong ống tre thút nút bằng lá chuối có khoét khe thông hơi. Một ống cua có gần chục con được bán 30.000 đồng. Nga kể, một ngày đi bắt cua, đào măng, một ngày bán.

Thay đổi cuộc sống từ thủy điện               

Chị Bàn Thị Yên ở cùng xóm với Nga năm nay gần 50 tuổi cũng đi đào măng, bắt cua mang bán. Chị bảo, bà con ở đây ít ruộng lắm, chỉ có tí nương trồng ngô, trồng sắn. Vì thế cả nhà phải trông chờ vào nguồn thu từ công việc bấp bênh dựa vào rừng núi này. Xóm Mó Nẻ ở bên kia núi chừng 9 – 10 cây số. Bà con sang đây bán hàng phải đi bộ cõng hàng rồi thuê đò qua hồ, từ 20.000 đ – 30.000 đ/lượt. “Mỗi lần gùi nặng khoảng 30 đến 40 cân, gùi sưng cả lưng ấy chứ” - chị Yên giãi bày. 

“Lò” nướng cá của chị Thuận và chị Trúc.

Từ khi có thủy điện, cuộc sống của người dân thay đổi nhiều. Chị Yên bảo, trước đây việc đi lại hầu hết là đi bộ, không có tàu thuyền. Ruộng của bà con ở dưới dòng nước này cả. Khi thủy điện Hòa Bình tích nước, con sông bỗng chốc trở thành một lòng hồ rộng lớn. Cá tôm cũng nhiều lên, vùng này có thêm một loại hình giao thông mới thuận lợi hơn là giao thông thủy.

Nhiều năm nay, chị Lý Thị Thuận người Dao và chị Đinh Thị Trúc, người Mường ở xóm Bờ, xã Vầy Nưa đều bám vào lòng hồ kiếm tôm cá. Cả hai đều đi thả lưới bắt cá từ 3-4h chiều, chừng 2 tiếng là xong, rồi đến 4h sáng đi nhấc lưới. Cá tươi được mang về chân đền, xiên que nướng bán. Chị Thuận bảo, 2 chị chung “lò” nướng cá. Gọi là “lò” cho oai chứ thực ra họ khoét một góc nhỏ bên sườn núi cho bằng phẳng rồi dựng mấy thanh tre nứa làm chỗ dựa cho xiên cá, dùng củi nướng… Mùi cá nướng theo kiểu dân dã thơm lừng cả một vùng.

Cuộc sống dựa vào núi rừng, sông nước của bà con người Mường, người Dao giữa lòng hồ thủy điện Hòa Bình khá vất vả. Khách đến rồi đi. Khách ào ạt đến từ sau Tết Nguyên đán cho đến tháng 3 âm lịch, rồi thưa thớt hơn. Dù đông khách hay vắng khách, người dân bản địa cũng vẫn duy trì đều đặn nếp sống vốn có, chăm chỉ chịu khó và mong chờ một sự đổi thay cho cuộc sống trong tương lai.

Nhiều phụ nữ dân tộc Mường, Dao bán hàng dưới chân đền Thác Bờ.
Việt Hà
.
.
.