Vào Đảng để trả ơn đời

Thứ Sáu, 13/02/2009, 16:06

Gặp người đảng viên tuổi trung niên có dáng người mảnh khảnh, gương mặt từng trải ấy, ít ai nghĩ đây từng là một đối tượng giang hồ cộm cán, vào tù ra tội khét tiếng ở vùng quê bán sơn địa của Thanh Hóa. Giờ đây, ở huyện Như Thanh, người ta chỉ biết Trương Ngọc Hải là người xây dựng mô hình kinh tế vườn đồi, trang trại giỏi, dường như đã quên đi quá khứ lầm lỗi của anh.

Tại một trang trại mướt bóng cây xanh ở thôn Cầu Đất, xã Hải Long, huyện Như Thanh (Thanh Hóa), câu chuyện về làm kinh tế hộ gia đình đang rôm rả, bỗng chùng xuống khi khách hỏi chuyện chủ nhà về con đường đi đến thành công. Dường như chủ nhà cũng ngại ngùng khi nhắc về quá khứ của mình.

Sau dăm ba lần nhấp chén trà đã nhạt, anh Trương Ngọc Hải nói: "Thời trẻ, tôi từng là một tay giang hồ cộm cán, với biệt danh "Hải cụt". Khi hết nghĩa vụ ba năm ở một đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Biên phòng, tôi xuất ngũ về địa phương. Cũng như nhiều người dân của thôn Cầu Đất bấy giờ, cuộc sống của tôi gặp muôn vàn khó khăn để đủ cơm ăn áo mặc. Nhưng tôi không may mắn như đại đa số bà con, khi có nhiều thành phần giang hồ tìm đến giao du. Sau những bữa rượu tưng bừng rồi cùng "thề sống chết có nhau", chúng tôi bàn chuyện cùng "làm ăn" trên mảnh đất nghèo này. Rồi chúng tôi vào rừng đốn hạ gỗ, buôn bán lâm sản, đại loại là một tên lâm tặc có tiếng trên địa bàn.

Tháng 11/1991, TAND huyện Như Xuân (cũ, nay tách thành hai huyện Như Thanh và Như Xuân) đã tuyên phạt tôi 15 tháng tù giam vì tội gây thương tích cho người khác. Tôi khóc rất nhiều. Chân tôi bước không nổi. Cha mẹ già còm cõi. Hai đứa con thơ dại, đứa lớn 4 tuổi, đứa nhỏ mới hơn một tháng tuổi. Người vợ nặng 34kg quanh năm đau ốm của tôi phải nhập viện vì bệnh chảy máu dạ dày đúng trong ngày tôi mặc áo phạm nhân. Không biết bao nhiêu đêm tôi thức trắng, hai hàng nước mắt ướt đẫm vành tai. Ân hận vì những lầm lỗi của bản thân mình, thương vợ, thương con, thương cha, thương mẹ. Tôi bị bắt giam, người dân thôn Cầu Đất coi là chuyện may mắn, nhưng ai cũng xót xa ái ngại cho gia quyến của tôi".

Trương Ngọc Hải gạt nước mắt, cố gắng lao động cải tạo, chấp hành án kỷ luật trong trại tốt, mong sớm đến ngày trở về với gia đình mà làm lại cuộc đời. Chị Nguyễn Thị Hạnh, vợ anh, khi đó đang là giáo viên của lớp mầm non ở thôn Cầu Đất, thỉnh thoảng lại đạp xe đến trại xin thăm chồng. Chị bảo: "Có nhiều hôm vào trại về, khuôn mặt và những giọt nước mắt cố giấu đi của anh ấy khiến tôi giận và thương lẫn lộn, trời mưa như trút nước mà tôi cứ lầm lũi đạp xe như tự đày đọa mình. Rồi anh Hải cũng trở về, trong ngày Tết năm 1993".

"Cha mẹ, rồi vợ tôi hết sức khuyên nhủ, giúp tôi xoá bỏ mặc cảm bi quan để làm lại cuộc đời. Lãnh đạo địa phương, các đoàn thể cũng rất quan tâm mong tôi thành người tốt. Bước ngoặt lớn nhất trong con đường hoàn lương của tôi có lẽ là từ năm 1996, thông qua người thân và Hội Cựu chiến binh xã, tôi được ngân hàng cho vay 3 triệu đồng. Tôi nhận quả đồi hoang hóa để phát triển kinh tế trang trại có thu nhập hàng chục triệu đồng một năm như bây giờ" - anh Hải tâm sự.

Bên cạnh những năng khiếu bẩm sinh về việc kẻ, vẽ chữ, khẩu hiệu, anh Hải còn viết kịch bản các tiểu phẩm để cùng tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương. "Năm 2000, khi được UBND xã mời làm cán bộ chuyên trách văn hoá với mức phụ cấp 100.000 đồng/tháng, tôi mừng phát khóc vì một người có quá khứ lầm lỗi như tôi vẫn được bà con và chính quyền tin tưởng. Tôi làm hết sức mình để trả cái ơn ấy, nên đến năm 2003, tôi lại trúng cử chức Trưởng thôn Cầu Đất".

Trong thời gian làm trưởng thôn, anh đã vận động nhân dân xây dựng nhà văn hóa, đường giao thông, xây dựng nếp sống văn hoá ở thôn xóm, tuyên truyền, vận động bà con xóa đói, giảm nghèo. Được sự rèn luyện, theo dõi, giúp đỡ của Chi hội Nông dân thôn Cầu Đất, tháng 11/2006, anh Hải chính thức được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam.

"Càng được bà con tin tưởng, tôi càng phải nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Hy vọng, bằng những kết quả có được từ lao động của mình, tôi sẽ càng được bà con tin yêu hơn. Và tôi sẽ chuộc được những lỗi lầm của quá khứ đối với vùng quê này" - anh Trương Ngọc Hải tâm sự

Gia Linh
.
.
.